Vì sao Quốc ngữ hay hơn tiếng phổ thông của Trung Quốc ngày nay?
Một trăm năm trước, Chính phủ Quốc dân đã định ra tiêu chuẩn phù hiệu chú âm cho chữ Quốc ngữ. Nhưng sau năm 1949, Quốc ngữ bị đổi thành tiếng phổ thông, soán cải ngôn ngữ truyền thống của Trung Hoa.
Trung Quốc có diện tích rộng lớn và nhiều phương ngữ, ngay cả dân tộc Hán dù chung một loại chữ viết nhưng người thuộc ngữ hệ khác nhau lại không thể hiểu đối phương đang nói gì. Ngữ hệ miền Nam phức tạp hơn ngữ hệ miền Bắc, chỉ riêng Quảng Đông đã có ba ngữ hệ: ngữ hệ Việt, ngữ hệ Khách Gia và ngữ hệ Mân Nam. Theo cách tính truyền thống, ở Trung Quốc có tám ngữ hệ chính.
Trong tám ngữ hệ chính, ngữ hệ phương bắc là ngữ hệ lớn nhất
Ngữ hệ phương bắc: Thường được gọi là tiếng Quan thoại, đại diện bởi phương ngữ Bắc Kinh, bao gồm khu vực phía bắc sông Trường Giang, phía trên Trấn Giang, phía dưới Cửu Giang, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu, phía tây bắc của các tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam, và phía tây bắc của Quảng Tây, chiếm hơn 70% tổng số dân tộc Hán.
Hệ ngôn ngữ Ngô: Được gọi là “Ngô Nùng nhuyễn ngữ” (ngôn ngữ mềm của Ngô Nùng) vì cách phát âm mềm mại, đại diện là phương ngữ Thượng Hải hoặc phương ngữ Tô Châu, bao gồm phần phía đông của Trấn Giang, phía nam sông Trường Giang thuộc tỉnh Giang Tô và phần lớn tỉnh Chiết Giang, với dân số khoảng 8,4%.
Phương ngữ Tương: Đại diện bởi phương ngữ Trường Sa, phân bố ở hầu hết các vùng của tỉnh Hồ Nam với dân số khoảng 5%.
Phương ngữ Cảm: Đại diện là phương ngữ Nam Xương, phân bố chủ yếu ở tỉnh Giang Tây (trừ khu vực ven sông phía đông và phần phía nam) và khu vực đông nam của tỉnh Hồ Bắc, với dân số 2,4%.
Hệ ngôn ngữ Khách Gia: Đại diện bởi phương ngữ Huyện Mai, Quảng Đông, phân bố chủ yếu ở phía đông nam và bắc tỉnh Quảng Đông, phía đông nam tỉnh Quảng Tây, phía tây tỉnh Phúc Kiến, phía nam tỉnh Giang Tây, và một số khu vực ở Hồ Nam và Tứ Xuyên, với dân số khoảng 4%.
Phương ngữ Bắc Mân (bắc Phúc Kiến): Phương ngữ Phúc Châu đại diện ở phía bắc tỉnh Phúc Kiến và một phần của Đài Loan, ngoài ra còn có một số Hoa kiều ở Đông Nam Á nói phương ngữ phía bắc Phúc Kiến, với dân số khoảng 1,2%.
Phương ngữ Nam Mân (nam Phúc Kiến): Đại diện là phương ngữ Hạ Môn, phân bố ở phía nam tỉnh Phúc Kiến, phía đông tỉnh Quảng Đông và một phần tỉnh Hải Nam, cũng như hầu hết các khu vực của Đài Loan và Hoa kiều ở Đông Nam Á, với dân số khoảng 3%.
Hệ ngôn ngữ Quảng Đông: Đại diện là tiếng Quảng Đông, phân bố ở hầu hết các khu vực của tỉnh Quảng Đông và phía đông nam tỉnh Quảng Tây. Hầu hết người Hoa ở Hồng Kông, Macao, Đông Nam Á và một số nước khác nói phương ngữ Quảng Đông, với dân số khoảng 5%.
Các quốc gia có dân số đông thường phải thống nhất một ngôn ngữ chung. Sau thành công của Cách mạng Tân Hợi năm 1911, đại hội đầu tiên của Trung Hoa Dân Quốc đã thảo luận về vấn đề thống nhất quốc ngữ. Bộ Giáo dục đã tổ chức một cuộc họp và quyết định đổi “thiết âm” thành “chú âm”, thông qua bảng phù hiệu chú âm và thống nhất cách phát âm chữ Hán. Vào năm 1913, hội nghị thống nhất cách phát âm được tổ chức, chọn ra hơn 6.500 chữ Hán đã được chấp thuận để thành “quốc âm” và chế định ra bảng phù hiệu chú âm, từ đó “Quốc ngữ” chính thức trở thành tên gọi của ngôn ngữ toàn quốc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, cách phát âm chuẩn cho ngôn ngữ chung của dân tộc thời hiện đại được thiết lập.
Một trăm năm trước, Chính phủ Quốc dân đã thiết lập tiêu chuẩn ngôn ngữ
Năm 1918, có tổng cộng 37 ký hiệu chú âm được chính thức công bố:
ㄅㄆㄇㄈ ㄉㄊㄋㄌ ㄍㄎㄏ ㄐㄑㄒ ㄓㄔㄕㄖ ㄗㄘㄙ ㄚㄛㄜㄝ ㄞㄟㄠㄡ ㄢㄣㄤㄥㄦ ㄧㄨㄩ.
Vào năm thứ hai sau khi bảng phù hiệu chú âm được công bố, Bộ Giáo dục giới thiệu cuốn “Tự điển Quốc Âm” (ấn bản đầu năm 1919) biên soạn dựa trên cách phát âm của Hiệp hội Phát âm Thống nhất, với mục đích quảng bá chữ Quốc ngữ. Sau đó, Hội nghị Trù bị Thống nhất Quốc ngữ được thành lập, lấy phiên âm tiếng Bắc Kinh làm cách phát âm chuẩn của Quốc ngữ và xây dựng kế hoạch về bảng chữ cái bính âm, cuối cùng thiết lập địa vị của “tiếng Quốc ngữ” cho toàn Trung Quốc.
Quảng bá cho Quốc ngữ là cuốn giáo trình “Thuyết thoại”, nội dung bao gồm những câu chuyện thú vị trình bày dưới dạng đối thoại giữa Giang Sơn và Vương Lập, rất sinh động, có những đoạn uốn lưỡi để rèn luyện phát âm, ví dụ:
“Một con ếch có một cái miệng, hai con mắt và bốn cái chân, đạp bật nhảy xuống nước. Hai con ếch có hai cái miệng, bốn con mắt và tám cái chân, đạp bật nhảy xuống nước. Ba con ếch có ba cái miệng, sáu con mắt và mười hai chân, đạp bật đạp bật đạp bật nhảy xuống nước…”.
Tương truyền, khi thảo luận và xác định phương ngữ nào được sử dụng làm Quốc ngữ, nhiều người Quảng Đông có năng lực đã đề xuất chọn tiếng Quảng Đông. Trong đại hội lúc bấy giờ có hơn một nửa dân biểu là người Quảng Đông, Tôn Trung Sơn cũng là người Quảng Đông nhưng đã đứng ra phản đối, ông cho rằng số người nói phương ngữ miền Bắc chiếm hơn 70% dân số cả nước, trong đó phương ngữ Bắc Kinh chỉ có bốn thanh Âm và Dương, dễ học dễ hiểu, trong khi tiếng Quảng Đông có chín giai âm, rất khó hiểu và khó học. Vì vậy, ông đã kêu gọi mọi người bước ra khỏi quan niệm vùng miền, thuyết phục từng người một, cuối cùng sử dụng phương ngữ Bắc Kinh làm ngôn ngữ cho toàn quốc – Quốc ngữ.
Cho dù câu chuyện trên có thật hay không, thì chúng ta vẫn có lý do để tin rằng hơn 70% người dân Trung Quốc nói phương ngữ miền Bắc. Tiếng Quảng Đông với chỉ 5% người sử dụng sao có thể trở thành Quốc ngữ? Hồi đó, việc quảng bá Quốc ngữ rất sôi nổi và mạnh mẽ, không chỉ trong nước mà cả người Hoa ở nước ngoài cũng dạy học tiếng Quốc ngữ, chỉ riêng Hồng Kông là dạy học bằng tiếng Quảng Đông cho đến tận bây giờ.
Tuy nhiên, đến năm 1949, ĐCSTQ đã gấp rút đổi tên gọi “Quốc ngữ” thành “tiếng phổ thông”, nói rằng hàm ý là ‘được sử dụng phổ biến’. Nhiều người thắc mắc “Quốc ngữ” là ngôn ngữ thống nhất của đất nước, là một thuật ngữ tuyệt vời, vậy tại sao lại phải đổi thành “tiếng phổ thông” – một cái tên mơ hồ và phản khoa học? Ở Trung Quốc, phương ngữ địa phương là tiếng phổ thông của nơi đó, chỉ có Quốc ngữ mới là thống nhất trên toàn quốc. Phải chăng lý do thực sự là vì chữ Quốc ngữ do Quốc Dân Đảng sáng tạo nên phải “cách mạng” mà đổi tên đi?
ĐCSTQ tàn phá văn hóa, gây ra nhiều trò cười
Năm 1958, thế hệ chúng tôi bắt đầu học bảng chữ cái Latinh của tiếng Trung Quốc. Thực tế là ngay từ triều đại nhà Minh và nhà Thanh, các nhà truyền giáo phương Tây đã sử dụng bảng chữ cái Latinh để đánh vần tiếng Trung Quốc, chỉ riêng cuối thời nhà Thanh đã có tới 27 kế hoạch bính âm. Thời Trung Hoa Dân Quốc, ngoài việc ban hành các phù hiệu chú âm, một số người đã nghiên cứu ký tự La Mã và các ký tự Latinh mới của phương ngữ phương Bắc, mãi đến năm 1958 mới có bính âm “pinyin” mà ĐCSTQ phê chuẩn và đưa vào hiện thực.
Năm 1949, giáo sư 108 tuổi Châu Hữu Quang trở về từ Hoa Kỳ với tư cách là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Kinh tế của Đại học Phúc Đán và Học viện Tài chính và Kinh tế Thượng Hải. Ông cũng làm việc bán thời gian tại Ngân hàng Tân Hoa Thượng Hải và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ở khu Hoa Đông. Ông Châu thông thạo tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật và được mời làm thành viên của Ủy ban Chương trình Bính âm “pinyin”. Châu Hữu Quang được coi là một trong những người sáng lập ra bính âm “pinyin” cho tiếng Hán.
ĐCSTQ với mục đích tạo ra “thế giới mới” nên đã tìm cách hủy hoại “thế giới cũ”, gây ra những thay đổi lớn đối với nền văn hóa. Tôi nhớ rằng tên gọi của Lào dịch ra chữ Quốc ngữ là “Liêu quốc” (寮國), dịch như thế rất hay, cũng rất có bản sắc. Nhưng ĐCSTQ lại đổi Liêu quốc thành “Lão Qua” (老 撾), vào lúc đó chữ “Qua” (撾) chỉ có một cách phát âm là /zhuā/, nghĩa là đánh hoặc gõ, chẳng hạn như đánh trống (撾鼓) hoặc đánh giết (撾殺). Trong từ điển Từ Nguyên chỉ có một cách phát âm là /zhuā/, đọc giống từ “抓” thời cổ đại. Khi nghe “Lão Qua” (老撾) được phát âm là /lăo zhuā/ trong một buổi phát thanh, tôi không nhịn được cười. Sau này họ mới thêm âm /wō/ vào từ “Lão Qua” (老撾) đọc là /lăo wō/, và chú thích là tên một quốc gia ở Đông Nam Á. Cho đến ngày nay, Đài Loan vẫn lấy cách gọi “Liêu Quốc” (寮國) để chỉ nước Lào.
ĐCSTQ tự tâng bốc cái gọi là chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhưng bản thân họ lại tồn tại nhiều điều kỵ húy, luôn muốn soán cải hoặc che đậy và làm xáo trộn lịch sử. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, việc kiểm soát quân sự được thực hiện, Khâu Bát Môn đã chuyển đến các trường học và đơn vị quân đội, thực hiện một cách áp chế cưỡng ép. Vì tôi có thể viết thư pháp bằng bút lông và vẽ tranh phác thảo nên tôi được gọi vào phòng văn hóa để viết áp phích và làm tranh “cách mạng”. Có lần tôi vẽ tấm lòng trung với Mao, cờ đỏ, và đầy đủ các biển “lòng trung thành” cho hải lục không quân, một binh sỹ đã chỉ trích tôi tại sao mũi nhọn trên ngọn cờ đỏ cứ hướng vào tim ngài Mao? Nói xong, anh ta liền tát vào đầu tôi một cái. Một lần khác, chúng tôi phải làm những chiếc đèn lồng trong cung điện. Chúng tôi mời một ông lão có kỹ năng làm đèn lồng đến. Đầu tiên ông buộc thanh tre tạo thành hình bầu dục, sau đó dán giấy đỏ. Người lính lại đến chọc thủng chiếc đèn, anh ta nhìn trái nhìn phải và hỏi tại sao đèn lồng lại có mười hai vòng? Ông lão không biết trả lời ra sao, anh ta nói: Không được, không được làm mười hai vòng! Chờ người lính đi khỏi, tôi nói với ông: Ông có nhớ lá cờ mặt trời trắng nền xanh là của Quốc Dân đảng không, chẳng phải mặt trời trắng là có mười hai góc nhọn sao?
Những câu chuyện tương tự còn rất nhiều, ví dụ ĐCSTQ đổi tên “ấu trĩ viên” (幼稚園) thành “ấu nhi viên” (幼兒園), đổi tên dân tộc Choang (僮族) thành dân tộc Tráng (壯族), “hòa điền” (和闐) thành “hòa điền” (和田), và đổi “Liên Nga dung Cộng” (聯俄容共) thành “Liên Nga liên cộng” (聯俄聯共)…
Đã có thời người ta cho rằng chữ Hán sẽ bị bãi bỏ và thay vào đó là bính âm. Nếu thực hiện như vậy, thì thiên hạ đại loạn rồi! Việc bính âm hóa và giản thể hóa chữ Hán thực sự đã gây ra những phá hoại to lớn đối với văn hóa truyền thống của Trung Hoa. May mắn thay, chữ phồn thể và hệ thống phù hiệu chú âm vẫn được người Đài Loan gìn giữ và lưu truyền, giống như sợi dây kết nối với tinh hoa văn hóa của tiền nhân.
Xuất bản lần đầu trên Tạp chí Mở
Nam Phong
Mạnh Hải biên dịch
Xem thêm: