Cuộc thảo luận an ninh Hoa Kỳ-Nhật Bản tập trung vào gia tăng hợp tác quân sự, nhấn mạnh mối đe dọa từ Trung Quốc
TOKYO—Các nhà lãnh đạo quốc phòng và ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản và Hoa Kỳ đã đồng ý gia tăng hơn nữa hợp tác quân sự hai nước bằng cách nâng cấp quyền chỉ huy và kiểm soát của các lực lượng Hoa Kỳ tại quốc gia Đông Á này, đồng thời đẩy mạnh sản xuất phi đạn được cấp phép của Hoa Kỳ tại Nhật Bản trong khi xem mối đe dọa đang gia tăng từ phía Trung Quốc là “thách thức chiến lược lớn nhất.”
Nhật Bản là nơi đồn trú của hơn 50,000 quân nhân Hoa Kỳ, nhưng chỉ huy của Lực lượng Hoa Kỳ tại Nhật Bản (USFJ) có trụ sở tại Yokota ở vùng ngoại ô phía tây Tokyo, được giao nhiệm vụ quản lý các căn cứ của họ, lại không có thẩm quyền chỉ huy. Thay vào đó, các chỉ thị đến từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (INDOPACOM) tại Hawaii. Các kế hoạch nói trên sẽ cung cấp cho USFJ năng lực lớn hơn trong khi vẫn báo cáo với INDOPACOM.
Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tham gia cùng những người đồng cấp Nhật Bản, bà Yoko Kamikawa và ông Minoru Kihara, tại Ủy ban Tư vấn An ninh Nhật Bản-Hoa Kỳ ở Tokyo, được gọi là các cuộc thảo luận an ninh “2+2,” nơi các bộ trưởng tái khẳng định liên minh song phương sau khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc tranh cử tổng thống vào tháng Mười Một.
“Chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử khi trật tự quốc tế tự do và cởi mở, dựa trên luật lệ bị lung lay đến tận gốc rễ,” bà Kamikawa cho biết. “Bây giờ là giai đoạn quan trọng khi quyết định của chúng ta ngày hôm nay xác định tương lai của chúng ta.”
Trong bài diễn văn khai mạc, ông Austin nói rằng Trung Quốc đang “có hành vi cưỡng ép, cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, xung quanh Đài Loan và ở khắp khu vực,” đồng thời nói thêm rằng chương trình hạt nhân của Bắc Hàn và sự hợp tác ngày càng sâu sắc của nước này với Nga “đe dọa đến an ninh khu vực và toàn cầu.”
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau các cuộc thảo luận, các bộ trưởng cho biết chính sách đối ngoại của chính quyền Trung Quốc “cố gắng định hình lại trật tự quốc tế vì lợi ích của chính họ bằng cách gây tổn hại đến các nước khác” và rằng “hành vi như vậy là một mối lo ngại nghiêm trọng đối với liên minh này và toàn bộ cộng đồng quốc tế, đặt ra thách thức chiến lược lớn nhất ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác.”
Các bộ trưởng cho biết việc tổ chức lại bộ chỉ huy của Hoa Kỳ, dự kiến vào tháng Ba để phù hợp với việc cập nhật bộ chỉ huy của Nhật Bản, là nhằm mục đích “tạo thuận tiện cho khả năng tương tác và hợp tác sâu hơn trong các hoạt động song phương chung trong thời bình và trong các tình huống bất ngờ” đồng thời tăng cường phối hợp tình báo, giám sát, trinh sát, và an ninh mạng.
Nhật Bản từ lâu đã phải chịu các mối đe dọa an ninh mạng mà Hoa Thịnh Đốn tin là vô cùng đáng lo ngại. Gần đây, cơ quan vũ trụ của Nhật Bản tiết lộ rằng họ đã gặp phải một loạt các cuộc tấn công mạng, mặc dù thông tin nhạy cảm liên quan đến không gian và quốc phòng không bị ảnh hưởng, nhưng việc này đã gây lo lắng và thúc đẩy cơ quan này theo đuổi các biện pháp phòng ngừa.
Giữa bối cảnh các mối đe dọa hạt nhân từ Nga và Trung Quốc, các bộ trưởng đã đưa ra một tuyên bố chung, tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với việc “mở rộng khả năng răn đe,” trong đó có vũ khí nguyên tử. Đây là một sự thay đổi so với sự miễn cưỡng trước đây của Nhật Bản khi thảo luận công khai về vấn đề nhạy cảm này, với tư cách là quốc gia duy nhất trên thế giới bị tấn công bằng bom nguyên tử.
Nhật Bản đã đẩy nhanh quá trình xây dựng quân đội và gia tăng các hoạt động chung với Hoa Kỳ cũng như Nam Hàn trong khi cố gắng củng cố ngành công nghiệp quốc phòng chủ yếu phụ thuộc vào nội địa của mình.
Các bộ trưởng cho biết họ sẽ theo đuổi các nỗ lực mở rộng sản xuất hệ thống đánh chặn phi đạn PAC-3 của Nhật Bản để xuất cảng sang Hoa Kỳ, cũng như hợp tác sản xuất Phi đạn Không đối Không Tầm trung Tân tiến nhằm đáp ứng “nhu cầu cấp thiết” của các hệ thống như vậy để sẵn sàng khi cần “ngăn chặn sự xâm lược.”
Do Mari Yamaguchi của The Associated Press thực hiện
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times