Vành đai và Con đường của Trung Quốc lại gặp phải một trở ngại khác
Viễn cảnh Ý rút lui và các khách hàng khác không hài lòng hoặc gặp rắc rối đang làm lung lay sáng kiến từng một thời đồ sộ này.
Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của ông Tập Cận Bình gặp khó khăn ngay cả trước khi Ý bắt đầu nói về việc rút khỏi kế hoạch này. Giờ đây, việc mất Rome sẽ giáng một đòn đặc biệt nặng vào dự án từng một thời đồ sộ này. Trong khi đó, Tòa Bạch Ốc của Tổng thống Biden và Ấn Độ đã công bố một kế hoạch hành lang thương mại mà theo đó sẽ xây dựng các tuyến đường sắt và đường biển để kết nối châu Á với Trung Đông và châu Âu, hay nói cách khác là một giải pháp thay thế cho BRI của Trung Quốc.
Dường như mục đích sử dụng BRI như một phương tiện để mở rộng phạm vi kinh tế và ngoại giao toàn cầu của Bắc Kinh đã không đủ đạt mức độ đáp ứng được những tham vọng từng khiến ông Tập Cận Bình cách đây không lâu từng mô tả BRI là “dự án của thế kỷ.”
Rome vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Khi được hỏi tại cuộc họp G20 gần đây ở Ấn Độ, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni đã nói với các hãng truyền thông rằng chính phủ của bà vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng. Ý có thời hạn đến tháng Mười Hai để quyết định về các thỏa thuận này khi việc Ý tham gia BRI hồi năm 2019 sẽ tự động gia hạn vào năm tới trừ khi Rome đưa ra thông báo rút lui chính thức. Nếu điều đó xảy ra (mà rất có khả năng xảy ra), khi Ý thực sự rút lui, thì quốc gia này sẽ trở thành thành viên duy nhất của BRI cũng thuộc G7 rời khỏi chương trình này của Trung Quốc
Giới ngoại giao suy đoán rằng Hoa Thịnh Đốn đã gây áp lực buộc Ý phải rút lui. Có thể đã có một chút áp lực. Rốt cuộc, Ý sẽ đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên của G7 vào năm tới. Nhưng nếu Hoa Thịnh Đốn có thật sự tạo áp lực đi chăng nữa, thì cả Hoa Thịnh Đốn và Rome đều không thừa nhận. Tất cả những gì chính phủ Ý đã nói là tư cách thành viên G7 đã không mang lại lợi ích một cách đầy đủ cho nền kinh tế của Ý và rằng mặt khác, Ý quyết tâm duy trì quan hệ thương mại và ngoại giao thân thiện với Trung Quốc.
Tại các cuộc họp G20, cả bà Meloni và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (Li Qiang) đều bày tỏ ý định “củng cố và làm sâu sắc thêm cuộc đối thoại giữa Rome và Bắc Kinh.” Tuy nhiên, theo suy nghĩ của Hoa Thịnh Đốn, việc duy trì mối bang giao tốt đẹp sau khi rút khỏi BRI có thể khuyến khích các nước khác cắt đứt liên kết với thỏa thuận này.
Việc Ý rất có khả năng rời đi không phải là rắc rối duy nhất mà BRI phải đối mặt. Nhiều thành viên khác đã thấy được những thỏa thuận này là gánh nặng. Ngay từ đầu, BRI luôn có vẻ như là một hợp đồng với xã hội đen. Bắc Kinh tiếp cận các quốc gia có nhu cầu ở châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, Trung Đông, và vùng ngoại vi châu Âu để cung cấp các khoản vay cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng — cảng, đường sắt, đập, đường bộ, v.v.
Các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc sẽ thu xếp nguồn tài chính, và các nhà thầu Trung Quốc sẽ thực hiện các dự án, và quản lý các dự án này sau khi hoàn công. Nếu nước chủ nhà không thanh toán, thì các dự án sẽ thuộc quyền sở hữu của Trung Quốc. Dù các nước chủ nhà có thanh toán được nợ hay không, thì Bắc Kinh cũng đã giành được ảnh hưởng và đòn bẩy đáng kể đối với các quốc gia đã để bản thân rơi vào thỏa thuận này. Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, Trung Quốc đã tiến hành các khoản vay trị giá hơn 1 ngàn tỷ USD như vậy ở khoảng 150 quốc gia, đưa Trung Quốc trở thành chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới.
Theo thời gian, nhiều khách hàng của BRI đã nhận ra bản chất một chiều của những thỏa thuận này. Phần lớn vấn đề là các dự án được theo đuổi trong khuôn khổ BRI đã được chọn vì lý do chính trị và ngoại giao hơn là vì lý do kinh tế. Nhiều nỗ lực trong số này luôn không rõ ràng về mặt kinh tế, và giờ đây rõ ràng là những dự án này không thể có đủ thu nhập để hoàn trả các khoản vay. Ví dụ, ở Sri Lanka, ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 khiến hoạt động thương mại phải đóng cửa, thì cảng do BRI xây dựng vẫn chưa bao giờ có được lưu lượng giao thông cần thiết để đáp ứng các điều khoản của khoản vay này. Những khoản vay này đã trở thành nợ xấu. Các khoản vay của các dự án khác cũng vậy, ngay cả khi các ngân hàng quốc doanh có liên quan của Trung Quốc không tuyên bố như vậy.
Những điều tương tự đang xảy ra trên khắp BRI. Pakistan, một trong những quốc gia tham gia BRI lớn nhất, đã không thực hiện được các nghĩa vụ của mình đến mức phải nhờ đến Quỹ Tiền tệ Quốc tế để được cứu trợ. Các khoản cho vay ở châu Phi có vẻ đặc biệt dễ đổ vỡ. Các nhà kinh tế tại Ngân hàng Thế giới ước tính rằng khoảng 60% tổng số khoản vay BRI hiện liên quan đến các quốc gia đang gặp khó khăn về tài chính.
Trong một thời gian dài, Bắc Kinh đã từ chối thừa nhận vấn đề tài chính. Các chủ ngân hàng Trung Quốc từ lâu đã cảnh báo Bắc Kinh về tính khả thi về mặt tài chính và kinh tế của các thỏa thuận BRI. Một số chủ ngân hàng lo ngại đến mức họ khăng khăng yêu cầu Bắc Kinh gia hạn cho một số khoản vay dưới danh nghĩa “được chỉ định theo chính sách” để làm rõ rằng quyết định cho vay đến từ Bắc Kinh chứ không phải là do ban quản lý của các ngân hàng đó làm ra. Các quan chức đã gây áp lực buộc các chủ ngân hàng phải tránh nhắc đến các khoản nợ xấu hoặc nợ bị mất khả năng thanh toán. Thay vào đó, các ngân hàng được khuyến khích giữ cho bên vay tiếp tục duy trì bằng cách kéo dài thời gian đáo hạn của các khoản vay, mà trong thuật ngữ ngân hàng được gọi một cách đầy hoài nghi là “gia hạn và giả vờ.”
Bắc Kinh đã từ chối hợp tác với những nỗ lực của phương Tây thông qua Câu lạc bộ Paris của G20 để đàm phán lại các khoản vay gặp khó khăn. Không nghi ngờ gì nữa, giới lãnh đạo Trung Quốc muốn tránh phải thừa nhận một cách đáng xấu hổ rằng các khoản vay BRI có vấn đề, nhưng có lẽ việc từ chối hợp tác cũng sẽ khiến cho Trung Quốc được ưu tiên hoàn tiền trước những bên cho vay khác trong trường vỡ nợ trở thành điều không tránh khỏi.
Giờ đây, khi các ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với tình trạng vỡ các khoản nợ lớn từ các nhà phát triển bất động sản trong nước, chẳng hạn như Evergrande, Bắc Kinh đã nhận ra rằng BRI có lẽ là một gánh nặng không thể chịu nhận nổi đối với Trung Quốc cũng như đối với các quốc gia khách hàng. Trong quá khứ, khi nền kinh tế Trung Quốc còn phát triển nhảy vọt, Bắc Kinh có thể có khả năng bù đắp cho những khoản vỡ nợ bằng chính nguồn lực của mình, nhưng giờ đây điều đó không còn đúng nữa.
Theo đó, Bắc Kinh đã trở nên cởi mở hơn rất nhiều trong các cuộc đàm phán về tái cấu trúc nợ. Các cuộc đàm phán đã bắt đầu giữa Bắc Kinh và Chad, Ethiopia, và Zambia. Thật vậy, chính quyền Trung Quốc đã tham gia cùng với các nhóm quốc tế, chẳng hạn như Câu lạc bộ Paris, nhằm xây dựng cái gọi là “khuôn khổ chung” để giải quyết các khoản nợ quốc gia này, dù có thuộc về BRI hay không. Ông Tập chắc chắn đã thay đổi cách nói của mình. Hiện ông mô tả BRI là “ngày càng phức tạp” và cần sự hợp tác và kiểm soát rủi ro mạnh mẽ hơn — một sự nhượng bộ khá lớn.
Việc Ý rút lui trong tương lai không chỉ tạo ra hình ảnh xấu vì sự nổi bật của nền kinh tế Ý, mà còn nêu bật tất cả những khó khăn xung quanh BRI đối với Trung Quốc và các quốc gia khách hàng của Trung Quốc. BRI chắc chắn không còn được xem là “dự án thế kỷ” ở Bắc Kinh hay bất kỳ nơi nào khác. Các mệnh lệnh chính trị và ngoại giao sẽ duy trì kế hoạch này trong một thời gian. Nhưng BRI có vẻ như sẽ bị thu hẹp lại, chắc chắn là trong sự nhẹ nhõm của các chủ ngân hàng và Bộ Tài chính Trung Quốc, chứ không phải là sự nhẹ nhõm của ông Tập.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times