Bình phẩm vở ballet “Kẹp Hạt Dẻ – The Nutcracker”
Vẻ đẹp duyên dáng và cuốn hút
Một kỳ nghỉ gia đình ngập tràn niềm vui không thể thiếu câu chuyện kinh điển The Nutcracker. Câu chuyện được kể hoàn toàn bằng vũ đạo ballet này do nhạc sĩ Peter Ilyich Tchaikovsky sáng tác và trình diễn lần đầu tiên năm 1892, biểu đạt tình yêu, lòng trung thành, những hiểm nguy và những điều kỳ diệu.
Vở diễn tuyệt vời này đã từng được Đoàn nghệ thuật Gelsey Kirkland Ballet trình diễn tại Trung tâm Schimmel Thành phố New York thuộc Đại học Pace.
Marie (do Dawn Gierling thủ vai) và bé Fritz (do Satoki Habuchi thủ vai), hai đứa trẻ sống tại một thị trấn nhỏ ở Đức, đang tận hưởng kỳ nghỉ Giáng sinh được tổ chức tại nhà, với sự góp mặt đông đủ của cả đại gia đình gồm ông bà, anh chị em họ, cô chú, cháu trai, cháu gái hai bên nội ngoại…
Người lớn thì trò chuyện một cách vui vẻ trong lúc mấy đứa nhỏ thì vô cùng hào hứng với những món quà: búp bê cho các bé gái, những chú lính đồ chơi cho các bé trai. Giữa buổi tiệc, ông Drosselmeyer, cha đỡ đầu của Marie và cũng là người làm đồ chơi trong làng, đã đến và tặng cho cả gia đình một chiếc đồng hồ khổng lồ, được hoàn thiện bằng ba mảnh ghép to bằng người thật. Ông cũng tặng cho Marie một chú lính chì kẹp hạt dẻ được chạm khắc thủ công.
Tuy nhiên Fritz lại ganh tỵ với món quà của Marie và đã giằng lấy khỏi cô bé, khiến cho một cánh tay của chú lính chì kẹp hạt dẻ bị gãy. Để cứu vãn sự tình, ông Drosselmeyer đã treo cánh tay gãy của chú lính chì lên bằng một sợi dây. Chú lính chì kẹp hạt dẻ sau đó đã nhận nhiệm vụ canh gác cho cây thông Noel khi buổi tiệc tàn và cả gia đình chìm vào giấc ngủ.
Quá nửa đêm, Marie đi thăm chú lính chì kẹp hạt dẻ và sửng sốt khi thấy quá nhiều chú chuột khổng lồ đang tiến vào trong ngôi nhà. Loài gặm nhấm này, dưới sự chỉ huy của Vua Chuột, đã đe doạ Marie và tất cả những người trong nhà cô bé.
Ngay tức thì, chú lính chì kẹp hạt dẻ đã đến bảo vệ Marie trong dáng hình to lớn như người thật, cánh tay gãy của chú đã lành lặn một cách thần kỳ. Nhanh chóng nhìn ra thế trận, chú đã triệu tập những chú lính đồ chơi khác đang say ngủ trong tủ, nơi mà họ được đặt vào chỉ trong vài giờ đồng hồ trước đó. Những chú lính, giờ đã lớn phỗng như người thật, nhanh chóng tham gia cuộc chiến, với sự hậu thuẫn của rất nhiều các cô nàng búp bê.
Cuối cùng, Vua Chuột đã tử trận và các tên tay sai của hắn cũng bị bắt, nhưng chú lính chì kẹp hạt dẻ đã phải trả giá bằng mạng sống của mình. Tuy thế, với sự thương tiếc vô ngần của Marie dành cho chú lính chì, tình yêu của cô đã biến chú lính chì trong diện mạo hiện tại thành một chàng hoàng tử khôi ngô tuấn tú. Marie đã cùng chàng Hoàng tử trở về vương quốc của chàng. Trong một sảnh đường rộng lớn rực rỡ ở nơi ấy, khi hai người đặt chân đến, Marie đã được đội lên đầu chiếc vương miện hoàng hậu.
Điểm đáng chú ý nhất của câu chuyện tuyệt vời này là toàn bộ câu chuyện – từ những màn chiến đấu được biên đạo đầy tinh tế cho đến cảnh của những bông tuyết trắng sống động – đã được kể lại mà tuyệt nhiên không có một lời nào. Mà thực sự thì chúng cũng không cần thiết.
Thậm chí với những ai chưa từng đọc qua câu chuyện trước đây hoặc cũng chẳng đọc qua tóm lược chương trình, họ vẫn có thể hiểu được mạch truyện dễ dàng bởi tất cả các sự kiện đều dần hé lộ trước mắt họ. Mọi thứ, từ những biểu cảm khác nhau của nhân vật cho đến toàn bộ cốt truyện đều có thể hiểu được một cách nhanh chóng.
Một trong những điều luôn luôn hấp dẫn là mỗi phân cảnh đều trông giống như một phần của toàn bộ hoạt cảnh. Hay là, để trông phù hợp với các mùa hơn, mỗi khoảnh khắc trên sân khấu đều có thể dễ dàng trở thành khu vực trưng bày của cửa hàng mùa lễ hội.
Từng cảnh đều tràn đầy các hành động và sắc thái, giống như một người đang xem một cỗ máy tuyệt vời đã được tra đủ dầu vậy. Tất cả những điều này đã đưa khán giả đến một thế giới kỳ diệu mỹ hảo. Cho dù là các chuyển động ngừng – giật đầy chủ ý của các nhân vật, ví như cảnh đồ chơi khi bắt đầu chuyển động, hay các chuyển động mượt mà đẹp mắt, ví như cảnh một nhóm thiên thần nhảy múa khi trao cho Marie chìa khóa đến vương quốc của Hoàng tử, tất cả đều được sắp xếp và biên đạo một cách hoàn hảo.
Một thành quả tuyệt vời của đạo diễn/biên đạo múa Michael Chernov trong việc biến tất cả những điều tuyệt vời này thành hiện thực. Câu chuyện và điệu múa tràn đầy năng lượng bằng bản nhạc khuấy động của Tchaikovsky.
Nghệ sĩ Almeida đã vào vai Hoàng tử một cách tài tình, khiến anh trở thành một nhân vật có khả năng lãnh đạo, với những điệu nhảy nhuần nhị và nghiêm trang xuyên suốt vở diễn. Nữ nghệ sĩ Gierling đã vào vai Marie thực sự tuyệt vời, diễn biến từ một cô bé ngại ngùng và lặng lẽ trở thành một thiếu nữ đĩnh đạc, xinh đẹp và tự tin, nhưng không khi nào đánh mất đi sự trầm trồ ngạc nhiên với những điều đang xảy ra.
Micov cũng hoàn thành tốt vai Drosselmeyer đầy bí ẩn, một người có lẽ biết về những điều sắp xảy ra nhiều hơn điều ông ấy nói. Charles Klepner trong vai một cậu bé trộm cảnh cũng khá nổi bật, và cả người trong vai đứa trẻ bé nhất buổi tiệc Giáng sinh, dũng cảm theo kịp những người họ hàng già dặn và cao lớn hơn cả mình.
Dẫn hướng của Chernov khá chắc chắn và sắc bén, khiến cho từng chút một của vở kịch được hoà điệu trôi chảy, và mang lại không bầu không khí lễ hội một cách chính xác. Những phân cảnh được bố trí tuyệt vời, đặc biệt là căn nhà của Marie, gợi cho chúng ta nhớ về một tấm thiệp Giáng sinh kiểu cũ.
Jeff Davis đã thiết kế ánh sáng rất tốt, và tất cả trang phục đều trông rất xinh đẹp, từ những bộ cánh trắng muốt của những bông tuyết rơi cho đến những trang phục phong phú sắc màu nhưng gọn gàng lịch thiệp của những người tham dự bữa tiệc Giáng sinh (trang phục được thực hiện bởi Jennifer Wood-Bonnell, Lynda Mead, Susan Sandford, Jetty Maika, và Naomi Morin; cùng với Michael Chernov trong vai trò bối cảnh phục trang và thiết kế phục trang).
Tuyệt đẹp từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, vở ballet Kẹp Hạt Dẻ xứng đáng là một món ăn tinh thần vượt thời gian.
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: