Châu Âu lảng tránh Diễn đàn Vành đai và Con đường, nhưng Taliban lại tham dự
Quy mô của hội nghị thượng đỉnh này đã bị thu hẹp đáng kể, cùng với đó là sự sụt giảm vốn đầu tư của Trung Quốc vào BRI.
Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ ba tại Bắc Kinh trong hai ngày từ 17 đến 18/10.
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm Bắc Kinh khởi động đại dự án về chính sách ngoại giao nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị trên toàn thế giới thông qua các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng ở các quốc gia khác. Tuy nhiên, quy mô của hội nghị thượng đỉnh lần này đã bị thu hẹp đáng kể, cùng với đó là sự sụt giảm vốn đầu tư của Trung Quốc vào BRI.
Trong 10 năm qua, BRI đã bị chỉ trích rộng rãi vì tham nhũng, đặt bẫy nợ cho các nước tham gia, bóc lột lao động, và khiến cho các quốc gia tham dự phải phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc.
Tháng 05/2017, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRI đầu tiên với nỗ lực giảm bớt những nghi ngờ của cộng đồng quốc tế về chương trình này. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai được tổ chức vào tháng 04/2019. Diễn đàn lần thứ ba bị hoãn lại đến tháng 10/2023 do đại dịch COVID-19.
So với hội nghị thượng đỉnh lần trước có 37 nhà lãnh đạo ngoại quốc tham dự, thì số lượng người tham dự năm nay giảm đáng kể, chỉ có 24 người tham dự. Hầu hết họ đến từ các nước đang phát triển ở Đông Nam Á và Nam Á, Trung Đông, châu Phi, và châu Mỹ Latinh.
Đáng chú ý là hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba này không có sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo đến từ châu Âu như mọi khi. Theo dữ liệu công khai, ⅓ trong số các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh đầu tiên đến từ châu Âu. Năm nay, chỉ có lãnh đạo một số nước Đông Âu tham dự như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Nhiều nguyên thủ quốc gia Âu Châu tham dự hội nghị lần trước đã không đến dự hội nghị thượng đỉnh năm nay, trong đó có tổng thống Bồ Đào Nha, thủ tướng Áo, thủ tướng Hy Lạp, tổng thống Liên bang Thụy Sĩ, tổng thống Cộng hòa Czech, tổng thống Belarus.
Ý dự tính rút khỏi BRI vào cuối năm nay và không cử quan chức tham dự hội nghị thượng đỉnh lần này.
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times: “Bây giờ Ý đã nói rõ rằng họ muốn rút lui. Điều này thực sự đại diện cho thái độ chung của hầu hết các nước phát triển.”
Chín mươi trong số các công ty trong danh sách Fortune 500 đã tham gia hội nghị thượng đỉnh BRI lần trước, nhưng năm nay chỉ có khoảng 60 công ty trong danh sách Fortune 500 tham gia.
Chuyên gia kinh tế trực tuyến Tài Kinh Lãnh Nhãn (Caijing Lengyan) nói với The Epoch Times: “Ảnh hưởng của BRI đang suy giảm nhanh chóng.”
“Nhiều quốc gia đã bắt đầu hiểu rằng ĐCSTQ kiểm soát các nước thuộc thế giới thứ ba qua khoản nợ [phát sinh thông qua BRI], vì vậy họ không tha thiết lắm đối với việc tham gia BRI. Ngoài ra, lợi nhuận của các dự án BRI đang ngày càng thấp, thậm chí còn thua lỗ, đó là nguyên nhân chính khiến ngày càng có ít quốc gia và công ty đa quốc gia hơn tham gia.”
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc, nói với The Epoch Times: “Ý hiện đang từ bỏ BRI, điều đó có nghĩa là cả các nước phát triển và các quốc gia dân chủ đều sẽ không tham gia. ĐCSTQ ban đầu muốn biến BRI thành một dự án toàn cầu, nhưng bây giờ dự án này đã bị giáng hạ xuống mức chỉ dành cho các nước đang phát triển. Và nhiều nước đang phát triển là thành viên [của sáng kiến này] đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề.”
Lãnh đạo của các quốc gia đang phát triển, những nước đang chìm sâu trong khoản nợ Trung Quốc sau khi gia nhập BRI, đều có mặt tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, bao gồm Tổng thống Lào Thongloun Sisoulith, Thủ tướng Cambodia Hun Manet, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe, và Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed.
Trang tin Tài Kinh Lãnh Nhãn cho biết: “Mục đích họ tham dự là để thương lượng về các khoản nợ. … Về khoản tiền mà ĐCSTQ cho vay, rất nhiều trong số đó đã trở thành nợ khó đòi. Bởi vì nhiều quốc gia đã phá sản. Chẳng hạn, Sri Lanka đã phá sản và [không] có khả năng hoàn trả [khoản đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng].” Kết quả là Sri Lanka phải cho Trung Quốc thuê cảng nước sâu ở Hambantota theo hợp đồng thuê 99 năm.
Ông Lý Nguyên Hoa nói rằng mặc dù các quốc gia này có thể trả hết nợ bằng cách trao cho ĐCSTQ quyền phát triển các nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm ở nước họ và cho Trung Quốc thuê cảng của họ, nhưng người dân địa phương sẽ phản đối điều đó.
Ông nói: “Bây giờ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái, đặc biệt là kinh tế của Trung Quốc cũng đang suy thoái, thì việc [ĐCSTQ] duy trì đà phát triển của BRI là một nhiệm vụ bất khả thi.”
Sự tham dự của Taliban
Taliban, lực lượng kiểm soát Afghanistan nhưng chưa được cộng đồng quốc tế công nhận, đã được ĐCSTQ mời và đã tham gia hội nghị thượng đỉnh lần này.
Ông Phùng cho biết: “Đây là dự án lớn của ông Tập Cận Bình. Ông ta đã chi rất nhiều tiền vào đó. Hiện dự án này còn dang dở và bị nhiều nước từ chối. Vì vậy ông ấy muốn tiếp tục tổ chức hội nghị thượng đỉnh này để chứng tỏ mức độ thành công của kế hoạch đó, có được càng nhiều người tham dự càng tốt. Giờ thì Taliban đã đến, ông ấy thậm chí còn phải lôi họ vào để trình diễn.”
Kể từ khi quân đội Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan hồi năm 2021, Taliban đã nắm quyền kiểm soát đất nước này. Cho đến nay, chính quyền của Taliban vẫn chưa được bất kỳ quốc gia nào công nhận. Tuy nhiên, chính quyền cộng sản Trung Quốc là nước đầu tiên bổ nhiệm đại sứ mới tại Afghanistan dưới thời Taliban, và mối bang giao chính thức của nước này với chính quyền Taliban ngày càng trở nên thân thiết.
Hồi tháng Tám, đại công ty viễn thông Huawei được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn đã hợp tác với Taliban để xây dựng mạng lưới giám sát camera quy mô lớn trên khắp Afghanistan.
Hồi tháng Năm, các quan chức của ĐCSTQ, Taliban, và Pakistan đã đồng ý đưa Afghanistan vào BRI và mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc–Pakistan tới Afghanistan.
Afghanistan có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú. Bắc Kinh đã đang đàm phán với Taliban về các kế hoạch phát triển một mỏ đồng lớn ở miền đông Afghanistan. Hồi tháng Một, Công ty TNHH Dầu khí Trung Á Tân Cương của Trung Quốc và Taliban đã ký một thỏa thuận thăm dò dầu khí liên quan đến khoản đầu tư 540 triệu USD trong ba năm ở miền bắc Afghanistan. Hồi tháng Bốn, công ty Trung Quốc Gochin cũng đề nghị đầu tư 10 tỷ USD để phát triển các mỏ lithium ở Afghanistan.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học ở Úc, nói với The Epoch Times rằng miễn là ĐCSTQ cảm thấy điều đó là có lợi cho lợi ích của chính mình thì họ sẽ hợp tác với bất kỳ quốc gia nào.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á, Trương Hồng, và Ninh Hải Chung
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times