Trung Quốc mua vi mạch bán dẫn cao cấp của Nvidia thông qua trang web chợ đen
Kể từ khi chính phủ Hoa Kỳ cấm công ty Nvidia xuất cảng vi mạch bán dẫn cao cấp sang Trung Quốc vào năm 2022, người mua ở Trung Quốc đã sử dụng các trang web chợ đen và lợi dụng các điểm mù trong chuỗi cung ứng để lách các biện pháp kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ, buôn lậu vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo (AI) tân tiến của Nvidia từ ngoại quốc.
Hôm thứ Ba (02/07), hãng truyền thông Wall Street Journal hôm thứ Ba đưa tin, một trang web chợ đen ở ngoại quốc gồm người mua, người bán, và người giao hàng đã lách các hạn chế của chính phủ Hoa Kỳ đối với vi mạch bán dẫn của Nvidia, cung cấp vi mạch bán dẫn cao cấp của Nvidia cho các tổ chức nghiên cứu và công ty công nghệ như Đại học Thanh Hoa và Viện Khoa học Trung Quốc.
Theo tin tức được công bố, hiện tại có ít nhất hơn 70 nhà phân phối công khai quảng cáo việc bán vi mạch bán dẫn Nvidia trên mạng. Wall Street Journal đã liên lạc trực tiếp với 25 nhà phân phối trong số đó. Sau khi xác thực, nhiều người bán cho biết họ cung cấp hàng chục vi mạch bán dẫn cao cấp của Nvidia mỗi tháng.
Wall Street Journal đã điều tra và phát hiện rằng nguồn cung cấp vi mạch bán dẫn của Nvidia tại thị trường chợ đen rất ổn định. Hầu hết người bán chấp nhận đơn đặt hàng và cam kết giao hàng trong vài tuần. Một số người bán còn cung cấp cả máy chủ hoàn chỉnh, mỗi máy thường có 8 vi mạch bán dẫn cao cấp của Nvidia, với giá khoảng 300,000 USD.
Mặc dù số lượng vi mạch bán dẫn của Nvidia được bán bởi các nhà thương lái là có hạn nhưng đủ để đáp ứng nhu cầu của một số công ty khởi nghiệp AI hoặc tổ chức nghiên cứu có nhu cầu thấp.
Theo phân tích của Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (Center for a New American Security) có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, số lượng vi mạch bán dẫn AI được buôn lậu mỗi năm ước tính là khoảng 12,500 chiếc.
Bài báo cũng cho biết Nvidia không bán trực tiếp vi mạch bán dẫn trung tâm dữ liệu hiệu suất cao cho các khách hàng AI trên toàn cầu, thay vào đó họ bán cho các bên thứ ba như Dell Technologies và Super Micro Computer. Sau đó, các bên thứ ba này sẽ cung cấp hệ thống hoặc máy chủ AI hoàn chỉnh đến tay khách hàng.
Theo chuyên gia trong ngành, các nhà cung cấp thiết bị này thường mua dư thừa vi mạch bán dẫn của Nvidia để tránh gặp khó khăn trong quá trình sản xuất hoặc khi nhu cầu tăng đột biến. Họ cho biết nếu người mua cuối cùng sắp xếp để vận chuyển máy chủ có vi mạch bán dẫn Nvidia bên trong đến các nơi khác, nhà cung cấp thiết bị cũng không thể kiểm soát được.
Công ty Dell và Super Micro cho biết họ tuân thủ các quy định xuất cảng của Hoa Kỳ và sẽ hành động khi phát hiện hành vi vi phạm.
Nvidia cho biết họ chủ yếu hợp tác với các đối tác uy tín để tuân thủ quy định xuất cảng của Hoa Kỳ. Phát ngôn viên của công ty nói: “Chúng tôi áp dụng cùng một tiêu chuẩn cho tất cả các giao dịch, dù lớn hay nhỏ, và hy vọng các đối tác của chúng tôi cũng làm như vậy.”
Bộ Thương mại và các công ty trong chuỗi cung ứng bán dẫn đóng vai trò then chốt trong việc thực thi các hạn chế xuất cảng vi mạch bán dẫn của Nvidia do chính phủ Tổng thống Biden đưa ra. Các luật sư thương mại quốc tế cho biết, về mặt pháp lý, các chính phủ và khu vực tài phán ngoại quốc không có nghĩa vụ phải thực hiện các biện pháp kiểm soát của Hoa Kỳ, và việc họ bán các vi mạch bán dẫn này cho Trung Quốc không được xem là phạm tội hình sự.
Tạp chí Wall Street Journal đã phỏng vấn một nhà môi giới vi mạch bán dẫn ở Singapore có liên lạc với các kênh phân phối vi mạch bán dẫn và các nhà tích hợp hệ thống ở Đông Nam Á. Ông có thể giúp khách hàng Trung Quốc mua vi mạch bán dẫn và máy chủ.
Nhà môi giới này cho biết khách hàng của ông bao gồm các công ty AI, tổ chức nghiên cứu và đại lý vi mạch bán dẫn. Trong đó một số khách hàng sử dụng các công ty ở Singapore, Malaysia, Việt Nam, và Đài Loan để lách các hạn chế của Hoa Kỳ đối với vi mạch bán dẫn.
Ông cho biết sau khi nhận được đơn đặt hàng, ông sẽ sắp xếp lộ trình vận chuyển cho người mua, và cử chuyên viên gửi sản phẩm đến tận nơi. Đồng thời, ông cũng chuẩn bị hồ sơ hải quan và liên hệ với công ty vận chuyển.
Một số người bán cho biết hệ thống này dựa vào các hồ sơ hải quan không đầy đủ để tránh bị cơ quan chính phủ chú ý. Wall Street Journal đưa tin, trong hai giao dịch vào tháng 03/2024, một thương nhân ở Thâm Quyến đã nhận được 20 vi mạch bán dẫn GPU của Nvidia từ Singapore và 40 vi mạch bán dẫn từ một nhà xuất cảng ở Đài Loan mà không ghi rõ loại vi mạch.
Người bán cho biết, những vi mạch này là bộ xử lý A100 cao cấp của Nvidia, một trong những loại vi mạch bị hạn chế nghiêm ngặt nhất.
Wall Street Journal cũng phát hiện nhiều nhà phân phối vi mạch bán dẫn mở cửa hàng tại các trung tâm nghiên cứu AI chính ở Trung Quốc như Thâm Quyến và Bắc Kinh. Thường thì vi mạch A100 [được bán cho Trung Quốc] có giá 22,500 USD, vi mạch H100 giá 32,400 USD, cao hơn nhiều so với giá bình thường của hai loại vi mạch này là 10,000 USD và 25,000 USD. Người bán cho biết, do nguồn cung cấp trở nên ổn định hơn, nên giá chợ đen đã giảm hơn một nửa so với mùa hè năm ngoái.
Khi được hỏi làm thế nào để có được vi mạch, một nhà phân phối ở Bắc Kinh nói: “Quả thật khó khăn hơn nhiều, nhưng không sao, chúng tôi luôn có cách.” Ông còn nói rằng trong vài tháng qua, mỗi tháng ông đều nhận được một lô hàng, mỗi lô có vài chục chiếc vi mạch bán dẫn.
Một số người bán cung cấp chương trình bảo hành ba năm không liên quan đến Nvidia, bao gồm thay thế sản phẩm bị lỗi và sửa chữa khi có trục trặc. Người mua cho biết họ lo ngại về độ tin cậy của dịch vụ sau bán hàng do sản phẩm được mua từ từ chợ đen.
Từ các tài liệu mua hàng chính thức mà Wall Street Journal có được, sau khi Hoa Kỳ thắt chặt các hạn chế xuất cảng vào cuối năm ngoái, các tổ chức nghiên cứu và các trường đại học ở Trung Quốc vẫn tiếp tục mua vi mạch bán dẫn AI cao cấp của Nvidia từ các nhà phân phối Trung Quốc. Nvidia chưa bao giờ chính thức gửi hàng đến Trung Quốc vì các hạn chế xuất cảng có hiệu lực trước khi loại vi mạch này được bán ra toàn cầu.