Trung Quốc: Từ sự việc xe bồn vận chuyển lẫn lộn dầu công nghiệp và dầu ăn, chuyên gia chỉ ra sự hủ bại của chính quyền
Sự việc Công ty Dự trữ Lương thực Trung Quốc (Sinograin), một doanh nghiệp quốc doanh, dùng bồn chứa vận chuyển dầu than đá nhưng không vệ sinh làm sạch các bồn này trước khi tiếp tục vận chuyển dầu ăn đã bị phanh phui, gây nên một vụ bê bối cho ngành vận tải dầu của Trung Quốc. Công ty Sinograin trở thành đối tượng bị chỉ trích gay gắt, các cơ quan truyền thông nhà nước cũng lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chuyên gia ngoại quốc chỉ ra rằng, hiện tượng hỗn loạn này là do sự hủ bại của chính quyền gây nên, phản ánh căn bệnh của thể chế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Truyền thông nhà nước chỉ trích sự việc là ‘vô đạo đức,’ ‘đầu độc,’ nhưng các chuyên gia chỉ ra tình trạng hỗn loạn bắt nguồn từ sự hủ bại của chính quyền
Gần đây, ngành vận chuyển xe bồn chở dầu ở Trung Quốc đã bị phanh phui về việc vận chuyển trộn lẫn các hóa chất công nghiệp và chất lỏng thực phẩm. Tập đoàn Lương thực và Dầu ăn Hối Phúc, thuộc công ty quốc doanh, được chỉ định là doanh nghiệp chủ đạo trọng điểm của ngành công nghiệp hóa nông nghiệp quốc gia Trung Quốc. Một công ty khác là Tập đoàn Trung Trữ Lương, tên đầy đủ là Công ty TNHH Quản lý Dự trữ Lương thực Trung Quốc (Sinograin), cũng là một doanh nghiệp quốc doanh và trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm cụ thể về việc quản lý kinh doanh lương thực dự trữ trung ương (bao gồm cả dự trữ dầu trung ương).
Sau hàng loạt vụ bê bối về an toàn thực phẩm như sữa bột độc hại xảy ra trước đây, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng nhạy cảm với vấn đề an toàn thực phẩm. Vụ việc xe bồn vận chuyển lẫn lộn dầu than đá và dầu ăn bị phanh phui lần này đã gây ra làn sóng phản ứng mạnh mẽ.
Hôm 09/07, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã chỉ trích Sinograin là “vô đạo đức,” cho rằng việc sử dụng xe bồn vận chuyển lẫn lộn dầu than đá và dầu ăn “chẳng khác nào đầu độc.” Trong khi đó, báo Đô Thị Phương Nam (Southern Metropolis Daily) cho rằng “một mớ lộn xộn như thế này sẽ lấy mạng người tiêu dùng.” Tuy nhiên, cũng vào hôm 09/07, truyền thông nội địa Trung quốc đã tiết lộ rằng, vấn đề hỗn loạn này đã có từ năm 2013.
Hôm 09/07, Phó giáo sư Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi) của Đại học Công nghệ Sydney đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, sự việc xe bồn chở dầu công nghiệp sau đó lại chở dầu ăn chỉ có thể nói lên rằng ở Trung Quốc không có sự tôn trọng tối thiểu đối với mạng người, “Trung Quốc là quốc gia có thực phẩm độc hại lan tràn nhất.”
Ông Phùng cho rằng, xét từ một góc độ khác, nguyên nhân là do chính quyền ĐCSTQ vô cùng hủ bại, bề ngoài luôn hô hào chống tham nhũng, nhưng mọi khâu kiểm tra thực phẩm đều có thể dùng tiền để cho qua.
“Đất nước cũng đều có những người xấu hoặc kém đạo đức như vậy. Tuy nhiên, nếu quyền lực công cộng và các biện pháp giám sát của chính phủ được thực thi đúng đắn, thì những sự việc này sẽ nhanh chóng bị loại trừ. ĐCSTQ là một chính quyền vô cùng giả dối và tham nhũng, cho nên không có an toàn thực phẩm [ở Trung Quốc].”
Liên quan đến vụ việc xe bồn chở dầu vận chuyển lẫn lộn dầu than đá và dầu ăn bị phanh phui lần này, nhà nghiên cứu Ngô Sắt Trí (Wu Sezhi) của Hiệp hội Chính sách Hai bờ Eo biển và Ủy viên Tư vấn Viện Nghiên cứu Đài Loan đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, ở Trung Quốc luôn có những vấn đề tương tự như vậy. Quan trọng nhất là yêu cầu trách nhiệm của doanh nghiệp không theo kịp xu thế của thời đại. Điều này liên quan mật thiết đến việc thiếu pháp quyền trong hệ thống chính trị của Trung Quốc.
“Trong kinh doanh, tất nhiên doanh nghiệp cần phải có lợi nhuận, đồng thời cũng phải duy trì hình ảnh doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội cần được thể hiện, quan trọng nhất là chính phủ cần phải có một môi trường cởi mở, dân chủ tự do, mới có thể giám sát doanh nghiệp ở mức độ nhất định.”
Theo The Beijing News hôm 02/07, sau khi thực hiện cuộc điều tra dài hạn, các ký giả đã phát hiện rằng, Tập đoàn Sinograin sử dụng xe bồn vừa vận chuyển dầu than đá, vừa vận chuyển các loại thực phẩm như dầu ăn, dầu đậu nành, và siro.
Các ký giả của The Beijing News đã theo dõi và điều tra phát hiện ra rằng có xe bồn vừa xả dầu than đá xong, không làm sạch bồn chứa mà đã nhanh chóng rót vào đó dầu ăn vào và chuyển đi. Các doanh nghiệp dầu ăn liên quan trong vụ việc này là Tập đoàn Lương thực và Dầu ăn Hối Phúc cùng với Công ty Dự trữ Lương thực và dầu mỡ Trung Quốc (ở Thiên Tân).
Chữ trong hình:
Còn dơ hơn dầu ống cống sao? Dùng xe bồn vận chuyển dầu công nghiệp rồi tiếp tục vận chuyển dầu ăn? Giới truyền thông công bố toàn bộ quá trình xe bồn vận chuyển dầu than đá sau đó tiếp tục vận chuyển dầu ăn đậu nành, nhưng không vệ sinh bồn của công ty lương thực. Hơn nữa, nhiều xe bồn tiếp tục dán nhãn “dầu ăn” lên xe bồn sau khi dùng giấy che lại nhãn dán “chất lỏng thông thường.” Các chuyên gia cảnh báo rằng: Các thành phần trong dầu than đá có thể gây nguy hại cho sức khỏe con người, nếu dùng lâu dài có thể dẫn đến ngộ độc. AI em gái Thiên Nhãn điều tra được…
Dầu than đá là một loại chất lỏng hóa học được chế biến từ than đá, chẳng hạn như sáp lỏng, dầu trắng, v.v. Một tài xế xe bồn đã tiết lộ với ký giả của The Beijing News rằng, việc vận chuyển lẫn lộn chất lỏng thực phẩm và chất lỏng hóa học mà không làm sạch bồn chứa của xe nhằm tiết kiệm chi phí, đã trở thành một bí mật mà ai cũng biết trong ngành vận tải xe bồn.
Các chuyên gia an toàn thực phẩm ở Trung Quốc cho biết, dầu sản xuất từ than đá chủ yếu là hydrocarbon, nếu được đưa vào cơ thể trong thời gian dài có thể dẫn đến ngộ độc và ảnh hưởng đến chức năng tạo máu. Hơn nữa, nếu xe bồn vận chuyển dầu ăn còn đi vận chuyển các chất lỏng hóa học khác thì rủi ro càng khó lường.
Chính quyền ĐCSTQ đã ban hành Luật An toàn Thực phẩm và có “Quy chuẩn vận chuyển dầu ăn thực vật dạng rời.” Tuy nhiên, truyền thông nội địa cho biết, quy chuẩn này không phải là tiêu chuẩn quốc gia bắt buộc, do đó rất hạn chế về tính ràng buộc đối với các nhà sản xuất.
Ông Phùng Sùng Nghĩa cho rằng, do tham nhũng, tất cả các quy định của ĐCSTQ đều trở thành công cụ để các quan chức dùng quyền lực để kiếm lợi. “Càng có nhiều quy định, cơ hội kiếm lợi càng lớn, số tiền thu được càng nhiều, và kết quả là cơ chế giám sát trở nên vô hiệu hóa.”
Các doanh nghiệp đều đang phủi bỏ trách nhiệm, phản ánh bệnh trạng của thể chế chính trị
Nhân viên của Tập đoàn Lương thực và Dầu Hội Phúc (đơn vị bị nêu tên trong vụ việc) cho biết các cơ quan liên quan của chính phủ đã vào cuộc kiểm tra. Một công ty khác cũng bị nêu tên là Công ty Dự trữ Lương thực và Dầu mỡ Trung Quốc (ở Thiên Tân), thuộc Tập đoàn Dự trữ Lương thực Quốc gia Trung Quốc cũng lên tiếng rằng cuộc kiểm tra toàn hệ thống đã được khai triển.
Tuy nhiên, theo các hãng truyền thông “Trung Tân Kinh Vĩ” (Economic View), “Đô Thị Phương Nam,” và một số truyền thông khác của Trung Quốc, hiện tại các doanh nghiệp liên quan đều đang phủi bỏ trách nhiệm về vụ việc xe bồn vận chuyển lẫn lộn dầu công nghiệp và dầu ăn.
Hôm 08/07, khi bị chụp ảnh có xe bồn đi vào khu vực nhà máy, Tập đoàn Lương thực và Dầu ăn Hối Phúc đã trả lời truyền thông rằng, “Xe bồn này không phải của công ty chúng tôi, và dầu ăn nhãn hiệu Hối Phúc của chúng tôi không có bất kỳ vấn đề gì về chất lượng.”
Nhiều công ty niêm yết cũng đã phản ứng về sự việc này. Các công ty như Kim Long Ngư (Jin Long Yu), Đạo Đạo Toàn (Dao Dao Quan), Thực phẩm Tây Vương (Xi Wang Shi Pin), Tập đoàn Kinh Lương (Jing Liang) đều phủ nhận có liên quan đến bê bối này.
Hôm 08/07, thương hiệu dầu ăn Kim Đỉnh (Jin Ding) thuộc Tập đoàn Dự trữ Lương thực Trung Quốc Sinograin đã đột ngột gỡ bỏ toàn bộ sản phẩm dầu ăn của mình trên Taobao. Dịch vụ chăm sóc khách hàng của thương hiệu này cho biết lý do là nhà kho đang tạm nghỉ và sẽ sớm đưa sản phẩm bán trở lại trong thời gian tới.
Ông Ngô Sắt Trí cho biết, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, thể chế chính trị này tồn tại hai căn bệnh. “Thứ nhất là vấn đề của đảng. Trong các vấn đề liên quan ĐCSTQ theo quán tính sẽ ưu tiên bảo vệ sự ổn định của chế độ hơn là quyền lợi của người dân, nên thường đưa ra các biện pháp đối phó phô trương về hình thức, nhưng không thực chất và dễ dàng bỏ qua.”
Ông Ngô chỉ ra căn bệnh thứ hai của thể chế này là, các doanh nghiệp có quy mô nhất định ở Trung Quốc đều có chính phủ hậu thuẫn, chẳng hạn như Tập đoàn Dự trữ Lương thực Quốc gia Trung Quốc. “Khi các doanh nghiệp quốc doanh gặp vấn đề an toàn thực phẩm, và bị truyền thông phanh phui, nhưng cuối cùng liệu có thể suy nghĩ cho quyền lợi của người dân hoặc của người tiêu dùng để giải quyết hay không thì rất khó.”
Ông Ngô Sắt Trí cho biết, nếu sự việc tương tự xảy ra ở Đài Loan, xã hội sẽ quan tâm hơn đến các sản phẩm liên quan, chính phủ sẽ có hành động, truyền thông sẽ giám sát liên tục, và các doanh nghiệp phải cải thiện hình ảnh của mình, và thông qua nhiều phương pháp và đầu tư thêm chi phí để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, ở Trung Quốc lại rất hiếm khi áp dụng cách giải quyết như vậy. Mà ngược lại, ĐCSTQ sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát dư luận nhiều hơn.
Nhiều cư dân mạng chỉ trích rằng, các quan chức ĐCSTQ đã có hệ thống cung cấp đặc biệt riêng, vì vậy họ sẽ không thực sự quan tâm. Ông Phùng Sùng Nghĩa cho rằng, rất ít người được hưởng đặc quyền, phải đạt đến một cấp bậc nhất định mới có được đặc quyền này, do đó các quan chức bình thường của ĐCSTQ cũng là nạn nhân. Bệnh ung thư rất phổ biến ở Trung Quốc, trong đó bao gồm cả các quan chức.