WOIPFG phơi bày bí mật về hệ thống giám sát toàn diện của ĐCSTQ
Hôm 22/06, tổ chức quốc tế điều tra cuộc bức hại Pháp Luân Công (gọi tắt là WOIPFG) đã công bố “Báo cáo Điều tra của WOIPFG về hệ thống giám sát toàn diện của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ),” nhằm phơi bày mặt tối của hệ thống giám sát toàn diện mà ĐCSTQ đã thiết lập và khai triển từ năm 1999 để bức hại Pháp Luân Công và mở rộng sự giám sát ra toàn bộ công dân.
Trong suốt 25 năm bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã xây dựng “thành phố thông minh” trên khắp các địa phương, bao gồm hệ thống giám sát tích hợp camera, quản lý mạng lưới, phân tích dữ liệu lớn, và nhận diện bằng trí tuệ nhân tạo, đồng thời sử dụng công nghệ cao để liên tục nâng cấp các biện pháp bức hại.
Chủ tịch WOIPFG Uông Chí Viễn (Wang Zhiyuan) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Ban đầu, dưới chỉ thị của ông Giang Trạch Dân và Ủy ban Chính trị và Pháp luật, cùng với Văn phòng 610 (tổ chức bất hợp pháp chuyên bức hại Pháp Luân Công), ĐCSTQ đã bắt đầu thiết lập tường lửa và khai triển hệ thống an ninh Internet quốc gia sau khi phát động cuộc đàn áp bức hại Pháp Luân Công vào ngày 20/7/1999. Bề ngoài, ĐCSTQ công bố những biện pháp này là để quản lý và duy trì trật tự xã hội, nhưng thực chất là nhằm bức hại Pháp Luân Công và phong tỏa nghiêm ngặt sự thật về Pháp Luân Công.”
“Hệ thống giám sát này luôn được Ủy ban Chính trị và Pháp luật của ĐCSTQ quản lý, lấy lực lượng công an làm nòng cốt và đầu tư rất nhiều nhân lực, vật lực, và tài lực.”
“Hệ thống phòng chống toàn diện—do Ủy ban Chính trị và Pháp luật cùng công an dẫn đầu đã từng bước phát triển và hình thành—đã tạo nên mạng lưới kiểm soát đa cấp, đa ngành. Sau đó, mô hình quản lý dạng lưới và mạng lưới giám sát video quy mô lớn đã được xây dựng và tích hợp, tạo thành mạng lưới phòng chống trật tự xã hội chặt chẽ.”
Ông Uông nói rằng ĐCSTQ sử dụng hệ thống giám sát là để kiểm soát toàn bộ người dân, tước đoạt quyền tự do cá nhân và quyền lợi chính đáng của họ. Đồng thời, qua đó ĐCSTQ có thể tùy ý bức hại bất kỳ ai, bất cứ lúc nào, và ở bất cứ đâu, tạo thuận tiện cho việc thực thi các chính sách của ĐCSTQ và củng cố vị thế thống trị của họ.
“Mục đích của báo cáo là nhằm phơi bày toàn bộ các thủ đoạn giám sát Pháp Luân Công và sau đó là giám sát toàn dân mà ĐCSTQ đã thực hiện trong hơn hai mươi năm qua.”
WOIPFG bắt đầu điều tra sự việc này từ rất sớm, lúc đầu là điều tra về [sự giám sát trên] Internet của ĐCSTQ và “Dự án Khiên Vàng” (Golden shield project). Ngày 24/04/2004, WOIPFG công bố báo cáo điều tra về việc ĐCSTQ sử dụng công nghệ mạng để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Năm 2005, WOIPFG công bố báo cáo điều tra về sự tham gia của công ty Microsoft vào việc ĐCSTQ vi phạm nhân quyền.
Ông Uông Chí Viễn lấy ví dụ, báo cáo điều tra công bố năm 2004 đã phơi bày việc ĐCSTQ chi hơn 6 tỷ nhân dân tệ để xây dựng “Dự án Khiên Vàng” nhằm bức hại Pháp Luân Công.
“Dự án Khiên Vàng” được Bộ Công an ĐCSTQ đề xướng vào năm 1999, dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2006. Dự án này bao gồm việc thiết lập một tường lửa mạng mạnh mẽ và một lực lượng “cảnh sát mạng” hùng hậu. Điều này cho thấy ĐCSTQ đã bắt đầu sử dụng công nghệ do các công ty đa quốc gia phát triển cho mục đích thương mại để theo dõi và đàn áp những người bất đồng chính kiến với chính quyền.
Qua việc phong tỏa mạng, tập đoàn Giang Trạch Dân đã ép buộc công dân Trung Quốc phải tiếp nhận những lời vu khống và dối trá về Pháp Luân Công, kích động sự thù hận của dân chúng đối với Pháp Luân Công.
Thời điểm đó, Bộ trưởng Công an Chu Vĩnh Khang (Zhou Yongkang) là thành viên chủ chốt của tổ lãnh đạo “Dự án Khiên Vàng” thuộc Bộ Công an và là một trong những thủ phạm chính trong việc bức hại Pháp Luân Công. Tháng 12/2002, không lâu sau khi lên nắm quyền Bộ trưởng Công an, ông ta đã tuyên bố rằng “Đánh mạnh vào Pháp Luân Công vẫn là trọng điểm trong công tác của công an Trung Quốc.”
Trên trang Minh Huệ Net (Minghui.org) đăng tải nhiều báo cáo cho thấy rằng kể từ khi “Dự án khiên vàng” được thiết lập, nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bắt cóc và bức hại dưới mạng lưới giám sát lâu dài của ĐCSTQ.
Ông Uông Chí Viễn cho biết, “Ngay từ khi bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, ĐCSTQ đã dốc toàn lực phát triển công nghệ giám sát. Sau đó, họ liên tục mở rộng, kết hợp giám sát qua video, Internet, dữ liệu lớn, và trí tuệ nhân tạo thành một hệ thống tổng thể. Những năm gần đây, tình trạng ĐCSTQ sử dụng công nghệ cao để bức hại ngày càng nghiêm trọng, việc bức hại không dừng lại ở nhóm học viên Pháp Luân Công mà sau này đã lan rộng ra toàn xã hội. Báo cáo lần này của chúng tôi được thực hiện dựa trên quá trình điều tra liên tục trong nhiều năm.”
Ông Uông Chí Viễn đã tóm tắt một số giai đoạn phát triển chính của hệ thống giám sát toàn diện của ĐCSTQ như sau: Ban đầu là dùng con người, chủ yếu là cảnh sát, để thực hiện việc giám sát. Sau đó là giám sát bằng máy móc, như Internet, camera, thiết bị theo dõi điện tử. Và gần đây, họ giám sát bằng trí tuệ nhân tạo, sử dụng việc phân tích dữ liệu lớn và nhận dạng bằng trí tuệ nhân tạo để theo dõi.
Nếu cứ tiếp tục phát triển như vậy thì ĐCSTQ sẽ thực hiện các biện pháp giám sát nào nữa? Ông Uông cho biết, sau khi ĐCSTQ áp dụng chế độ ghi danh điện thoại di động, tất cả thông tin của mọi người đều bị thu thập. Hơn nữa, từ ngày 01/07 năm nay, ĐCSTQ sẽ tiến hành kiểm tra điện thoại di động trên đường phố, buộc tất cả các điện thoại đều phải được ghi danh và không có trường hợp ngoại lệ. Mỗi người đều sẽ bị giám sát toàn diện qua điện thoại di động.
Ông Uông nói rằng, ĐCSTQ đã bắt đầu phát triển mạnh mẽ hệ thống giám sát sau khi bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999. Trong hơn hai mươi năm qua, ĐCSTQ đã sử dụng nhiều biện pháp khác nhau để giám sát và bức hại các học viên Pháp Luân Công. Trên trang Minh Huệ Net đăng tải rất nhiều báo cáo về việc này.
Ký giả đã tìm thấy những trường hợp như vậy trên trang Minh Huệ Net. Ví dụ, việc học viên Pháp Luân Công Tư Đức Lợi (Si Deli) sinh năm 1953, ở thành phố Tín Dương, tỉnh Hà Nam, từng là giáo sư phụ tá chính về mỹ thuật của Nhà Văn hóa quận Sư Hà, thành phố Tín Dương. Sau khi ông mãn hạn ba năm tù do bị kết án oan vào cuối năm 2021, Ủy ban Chính trị và Pháp luật thành phố Tín Dương và nhân viên phòng 610 đã ép buộc ông phải đeo thiết bị giám sát điện tử.
Vào tháng 07/2015, học viên Pháp Luân Công Vương Lập Quần (Wang Liqun) ở thành phố Khánh Dương, tỉnh Cam Túc, đã bị Phòng 610 và công an thành phố quấy rối sau khi tố cáo kẻ chủ mưu bức hại Pháp Luân Công là ông Giang Trạch Dân, khiến ông Vương phải bỏ nhà ra đi. Phòng 610 của thành phố Khánh Dương đã đưa hình ảnh của ông Vương vào cơ sở dữ liệu “Thiên Võng” (một dự án công nghệ thông tin do Ủy ban Chính trị và Pháp luật chủ trì, kết hợp với các bộ như Bộ Công an, Bộ Công nghiệp, và Công nghệ thông tin), liên kết với các camera trên toàn quốc. Khi ông xuất hiện trước bất kỳ camera nào, hệ thống nhận dạng khuôn mặt bằng trí tuệ nhân tạo có thể nhận diện được danh tính và xác định vị trí của ông.
Vào cuối tháng 09/2022, khi ông Vương Lập Quần làm việc tại một trung tâm thương mại và tháo khẩu trang trong phòng thay đồ, hình ảnh của ông đã bị camera ghi lại, khiến hành tung của ông bị tiết lộ. Sau đó, ông Vương bị bắt cóc và đến cuối năm 2023, ông bị kết án oan 12 năm tù.
Ngoài ra, ĐCSTQ từ lâu đã thông qua điện thoại di động để tiến hành giám sát và theo dõi vị trí của các học viên Pháp Luân Công để bắt cóc và bức hại.
Ông Uông Chí Viễn nói, “ĐCSTQ ngày càng giám sát chặt chẽ người dân hơn, giống như nhốt tất cả mọi người trong tù, mọi cử chỉ, hành động đều sẽ bị giám sát.”
“Sau Hội nghị Trung ương 3 [của ĐCSTQ], nhiều cơ quan trong nước được cải tổ. Các sở công an cấp địa phương đã hợp nhất ba bộ phận là Phòng 610, an ninh quốc gia và ‘phản tà giáo’ để nâng cấp thành Cục Bảo an Chính trị Nội địa,” ông Uông nói. “Như vậy sẽ có cấp bậc cao hơn, quyền lực lớn hơn, thuận tiện cho việc chỉ huy thống nhất để bức hại Pháp Luân Công.”
“Phản tà giáo” ở đây ám chỉ “Hiệp hội Phản Tà giáo Trung Quốc,” được thành lập tại Bắc Kinh vào ngày 13/11/2000. Tổ chức này gồm các chuyên gia như học giả và nhân vật trong những tôn giáo trung thành với ĐCSTQ. Họ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Chính trị và Pháp luật và Phòng 610 để bức hại Pháp Luân Công.
“Như vậy, Bộ Công an ĐCSTQ sẽ sử dụng hệ thống giám sát toàn diện quốc gia để gia tăng bức hại đối với Pháp Luân Công,” ông Uông Chí Viễn nói.