‘Chế độ chuyên chế và chuyên quyền’: Cựu chiến binh Trung Quốc đào thoát khỏi cuộc bức hại kể về nạn tham nhũng và sự tàn bạo của ĐCSTQ
Để thoát khỏi sự bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), một cựu chiến binh Trung Quốc gần đây đã đào thoát khỏi Trung Quốc và bắt đầu cuộc sống mới ở New Zealand. Ông đã tận mắt chứng kiến tình trạng tham nhũng trong quân đội cũng như sự bất lương của ĐCSTQ qua chính sách một con và cách đối xử với các cựu chiến binh.
ĐCSTQ “vô cùng bại hoại, nham hiểm, và về căn bản là phản nhân loại,” cựu chiến binh này nói trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 18/06.
Tình trạng tham nhũng trong quân đội
Ông Trương Hợp Lý (Zhang Heli) là người gốc tỉnh An Huy thuộc phía đông Trung Quốc.
Khi chứng kiến các cuộc biểu tình ôn hòa ủng hộ dân chủ do giới sinh viên lãnh đạo tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và cuộc đàn áp hung bạo của ĐCSTQ đối với những người biểu tình, ông nói rằng ông đã bắt đầu nhìn thấy bản chất tàn ác của ĐCSTQ. Tuy nhiên, ông Trương cho hay kiến giải của ông về ĐCSTQ vào thời điểm đó vẫn còn hạn chế.
Thế nhưng, ông cho biết kể từ khi nhập ngũ vào năm 1990, ông đã dần hiểu biết cặn kẽ hơn về tình trạng tham nhũng của chính quyền Trung Quốc.
Ông Trương, lúc đó mới 18 tuổi, ban đầu được bổ nhiệm vào đơn vị an ninh tại trụ sở chỉ huy không quân, nơi ông thường chứng kiến sự thiên vị và hối lộ rành rành giữa các nhân sự.
Sau đó, ông Trương được chuyển đến một nhà kho ở Vân Nam, nơi đây ông chứng kiến các sĩ quan lợi dụng nguồn lực quân sự để thu lợi cá nhân. Chẳng hạn, ông chia sẻ rằng người ta đã hối lộ ông như thế nào và cuối cùng ông bị thuyên chuyển sang một đơn vị khác vì phản đối việc bán trái phép thiết bị radar từ các chiếc xe đã ngừng hoạt động.
Chứng kiến những gì ông nhận định là tình trạng tham nhũng tràn lan và các giao dịch kinh doanh bất hợp pháp, năm 1994 ông Trương giải ngũ rồi tham gia vào một dự án kinh doanh. Sau đó, vào cuối năm 1996, ông tìm được việc làm tại một chính quyền địa phương nhờ các mối quan hệ của gia đình.
Sự bất lương của chính sách một con
Là thư ký trong văn phòng đảng và chính quyền, ông Trương đã trợ giúp các quan chức thị trấn thi hành “chính sách một con” của ĐCSTQ, được ban hành vào năm 1979.
Năm 1991, phong trào “100 Ngày Không Có Con” bắt đầu ở tỉnh Sơn Đông, đưa chiến dịch kế hoạch hóa gia đình lên đến đỉnh điểm. Theo tài liệu của chính quyền địa phương, trong vòng 100 ngày, hàng chục ngàn thai nhi đã bị nạo phá hoặc bị sát hại ngay sau khi sinh ra.
Ông Trương nhớ lại đã nhìn thấy những túi rác chứa đầy những thai nhi bị phá bỏ ở lối vào một phòng phẫu thuật tại một cơ sở kế hoạch hóa gia đình. “Cảnh tượng kinh hoàng ám ảnh tôi nhiều ngày liền … ba chiếc túi lớn,” ông nhớ lại.
Ông đã chứng kiến một số chính quyền địa phương và nhân viên văn phòng kế hoạch hóa gia đình cưỡng bức triệt sản một phụ nữ. “Mỗi thị trấn đều có một văn phòng kế hoạch hóa gia đình, có tường cao như trại tạm giam, nơi đó phụ nữ mang thai bị giam giữ để tham gia các lớp học bắt buộc [về kiểm soát dân số],” ông nói với The Epoch Times.
“Khi dân làng bận rộn thu hoạch lúa mì, thì chính quyền lại bận rộn thi hành các chính sách kế hoạch hóa gia đình,” ông Trương thuật lại. “Nếu một gia đình có đủ khả năng tài chính, họ có thể hối lộ bí thư ủy ban ĐCSTQ, các quan chức của văn phòng kế hoạch hóa gia đình, hoặc những nhân vật có ảnh hưởng khác trong chính quyền địa phương để nhận được miễn trừ [tránh phá thai].”
Ông kinh hoàng khi thấy thường dân bị đối xử bất công. “Tại sao các gia đình quan chức và người thân của họ chỉ bị phạt vì sinh vượt quá giới hạn, trong khi con cái của thường dân lại phải chịu đau khổ rồi lìa đời?”
Năm 2000, ĐCSTQ tiến hành cải tổ thể chế ở cấp thị trấn, bắt đầu với An Huy là khu vực thí điểm nơi mà các nhân viên chính quyền phải tham gia một kỳ thi. Những cải tổ này nhằm đơn giản hóa cấu trúc hành chính của chính quyền địa phương.
Ông Trương cho biết việc tham gia kỳ thi rất đơn giản, nhưng để được làm việc, người ta phải trả cho bí thư đảng ủy 20,000 nhân dân tệ (khoảng 2,400 USD).
Nhưng ông từ chối tuân theo chính quyền và nhớ lại ông đã nói với họ rằng: “Tôi sẽ không trả tiền. Tôi sẽ không đi làm nữa. Tôi bỏ việc.”
Sau đó, tháng 04/2000, ông chuyển đến tỉnh duyên hải phía đông Chiết Giang, nơi đây ông bắt đầu công việc kinh doanh buôn bán. Ông cho biết, ông phải đối mặt với nhiều thách thức, kể cả sự sách nhiễu từ các đối thủ cạnh tranh trên thị trường và thiếu hoạt động chấp pháp. Ông nhớ lại ông bị thương nặng trong một vụ xung đột, nhưng công an địa phương không làm gì về vụ việc này.
Ông Trương cho biết, bất kể những khó khăn này, ông vẫn có thể mang lại cuộc sống ổn định cho gia đình bằng cách mua nhà và xe hơi sau tám năm điều hành công việc kinh doanh của riêng mình.
Cuộc đàn áp của ĐCSTQ
Ông Trương cho biết ông cảm thấy bị chính quyền áp bức kể từ khi ông ủng hộ các cựu chiến binh và tham gia cuộc biểu tình phản đối sự bất công của ĐCSTQ.
Tháng 03/2018, Bắc Kinh thành lập Bộ Cựu chiến binh để đáp trả các cuộc biểu tình rộng rãi của các cựu chiến binh yêu cầu chính quyền thực hiện lời hứa cung cấp phúc lợi hưu trí, kể cả sắp xếp việc làm, kể từ năm 2016 và 2017.
Ba tháng sau, vào tháng Sáu, cuộc biểu tình của chiến binh Trung Quốc diễn ra sôi nổi. Hàng ngàn cựu chiến binh trên khắp cả nước đã tập trung tại thành phố Trấn Giang của tỉnh Giang Tô để ủng hộ đồng đội tranh đấu cho quyền lợi của họ, nhưng rồi phải đối mặt với cuộc đàn áp tàn bạo của chính quyền với hàng chục ngàn công an được điều động tới.
Ông Trương cho biết ông hiểu rõ về việc không ủng hộ cũng không hưởng lợi từ nghị trình của ĐCSTQ. Tháng 08/2018, ông tham gia cuộc biểu tình của các cựu chiến binh địa phương, và trong tháng tiếp theo, ông đến Bộ Cựu chiến binh ở Bắc Kinh để giải quyết những bất bình của các cựu chiến binh.
Tháng Mười năm đó (2018), các cuộc biểu tình của cựu chiến binh kéo dài vài ngày ở thành phố Bình Độ, tỉnh Sơn Đông. Họ đã bị công an cưỡng bức giải tán bằng bình xịt hơi cay và dùi cui.
“Biến cố Bình Độ là trận chiến cuối cùng của chúng tôi,” ông Trương nói. Tuy nhiên, ông và các cựu chiến binh khác không thể tham gia biểu tình vì lúc đó chính quyền hạn chế số lượng người vào thành phố.
Vào ngày 09/12/2018, đài truyền hình nhà nước CCTV đã phát sóng một bản tin về các cuộc biểu tình tháng Mười đó, quy cho những cuộc biểu tình này là “tội phạm bạo lực nghiêm trọng.” Có ít nhất 10 cựu chiến binh đã bị giam giữ.
Ông Trương nêu ra rằng chính quyền đã bịa đặt cáo buộc. “Nhiều bằng hữu WeChat của tôi bị buộc tội ‘kiếm cớ gây sự và gây rối’ và bị kết án hai năm tù, còn những người không nhận tội thì nhận mức án bốn năm tù,” ông cho biết.
Đầu tháng 04/2019, một vụ cháy rừng ở Lương Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 nhân viên cứu hỏa, nhiều người trong số họ là thanh niên nông thôn. Ông Trương, cùng với nhiều cư dân mạng Trung Quốc, đã lên mạng xã hội để chỉ trích chính quyền vì nhận thấy họ không hành động gì. Do đó, công an nhà nước đã giam giữ ông trong vài tiếng đồng hồ và cảnh báo ông rằng ông đang bị chính quyền theo dõi.
Vào ngày 04/06/2019, bình luận của ông Trương trên WeChat tưởng niệm 20 năm vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989 đã khiến ông bị bắt giữ trong bốn tiếng sau khi đăng tải thông điệp này. Ông Trương cho biết công an đã đe dọa ông rằng: “Chúng tôi có thể khiến ông biến mất bất cứ lúc nào để gia đình sẽ không bao giờ tìm thấy ông nữa.” Ông bị giam giữ từ ngày 20/06 đến ngày 30/4 năm sau (2020).
Theo phán quyết của tòa án được công bố vào ngày 22/05/2020, ông Trương bị kết án hai năm tù giam và ba năm quản chế vì đã đăng nội dung trong các nhóm WeChat “chỉ trích chính thể xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc, đảng cầm quyền, và các cựu lãnh đạo quốc gia.”
Vào ngày 10/05/2023, ông được ra tù, bị quản chế, và bị cấm rời khỏi huyện nơi ông ở trong vòng ba năm.
Ông Trương cho biết ông không hối hận vì đã phản đối chính quyền. Khi bằng hữu và những cựu chiến binh hỏi ông tại sao lại mạo hiểm công khai lên án ĐCSTQ như vậy, ông nhớ đã nói với họ rằng: “Tôi có một cuộc sống sung túc nhờ nỗ lực của chính mình. Tuy nhiên, xã hội của chúng ta vẫn còn bất công, với việc ĐCSTQ phạm những tội ác tày trời, kể cả tội ác phản nhân loại. Làm sao tôi có thể câm lặng được chứ? Làm sao tôi có thể sống hạnh phúc giữa những thực tế này được chứ?
“Khi tôi chứng kiến đồng bào ở vùng nông thôn bị bức bách tự tử vì không đủ khả năng chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe, hoặc ngã quỵ xuống vì sốc nhiệt và mệt nhọc trên công trường, làm sao tôi có thể dung thứ hay hoan nghênh những bất công đó được?”
‘Cách mạng Văn hóa 2.0’
Ông Trương chỉ trích các biện pháp nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 của ĐCSTQ, gọi đó là “Cách mạng Văn hóa 2.0.” Ngày 23/01/2020, Bắc Kinh bắt đầu tiến hành các cuộc phong tỏa tại các thành phố lớn trên khắp cả nước, bắt buộc xét nghiệm nucleic acid và chích ngừa, đồng thời ra lệnh bắt giữ những người bất đồng chính kiến.
“Sự phong tỏa khắp toàn quốc và đàn áp thường dân như vậy chính là phiên bản Cách mạng Văn hóa 2.0 của ĐCSTQ. Điều đó có nghĩa là [họ] ngày càng kiểm soát thường dân hơn, những người ngày càng có ít quyền tự do hơn,” ông nói.
“Lúc đầu, tôi không chích ngừa cũng như không làm xét nghiệm nucleic acid. Nhưng về sau, mọi chuyện trở nên đáng sợ. Tôi sợ bị giam giữ và đưa trở lại nhà tù. Vì vậy, tôi là người đầu tiên đến địa điểm xét nghiệm nucleic acid vào lúc 5 giờ sáng. Tôi mở miệng ra, và ngay khi họ lấy mẫu, tôi cảm thấy muốn nôn mửa,” ông chia sẻ.
“Tôi biết những người trong hệ thống y tế đã làm sai lệch kết quả, và tôi biết họ [ĐCSTQ] đang nhắm vào thường dân,” ông nói thêm.
Ông Trương cho biết, hàng ngày người lớn và trẻ em trong tòa nhà chung cư của ông sẽ đến hành lang để làm xét nghiệm nucleic acid trong mấy tháng ròng.
Tháng 12/2022, ĐCSTQ bắt đầu dỡ bỏ các hạn chế về đại dịch, sau một vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nhân mạng ở Tân Cương làm dấy lên “phong trào giấy trắng,” trong đó hàng ngàn người trên khắp Trung Quốc đã xuống đường phản đối các biện pháp hà khắc liên quan đến COVID-19 của Bắc Kinh. Thay vì giơ những tấm biểu ngữ có khẩu hiệu, thì người dân trong tâm trạng thất vọng chỉ giơ lên những tờ giấy trắng.
Một cuộc sống mới
Vào mùa xuân năm 2023, ông Trương xem được video quay cảnh những người nhập cảnh trái phép vào Hoa Kỳ qua biên giới phía nam. Ông nhớ lại lúc đó ông đã nói với bạn của mình rằng, “Tôi phải rời khỏi Trung Quốc! Tôi phải đi ẩn náu!”
Ông bày tỏ rằng ông lo lắng bản thân có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào vì ông đang bị quản chế và liên tục bị theo dõi. “Tôi sẽ là mục tiêu chính của họ. Họ tuân thủ luật lệ nào đây? Tất cả đều là sự chuyên chế và chuyên quyền,” ông nói.
Ông nghĩ rằng việc tìm cách đi đến biên giới Hoa Kỳ là quá nguy hiểm, nên thay vào đó ông quyết định đến New Zealand.
Vào tháng Bảy năm đó, ông Trương và cậu con trai 15 tuổi đã đào thoát sang New Zealand, hiện họ đang xin tị nạn. Vợ ông và cậu con trai còn lại vẫn còn ở Trung Quốc.