Trung Quốc: Xuất hiện nhiều ‘viện dưỡng lão thanh niên’ để chữa lành những tâm hồn đang chịu nhiều áp lực
Nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, ngày càng có nhiều người trẻ phải đối mặt với tình trạng “cạnh tranh cũng không được, nằm yên cũng không xong.” Do đó có một dịch vụ gọi là “viện dưỡng lão thanh niên” đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc.
Gần đây, “viện dưỡng lão thanh niên” đã xuất hiện lần lượt ở các khu vực ngoại ô và nông thôn như Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà Nam, Đại Lý thuộc tỉnh Vân Nam, Tây Song Bản Nạp, Trùng Khánh, Hợp Phì thuộc tỉnh An Huy, Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang. “Viện dưỡng lão thanh niên” không phải là viện dưỡng lão theo nghĩa truyền thống mà là nơi để giới trẻ “tạm thời rời xa [nhịp sống hối hả], thư giãn để nạp năng lượng, chữa lành tâm thân.”
Trên mạng xã hội ở Trung Quốc, các quán cà phê, nhà nghỉ, trang trại, quán bar ở nhiều địa phương cũng đồng loạt đổi sang chủ đề “viện dưỡng lão thanh niên.” Một nhóm người trẻ đã xây dựng “viện dưỡng lão,” thu hút một nhóm người trẻ khác đến trải nghiệm cuộc sống “dưỡng lão.”
Truyền thông Hoa lục loan tin, “viện dưỡng lão thanh niên” thực chất là nơi để tâm hồn nghỉ ngơi. Mọi người có thể cùng nhau uống trà, trò chuyện, làm vườn, tắm nắng, nuôi gia súc, cùng xem phim, hoặc mặc đồ ở nhà, đi dép lê, ăn những bữa ăn nhẹ, v.v.
“Viện dưỡng lão thanh niên” cung cấp cho những người trẻ đang bị áp lực cao trong cuộc sống một nơi để thư giãn tâm trí, giúp họ rời xa sự ồn ào và căng thẳng của thành phố. Đồng thời, mô hình này cung cấp không gian tự do thoải mái cho những người trẻ đang ở trong trạng thái 45 độ (những người đang cảm thấy bơ vơ và ở trạng thái lưng chừng), “[cạnh] tranh cũng không được, nằm yên cũng không xong,” những người đang muốn thoát ly thực tại.
Gần đây, một chàng trai sinh năm 1993 ở Đông Bắc chia sẻ về cuộc sống hàng ngày tại viện dưỡng lão trên mạng xã hội. Với 1,700 nhân dân tệ mỗi tháng, anh ta có thể ở phòng đôi, có người dọn vệ sinh định kỳ, không cần lo lắng về tiền điện, nước, và Internet, đồ ăn cũng khá ngon. Cuộc sống tuy đơn giản nhưng anh cảm thấy rất hài lòng.
Anh chia sẻ, bản thân đã từng mở công ty, cũng từng mở cửa hàng. “Hiện tại môi trường chung có chút khó khăn, không kiếm được tiền, đột nhiên [tôi] nghĩ đến việc vào viện dưỡng lão.”
Hôm 07/07, Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, “viện dưỡng lão thanh niên” ở Trung Quốc giúp thanh niên đang “cạnh tranh” công việc ở thành thị được “về hưu” sớm vì giá rẻ, gần gũi với thiên nhiên và mang những nét đặc trưng của nền văn hóa.
Tại vùng ngoại ô gần Tô Châu, một viện dưỡng lão thanh niên hoàn toàn mới đang chuẩn bị khai trương vào đầu tháng 07/2024, với mức giá 500 nhân dân tệ mỗi tuần. Người sáng lập “viện dưỡng lão thanh niên” Tiểu Hứa cho biết khu nhà vẫn đang trong quá trình nghiệm thu, nhưng đã có hàng trăm người trong nhóm chờ để vào ở.
30% giới trẻ đang phân vân giữa cạnh tranh và nằm yên
Hãng truyền thông Sohu đã đăng tải một bài viết có tựa đề “Giữa cạnh tranh và nằm yên, thế hệ trẻ chọn ở viện dưỡng lão.” Nội dung bài báo cho biết “viện dưỡng lão thanh niên” không phải là viện dưỡng lão theo nghĩa truyền thống. Ở đó không có cơ sở y tế và bệnh viện. Nó là một khái niệm, truyền tải việc theo đuổi cuộc sống chậm của người trẻ.
Bài viết cho rằng người trẻ đối mặt với guống quay công việc không ngừng nghỉ. Cuộc sống cạnh tranh của họ (từ 90 độ) rơi xuống khoảng lưng chừng 45 độ, “muốn cạnh tranh cũng không nổi, muốn nằm yên cũng không xong,” cả người trong trạng thái “nửa ngồi nửa nằm.” Dưới tình trạng áp lực và bối rối, “dưỡng lão” đã trở thành yêu cầu chung của nhiều người.
Cuối năm ngoái (2023), Đại học Nhân dân Trung Quốc công bố “Khảo sát Sự phát triển của Thanh niên Trung Quốc” cho thấy có 28.5% người trẻ sống trong trạng thái 45 độ, chỉ có 12.8% muốn nằm yên, 58.7% người trẻ đang ở trong trạng thái phấn đấu hướng lên.
Khi đó, cuộc khảo sát trực tuyến của “Tuần báo Đời sống Tam Liên” cho thấy, có 3,608 người cho rằng mình đang “nằm yên,” có 2,442 người cho rằng mình ở trong “cuộc sống 45 độ.” Số người tự nhận mình “đứng thẳng” trong trạng thái cạnh tranh chiếm tỉ lệ ít nhất, chỉ có 731 người.
‘Viện dưỡng lão thanh niên’ là nơi người trẻ có thể tự do làm điều mình thích
Anh Lư Bách Khắc (Lu Baike), người sáng lập “viện dưỡng lão thanh niên” tại thôn Mãn Đâu, Vân Nam, nói với tờ “The Paper” rằng người trẻ cần cân bằng cuộc sống, và viện dưỡng lão không chỉ là nơi nghỉ ngơi mà còn là nơi chữa lành tâm hồn.
Anh Lư cho biết, nhóm người chủ yếu ở “viện dưỡng lão thanh niên” gồm hai loại chính: “Một là những người làm nghề tự do, đến đây để tăng cường cơ hội giao lưu. Hai là những người trẻ gặp phải rào cản trong công việc, cuộc sống, gia đình, tình cảm. Họ cần nghỉ ngơi điều chỉnh tốt trước khi bắt đầu lại.”
Anh Lư Bách Khắc cho biết: “Chúng tôi không nhận người trên 45 tuổi, cũng không nhận người chưa từng đi làm.” Tại đây, không ai yêu cầu về giờ giấc sinh hoạt, không có lo lắng về công việc, không có mâu thuẫn gia đình, mọi người có thể “làm theo ý mình.”
Anh Tim, người sáng lập ban đầu của “viện dưỡng lão thanh niên” này tiết lộ, [viện dưỡng lão thanh niên] đang trong giai đoạn kinh doanh thử nghiệm. Có vô số câu hỏi từ cư dân mạng, nên mỗi ngày anh phải kết bạn với hơn một trăm người.
Không chỉ vậy, mô hình này còn thu hút nhiều doanh nghiệp lớn đến thảo luận. Quảng Châu, An Huy, Lạc Dương đều có người liên lạc. Họ hy vọng phát triển và xây dựng kế hoạch thêm cho ý tưởng này.
Một người tên Tiểu Vũ, thuộc thế hệ 9x, đã vào ở “viện dưỡng lão thanh niên”, cho biết “đây không chỉ là một viện dưỡng lão mà còn là một ‘bệnh viện.’”
Chữ trong hình:
25 tuổi tại Viện dưỡng lão thanh niên, 91 ngày bao ăn ở…
Viện dưỡng lão thanh niên ở Đại Lý | Tuyển thành viên từ tháng Ba đến tháng Sáu…
Tôi đã mở một Viện dưỡng lão thanh niên tại thành phố tuyến ba!
Kế hoạch dưỡng lão ngắn hạn cho người trẻ
Tôi đã mở một Viện dưỡng lão thanh niên ở tuổi ba mươi
Nhóm đầu vào viện dưỡng lão là sau thế hệ 10x
Tiền thuê phòng một tháng 300 nhân dân tệ
Bạn cùng phòng lớn hơn tôi 50 tuổi
Quán cà phê biến thành ‘viện dưỡng lão thanh niên’
Anh Vincent là người đã mở một “viện dưỡng lão thanh niên” tại Giang Môn, Quảng Đông. Anh giới thiệu với “Tin tức Cực Mục” rằng nơi mà anh xây viện dưỡng lão thanh niên trước đây là một kho hàng cũ, sau đó được cải tạo thành quán cà phê, và sau đó là “viện dưỡng lão thanh niên – Vạn Thị Ốc.”
Anh Vincent thừa nhận, “Vạn Thị Ốc” (Wan Shiwu) vẫn là một quán cà phê, chỉ là giúp giảm bớt một số áp lực tinh thần cho khách hàng.
Khác với các quán cà phê thông thường, “Vạn Thị Ốc” nằm ở một nơi yên tĩnh, trang trí “đơn sơ.” Sàn nhà được lát bằng một lớp xi măng dày phủ đầy vỏ cây thông thay vì gạch hay sàn gỗ. Ở đây chủ yếu là đồ nội thất đơn giản, mang phong cách thập niên 70, ánh sáng vàng mờ, màu sắc u tối, thiết bị đơn giản.
Anh Vincent vừa là ông chủ, vừa là nhân viên. Chính phong cách này thu hút một nhóm người trẻ. Mỗi ngày đều có từ 30 đến 40 khách ghé thăm, bao gồm công an, luật sư, bác sỹ, giáo viên, nhân viên công chức, nhân viên kinh doanh.
Theo anh Vincent, một số người trẻ hiện nay vì áp lực cuộc sống và công việc, không tìm thấy mục tiêu, nên họ đến “viện dưỡng lão thanh niên” để giảm bớt áp lực tinh thần và áp lực trong cuộc sống.
Anh Lu, người sáng lập “viện dưỡng lão thanh niên Vấn Tào” tại Tây Song Bản Nạp, Vân Nam, cho biết, hiện tại để vào ở tại “Vấn Tào,” tiền phòng mỗi tháng là 1,500 nhân dân tệ, các chi phí khác tự lo theo nguyên tắc tham gia.
So với dự án nhà nghỉ thanh niên mà anh Lu từng làm trước đây, “Viện dưỡng lão thanh niên” cung cấp nhiều hoạt động giao lưu xã hội hơn: mọi người cùng nhau làm vườn, nuôi gia súc, cùng xem phim, đốt lửa trò chuyện.
Theo thống kê của anh Lu, nhóm khách hàng của “viện dưỡng lão thanh niên” đa phần là những người trung niên và thanh niên trên 25-26 tuổi, chủ yếu là thế hệ 9x. Rất nhiều người đến đây để “dưỡng lão” mà không cho cha mẹ biết.
Ông David Xu, người sáng lập công ty ‘săn đầu người’ IMC Talent ở Hồng Kông, phân tích với VOA rằng bối cảnh quan trọng trong phát triển của các viện dưỡng lão thanh niên là môi trường làm việc ở Trung Quốc đang trở nên tồi tệ, yêu cầu đối với người trẻ ngày càng khắt khe và không thân thiện. Cụ thể là việc làm thêm giờ, quan hệ nhân sự phức tạp, các công việc vô nghĩa ngày càng nhiều, quy trình hành chính rườm rà. Tất cả những điều này khiến hầu hết người trẻ cảm thấy thất vọng nhiều hơn với nơi làm việc, và chọn cách trốn tránh hiện thực.
Ông Vương Quốc Thần (Wang Guochen), nhân viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung Hoa, cho biết việc người trẻ đổ xô đến “viện dưỡng lão thanh niên” phản ánh tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao của thanh niên Trung Quốc. Áp lực cạnh tranh gia tăng, những người trẻ trong tình trạng lương thấp, họ không có hy vọng mua nhà, phản đối việc lập gia đình, lựa chọn trực tiếp “nằm yên.”