‘Bính âm Hán ngữ’ hay ‘Phù hiệu Chú âm’? Chàng trai Phi Châu tiết lộ cách học tốt tiếng Trung (P.2)
Đối với người nước ngoài, học tiếng Trung và sử dụng Hán ngữ Bính âm dường như là một điều tự nhiên, nhưng đối với A Tụ, việc học các Phù hiệu Chú âm lại mang một ý vị khác.
A Tụ đến từ đất nước Malawi của Phi Châu, với một mái đầu tóc xoăn dài, ấp ủ ước mơ trở thành ca sĩ hip-hop, 5 năm trước anh đã đến Đài Loan để theo học tiếng Trung tại Đại học Sư phạm.
Trên thực tế, A Tụ đã học tiếng Trung từ khi còn học tiểu học ở đất nước Malawi. Vào thời điểm đó, giáo viên người Đài Loan đã dạy anh, người giáo viên đã sử dụng các Phù hiệu Chú âm (Zhuyin) và chữ Chính thể (Phồn thể) của Trung Quốc để giảng dạy. Sau đó đến thời Trung học phổ thông thì chuyển sang giáo viên Trung Quốc Đại lục dạy học, và người giáo viên này sử dụng Hán ngữ Bính âm (Pinyin) và chữ Hán giản thể để giảng dạy. A Tụ cũng đã đến Đại Liên của Trung Quốc để học tiếng Trung. Anh đã trải nghiệm qua các phương pháp giảng dạy của các giáo viên ở hai bên eo biển Đài Loan – Đại lục, vậy nên những chữ Chính thể, chữ Giản thể, Phù hiệu Chú âm hay Hán ngữ Bính âm đều không làm khó được anh.
Nhiều người tò mò, cách dạy học giữa hai bờ eo biển Đài Loan – Đại Lục có gì khác nhau? Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với Thời báo Epoch Times, A Tụ đã chia sẻ 4 phát hiện lớn để việc học tốt tiếng Trung:
Tiếp theo Phần 1: ‘Bính âm Hán ngữ’ hay ‘Phù hiệu Chú âm’? Chàng trai Phi Châu tiết lộ cách học tốt tiếng Trung
3. Chữ Chính thể và chữ Giản thể
“Nếu bạn khi mới đầu chọn học chữ Giản thể, về sau nếu học chữ Chính thể thì bạn sẽ gặp chút khó khăn về đọc hiểu”. Đối với A Tụ, anh cảm thấy chữ Giản thể nét bút có thể ít hơn, khi viết có lẽ dễ hơn đôi chút ,nhưng mà chữ Chính thể mới có nội hàm. Ví dụ chữ “ái 愛” (yêu) trong chữ Chính thể là “yêu” có “tâm 心”, ngược lại chữ “ái 爱” (yêu) trong chữ Giản thể thì yêu không có “tâm 心”, như vậy nó không còn ý nghĩa nữa rồi.
Phạm vi sử dụng của chữ Chính thể?
A Tụ kể lại rằng khi anh còn nhỏ, thời đó Nam Phi có mối quan hệ tương đối tốt với Đài Loan, nhiều người Đài Loan nhập cư vào đây, và nhiều trường học sử dụng chữ Chính thể. Anh nói rằng Đài Loan đã giúp đỡ đất nước Malawi rất nhiều trong lĩnh vực y tế và nông nghiệp, đặc biệt là những cống hiến trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thị trường chữ Chính thể lớn hay nhỏ? A Tụ quan sát thấy rằng khi đó các trường học dạy tiếng Trung cho người nước ngoài, và người Mỹ học tiếng Trung tương đối nhiều. Người Mỹ khi học tiếng Trung thì có những người chọn học chữ Giản thể, cũng có người chọn học chữ Chính thể. Điều này phụ thuộc vào tài liệu giảng dạy của trường học đó. Và thời đó “chữ Chính thể được sử dụng rộng rãi hơn tôi tưởng.”
Từ kinh nghiệm học tiếng Trung ở cả hai bờ eo biển Đài Loan – Đại lục, A Tụ cảm thấy lợi thế lớn nhất là anh đã học được cả tiếng Trung của Đại lục và của Đài Loan. Cách dùng từ ở Đại lục và Đài Loan có chút khác nhau, và ngay cả cách phiên dịch tên quốc gia ra tiếng Trung cũng khác nhau. Ví dụ, Nigeria ở Đài Loan dịch thành “Nại cập lợi á 奈及利亞”, nhưng ở Đại lục thì được dịch thành “Ni nhật lợi á 尼日利亞”.
Anh nói, “Tôi cảm thấy cách dùng từ, dùng câu trong tiếng Trung của Đài Loan nghe có vẻ thuận tai và tự nhiên hơn.”
“Chữ Chính thể” là “chữ Phồn thể”?
Một số người nói rằng “chữ Chính thể” là “chữ Phồn thể”, thuật ngữ này có chính xác không? Theo Chính sách về chữ Chính thể của Cục giáo dục chính quyền thành phố Đài Bắc, chữ Chính thể là kế thừa và sử dụng chữ viết chính thống của tổ tiên, không có thêm nét bút nào, làm sao có thể gọi nó thành thuật ngữ “chữ Phồn thể” được? Và ở trong “Phương án giản hóa chữ Hán” vào năm 1956, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đã giản thể hóa các chữ Hán của Trung Quốc, vì vậy nó nên gọi chính xác các chữ Hán đã qua giản hóa đó bằng thuật ngữ là “chữ Giản hóa” (簡化字), chứ không phải là thuật ngữ “chữ giản thể” (簡體字).
“Chữ giản thể” (簡體字) đa số đến từ sự hình thành tự nhiên của những người viết chữ được sử dụng từ thời xưa cho đến nay, và vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 24 (tức năm 1935), Bộ Giáo dục đã công bố 324 chữ giản thể. Và những chữ đó gọi là chữ giản thể (tức là chữ viết ít nét bút lại so với chữ Chính thể). Nói chung, “chữ Giản hóa” là những chữ do Chính quyền Trung Cộng “cưỡng ép giản hóa đi, mang một hình thể bịa đặt mới”.
Chính thể và Giản hóa, chữ nào dễ nhớ hơn?
Chữ Chính thể tuyệt đại đa số đều được cấu tạo theo nguyên tắc Lục thư, rất tiện lợi cho việc giải đoán chữ. Ví dụ, chữ “tiêm” (尖) là một chữ theo cấu tạo chữ Hội ý, một đầu là to và đầu kia là nhỏ, vì vậy nó có nghĩa là “nhọn, mũi nhọn”. Ưu điểm của chữ Chính thể là “hình dạng chữ” và “ý nghĩa của chữ” được lồng vào nhau, được liên kết chặt chẽ với nhau, và các chữ được cấu tạo bởi nguyên tắc Tượng hình, Chỉ sự và Hội ý đều sử dụng “hình dạng chữ” để phân biệt “ý nghĩa của chữ”. Ví dụ các chữ thuộc bộ “Mộc”(木) thì đều mang ý nghĩa liên quan đến (木) “mộc” (cây cối, gỗ v.v…).
Trong giảng dạy, khi dạy chữ Chính thể thì thông thường có thể kể câu chuyện kèm theo, như thế rất thuận lợi cho việc giảng dạy. Ví dụ, chữ 東 “đông” (phía đông) là “bộ Mộc lồng trong bộ Nhật”, và nó bị giản hóa thành hình dạng chữ 东 “đông” như thế này là không thể giải thích được hình dạng chữ có liên quan đến ý nghĩa của chữ.
Còn có nhiều ví dụ tương tự nữa, ví dụ: bộ phận phía trên của chữ 兒 “Nhi” (trẻ em) tượng trưng cho hộp sọ của trẻ chưa đóng, hiển thị trạng thái nửa mở (sọ não đang phát triển). Còn chữ giản hóa được viết là 儿 “Nhi”, nhìn hình dạng chữ trở thành (chữ Nhi vô đầu) một đứa trẻ không có đầu. Chữ 樂 “Nhạc” là chữ được cấu tạo bằng nguyên tắc Giả tá (mượn chữ có sẵn để mang ý nghĩa mới), chữ này vốn có ý nghĩa là nhạc cụ thời cổ đại, cũng mang nghĩa là âm nhạc, nhưng khi bị giản hóa đi thì viết thành 乐 “Nhạc”, nhìn hình dáng chữ khó để giải thích ý nghĩa của chữ, chỉ thấy nó giống giống chữ 牙 “nha” (nghĩa là cái răng).
Liên quan đến việc phân biệt ý nghĩa, các chữ Giản hóa đã bỏ bớt nét bút đi, và chúng ta đều thấy cấu tạo chữ thì rất giống nhau, rất khó phân biệt. Ví dụ: chữ 雞 “Kê” (gà) được giản hoá và viết thành 鸡; chữ 漢“Hán” được giản hóa và viết thành 汉, và chữ 僅 “Cẩn” được giản hóa và viết thành 仅. Phía bên phải của ba chữ “雞、漢、僅” (kê, hán, cẩn) là không giống nhau .Nhưng Sau khi bị giản hóa, tất cả chúng được thay thế bằng bộ “hựu” (又), nguyên ban đầu là khác nhau giờ đều thành giống nhau. Do đó, về mặt nhận dạng chữ, các chữ Chính thể dễ dàng nhận biết hơn so với chữ đã Giản hóa.
Từ sự so sánh giữa chữ Chính thể và chữ Giản hóa (giản thể) này, chúng ta có thể thấy được rằng các chữ Giản hóa không có tính logic và tính quy tắc, điều này làm cho các chữ Giản hóa trở nên khó lý giải và không dễ ghi nhớ. Càng nghiêm trọng hơn là nó sẽ khiến việc nghiên cứu và kế thừa nền văn hóa vốn có của Hoa Hạ (Trung Hoa) đối mặt với việc bị đứt gãy. Bởi vì chữ Hán Chính thể cũng là tải thể truyền thừa của văn hóa, các sách cổ hiện có đều được in ấn bằng chữ Hán Chính thể, vì vậy học chữ Hán Chính thể sẽ giúp ích cho việc đọc hiểu sách cổ.
4. Môi trường và đam mê
Khi bạn đến một đất nước khác và buộc bản thân phải nói tiếng Trung, một môi trường thân thiện là rất quan trọng. A Tụ ở trong ký túc xá bốn năm, mỗi ngày học tiếng Trung với bạn bè, và còn được nghe các bạn học nói tiếng Đài Loan.
Sự thân thiện và ấm áp của người Đài Loan là chất keo níu giữ A Tụ. Có một lần khi anh bước ra khỏi ga tàu điện ngầm và gặp lúc trời đang mưa, một cô gái phía đối diện từ từ đi đến và đưa cho anh một chiếc ô, lúc đó khiến anh vô cùng ngạc nhiên và xúc động. Để giúp A Tụ thực hiện ước mơ của mình, một số fan hâm mộ đã âm thầm gửi đến trường một cây đàn guitar tặng cho anh, và anh đã rất biết ơn vì điều đó.
Nhiều người hỏi A Tụ, tại sao anh nói tiếng Trung tốt như vậy? Lúc đầu, A Tụ đều nói rằng: “Bởi vì tôi đã ở Đài Loan lâu rồi.” Nhưng sau đó anh phát hiện ra rằng thật sự không phải như vậy, bởi vì có một số người bạn đã sống ở Đài Loan hơn 20 năm vẫn nói tiếng Trung giống như thời đi học mà chẳng tiến bộ gì, nói vẫn không lưu loát. Vì vậy, anh cảm thấy lý do quan trọng nhất chính là “Đam mê”, “Nếu không có đam mê thì ở 20 năm nữa vẫn như vậy thôi”.
Lý Nghiên Hy thực hiện
Học Hải biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ