Các nhà hoạt động nhân quyền lên án chính quyền Trung Quốc sách nhiễu thân nhân của họ ở Đại lục
Gần đây, một số nhà hoạt động nhân quyền tại Los Angeles đã báo tin cho The Epoch Times rằng chính quyền Trung Quốc được cho là đã đe dọa người thân của họ tại Trung Quốc chỉ vì họ đã từng tham gia vào một sự kiện kỷ niệm vụ thảm sát Thiên An Môn hồi đầu tháng 06/2024.
Ông Trương Nhân (Zhang Ren), một cựu luật sư nhân quyền sống tại Los Angeles, cho biết hành động dọa nạt của chính quyền Trung Quốc là bất hợp pháp và ông khuyến khích nhiều người Trung Quốc trẻ tuổi đứng lên phản đối các hành động tàn bạo này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 04/06, hàng trăm người từ nhiều nhóm khác nhau đã tụ tập bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles để tưởng niệm 35 năm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989.
Phát ngôn viên của Diễn đàn Hồng Kông tại Los Angeles cho biết rằng bất chấp những nỗ lực của ĐCSTQ nhằm đàn áp và đe dọa những người chỉ trích đảng này, họ vẫn kiên định kỷ niệm chương lịch sử quan trọng vốn được lưu dấu bằng máu và nước mắt này.
Vào ngày 04/06/1989, chế độ Trung Quốc đã dùng súng và xe tăng để đáp lại yêu cầu về dân chủ và quyền tự do ngôn luận của sinh viên đi biểu tình. Một bức điện tín ngoại giao bí mật của Anh quốc cáo buộc rằng ít nhất 10,000 người đã thiệt mạng tại Quảng trường Thiên An Môn, và hàng ngàn người bị thương, bị bắt, bị bỏ tù, và bị tra tấn.
Sau sự kiện tưởng niệm ở Los Angeles, một số thành viên của Đảng Dân chủ Trung Quốc, những người đến tham dự sự kiện này đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng từ ngày 15/06 đến ngày 21/06, chính quyền Trung Quốc đã đe dọa gia đình họ ở quê nhà.
Chính quyền đe dọa các thành viên gia đình
Cô Hướng Quế Duyên (Xiang Guiyuan), người gốc Hoài Hóa, tỉnh Hồ Nam, kể lại rằng cha mẹ cô được cho là đã nhận được các cuộc gọi đe dọa từ công an Trung Quốc sau khi cô tham gia lễ tưởng niệm ngày 04/06 năm nay và năm ngoái. “Công an Trung Quốc [nói với bố mẹ tôi rằng] tôi đã tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp ở ngoại quốc,” cô nói.
Cô Hướng cho biết những nỗ lực kiểm soát của ĐCSTQ không hề đe dọa được cô, và quyết định đến Hoa Kỳ của cô chỉ củng cố thêm quyết tâm chống lại ảnh hưởng của cộng sản và nắm lấy quyền tự do ngôn luận vốn được trân trọng ở Hoa Kỳ. “Nếu họ nghĩ rằng họ có thể đe dọa tôi theo cách này, thì họ đã nhầm rồi,” cô nói.
Cô Hướng đã đến Hoa Kỳ vào năm ngoái (2023), và hiện đang nộp đơn xin tị nạn.
Được thúc đẩy bởi nhận thức ngày càng rõ nét về sự đàn áp của ĐCSTQ, những người nhập cư Trung Quốc khác như cô Hướng tích cực tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối ĐCSTQ ở các thành phố khác nhau của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, họ thường xuyên gặp phải sự sách nhiễu từ chế độ [ĐCSTQ], một chế độ sử dụng nhiều phương pháp giám sát khác nhau để theo dõi các hoạt động của những người nhập cư này và đe dọa thân nhân của họ ở Trung Quốc.
Anh Dương Chí Cương, người gốc Hợp Phì, tỉnh An Huy, chia sẻ rằng hôm 08/06 ba công an và một nhân viên cộng đồng đã đến nhà tìm gặp cha mẹ anh để nói chuyện.
Tính đến hôm 21/06, công an đã đến gặp cha mẹ anh ba lần, đổ tội cho họ là không biết cách giáo dục con trai mình cho tốt. “Mẹ tôi không biết chữ nên bà rất sợ hãi, nghĩ rằng tôi đã phạm tội nghiêm trọng,” anh chia sẻ.
Anh Dương tự hỏi liệu chính quyền có bắt giữ cha mẹ của các quan chức tham nhũng không.
Anh lên án ĐCSTQ vì đã sách nhiễu cha mẹ anh và không xem xét đến thực tế là anh ấy chỉ tham gia buổi lễ tưởng niệm sự kiện Lục Tứ trong ôn hòa.
Anh Dương đã chia sẻ một sự việc liên quan đến chính quyền [ĐCSTQ] trước khi anh chạy trốn khỏi Trung Quốc vào cuối năm 2022. Ngay sau khi anh bày tỏ quan điểm của mình trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc WeChat, nói ra sự thất vọng khi bị giam hãm ở nhà trong thời gian phong tỏa vì đại dịch, anh đã bị chính quyền “mời đến uống trà,” hay nói cách khác là bị thẩm vấn, tại đồn công an.
Ông Lý Cát Thành, một chủ doanh nghiệp khởi nghiệp về mạng internet đến từ tỉnh Sơn Đông, kể lại rằng công an đã đến tìm gặp cha mẹ ông ở Thái An và đe dọa họ sau khi ông tham gia sự kiện bên ngoài Lãnh sự quán Trung Quốc tại Los Angeles.
“Hôm 07/06, công an đã đến nhà bố mẹ tôi và đe dọa họ, bảo họ thuyết phục tôi trở về Trung Quốc và đầu hàng,” ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng cha ông đã rất sợ hãi sau cuộc trò chuyện này.
“Họ cảnh cáo rằng tôi có thể sẽ bị bỏ tù, đồng thời hướng dẫn tôi cách cư xử và ngừng các hoạt động mà có thể làm hoen ố hình ảnh của ĐCSTQ.
“Mọi thứ tôi làm ở hải ngoại đều phù hợp với các quyền cơ bản và hành vi bình thường của con người,” ông nói.
‘Hy vọng cho Trung Quốc’
Để đáp lại việc chính quyền đổ lỗi cho cha mẹ vì đã không giáo dục con em đúng cách và ngăn cản con em của họ phản đối ĐCSTQ, ông Trương cho biết: “Khi một đứa trẻ tròn 18 tuổi, thì họ đã trở thành những cá nhân độc lập về mặt pháp lý, tự chịu trách nhiệm về hành động của chính mình. Cha mẹ không nên bị liên lụy hoặc phải chịu trách nhiệm.”
Ông chỉ ra rằng khả năng phân biệt đúng sai và suy nghĩ độc lập của thế hệ con em trong gia đình cho thấy cách nuôi dạy của cha mẹ là thành công.
Là một chuyên gia về luật pháp Trung Quốc, ông Trương cho biết: “Theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc, mỗi người đều có phẩm giá và nhân cách độc lập mà không nên bị can thiệp. Những lời cáo buộc của công an Trung Quốc đối với các bậc cha mẹ là thiếu cơ sở pháp lý.”
Nhấn mạnh tầm quan trọng của tính hợp pháp về thẩm quyền pháp lý, ông Trương cho biết việc phản đối tại Lãnh sự quán Trung Quốc tại Hoa Kỳ nằm ngoài thẩm quyền của ĐCSTQ.
Ông đã chứng kiến ngày càng nhiều thanh niên Trung Quốc lên tiếng phản đối Đảng, khiến ông có thêm niềm hy vọng. “Họ nên được khuyến khích. Khi nhiều người trẻ tuổi ở Trung Quốc có thể kháng cự lại tuyên truyền nhồi sọ và dũng cảm phản đối áp bức, thì Trung Quốc sẽ có hy vọng,” ông kết luận.
Bản tin có sự đóng góp của Hong Li và Shawn Ma
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times