Tam Tự Kinh – Đọc sách luận bút (P4)
“Tam Tự Kinh” là một tác phẩm kinh điển nổi tiếng đã được dùng làm sách giáo khoa trong trường tư thục từ thời nhà Tống, tương đương với sách giáo khoa tiểu học ngày nay, do đại Nho gia Tống triều Vương Ứng Lân tiên sinh soạn.
Nguyên văn
玉 不 琢, 不 成 器
人 不 學, 不 知 義
為 人 子, 方 少 時
親 師 友, 習 禮 儀
Âm Hán Việt
Ngọc bất trác, Bất thành khí.
Nhân bất học, Bất tri nghĩa.
Vi nhân tử, Phương thiếu thời,
Thân sư hữu, Tập lễ nghi.
Tạm dịch:
Ngọc không mài giũa, không thành đồ quý.
Người mà không học, không biết nghĩa lý.
Là một người con, đương khi còn nhỏ,
Gần gũi thầy bạn, luyện tập lễ nghi.
Diễn giải tham khảo:
Một hòn đá ngọc, nếu không trải qua quá trình mài giũa cẩn thận thì không thể trở thành vật tinh mỹ và hữu dụng. Con người cũng vậy, dù cho có tư chất tiên thiên rất tốt, nhưng nếu không nỗ lực học tập thì cũng không cách nào hiểu được đạo lý đối nhân xử thế.
Là con cái, cần phải tranh thủ lúc còn trẻ mà năng gần gũi với thầy tốt, kết giao với bạn hiền, khiêm tốn tiếp nhận những lời giáo đạo và khuyên răn, đồng thời cũng học tập lễ nghi tiến thoái, xử sự, ứng đối, đối đãi với người khác cho thành thục.
Giải thích câu chữ
Do ngôn ngữ đơn giản, hàm nghĩa mấy câu này hầu như đọc qua hiểu liền, bốn câu đầu, là các câu chuyển tiếp, câu sau nối tiếp câu trước, cũng là trực tiếp khuyên bảo trẻ nhỏ. Dựa trên cơ sở là nói rõ giáo dục lấy đức dục làm gốc, cha mẹ và giáo viên cần phải chú trọng nền tảng giáo dục ở ba bài trước, bài này bắt đầu chính thức đi vào giáo đạo cụ thể cho con em. Bài này dùng hình ảnh ngọc thạch cần phải gia công điêu khắc tỉ mỉ mới có thể trở thành vật hữu dụng, để ví với quá trình trưởng thành của con người, cũng cần phải tỉ mỉ bồi dưỡng và dạy bảo, nếu không “Người mà không học, không biết nghĩa lý”, không cách nào trở thành một nhân tài hữu dụng. Cốt lõi là nói cho con em tầm quan trọng của học tập và nghe lời dạy bảo, mà học tập chính là để hiểu được chính xác đạo lý làm người, nói cách khác, mục tiêu cuối cùng của học tập là vì để hiểu được “Nghĩa” lý (lẽ phải).
Học vấn truyền thống, hạch tâm nằm ở sáng tỏ đạo lý, chứ không phải nằm ở chỗ biết được tri thức bao nhiêu, có bao nhiêu kinh nghiệm, bản sự lớn bao nhiêu, rồi lấy đó để khinh thường người khác. Do đó trong mấy bài đầu Tam Tự Kinh nhấn mạnh điểm này, nếu như điểm này không làm rõ, sẽ làm mất đi ý nghĩa của việc học tập, sẽ biến thành học sĩ thối nát, lòng dạ nhỏ mọn, thậm chí hết thảy tri thức và bản sự tài hoa có được sẽ thành vũ khí gây hại cho xã hội. Đây chính là tại sao học vấn truyền thống, trước sau đặt hai chữ Nhân nghĩa (仁義) ở vị trí đầu tiên.
Nhân nghĩa lễ (仁義禮), một mực là hạch tâm của quốc học, hạch tâm của Nho học, cũng chính là hạch tâm làm người của người Trung Quốc truyền thống, ở đây lấy một chữ Nghĩa, đại biểu cụ thể cho đức dục. Khổng Tử nhấn mạnh hai chữ ‘Nhân nghĩa’, mà ‘Lễ’, là biểu hiện ra bên ngoài và quy phạm cụ thể của ‘nhân nghĩa’, dân tộc khác nhau, thì lễ nghi cụ thể khác nhau, nhưng đều là vì để biểu đạt ra thiện ý đối với người khác như kính ý, tôn trọng, cảm ân, thăm hỏi, quan tâm v.v. giữa người với người.
Lấy một thí dụ, trên đường gặp người đi đường, nếu như là người quen biết, đối phương đối với bạn làm như không thấy, ánh mắt làm lơ, bạn nhất định có cảm giác không thoải mái, cảm nhận bị khinh thường, tự nhiên tình cảm bị tổn thương mà tức giận, ngược lại, đối phương chào hỏi, hỏi thăm sức khỏe, bạn sẽ cảm thấy được người quan tâm coi trọng, do đó người Nhật Bản chú trọng lễ nghi truyền thống, cho dù là người xa lạ, cũng coi là người hữu duyên, sẽ thăm hỏi lẫn nhau. Lễ nghi thăm hỏi, sẽ dựa vào trường hợp, đối tượng, các mối quan hệ già trẻ xa gần khác nhau, hình thức cụ thể khác nhau, nhưng cuối cùng cũng là vì biểu đạt thiện ý giữa người đối với người.
Cho nên hiểu được trọng yếu của nhân nghĩa, hiểu được học tập là để minh bạch đạo lý làm người, dùng cái thiện này đối đãi người khác, như vậy yêu cầu đầu tiên, chính là làm được yêu cầu của 4 câu sau: bổn phận làm con em, từ nhỏ muốn có được nền tảng làm người tốt, cần phải thân cận thầy tốt bạn hiền, học tập lễ nghi cơ bản để đối đãi người khác, làm vậy là để ngôn hành cử chỉ có thể biểu đạt ra các thiện ý hợp tình hợp lý. Nếu không, sẽ làm tổn thương người khác và phát sinh các loại mâu thuẫn, hiểu lầm cùng tranh chấp, cuộc sống tất nhiên sẽ gặp trắc trở.
Bước đầu tiên của học tập chính là: Từ nhỏ theo thầy tốt bạn hiền học lễ nghi, học tập lễ nghi là phương thức cụ thể thực hành nghĩa lý khi giao tiếp ứng đối với người khác trong cuộc sống hàng ngày. Nếu không, thì dù có muốn thực hiện được việc nhân nghĩa, nhưng lại không có phương thức hành vi cụ thể, trong lúc không để ý mà sinh ra hiểu lầm hoặc tổn thương tới người khác, thậm chí có thể tạo nên ác duyên, bị người chê trách và phê phán. Đối với người, đối với mình đều không có chút nào có ích. Nếu từ nhỏ dưỡng thành thói quen lấy lễ đãi người sẽ có ích cả đời, điều này rất là quan trọng, bằng không, khi hình thành thói quen xấu rồi muốn sửa đổi lại sẽ rất khó.
Câu chuyện Biện Hòa dâng ngọc và ngọc Hòa Thị Bích
Thời Xuân Thu, nước Sở có một người tên là Biện Hòa. Một hôm, Biện Hòa nhặt được một khối ngọc thô ở trên núi. Ông biết rằng đây là khối ngọc quý hiếm có, liền mang đi dâng cho Sở Lệ Vương. Sở Lệ Vương liền gọi thợ làm ngọc trong cung đến giám định khối ngọc này. Thợ làm ngọc nhìn qua, liền nói: “Đây chỉ là hòn đá bình thường mà thôi.” Lệ Vương cho rằng Biện Hòa mang đá đến lừa mình, liền sai người lôi Biện Hòa ra chặt chân trái của ông. Sau khi Lệ Vương qua đời, Sở Vũ Vương kế vị. Biện Hòa lại đem khối ngọc thô đó đến dâng cho Vũ Vương. Vũ Vương lại sai người làm ngọc đến giám định. Thợ làm ngọc nói: “Đây chẳng qua chỉ là tảng đá thôi.” Vũ Vương cũng cho rằng mình bị Biện Hòa lừa, bèn sai người chặt chân phải của Biện Hòa.
Sau khi Vũ Vương qua đời, Sở Văn Vương đăng cơ. Lúc này, Biện Hòa ôm khối ngọc của mình, ở dưới chân núi khóc rống lên. Ông khóc ba ngày ba đêm, khóc đến cạn nước mắt, cuối cùng hai mắt ông rơi huyết lệ. Văn Vương nghe được tin đó, liền sai người đến hỏi Biện Hòa: “Thiên hạ có biết bao nhiêu người bị hình phạt chặt mất hai chân, sao chỉ có mình ông lại khóc đau khổ đến vậy chứ?” Biện Hòa trả lời: “Tôi không phải đau khổ vì chân mình bị chặt. Tôi đau lòng chính là một khối ngọc trân quý đã bị cho là tảng đá bình thường; còn người trung thành ngược lại bị quy thành kẻ lừa đảo!” Sau khi Văn Vương biết được, liền sai thợ làm ngọc đem khối đá đó đi điêu khắc mãi giũa thật kỹ lưỡng, quả nhiên phát hiện ra đây đúng là một khối bảo ngọc hiếm có trên đời. Mà viên ngọc quý giá này chính là ngọc “Hòa Thị Bích” vô cùng nổi tiếng trong lịch sử.
Câu chuyện này đã nói rõ ràng hết mức rồi, cho dù là trân bảo hiếm có, không trải qua công đoạn điêu khắc mài giũa, thì dù phẩm chất gốc có tốt, bất quá cũng chỉ là một tảng đá vô dụng, sẽ không gây được chú ý, không có đất dụng võ. Làm cha làm mẹ, cần phải giống như Biện Hòa vậy, khổ sở bảo vệ thiên tính nguyên gốc trân quý như mỹ ngọc của con cái, để chúng theo học thầy tốt, kết giao bạn hiền, không ngừng gợi mở bản tính, phân rõ thiện ác, dưới đủ loại ảnh hưởng hậu thiên vẫn có thể giữ vững nghĩa lý, cuối cùng được “điêu khắc” thành một khối mỹ ngọc chân chính. Có tâm yêu con, thì nên học Biện Hòa.
Tác giả: Lưu NhưTheo Chanhkien.orgVui lòng xem bản gốc tại đây
Xem thêm: