Bức tranh ‘La Mã suy bại’ của Thomas Couture: Một lời nhắc nhở về đức hạnh
Chạm vào nội tâm: Những gì nghệ thuật truyền thống mang đến cho trái tim
Nền văn minh phương Tây trở nên giàu có chóng vánh trong hơn 200 năm qua, tuy nhiên, những phẩm hạnh đạo đức có đang theo kịp với những tiến bộ về vật chất không?
Lịch sử xoay vần, đế chế thịnh vượng nào cũng đến thời suy bại. Không nằm ngoài quy luật, Đế chế La Mã, một trong những nền văn minh vĩ đại nhất được biết đến, cuối cùng cũng đã sụp đổ.
Và họa sĩ người Pháp sống vào thế kỷ 19 Thomas Couture có thể cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về sự sụp đổ của đế chế này qua bức tranh “La Mã suy bại”.
Sự lụi tàn của Đế chế La Mã
Các học giả cho rằng sự sụp đổ của Đế chế La Mã xuất phát từ nhiều nguyên nhân: bị xâm lược, lạm phát, nền chính trị mục nát, sự tiêu xài hoang phí, v.v.
Tuy nhiên, trong bức tranh của mình, họa sĩ Couture chỉ chú trọng đến một điều: chính là đức hạnh.
Về cuối triều đại, người La Mã càng ngày càng đắm chìm vào những hành vi dâm ô. Lối sống bừa bãi đã trở thành tiêu chuẩn, và các hoàng đế như Tiberius, Nero, Caligula, Elagabalus và Commodus mải miết không dừng với các hành vi tình dục không tiết chế.
Những thường dân La Mã cũng có đời sống quá ư buông thả. Lao động nô lệ gia tăng đồng nghĩa với việc người dân có ít công ăn việc làm hơn, và họ phải sống nhờ trợ cấp của nhà nước. Những người dân nhàn rỗi dễ rơi vào cảm giác buồn chán, khiến bất ổn và bạo loạn trong xã hội dễ nảy sinh.
Để giữ cho đám đông ngỗ ngược được giải trí và bị phân tâm, Đế chế bắt đầu tổ chức các trò chơi đấu sĩ tại Đấu Trường La Mã và Rạp Xiếc Maximus. Các trò chơi bao gồm các trận chiến sinh tử đầy thú tính. Giải trí càng cực điểm, đám đông càng phân tâm. Các trò tiêu khiển này tiêu tốn tới một phần ba tài sản của Đế chế.
Sự buông thả cũng xuất hiện trong các lễ hội tôn giáo như Bacchanalia, đó là lễ hội của thần rượu say xỉn Bacchus. Những lễ hội này bao gồm các cuộc hiến tế đẫm máu, quan hệ tình dục bừa bãi và các hành vi dâm ô khác.
Bức tranh ‘La Mã suy bại’
Có lẽ họa sĩ Couture vẽ về lễ hội Bacchanalia. Có hơn 30 người tham gia lễ hội. Khung cảnh hoang tàn, và những dáng người uể oải nằm ườn xuyên suốt bức tranh. Một số có hành vi thân mật trong khi những người khác rượt đuổi bỡn cợt nhau, một số cùng uống rượu và những người khác say xỉn.
Tuy nhiên, bức tranh của Couture không phải để tán dương những người dự tiệc. Lấy cảm hứng từ những dòng chữ của nhà thơ La Mã Juvenal “Gánh nặng đổ lên Đế chế La Mã xuất phát từ tàn bạo và hoang phí hơn cả một cuộc chiến và báo ứng từ những thế giới bị La Mã chinh phục,” họa sĩ Couture chỉ trích sự suy đồi của Đế chế La Mã và sự sụp đổ không thể tránh khỏi từ vinh quang trước đó.
Theo Couture, Đế chế La Mã trở nên suy bại vì đã nới lỏng các tiêu chuẩn đạo đức của mình. Người phụ nữ mặc váy trắng ở giữa bố cục nhìn vào người xem và thu hút sự chú ý. Hình ảnh phụ nữ vận y phục trắng thường tượng trưng cho sự thuần khiết và đức hạnh. Tuy nhiên, ở đây, cô lại đang nằm ngả ngớn như trong một cơn say. Người đàn ông phía sau đặt tay lên bờ vai trần của cô. Phía sau cô, một người phụ nữ đang bỏ thứ gì đó vào ly đồ uống mà người đàn ông đang cầm trong tay.
Chúng ta có thể đoán rằng người đàn ông sắp đánh thuốc người phụ nữ áo trắng và xâm phạm cô ấy. Người phụ nữ này, vốn dĩ đại diện cho đức hạnh và thuần khiết, nhưng trạng thái buông thả của cô đã cho phép những trò hề xung quanh diễn ra một cách hiển nhiên.
Sự kịch tính của khung cảnh khiến đôi mắt của chúng ta không ngừng quan sát. Tuy nhiên, vẻ ngoài nghiêm nghị và điềm tĩnh của các bức tượng, rất có thể là của các nhà lãnh đạo và tướng lĩnh quân sự vĩ đại của La Mã, trái ngược với vở kịch bên dưới. Bất kể nhìn vào góc nào của bố cục, chúng ta cũng nhận thấy những bức tượng cổ xưa như đang nhìn xuống những người tham gia lễ hội, như thể đang phán xét sự buông thả của đám người này.
Một số người dự tiệc có vẻ như đang chế nhạo các bức tượng: Một người đứng quay lưng về phía chúng ta và nâng ly chúc mừng bức tượng ở phía sau; ở phía ngoài cùng bên phải của bố cục, một người khác đã trèo lên một bức tượng và mời một thức uống từ chiếc cốc của mình. Những hành động này không phải là biểu hiện của ngưỡng mộ mà là tự cao tự đại.
Phía dưới của bố cục, giữa những trò tiêu khiển điên cuồng của nhóm người, một chiếc bình bị lật úp vương vãi trái cây và hoa lá nhắc nhở chúng ta rằng đây là một bức tranh “phù phiếm” (vanitas). Phong cách vẽ tranh này thường bao gồm các đồ vật nơi tục thế như nến tàn, rượu đổ và một vài chiếc đầu lâu. Couture đang cố gắng nhắc nhở chúng ta về mối nguy hiểm của phù phiếm, rằng những thú vui này chỉ là ngắn hạn, và tốt hơn chúng ta nên sống theo các quy phạm đạo đức.
Ngoài những bức tượng, hai triết gia ở bên phải của bố cục dường như cũng đang đánh giá những người trong cuộc vui. Thực tế là họ mặc trang phục kín đáo tách biệt với hầu hết các nhân vật khác. Đại diện cho lý tính và tư duy phản biện giữa những hành động bất lý trí, họ nhìn sự kiện đang diễn ra với vẻ coi thường.
Thực hành đạo đức
Chúng ta thường nghe nói rằng lịch sử sẽ tái diễn với những ai không am tường về nó. Bức tranh của Couture cho chúng ta cái nhìn trực quan về sự vô luân từng diễn ra trong lịch sử. Ông vẽ bức tranh này để cảnh báo xã hội Pháp thế kỷ 19 về sự nguy hiểm của buông thả bản thân; và ở đây, ngày nay, bức tranh cũng đang nói điều tương tự với chúng ta.
Tôi nghĩ bức tranh có thể như một lời nhắc nhở rằng chúng ta sẽ càng ngày càng thành thục, và do đó chúng ta nên bảo đảm rằng chúng ta đang thực hành những điều chân chính.
Vậy chúng ta nên thực hành những điều gì? Bacchanalia là một lễ hội phi lý trí, cuồng nhiệt cảm xúc và buông thả hành vi. Họa sĩ Couture hy vọng chúng ta sẽ thực hiện điều ngược lại.
Các triết gia ở phía bên phải của bố cục tượng trưng cho việc thực hành tư duy lý trí và tư duy phản biện, chiêm nghiệm những chân lý sâu sắc, trong khi những bức tượng khắc kỷ xung quanh các nhân vật tượng trưng cho sức mạnh và sự tự chủ. Vậy chúng ta có nên rèn luyện tư duy phản biện, câu thúc bản thân và tìm kiếm chân lý không?
Các yếu tố phù phiếm ở phần dưới bố cục cho thấy rằng chúng ta đã lãng phí quá nhiều thời gian để theo đuổi lợi ích vật chất hoặc những thú vui phù du. Thay vào đó, chúng ta nên nhận ra rằng thời gian của chúng ta rất hữu hạn, chúng ta nên sống có đạo đức, bởi vì buông thả có thể dẫn đến kết thúc tất cả huy hoàng.
Các tác phẩm nghệ thuật truyền thống thường dung chứa những hình mẫu tâm linh và có nhiều ý nghĩa biểu tượng có thể bị thất lạc trong tư tưởng hiện đại của chúng ta. Trong loạt bài “Chạm đến nội tâm: Những điều nghệ thuật truyền thống mang lại cho trái tim” chúng tôi diễn giải nghệ thuật thị giác theo những cách sâu xa hơn về mặt đạo đức. Chúng tôi không giả định đưa ra câu trả lời tuyệt đối cho những câu hỏi mà các thế hệ đã phải trăn trở, nhưng hy vọng rằng những câu hỏi của chúng tôi sẽ truyền cảm hứng cho một hành trình hướng tới việc trở thành con người chân chính, nhân ái và can đảm hơn.
Phương Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times