Indonesia chính thức khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên do Trung Quốc tài trợ
Tuyến đường sắt di chuyển với vận tốc tối đa 350 km/giờ là tuyến đường sắt nhanh nhất Đông Nam Á, kết nối thủ đô Jakarta và thủ đô Bandung.
Hôm 02/10, Indonesia đã khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên ở Đông Nam Á, một trong những dự án cơ sở hạ tầng thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Tổng thống Joko Widodo đã khánh thành tuyến đường sắt có tổng chiều dài là 88 dặm (142 km) tại ga Halim ở Jakarta. Tuyến đường sắt cao tốc nhanh nhất Đông Nam Á này kết nối thủ đô Jakarta và thủ đô Bandung, với tốc độ tối đa có thể lên tới 217 dặm/giờ (350 km/giờ).
Tại buổi lễ hôm 02/10, ông Widodo nói rằng tuyến đường sắt cao tốc Jakarta-Bandung đánh dấu sự phát triển theo hướng hiện đại của loại hình phương tiện giao thông công cộng ở Indonesia, vốn hiệu quả và thân thiện với môi trường.
Dự án trị giá 7.3 tỷ USD này được xây dựng bởi PT Kereta Cepat Indonesia-Trung Quốc (PT KCIC), một liên doanh giữa một tập đoàn Indonesia gồm bốn công ty quốc doanh và Công ty TNHH Tập đoàn Đường sắt Quốc tế Trung Quốc.
Tuyến đường sắt này đã được sửa đổi để phù hợp với khí hậu nhiệt đới của Indonesia và được trang bị hệ thống an toàn có thể ứng phó với các trường hợp khẩn cấp như động đất và lũ lụt. Sức chứa của đoàn tàu có thể đạt mức tối đa là 601 hành khách.
Tính đến hết ngày 02/10, giá vé vẫn chưa được ấn định, nhưng PT KCIC ước tính giá một chiều cho mỗi hành khách sẽ dao động từ 250,000 rupiah (16 USD) cho ghế hạng hai đến 350,000 rupiah (22.60 USD) cho ghế VIP.
Thỏa thuận đường sắt này được ký kết vào tháng 10/2015 sau khi Indonesia chọn Trung Quốc thay vì Nhật Bản trong cuộc đấu thầu khốc liệt. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cho dự án này vay 75% trong tổng chi phí. 25% còn lại đến từ quỹ riêng của tập đoàn Indonesia.
Ước tính chi phí dành cho dự án là hơn 4 tỷ USD khi khoản vay được trao cho PT KCIC vào năm 2015, nhưng chi phí này đã bị thổi phồng lên 7.3 tỷ USD do giá nguyên liệu thô và các chi phí khác tăng cao. Năm ngoái, Indonesia đã tìm kiếm thêm nguồn tài trợ từ Trung Quốc để trang trải chi phí tăng vượt mức này.
Tuyến đường sắt đã phải đối mặt với tin xấu về lợi nhuận đầu tư sau khi ông Widodo tuyên bố rằng năm 2024 chính phủ sẽ di dời thủ đô từ Jakarta đến Đông Kalimantan.
Trung Quốc là một trong những nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã chỉ trích Bắc Kinh sử dụng chiến lược “ngoại giao bẫy nợ” để gây áp lực lên các nước tham gia.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Hồng Ân lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times