Nữ diễn viên múa ba lê Ashley Tuttle: Các tác phẩm cổ điển khắc họa bản tính con người
Nữ diễn viên ballet và nghệ sĩ múa được đề cử Giải Tony, Ashley Tuttle chia sẻ, “Vẻ đẹp trong nghệ thuật đến từ cảm xúc chân thật của con người, một phẩm chất thường thấy trong các tác phẩm cổ điển.” Cô muốn chúng ta xem xét lại tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật múa ballet truyền thống.
Cô Tuttle gia nhập Nhà hát Ballet Hoa Kỳ theo lời mời của Mikhail Baryshnikov khi cô mới 16 tuổi và sau đó đã làm việc cho công ty này 17 năm. Cô trở thành nghệ sĩ múa chính và xuất hiện trong các vai diễn như Juliet trong vở “Romeo và Juliet” của Sir Kenneth MacMillan, Aurora trong vở “Người đẹp ngủ trong rừng,” Odette/ Odile trong vở “Hồ thiên nga” của Kevin McKenzie, vai chính trong “Giselle” cùng nhiều vai khác.
Giờ đây, Tuttle là giáo viên dạy múa, cô coi múa ba lê cổ điển, giống như tất cả các môn nghệ thuật cổ điển, là một nỗ lực để đạt đến một sự biểu đạt trung thực.
“Ballet đang mất dần vẻ đẹp và tính chân thực.”
Vẻ đẹp chân thực trên sân khấu là quá trình loại bỏ những gì không cần thiết, cô nói: “Cách tốt nhất tôi có thể mô tả những thứ đó là, nó giống như khi bạn một chiếc áo khoác mùa đông dày cộp: Bạn cảm thấy nặng nề và bị che lấp. Một cái gì đó đã được thêm vào chính bạn. … Một nghệ sĩ múa hay một điệu múa trong sáng và chân thực, đó là khi họ không mặc chiếc áo khoác đó. Không cần động tác hoặc kiểu cách dư thừa nào, đơn giản là vũ đạo hoặc nghệ sĩ múa tự nói lên điều cần truyền đạt”.
Một ví dụ nhỏ về “vẻ đẹp chân thực,” theo cô là cảnh “Bốn thiên nga nhỏ” trong Màn 2 của vở “Hồ thiên nga”.
Bởi vì vũ đạo này yêu cầu một màn trình diễn đồng nhất, phong cách cá nhân hoặc phong cách riêng của các nghệ sĩ múa phải được bỏ qua nhằm mang lại một vẻ đẹp thuần khiết cho tác phẩm.
Quá trình đào tạo nghiêm túc và bài bản
Trong múa ballet, cách tốt nhất để có được cảm xúc chân thực là nắm vững kỹ thuật, điều này đòi hỏi nhiều năm đào tạo để có được sự thuần thục.
Phương pháp Vaganova, ngày nay vẫn được giảng dạy, là một hệ thống của Nga dựa trên chủ nghĩa lãng mạn Pháp và chủ nghĩa thể thao Ý, yêu cầu các nghệ sĩ múa phải vượt qua bài kiểm tra trình diễn ở từng cấp độ để được tiếp tục học lên cao.
Quá trình đào tạo nghiêm ngặt này không còn phổ biến như trước đây nữa. Đạo đức nghề nghiệp cũng không còn như trước đây, do những thay đổi trong cả ballet nói riêng và văn hóa nói chung, Tuttle suy ngẫm.
Trong quá khứ, “mọi người trở nên nổi tiếng vì họ xuất sắc trong chuyên môn của họ. Bây giờ nhiều người nổi tiếng, như Kardashians, là khi họ có quan hệ công chúng tốt hơn,” cô nói.
Tương tự như vậy, một số nghệ sĩ múa ngày nay thiếu sự tận tâm với nghệ thuật và không có khả năng cống hiến một cách vị tha như họ đã từng.
Ví dụ, một yếu tố truyền thống của múa ba lê là corps de ballet (tạm dịch: nhóm múa ballet phụ họa), về cơ bản như là một dàn hợp xướng đồng bộ làm nền cho các nghệ sĩ độc tấu. Những nghệ sĩ múa này thực hiện rất nhiều động tác, đặc biệt là nam giới, họ tạo thành khung nền cho vai diễn ở trung tâm sân khấu.
Ngày nay, corps de ballet ít nhiều được coi là bước đệm để trở thành ngôi sao. Tuttle hiểu rằng các nghệ sĩ múa muốn múa hơn là đứng và tạo dáng, và ai cũng muốn phát triển như một nghệ sĩ múa chính. Tuy nhiên, đã đứng trong corps được 5 năm, cô thật sự tôn trọng toàn bộ phần diễn đó. Đó không chỉ là phông nền, “nó làm tăng thêm vẻ đẹp của bức tranh đang được phác họa,” cô nói.
Cô tin rằng một số nghệ sĩ múa muốn bỏ qua bước này hoặc coi nhẹ giá trị của nó. Nhưng “một corps de ballet đẹp, diễn tốt cũng là một ngôi sao”. Đó là một khía cạnh không thể thiếu của tổng thể.
Đối với Tuttle, không phân biệt vai trò của nghệ sĩ múa là gì, nếu họ không cố gắng hết sức mình thì có thể coi như họ không tôn trọng nghệ thuật.
Một khía cạnh khác đang dần khiến múa ballet truyền thống xói mòn là mất đi tính trau chuốt.
Ngày nay, các khía cạnh quan trọng của đào tạo múa ballet ít được chú ý hơn. Épaulment là một thuật ngữ trong múa ballet cổ điển (nghĩa là “tạo dáng cho vai”) mô tả vị trí vai hoặc đầu của nghệ sĩ múa so với nửa dưới của cơ thể, Tuttle giải thích.
Épaulment giúp định hình múa ballet cổ điển, mang lại cho các nghệ sĩ múa một cái nhìn hoàn thiện mượt mà. “Loại bỏ nó đi cũng giống như một chiếc bánh sinh nhật không có nến,” cô nói.
Thay thế cho sự trau chuốt là tính thể thao ngày càng tăng trong múa ballet. Tiêu chuẩn chung về kỹ thuật của nghệ sĩ múa được cải thiện nhiều. Trước đây một nghệ sĩ múa thực hiện 1 vòng xoay tròn trên đầu ngón chân, thì bây giờ cô ấy có thể được yêu cầu thực hiện 10 vòng.
Có lẽ chịu trách nhiệm cho việc tăng thêm yếu tố thể thao vào là các trường nghệ thuật biểu diễn trên toàn thế giới. Họ tổ chức các cuộc thi để trao học bổng. Rõ ràng, việc trao học bổng cho sinh viên múa là điều đáng khen ngợi, thậm chí là cần thiết. Cơ hội để các nghệ sĩ múa xem các nghệ sĩ múa khác biểu diễn là vô giá, và các nghệ sĩ múa không e sợ thể hiện những kỹ thuật thật đáng ngưỡng mộ.
Nhưng từ khi các yếu tố kỹ thuật của ballet dễ đánh giá hơn so với yếu tố nghệ thuật vốn mang tính chủ quan, những người cạnh tranh cố gắng vượt trội nhau về mặt kỹ thuật. Do đó, múa ballet ngày càng nhấn mạnh tính giải trí hơn là tính nghệ thuật và sự trau chuốt.
Tuttle e ngại rằng múa ballet đang mất đi vẻ đẹp và sự thể hiện chân thực những điều tinh túy.
Những vở Ballet cũ xưa
Ngoài những thay đổi về mặt kỹ thuật, các vở ballet cũ xưa ngày nay ít được biểu diễn hơn. Tuttle nói rằng nhiều người trẻ thích trình diễn những tác phẩm “mới mẻ và sắc sảo” hơn là những tác phẩm mà họ cho là lỗi thời.
Nhưng không nên bỏ qua các tác phẩm truyền thống. Các vở ballet như “Giselle,” được biên đạo lần đầu vào năm 1841, vẫn có thể có liên quan đến chủ đề ngày nay. Tác phẩm này tôn vinh sức mạnh của tình yêu.
Giselle là một cô gái thôn quê, cô không biết thân phận quý tộc của người yêu mình, cô yêu anh ta và qua đời với một trái tim tan vỡ khi biết anh ta đã hứa hôn với người con gái khác. Trong Màn 2, một nhóm các linh hồn nữ ác độc, vì muốn báo thù những người đàn ông đã phản bội họ, đã khiến những người đàn ông phải nhảy theo họ cho đến chết. Họ nhắm đến người yêu của Giselle, nhưng cuối cùng tình yêu vĩ đại của cô đã chế ngự được lòng thù hận của họ và giải cứu anh ta khỏi cái chết.
Giselle là một trong những vai diễn yêu thích của Tuttle vì nhân vật này là hiện thân cho sự duyên dáng và chân thực.
“Thật tuyệt vời khi khắc họa sự chân thực của nhân vật này. Nhưng để làm được điều đó, người ta phải sẵn sàng bộc lộ cảm xúc. Vũ đạo và các bước nhảy phải dứt khoát và ngay thẳng; Tôi nghĩ điều đó giúp tôi thể hiện cô ấy là ai. Âm nhạc trong vở ballet này rất tự nhiên và bạn sẽ không thấy mình phải vật lộn trong bất kỳ tình huống mà âm nhạc và vũ điệu đối kháng nhau.”
Tâm điểm của vở diễn là cảnh điên dại nổi tiếng – khoảnh khắc khi Giselle phát hiện ra mình bị phản bội.
“Những vở ballet cũ xưa cho chúng ta cái nhìn sơ lược về những gì là bản tính của con người.”
“Cần có bản lĩnh để thể hiện điều này một cách toàn tâm toàn ý,” Tuttle giải thích. “Bạn không thể cố ý thực hiện hoặc giả vờ thực hiện. Cảnh giới chân thật trong thời khắc này trên sân khấu có thể cho thấy vẻ đẹp của thân phận con người”.
“Tất cả chúng ta đều dễ bị tổn thương. Trở thành một phần của cảnh diễn này hay quan sát cảnh này trong vở ballet thật sự rất cảm động. Tuy không phải lúc nào cũng ‘hiền hòa’, nhưng những gì đẹp đẽ vẫn đang hiện hữu”.
“Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được đảm nhận vai diễn này. Giselle giúp tôi học cách không giấu giếm bản thân. Tôi vốn dĩ rất nhút nhát, nhưng việc bộc lộ bản thân trên sân khấu khiến tôi cởi mở hơn trong cuộc sống thực của mình. … Vẻ đẹp của nghệ thuật giúp chúng ta trở thành những con người đẹp đẽ hơn”.
Những vở ballet cũ xưa cho chúng ta cái nhìn sơ lược về những gì là bản tính của con người. Nếu nghệ thuật xuất phát từ mục đích ngay chính, thể hiện chân thực bằng sự trinh bạch và tình yêu, thì nghệ thuật ấy nên được khích lệ hơn là bị từ bỏ.
Trong loạt bài “Cổ điển: Nhìn về quá khứ, hướng tới tương lai” của chúng tôi, các nghệ thuật gia cổ điển cho biết lý do tại sao họ nghĩ rằng các văn bản, hình thức và phương pháp của các tác phẩm cổ điển đáng được lưu giữ và tại sao họ tiếp tục nhìn về quá khứ, vì quá khứ truyền cảm hứng và chuyện trò với chúng ta.