Ý có thể rời khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường, gây bất lợi cho Trung Quốc
Trước chuyến công du ba ngày tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani nói rằng việc tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc không mang lại cho nước này những lợi ích kinh tế như mong đợi.
“Quốc hội Ý đang đánh giá tình hình. Vào thời điểm này, các quốc gia không có Sáng kiến Vành đai và Con đường, các nước Âu Châu, đang làm tốt hơn chúng tôi. Vì điều này, Ý sẽ quyết định có ở lại hay không ở lại Sáng kiến Vành đai và Con đường. Trong quốc hội, nhiều đảng phản đối điều đó,” ông nói trên CNBC hôm thứ Bảy (02/09).
Ông cho biết thỏa thuận này đã “không đáp ứng được kỳ vọng của người Ý.”
BRI nhằm mục đích kết nối châu Á, châu Âu, và châu Phi thông qua “Con đường tơ lụa mới,” qua chi tiêu cơ sở hạ tầng lớn. Các nhà phê bình đã chỉ trích đây là một cách để Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mở rộng quyền lực địa chính trị và ảnh hưởng kinh tế.
“Thông điệp của Ý rất rõ ràng: chúng tôi muốn hợp tác với Trung Quốc, chúng tôi muốn có mặt tại thị trường Trung Quốc, chúng tôi sẵn sàng đón nhận đầu tư của Trung Quốc, nhưng như tôi đã nói, điều quan trọng là [phải có một] sân chơi bình đẳng,” ông Tajani, trước đây từng giữ chức Chủ tịch Nghị viện Âu Châu, Ủy viên Âu Châu, và hiện là Phó Thủ tướng Ý, cho biết. “Chúng tôi muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc, nhưng chúng tôi cũng phải phân tích khối lượng hàng xuất cảng: BRI đã không mang lại kết quả như chúng tôi mong đợi.”
Ý là quốc gia G7 duy nhất là một phần của BRI của Trung Quốc, và việc nước này rút khỏi BRI sẽ đồng nghĩa với một bước thụt lùi lớn đối với Trung Quốc.
Thời hạn ra quyết định
Quốc gia Âu Châu này dự kiến sẽ đưa ra quyết định vào cuối năm nay về việc liệu họ có muốn gia hạn việc tham gia hay không. Theo thỏa thuận Ý-Trung, thì thỏa thuận này có thời hạn 5 năm và sẽ được gia hạn thêm 5 năm nữa vào tháng 03/2024 nếu không bên nào quyết định kết thúc trong năm nay.
Ông Tajani không xác nhận khi nào Ý sẽ đưa ra quyết định, nhưng đây không phải là lần đầu tiên các quan chức Ý công khai bày tỏ sự thất vọng với BRI.
Sau khi gia nhập lần đầu vào năm 2019, cựu Thủ tướng Ý Mario Draghi đã đóng băng thỏa thuận này trong hai năm khi ông nhậm chức vào năm 2021.
Gần đây, các quan chức Ý đã và đang nói rằng họ thấy các quốc gia khác duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc mà không tham gia như vậy, và đặt câu hỏi về lợi ích.
Hồi tháng Bảy, Bộ trưởng Quốc phòng Ý Guido Crosetto cho biết quyết định tham gia ban đầu là một “hành động ngẫu hứng và tệ hại.” Ông cho biết họ đã tăng lên nhiều lần hàng xuất cảng của Trung Quốc sang Ý, nhưng đã không tăng xuất cảng của Ý sang Trung Quốc theo cách tương tự.
“Vấn đề ngày nay là: làm thế nào để rút lui [khỏi BRI] mà không làm tổn hại đến mối bang giao [với Bắc Kinh]. Bởi vì Trung Quốc đúng là đối thủ, nhưng cũng là đối tác,” ông Crosetto nói với tờ Corriere della Sera.
“Chúng ta đã xuất cảng một lượng cam sang Trung Quốc. Họ đã tăng gấp ba lần lượng xuất cảng sang Ý trong ba năm. Điều lố bịch nhất khi đó là Paris, không ký bất kỳ hiệp ước nào, vào thời điểm đó đã bán phi cơ cho Bắc Kinh với giá hàng chục tỷ USD.”
Khi đó, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni nói với các phóng viên trong một cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc rằng Ý sẽ đưa ra quyết định trước tháng 12. Bà chỉ ra “nghịch lý” rằng Ý là quốc gia G7 duy nhất tham gia BRI, nhưng thậm chí lại không phải là quốc gia G7 có thương mại lớn nhất với Trung Quốc.
Bà Meloni nhận xét: “Chúng tôi nghĩ rằng thương mại tự do không có quy tắc có thể giải quyết các vấn đề của chúng tôi, có thể phân phối sự giàu có, và có thể dân chủ hóa các hệ thống kém dân chủ hơn của chúng ta. Điều đó đã không xảy ra.”
“Và điều thứ hai đã xảy ra là các hệ thống không không dân chủ đã tham gia vào khía cạnh thể chế và giành được chỗ đứng trên thế giới. Bây giờ họ mạnh hơn, còn chúng ta thì yếu hơn vì không kiểm soát được chuỗi cung ứng của mình. Vậy những gì chúng ta cần làm là suy nghĩ lại.”
Tư cách thành viên gây tranh cãi
Quyết định tham gia đã bị chỉ trích rất nhiều, vì BRI là một dự án gây tranh cãi. Cơ sở hạ tầng cho các tuyến đường thương mại xuyên ba châu lục được tài trợ bằng nguồn tài chính của Trung Quốc, và các nhà phê bình chỉ ra rằng điều này đã khiến các nước đang phát triển mắc món nợ mà họ không thể trả, trong khi củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc tại các quốc gia dọc tuyến đường này.
Năm 2019, thỏa thuận này được ký kết tại một buổi lễ mà ông Matteo Salvini, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Ý, đặc biệt vắng mặt. Ông đã công khai chỉ trích thỏa thuận này trước buổi lễ, nói rằng Ý sẽ “không là thuộc địa của ai cả” và nói rằng thị trường tự do không tồn tại ở Trung Quốc, đồng thời khuyến khích các doanh nhân Ý phải thận trọng.
Ông Guglielmo Picchi, Thứ trưởng phụ trách đối ngoại của Ý, tuyên bố rằng cần phải “xem xét kỹ lưỡng hơn.”
Bản tin có sự đóng góp của Frank Fang
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times