Bất chấp các biện pháp giải cứu, doanh số bán nhà của Trung Quốc giảm hơn 30% trong 5 tháng đầu năm
Theo báo cáo được công bố hôm 17/06 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), thị trường nhà đất nước này đã tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm trong tháng Năm. Các chuyên gia cho rằng các biện pháp mới của Bắc Kinh không mang lại hiệu quả trong việc thúc đẩy lĩnh vực địa ốc đang gặp khó khăn.
Dữ liệu cho thấy trong năm tháng đầu năm 2024, doanh số bán nhà đã giảm mạnh 30.5% so với cùng thời kỳ năm ngoái, đồng thời đầu tư của các nhà phát triển cũng đã giảm 10.1% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chính quyền Trung Quốc có lịch sử báo cáo hạ thấp số liệu và che đậy thông tin nên rất khó để đánh giá tính xác thực của dữ liệu nhà ở hiện nay của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, theo dữ liệu của NBS, giá nhà đất đã tiếp tục giảm trong tháng Năm, với tốc độ giảm tăng nhẹ so với năm trước. Các thành phố hạng nhất đã chứng kiến giá nhà mới giảm 0.7% so với quý trước, tăng 0.1 điểm phần trăm so với tháng Tư. NBS cho biết giá bán nhà mới ở các thành phố hạng nhất đã giảm 3.2% so với năm trước, đánh dấu mức tăng 0.7 điểm phần trăm về tốc độ giảm so với tháng Tư.
Phát ngôn viên của NBS, bà Lưu Ái Hoa (Liu Aihua) cho biết trong một cuộc họp báo rằng dữ liệu mới cho thấy lĩnh vực địa ốc đã có một số thay đổi tích cực kể từ khi Bắc Kinh đề ra các biện pháp mới hồi giữa tháng Năm nhằm thúc đẩy thị trường. Bà cho biết, từ tháng Một đến tháng Năm, doanh số bán nhà trong các tòa chung cư thương mại mới xây đã giảm 27.9%, cải thiện đôi chút so với mức giảm 28.3% được quan sát trong bốn tháng đầu năm.
Khủng hoảng địa ốc
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, nhà kinh tế Đài Loan Ngô Gia Long (Wu Jialong) nhận xét, “Vấn đề địa ốc của Trung Quốc là hết sức khó giải quyết, nếu không muốn nói là không thể. Chính quyền chỉ có thể vờ như họ giải quyết được.”
Dữ liệu cho thấy có quá nhiều nhà ở đã được xây dựng, ông Ngô nhận xét, đồng thời bày tỏ nghi ngờ về tác dụng của những chiến lược đổi mới đô thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ông tự hỏi, giờ đây họ cần làm gì trước thì mới tốt, “phá bỏ các dự án còn dang dở trước, phá bỏ những căn nhà bỏ hoang trước, hay là thuyết phục người dân mua những căn nhà đã xây xong trước?” Ông cho rằng các nhà chức trách không có giải pháp cho cuộc khủng hoảng địa ốc này.
Hôm 17/05, Bắc Kinh đã công bố một loạt các biện pháp mới để thúc đẩy thị trường địa ốc, chẳng hạn như khuyến khích chính quyền địa phương mua lại những căn nhà chưa bán được và chuyển thành nhà ở giá rẻ cũng như giảm lãi suất vay mua nhà và giảm số tiền trả trước. Tuy nhiên, dữ liệu ban đầu cho thấy các biện pháp này có tác động hạn chế đối với thị trường.
Nói chuyện với The Epoch Times, nhà kinh tế sống tại Hoa Kỳ Hoàng Đại Vệ (Davy J. Wong) cho rằng thị trường sẽ cần thời gian để điều chỉnh theo những biện pháp mới này. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc có những cải tổ căn bản hơn là chỉ áp dụng các biện pháp khắc phục tạm thời.
Ông cho rằng các biện pháp có ý nghĩa nên bao gồm việc giảm thuế chuyển nhượng địa ốc, tăng cường an sinh xã hội để giúp các gia đình có thu nhập thấp và trung bình mua nhà, và cải thiện quản lý lĩnh vực địa ốc.
‘Vòng luẩn quẩn’
Một nghiên cứu năm 2023 của Bank of China cho thấy, trong một thời gian dài, các khoản vay liên quan đến địa ốc đã luôn chiếm khoảng 40% tổng tín dụng của các ngân hàng Trung Quốc.
Bàn về sự suy thoái của thị trường địa ốc nước này, ông Hoàng nhận định: “Tình trạng suy thoái hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến sự an toàn của các khoản vay thế chấp ngân hàng mà còn có những hệ lụy rộng hơn. Suy thoái sẽ tác động nghiêm trọng đến toàn bộ ngành địa ốc và 56 ngành liên quan. Kết quả cuối cùng có thể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, lợi nhuận kinh doanh giảm, và tỷ suất lợi nhuận chung của tất cả các công ty có liên quan ở Trung Quốc sụt giảm.”
Ông Ngô cho rằng khi cuộc khủng hoảng nhà ở ngày càng trở nên sâu sắc, thì rủi ro sẽ vượt ra ngoài lĩnh vực ngân hàng, đặt các chính quyền địa phương vào thế phải đương đầu với sự sụt giảm trong doanh thu, cũng như khiến các nhà phát triển địa ốc tư nhân có nguy cơ rơi vào tình cảnh phá sản hoặc phải sa thải nhân viên, ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan đến địa ốc.
“Nhà đất luôn là tài sản bảo đảm quan trọng cho các khoản vay ngân hàng. Nếu thị trường tài sản thế chấp sụp đổ, thì giá trị thị trường của những tài sản nhà đất mà các ngân hàng đang nắm giữ sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến cấu trúc tài sản của họ và có khả năng dẫn đến rủi ro hệ thống,” ông nói.
Lĩnh vực địa ốc đóng góp đáng kể vào GDP Trung Quốc. Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, lĩnh vực địa ốc chiếm khoảng 30% GDP nước này.
Bản tin có sự đóng góp của Trình Tĩnh và Dịch Như
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times