Khảo sát: Giới trẻ theo dõi tin tức nhưng không tìm thấy được niềm vui
NEW YORK — Giới trẻ Hoa Kỳ đang theo dõi tin tức nhưng không hài lòng lắm với những gì họ đang xem.
Nói rộng ra, đó là kết luận của một nghiên cứu được công bố hôm thứ Tư (31/08) cho thấy 79% thanh niên Mỹ nói rằng họ đọc tin tức thường nhật. Cuộc khảo sát dành cho giới trẻ ở độ tuổi từ 16 đến 40 – trong đó những người lớn tuổi hơn được gọi là thế hệ Y (Millennial/Gen Y) và thế hệ trẻ hơn được gọi là thế hệ Z (Gen Z) – do Dự án Media Insight, một dự án hợp tác giữa Trung tâm Nghiên cứu Các vấn đề Công cộng của Associated Press-NORC và Viện Báo chí Hoa Kỳ, thực hiện.
Các báo cáo này chỉ ra thiếu sót trong ý kiến cho rằng giới trẻ không quan tâm đến tin tức, một nhận thức đa phần được thúc đẩy bởi số liệu thống kê cho thấy chỉ khán giả cao niên mới quan tâm đến tin tức truyền hình và báo chí.
Ông Michael Bolden, Giám đốc điều hành của Viện Báo chí Hoa Kỳ cho biết: “Họ quan tâm đến tin tức nhiều hơn những gì mà người ta nhìn nhận về họ, theo nhiều cách hơn.”
Ước tính có khoảng 71% người trong nhóm tuổi này xem tin tức thường nhật từ mạng xã hội. Thực đơn trên mạng xã hội đang trở nên đa dạng hơn; Facebook không còn thống trị như trước đây. Khoảng ⅓ số người trở lên xem tin tức mỗi ngày từ YouTube và Instagram và khoảng ¼ số người trở lên xem tin tức từ TikTok, Snapchat, và Twitter. Hiện tại, 40% giới trẻ nói rằng họ xem tin tức từ Facebook hàng ngày, so với 57% số người của thế hệ millennial cho biết trong một cuộc khảo sát của Dự án Media Insight hồi năm 2015.
Tuy nhiên, 45% số người được hỏi còn cho biết họ xem tin tức mỗi ngày từ các nguồn truyền thống, như đài truyền hình hoặc đài phát thanh, báo chí, và các trang web tin tức.
Cuộc thăm dò này cho thấy khoảng ¼ giới trẻ nói rằng họ thường xuyên trả tiền cho ít nhất một ấn phẩm tin tức, như tạp chí hoặc báo in hoặc điện tử, và một tỷ lệ tương tự đã quyên góp cho ít nhất một tổ chức tin tức bất vụ lợi.
Chỉ có 32% số người được hỏi nói rằng họ thích theo dõi tin tức. Đó là một mức giảm rõ rệt so với bảy năm trước, khi 53% người thuộc thế hệ millennial đã nói như vậy. Ngày nay, ngày càng ít người trẻ nói rằng họ thích trò chuyện với gia đình và bạn bè về tin tức.
Ông Tom Rosenstiel, một giáo sư báo chí thuộc Đại học Maryland, cho biết những phát hiện khác, chẳng hạn như có những người nói rằng họ cảm thấy mệt mỏi hơn khi họ dành thời gian trực tuyến lâu hơn hoặc có những người đặt ra giới hạn thời gian cho việc xem tin tức, cho thấy một sự buồn chán đối với tin tức.
“Tôi không ngạc nhiên về điều đó,” ông Bolden nói. “Đó là một chu kỳ tin tức đầy thách thức, đặc biệt là ba năm vừa qua.”
Cứ 10 người trẻ thì có 9 người nói rằng thông tin sai lệch về các vấn đề và các sự kiện là một vấn nạn, trong đó cứ 10 người thì có 6 người nói rằng đó là một vấn nạn lớn. Hầu hết mọi người nói rằng bản thân họ đã tiếp xúc với thông tin sai lệch.
Khi được hỏi ai là người mà họ cho là chịu trách nhiệm lớn nhất về sự lan truyền thông tin sai lệch, giới trẻ đã chỉ ra các công ty truyền thông xã hội và người dùng, các chính trị gia, và giới truyền thông đều phải chịu trách nhiệm như nhau.
Điều đó có thể gây ngạc nhiên cho những người trong giới truyền thông vốn tin rằng họ đang chống lại thông tin sai lệch, và họ không phải là một phần của vấn đề, ông Bolden nói. Nhiều người trong giới truyền thông không đồng tình.
Ông nói: “Cho dù điều đó có chính xác hay không, thì những người trong ngành này phải đối mặt với nhận thức đó.”
Ông gợi ý rằng điều quan trọng là các tổ chức tin tức phải giải thích rõ hơn những gì họ làm và cách thức mà các quyết định đưa tin được thực hiện, cùng với việc đứng bên ngoài để làm rõ cách thức hoạt động của chính phủ, cũng như buộc các nhà lãnh đạo phải giải trình.
Khảo sát cho thấy, tỷ lệ người cho rằng “những bản tin dường như chủ yếu tạo ra xung đột hơn là giúp giải quyết xung đột” và “các hãng thông tấn đưa ra các thuyết âm mưu và các tin đồn không có căn cứ” là một vấn đề lớn, vượt quá số người lo ngại về việc các ký giả đưa quá nhiều quan điểm vào trong bản tin của họ.
Điều đó dường như quy trách nhiệm cho các hãng tin truyền hình cáp vốn lấp đầy thời lượng phát sóng bằng các cuộc tranh luận về các vấn đề cụ thể, thường là những người có quan điểm cực đoan đối đầu nhau. Mới đây, tân Giám đốc điều hành của CNN, ông Chris Licht, đã kêu gọi mạng lưới của ông làm dịu đi các phân đoạn nảy lửa.
“Có những người đã trưởng thành trong thế giới truyền thông hỗn loạn đầy tính chính trị này, và đây là thế giới duy nhất mà họ biết,” ông Rosenstiel, từng làm việc trong cuộc khảo sát tại viện báo chí với tư cách là người tiền nhiệm của ông Bolden, cho biết. “Họ có thể đã nghe cha mẹ của họ nói về ông Walter Cronkite, nhưng họ chưa chứng kiến điều đó.”
Các chủ đề mà những người trong độ tuổi từ 16 đến 40 tuổi nói rằng họ theo dõi nhiều nhất về mảng tin tức? Người nổi tiếng, âm nhạc và giải trí, ở mức 49%, chủ đề thực phẩm và nấu ăn, ở mức 48%, đứng đầu danh sách. Ít nhất 1/3 số người theo dõi một loạt các vấn đề khác, bao gồm sức khỏe và thể dục, sắc tộc và công bằng xã hội, môi trường, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, chính trị và thể thao.
___
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times