Bắc Kinh dự tính áp đặt các loại thuế địa phương mới để giảm bớt khó khăn tài chính
Các chuyên gia cho rằng điều này sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Trung Quốc nói chung và buộc người dân phải phản kháng.
Theo truyền thông Trung Quốc, sau cuộc họp cấp cao vào đầu tháng này, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang dự tính áp dụng một loại thuế phụ thu mới ở cấp địa phương, với doanh thu lý thuyết lên tới gần 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (138 tỷ USD) mỗi năm để giải quyết khó khăn về doanh thu của chính quyền địa phương.
Trong văn kiện “Quyết định” được thông qua tại Hội nghị Trung ương 3 của ĐCSTQ vào giữa tháng Bảy, có điều khoản quy định rằng để giải quyết khó khăn tài chính của chính quyền địa phương, “cần tăng nguồn tài chính độc lập của địa phương, mở rộng nguồn thuế địa phương, và mở rộng thẩm quyền quản lý thuế địa phương một cách phù hợp.”
Cơ quan truyền thông tài chính Trung Quốc China Business News đưa tin hôm 23/07 rằng dựa trên “Quyết định,” chính quyền đang có kế hoạch sáp nhập thuế bảo trì và xây dựng đô thị, phụ phí giáo dục, và phụ phí giáo dục địa phương thành một khoản phụ phí địa phương. Theo kế hoạch, các chính quyền địa phương sẽ được phép xác định mức thuế cụ thể cho phụ phí mới.
Trung Quốc đã đánh thuế “bảo trì và xây dựng đô thị” từ năm 1985, với doanh thu được chuyển cho chính quyền địa phương. Dữ liệu từ Bộ Tài chính của ĐCSTQ cho thấy thuế xây dựng và bảo trì đô thị năm 2023 là 522.3 tỷ nhân dân tệ (72 tỷ USD), chiếm khoảng 4.5% doanh thu ngân sách công cộng địa phương.
ĐCSTQ bắt đầu áp dụng “phụ phí giáo dục” ở cấp quốc gia vào năm 1986. Sau đó, các chính quyền địa phương cũng được phép áp dụng phụ phí giáo dục địa phương. Năm 2010, các loại phụ phí này đã được thực hiện đầy đủ trên toàn quốc.
Phụ phí giáo dục và phụ phí giáo dục địa phương là phí hành chính và đều thuộc về doanh thu địa phương. Thuế phụ phí giáo dục là 3%, thuế phụ phí giáo dục địa phương là 2%. Thuế được áp dụng cho tất cả các đơn vị lao động và cá nhân nộp thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu dùng.
Theo ước tính của truyền thông Trung Quốc, dựa trên mức thuế suất 5% cho phụ phí giáo dục và phụ phí giáo dục địa phương, doanh thu lý thuyết hàng năm từ hai loại thuế này sẽ ở vào khoảng 427.3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 59 tỷ USD); cộng thêm 522.3 tỷ nhân dân tệ (72 tỷ USD) thuế xây dựng đô thị vào năm 2023, thì ba loại thuế và phí được sáp nhập này sẽ có doanh thu tổng cộng khoảng 949.6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 131 tỷ USD).
‘Buộc người dân phản kháng’
Tin tức này đã gây chấn động trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ông Tạ Điền (Frank Xie), giáo sư tại Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học South Carolina, nói với The Epoch Times rằng ý định tăng thuế địa phương của ĐCSTQ có thể giúp họ giải quyết khó khăn tài chính của chính quyền địa phương, nhưng đây là một bước đi không tốt đối với nền kinh tế Trung Quốc và sẽ gây tác hại lớn cho người dân Trung Quốc.
Ông Tạ nói, “Trong lần cải tổ thuế gần đây nhất, ĐCSTQ đã chuyển giao rất nhiều quyền và lợi ích thuế cho chính quyền trung ương, vì vậy thực ra các chính quyền địa phương đã nhận được ít tiền hơn. Sau đó, họ đã nghĩ ra một cách để khắc phục vấn đề này, đó là bán đất.”
“Giờ đây sau khi bong bóng địa ốc vỡ, thu nhập từ việc bán đất đã giảm mạnh, và thậm chí hạ xuống mức gần như bằng không. Trên thực tế, nhiều chính quyền địa phương không còn có thể trả lương cho nhân viên của họ và phải xin kinh phí từ chính quyền trung ương.”
Ông Tạ cho biết ĐCSTQ sẽ không để chính quyền địa phương phá sản, nhưng chính quyền trung ương không đủ khả năng cứu trợ họ. “Giờ chính quyền trung ương đang để chính quyền địa phương tăng thuế và tự quyết định mức tăng.”
Ông Tạ dự đoán rằng chính quyền địa phương sẽ tăng thuế mạnh và tăng gánh nặng lên người dân, “giống như ‘mổ gà lấy trứng’ vậy. Hành động này sẽ làm giảm áp lực thâm hụt của chính quyền, nhưng sẽ gây thêm áp lực cho người dân.”
Ông Tạ nói rằng ĐCSTQ về cơ bản là đang buộc người dân phản kháng. “Mọi người dân đều sẽ bị đánh thuế nhiều hơn. Đây là một cách làm rất tệ.”
Có hại cho tiêu dùng và nền kinh tế nói chung
Nhà kinh tế Đài Loan Hoàng Thế Thông (Huang Shicong) nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ đang gặp khó khăn tài chính đáng kể, và nhiều chính quyền địa phương đang mắc kẹt trong bẫy nợ.
Ông Hoàng cho biết: “Việc áp dụng các loại thuế này chỉ đơn giản là chuyển tài sản từ những người dân thông thường sang cho chính quyền địa phương.”
Ông cho biết hành động này sẽ làm giảm sức mua của người dân, từ đó tác động đến hệ thống tài chính. “Cách làm này chỉ là một hành động ngắn hạn, nhưng về lâu về dài chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế. Biết đâu một ngày nào đó, người dân sẽ không còn tiền để chính quyền thu thuế. Đây là một kiểu uống thuốc độc để giải khát.”
Ông Lý Hằng Thanh (Li Hengqing), một nhà kinh tế sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, quyền lực tài chính của chính quyền trung ương đã được mở rộng rất nhiều và tất cả tiền đều được chuyển cho chính quyền trung ương. “Giờ đây nợ đã gây áp lực lớn lên các chính quyền địa phương, và chính quyền trung ương không có tiền để cứu trợ họ, vì vậy quyền đánh thuế đang được trao cho chính quyền địa phương ở nhiều nơi.”
Ông cho biết, không giống như ở các nước dân chủ, “ở Trung Quốc cộng sản ngày nay, việc đánh thuế và tăng thuế không có sự chấp thuận của người dân.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lý Vận
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times