Người đàn ông ở Trung Quốc mở đội cảnh sát tư nhân, cạnh tranh với công an, nửa năm đã thu về hàng triệu nhân dân tệ
Một video gần đây lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội và gây tranh luận cho thấy từ mười 10 năm trước, một người đàn ông ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã từ bỏ sự nghiệp để mở một đội cảnh sát tư nhân. Nhờ năng lực phản ứng nhanh và giải quyết vấn đề hiệu quả, chỉ trong vòng nửa năm, đội của ông đã giành được gần trăm vụ án từ tay công an của chính quyền, thu về hơn một triệu nhân dân tệ. Theo các nhà phân tích và học giả, việc hiện tượng mang tính châm biếm này xuất hiện ở Trung Quốc cho thấy xã hội Trung Quốc đã trở nên vô cùng hỗn loạn.
Những viên công an giả là sinh viên mới tốt nghiệp đại học vừa bước chân vào xã hội
Đoạn video được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội X và mạng internet Trung Quốc gần đây cho thấy, vào 10 năm trước, hai người phụ nữ đến đồn công an ở phía trước ga xe lửa Tây An để nhờ giúp đỡ. Hai người này tự xưng là công an đang thi hành nhiệm vụ, nhưng vào thời điểm quan trọng lại không thể liên lạc được với cấp trên. Họ không biết phải làm gì tiếp theo nên hy vọng rằng những người trong đồn công an có thể giúp họ liên lạc với đội trưởng của mình.
Công an nghe hai phụ nữ này nói họ là đồng nghiệp trong ngành, nên đã hỏi tên và số hiệu của đội trưởng của họ. Tuy nhiên, hai người phụ nữ chỉ biết đội trưởng mang họ Triệu mà không biết số hiệu. Sau đó mới biết họ thuộc cái gọi là “Đội công an chìm chi nhánh trước nhà ga,” tức là một nhóm người trẻ giả danh công an ra ngoài làm việc. Họ mặc đồng phục, đeo phù hiệu của công an, cầm bộ đàm, trông không khác gì công an thật. Khi giải quyết các vụ án, họ không ghi chép văn bản, cũng không điều tra, mà trực tiếp hành động, do đó họ giải quyết vụ án đạt hiệu quả rất cao.
Tuy nhiên, họ cũng thường đánh nhầm người. Những người bị đánh nhầm này, vì không biết số hiệu công an của đối phương nên chỉ có thể đến đồn công an gần nhất để khiếu nại. Ban đầu, nhân viên tại đồn công an cảm thấy rất kỳ lạ đối với các lời khiếu nại này. Trong nửa năm trước đó, số lần công an ra ngoài thực hiện công tác không nhiều nhưng lại nhận được hàng chục cuộc gọi khiếu nại. Trong khu vực gần ga xe lửa Tây An có sáu đồn công an, hầu như đồn nào cũng gặp phải tình huống tương tự.
Hai người phụ nữ này bị bắt giữ vì giả mạo công an. Qua lời khai của họ, công an biết rằng còn có 11 “công an chìm” khác quanh khu vực ga xe lửa, đội trưởng là một phụ nữ tên Triệu Tú Trân (Zhao Xiuzhen).
Qua điều tra, họ phát hiện những “công an chìm” này đều là sinh viên mới tốt nghiệp đại học vừa bước vào xã hội. Khoảng nửa năm trước đó, cô Triệu Tú Trân đã tìm đến cha mẹ họ, tự xưng là “Đội công an chìm” của đồn công an trước ga xe lửa Tây An đang tuyển dụng nhân viên. Cô đưa ra phúc lợi rất hấp dẫn: Lương tháng 2,800 nhân dân tệ (khoảng 385 USD), bao ăn ở, sau khi vào làm sẽ được phân nhà ở và có biên chế công chức.
Cứ như vậy, dưới sự dẫn dắt của cô Triệu Tú Trân, những người này đã làm thẻ công an, sau đó nhận một bộ đồng phục. Sau khi hoàn tất thủ tục, cô Triệu Tú Trân thu mỗi người từ 30 ngàn đến 50 ngàn nhân dân tệ (khoảng 4,128 USD đến 6,880 USD), gọi đó là phí gia nhập hệ thống công an, tiền cọc nhà ở, phí trang bị và các khoản phí khác. Trải qua vài ngày huấn luyện đơn giản, họ chính thức “đảm nhận cương vị.”
Tuy nhiên, khi cảm giác mới lạ dần phai nhạt, những người này bắt đầu lười biếng. Để khích lệ, cô Triệu Tú Trân đã đưa ra chính sách thưởng. Cô hứa sẽ thưởng 50 nhân dân tệ (khoảng 6.88 USD) cho mỗi nghi phạm bắt được. Kể từ đó, những người này không chỉ tình nguyện làm thêm giờ, mà còn bắt đầu chủ động nhận việc riêng để kiếm thêm tiền thưởng. Khi có vụ án xảy ra, chưa đợi công an chính thống can thiệp, những người này đã đến hiện trường, nhanh chóng phá án trong thời gian ngắn. Trước tiên, họ thường đánh nghi phạm cho đến khi nhận tội, rồi mới giao nghi phạm cho cô Triệu Tú Trân. Trong vòng chưa đầy nửa năm, họ đã giải quyết gần trăm vụ án. Số tiền mà cô Triệu Tú Trân thu được từ các khoản tiền phạt và bảo lãnh lên tới hàng triệu nhân dân tệ (khoảng 137,000 USD).
Người chủ mưu đằng sau lộ diện, người dùng mạng bình luận: ‘Kẻ lừa đảo còn làm tốt hơn ĐCSTQ’
Sau đó, cô Triệu Tú Trân bị bắt, công an phát hiện trong hành lý của cô có thẻ công an giả. Lúc này, cô Triệu Tú Trân vẫn khăng khăng rằng mình là công an, và yêu cầu gặp lãnh đạo của mình. Khi công an hỏi tên lãnh đạo của cô, cô Triệu Tú Trân trả lời: “Cục trưởng Trương, Trương Trường Hợp.” Sau đó, công an đã tiến hành bắt giữ ông Trương Trường Hợp. Sau khi bị bắt, ông Trương Trường Hợp đã nhanh chóng khai báo. Lúc này công an mới biết ông Trương này chính là kẻ chủ mưu thực sự.
Theo lời khai của ông Trương Trường Hợp, ban đầu ông ta muốn khởi nghiệp, sau nhiều lần suy nghĩ, ông ta nhận thấy mở đồn công an là một dự án tiềm năng, không chỉ ít cạnh tranh, thị trường lớn mà nếu là tư nhân thì thu nhập cũng rất khả quan. Vì vậy, ông đã mua một bộ đồng phục cảnh sát, tự xưng là cục trưởng. Sau đó, ông ta quen biết được cô Triệu Tú Trân. Ông Trương đã trang bị cho cô Triệu Tú Trân một bộ đồng phục giả và cấp cho cô một thẻ công an giả, nói với cô rằng từ nay cô là “Đại đội trưởng Đội công an chìm chi nhánh trước nhà ga”, và yêu cầu cô Triệu Tú Trân phụ trách việc tuyển người, cuối cùng dẫn đến tình huống nói trên.
Khi sự nghiệp ngày càng phát triển, để bảo đảm tài chính của công ty hoạt động ổn định, ông Trương đã chia số tiền thu được thành hai phần, một phần để trả lương cho nhân viên, phần kia ông giữ lại cho mình. Trong nửa năm, việc quản lý tài chính của ông luôn duy trì ở trạng thái tốt, chưa từng nợ một đồng lương nào.
Ông Trương còn cho biết, nếu không phải hai người phụ nữ kia đến đồn công an xin ý kiến công việc, thì ông đã chuẩn bị thành lập đội mới.
Một vụ án cũ từ mười năm trước đột nhiên được lan truyền rộng rãi trở lại. Người dùng mạng xã hội cũng có những cảm thán mới. Họ gọi ông Trương Trường Hợp là “thiên tài khởi nghiệp,” và bình luận rằng, “Sự thật lại chứng minh, kẻ lừa đảo làm việc còn tốt hơn Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ),” “sáu đồn công an cộng lại còn không phản ứng nhanh bằng ông ấy.”
Phân tích: Quan trường mục nát, xã hội Trung Quốc trở nên vô cùng hỗn loạn
Khi trả lời ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 30/06, ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư Bắc Kinh và là Chủ tịch Mặt trận Dân chủ Trung Quốc tại Canada, đã nói rằng đây là một hiện tượng rất mỉa mai.
Ông Lại Kiến Bình cho biết, từ xưa đến nay, việc bảo vệ an ninh trật tự, thi hành pháp luật luôn là quyền lực công cộng không thể chuyển nhượng của chính phủ. Không một xã hội nào có thể cho phép người dân đảm nhận chức năng duy trì trật tự và bảo vệ lợi ích công cộng của chính phủ, nếu không chính phủ đó sẽ mất đi ý nghĩa tồn tại. Tuy nhiên, công an của ĐCSTQ thường bị xem là “công an và lưu manh là một,” với những biểu hiện nổi bật nhất là “không làm gì” và “làm bừa.” Do đó, trong lòng người dân Trung Quốc, công an của ĐCSTQ có hình ảnh không tích cực, thiếu uy tín, và lòng tin.
Ông Lại Kiến Bình nói: “Hiện tượng này cho thấy nền chính trị của Trung Quốc đã hoàn toàn mục nát, quan trường đã hủ bại hết, và công an của ĐCSTQ đã bị coi là những kẻ tồi tệ nhất, không đáng tin cậy nhất.” Ông cũng cho biết thêm, các văn phòng cảnh sát tư nhân như thế này không thể tồn tại lâu dài, chắc chắn sẽ bị đàn áp và dẹp bỏ hết. Bởi vì họ đoạt thức ăn trước miệng hổ, giành chén cơm của cơ quan công quyền, ĐCSTQ tuyệt đối không cho phép điều này xảy ra.
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giảng viên Đại học Sư phạm Thủ đô (Trung Quốc), cũng đồng tình với quan điểm này. Ông nói với ký giả ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng hiện tượng này cho thấy xã hội Trung Quốc đã trở nên vô cùng hỗn loạn, phản ánh thực trạng ĐCSTQ không màng tuân thủ pháp luật. Tình trạng như vậy không thể xảy ra trong một xã hội pháp trị.