Ý rút khỏi dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc
Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết dự án này không mang lại kết quả như mong đợi.
Ý đang trong quá trình rút khỏi Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, giáng một đòn mạnh vào dự án đầy tham vọng của nhà cầm quyền cộng sản này.
Ý là thành viên duy nhất trong Nhóm 7 cường quốc có nền kinh tế phát triển hàng đầu (G-7) tham gia dự án trị giá ngàn tỷ USD mà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã khởi động cách đây một thập niên nhằm mở rộng ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Hôm thứ Năm (07/12), Thủ tướng Giorgia Meloni đã xác nhận việc rút khỏi dự án này của Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên … cải thiện hợp tác với Trung Quốc về thương mại, kinh tế,” bà Meloni nói với các phóng viên trong bình luận công khai đầu tiên về vấn đề này kể từ khi có thông tin cho rằng Rome đang trao đổi với Bắc Kinh về quyết định này, theo Reuters.
Bà nói thêm: “Dự án (BRI) này … đã không mang lại kết quả như mong đợi.”
Biên bản ghi nhớ BRI giữa Rome và Bắc Kinh có hiệu lực đến tháng 03/2024. Ý phải quyết định trước cuối năm nay liệu họ có quyết định chấm dứt thỏa thuận này hay không. Nếu không, thỏa thuận sẽ tự động được gia hạn thêm năm năm nữa.
Hôm thứ Tư (06/12), xuất hiện các bản tin cho rằng chính phủ của bà Meloni đã thông báo với chính quyền Trung Quốc rằng họ sẽ chính thức rút khỏi thỏa thuận đó.
Theo hãng thông tấn địa phương Corriere della Sera, một bản thông tri trang trọng đã được gửi đến đại sứ quán Trung Quốc tại Ý hồi đầu tháng này mà không có thông báo chính thức.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Năm, khi được hỏi về việc Rome chính thức rút khỏi dự án BRI, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phủ nhận cũng không xác nhận thông tin này, nhưng cho biết dự án này có “sức hấp dẫn to lớn và có sức ảnh hưởng trên toàn cầu.”
Không nêu đích danh Ý, nhưng phát ngôn viên của Bộ này, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói với các phóng viên rằng chính quyền Trung Quốc “kiên quyết phản đối các nỗ lực bôi nhọ và phá hoại sự hợp tác trong dự án Vành đai và Con đường hoặc gây ra sự đối đầu và chia rẽ trong khối.”
‘Sai lầm lớn’
Ông Tập đã khởi xướng chương trình BRI ngay sau khi ông lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Kể từ đó, Bắc Kinh đã phân bổ hơn 1 ngàn tỷ dollar tiền vay và các quỹ khác để xây dựng đường sắt, bến cảng, nhà máy điện, và cơ sở hạ tầng quan trọng khác trên khắp Đông Nam Á, châu Phi, và châu Âu. Hầu hết các khoản vay này được trao cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.
Năm 2019, Thủ tướng Ý lúc bấy giờ là ông Giuseppe Conte đã ký bản ghi nhớ BRI khi ông Tập đến thăm Rome, bất chấp sự phản đối của Hoa Thịnh Đốn và Brussels. Thương vụ này thậm chí còn phải đối mặt với sự chỉ trích từ chính chính phủ liên minh của ông Conte, khi các quan chức lo ngại rằng dự án đầu tư này của Trung Quốc có thể trở thành một “con ngựa thành Troy” làm suy yếu nền kinh tế của nước này.
Ông Conte hy vọng việc tham gia vào dự án BRI sẽ tăng cường liên kết thương mại với Trung Quốc và thúc đẩy nền kinh tế Ý, khi đó đang rơi vào suy thoái.
“Trước tiên, chúng ta muốn tái cân bằng cán cân thương mại, mà hiện đang không thuận lợi cho chúng ta. Xuất cảng của chúng ta sang Trung Quốc thấp hơn nhiều so với các quốc gia Âu Châu khác,” ông Conte nói với các nhà lập pháp trước khi ký thỏa thuận với ông Tập.
Trái với mong đợi, các công ty Trung Quốc vẫn được hưởng lợi nhiều hơn từ thương mại song phương. Dữ liệu của Ý cho thấy kim ngạch xuất cảng của Ý sang Trung Quốc chỉ tăng nhẹ, từ 14 tỷ USD năm 2019 lên 17.7 tỷ USD vào năm 2022. Tuy nhiên, xuất cảng của Trung Quốc sang Ý lại tăng gần gấp đôi, lên 61.9 tỷ USD từ mức 34.1 tỷ USD trong cùng thời kỳ.
Bà Meloni đã chỉ trích gay gắt quyết định của chính phủ về việc chấp thuận dự án BRI trong chiến dịch bầu cử năm ngoái. Trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn chính thức CNA của Đài Loan, vào tháng 09/2022, bà Meloni mô tả thỏa thuận của ông Conte với nhà cầm quyền nước này là “một sai lầm lớn.”
Kể từ khi nhậm chức vào tháng Mười năm ngoái, bà Meloni và chính phủ cánh hữu của bà đã nhiều lần phát đi tín hiệu về ý định rời khỏi BRI với lý do không đạt được những lợi ích kỳ vọng.
Hôm thứ Tư (06/12), Ngoại trưởng Ý Antonio Tajani cho biết chương trình cơ sở hạ tầng của Trung Quốc “không phải là một trong những ưu tiên của chúng tôi.”
Ông Tajani, cũng là phó thủ tướng Ý, cho biết trong một sự kiện do hãng thông tấn Ý Adnkronos tổ chức ở Rome, dự án của Trung Quốc “chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn và thực sự thì những quốc gia không tham gia đã có kết quả tốt hơn.” Ông nói thêm rằng việc rút khỏi BRI sẽ không gây tổn hại cho mối bang giao với Trung Quốc.
Ngày càng nhiều hoài nghi
Ông Tập từng ca ngợi BRI là “dự án của thế kỷ.” Nhưng một thập niên sau khi khai triển dự án này, BRI tiếp tục phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng ở phương Tây.
Các nhà phê bình gọi kế hoạch này là “ngoại giao bẫy nợ” vì nó tạo gánh nặng cho các quốc gia nhỏ hơn với các nghĩa vụ nợ không bền vững. Một ví dụ là Sri Lanka, quốc gia đã chuyển giao quyền quản lý Cảng Hambantota chiến lược cho chính quyền Trung Quốc theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm vào năm 2017, sau khi chính phủ nước này nhận thấy mình không thể trả được các khoản vay quá lớn như vậy cho Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo G-7 đã tiết lộ một chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu như một câu trả lời cho dự án BRI gây tranh cãi của Bắc Kinh.
Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng BRI là một phần trong nỗ lực của nhà cầm quyền này nhằm định hình lại trật tự toàn cầu.
Tại diễn đàn, ông Tập mô tả dự án BRI của mình như một nền tảng toàn cầu cho sự hợp tác và thịnh vượng, đồng thời kỷ niệm 10 năm thành lập dự án tại Bắc Kinh vào đầu năm nay.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, một trong số những vị khách cao cấp tham dự diễn đàn, đã ca ngợi BRI vì vai trò được cam kết của dự án trong việc tạo ra “một thế giới công bằng hơn, đa cực hơn.”
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times