Bắc Kinh phân bổ 41 tỷ USD từ trái phiếu dài hạn để kích thích tiêu dùng
Các chuyên gia cho rằng biện pháp này sẽ có tác động hạn chế.
Trong biện pháp mới nhất của Trung Quốc để kích thích nền kinh tế, Bắc Kinh đã công bố việc phân bổ trực tiếp 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41.4 tỷ USD) từ trái phiếu kho bạc siêu dài hạn cho các chính quyền địa phương để trợ giúp các dự án nâng cấp thiết bị và đổi cũ lấy mới dành cho hàng tiêu dùng.
Các nhà phân tích cho rằng trong bối cảnh đầu tư ngoại quốc rút lui, năng lực sản xuất dư thừa, nhu cầu trong nước trì trệ, và chi tiêu tiêu dùng giảm, số tiền từ trái phiếu do chính quyền đầu tư sẽ có tác dụng hạn chế và có thể bị các quan chức địa phương biển thủ.
Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia và Bộ Tài chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố biện pháp này hôm 25/07, nêu rõ rằng khoản phân bổ này là nhằm “tăng cường trợ giúp nâng cấp thiết bị và đổi cũ lấy mới hàng tiêu dùng trên quy mô lớn.”
Chính quyền tuyên bố rằng họ sẽ phân bổ trực tiếp khoảng 150 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20.7 tỷ USD) trái phiếu kho bạc đặc biệt siêu dài hạn cho các chính quyền địa phương để trợ giúp chính quyền địa phương “thực hiện độc lập chính sách đổi cũ lấy mới hàng tiêu dùng.” Thông báo chính thức này cũng nêu rõ rằng 150 tỷ nhân dân tệ khác (khoảng 20.7 tỷ USD) từ trái phiếu sẽ được phân bổ để trợ giúp nâng cấp thiết bị doanh nghiệp trong khi loại bỏ yêu cầu trước đây rằng “tổng vốn đầu tư dự án không được dưới 100 triệu nhân dân tệ,”
Nói chuyện tại một cuộc họp báo, ông Triệu Thần Hân (Zhao Chenxin), phó chủ nhiệm Ủy ban Cải tổ và Phát triển Quốc gia, cho biết số tiền này sẽ hoàn tất việc phân bổ trước cuối tháng Tám.
Trợ cấp sẽ không có nhiều tác dụng
Ông Tạ Kim Hà (Hsieh Chin-ho), chủ tịch tạp chí Wealth Magazine của Đài Loan, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng 300 tỷ nhân dân tệ không phải là một số tiền lớn, “vì nhu cầu nội địa của Trung Quốc rất yếu, lợi nhuận từ thương mại điện tử đã gây ra sự thu hẹp lớn đối với các cửa hàng truyền thống, … ngoài ra, bong bóng địa ốc đã vỡ, và mọi người đều sợ tiêu dùng.”
Ông cho biết: “Hiện nay, doanh số của nhiều mặt hàng tiêu dùng cao cấp rõ ràng đã giảm sút.”
“Nhu cầu trong nước yếu, 300 tỷ nhân dân tệ là số tiền rất nhỏ, vấn đề cốt lõi vẫn chưa được giải quyết là bong bóng địa ốc.”
Ông Tạ lưu ý rằng nền kinh tế Trung Quốc đã có thể phát triển nhanh chóng trong quá khứ là nhờ vốn đầu tư ngoại quốc, “phần lớn là do các doanh nhân Đài Loan đã liên tục đầu tư nhân lực và tài lực vào Trung Quốc.”
“Giờ đây, các doanh nhân Đài Loan đang chuyển tiền ra ngoài, và ai nấy đều rời Trung Quốc,” ông nói. “Quan hệ xuyên eo biển đang trở nên căng thẳng hơn, trong đó có [luật ‘chống độc lập Đài Loan’] gồm 22 điều mới đây, vốn sẽ đẩy nhanh hơn nữa cuộc tháo chạy khỏi Trung Quốc của các doanh nhân Đài Loan. Không chỉ là [có ít] vốn hơn chảy vào Trung Quốc, mà vốn còn đang liên tục tháo chạy.”
Ông dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn hơn trong tương lai.
Chính quyền ĐCSTQ nhấn mạnh trong thông báo rằng các khoản tiền được phân bổ trực tiếp cho chính quyền địa phương “không được sử dụng để cân đối ngân sách địa phương hoặc trả nợ của chính quyền địa phương” mà phải được sử dụng cho các mục đích chuyên dụng như đã nêu để đề phòng nghiêm ngặt “các hành vi bất hợp pháp và vi phạm quy định như biển thủ, gian lận, và gian lận trợ cấp.”
Tuy nhiên, ông Tạ nêu lên rằng chính quyền địa phương các cấp ở Trung Quốc đều không minh bạch, tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng phát triển.
“Trước đây, chính quyền địa phương thường bán đất để lấy nguồn tài chính,” ông nói. “Bây giờ khi nguồn tài chính bị cắt, 300 tỷ nhân dân tệ này không biết sau khi chia ra có bị họ biển thủ không.”
Tại một cuộc họp báo ngày 25/07, ông Từ Hưng Phong (Xu Xingfeng), một quan chức Cục Xúc tiến Tiêu dùng thuộc Bộ Thương mại của ĐCSTQ, cho biết rằng, tiêu dùng nội địa của Trung Quốc đang chịu “áp lực lớn hơn” trong nửa đầu năm nay. Nhưng ông tuyên bố rằng nếu “bốn trụ cột” của tiêu dùng—xe hơi, thiết bị gia dụng, hàng gia dụng, và dịch vụ ăn uống—có thể ổn định thì tiêu dùng sẽ có thể ổn.
Ông cho biết về trợ cấp đổi xe: “Đối với những người tiêu dùng cá nhân bỏ xe cũ mua xe mới, mức trợ cấp tiêu chuẩn sẽ được tăng từ 10,000 nhân dân tệ (1,379 USD) mỗi xe đối với xe điện mới lên 20,000 nhân dân tệ (2,758 USD), và đối với xe chạy bằng xăng, mức trợ cấp được tăng từ 7,000 nhân dân tệ (965 USD) lên 15,000 nhân dân tệ (2,069 USD). Người mua một số thiết bị gia dụng như tivi, máy điều hòa, và máy điện toán sẽ nhận được trợ cấp tương đương với từ 15 đến 20% giá bán, nhưng trợ cấp cho mỗi mặt hàng sẽ không vượt quá 2,000 nhân dân tệ (khoảng 276 USD).”
Ông Từ Chân (Xu Zhen), một nhà phân tích cấp cao về thị trường vốn Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng hàng năm ĐCSTQ đều đưa ra các chính sách kích thích tương tự nhau nhưng tác dụng thúc đẩy nền kinh tế của những chính sách này là hạn chế.
“Đối với các thiết bị gia dụng, chính sách thay thế đồ cũ bằng đồ mới thực ra đã được đưa ra từ năm 2008 đến năm 2012,” ông cho biết. “Mức trợ cấp khi đó là 13%, còn bây giờ là 15% đến 20%, không phải là một mức tăng lớn. Đối với xe điện mới, mức trợ cấp thuế mua xe là 12,600 nhân dân tệ (1,738 USD) cho mỗi xe trước năm 2022, mức trợ cấp hiện tại là 20,000 nhân dân tệ (2,758 USD). Mức tăng này không đáng kể, tôi không nghĩ là biện pháp này sẽ có nhiều tác dụng.”
Ông Từ Chân cho biết quan niệm tiêu dùng của người dân đã thay đổi rất nhiều và mức tiêu dùng đang giảm xuống trong bối cảnh nền kinh tế nhìn chung suy thoái.
“Người dân hiện phải cắt giảm chi tiêu sau khi trải qua lệnh phong tỏa COVID-19, suy thoái kinh tế liên tục, và tình trạng thất nghiệp,” ông nói. “Đằng sau hiện tượng ‘nằm phẳng’ là người dân không còn niềm tin vào tương lai, xã hội, và thậm chí là chính phủ. Đây thực sự là một cuộc khủng hoảng đối với chế độ cộng sản Trung Quốc.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times