Ông Putin tán dương Sáng kiến Vành đai và Con đường trong chuyến thăm Trung Quốc
Hôm thứ Tư (18/10), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là “người bạn thân mến” trong một diễn đàn quảng bá Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, sáng kiến mà các nhà phê bình cho là đẩy các quốc gia tham gia vào các nghĩa vụ nợ (hay khoản nợ) không bền vững.
Ông Putin đến Bắc Kinh hôm thứ Ba, trong một chuyến công du quốc tế hiếm hoi kể từ khi ông đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ vì tội ác chiến tranh ở Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga này là một trong số vài vị khách cao cấp tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh hôm 18/10, trong đó có quyền Bộ trưởng thương mại của Taliban Haji Nooruddin Azizi.
Năm 2013, ông Tập đã khởi động BRI bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở các quốc gia tham gia, với mục đích xây dựng ảnh hưởng địa chính trị của Bắc Kinh dọc theo các tuyến thương mại nối Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Phi, và châu Âu. Theo ông Tập, từ đó hơn 150 quốc gia đã tham gia sáng kiến này.
Trong bài diễn văn của mình, ông Putin ca ngợi BRI là con đường dẫn đến “một thế giới đa cực, công bằng hơn.”
Ông Putin nói thêm: “Nếu xét đến quy mô toàn cầu của sáng kiến mà nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra cách đây một thập niên, thật lòng mà nói, người ta khó có thể mong đợi kế hoạch này sẽ thành công. Những người bạn Trung Quốc của chúng ta đang làm cho sáng kiến này trở nên hiệu quả. Chúng ta vui mừng khi được chứng kiến câu chuyện thành công này vì nó có ý nghĩa rất lớn đối với nhiều người trong chúng ta.”
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Trung Quốc và Nga bắt đầu hợp tác theo BRI hồi năm 2014.
Ông Putin cho rằng sáng kiến của ông Tập phù hợp với Nga. Nhà lãnh đạo Nga này cho biết đất nước của ông đang phát triển một loạt cơ sở hạ tầng giao thông, quảng cáo tuyến vận tải Tuyến đường Bắc Hải chạy giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương.
Trong khi đó, ông Tập sử dụng bài diễn văn của mình tại diễn đàn để ca ngợi sáng kiến của ông như là một “dự án của thế kỷ” vì chương trình này đã “thiết lập một khuôn khổ mới cho hợp tác quốc tế.” Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã công bố một số hành động mới theo BRI, bao gồm đưa thêm 80 tỷ nhân dân tệ (11 tỷ USD) vào sáng kiến này; Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và Ngân hàng Xuất-Nhập cảng Trung Quốc (Exim), mỗi ngân hàng cung cấp 350 tỷ nhân dân tệ (47.9 tỷ USD); và một hành lang tiếp vận mới.
Trong khi ông Tập đang cố gắng thuyết phục thêm nhiều quốc gia tham gia thì Ý, quốc gia G-7 duy nhất gia nhập BRI, lại có ý định rút khỏi sáng kiến này. Tháng trước, Ngoại trưởng Ý, ông Antonio Tajani, cho biết việc gia nhập đã “không đáp ứng được kỳ vọng của người Ý” vì những lợi ích kinh tế dự kiến đã không thành hiện thực.
Năm 2017, chính phủ Sri Lanka đã bàn giao quyền kiểm soát Cảng Hambantota cho Bắc Kinh theo hợp đồng thuê 99 năm, sau khi không trả được các khoản tiền mà họ vay Trung Quốc.
Hồi tháng Chín, trong một báo cáo về BRI của Trung Quốc, Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội đã cảnh báo về việc Trung Quốc sử dụng các dự án BRI cho các mục đích quân sự.
Báo cáo đó cho biết, “Một số nhà phân tích quốc phòng đánh giá rằng một số trong số các dự án cơ sở hạ tầng dân sự của Trung Quốc cũng có những ứng dụng quân sự. Theo chương trình hợp nhất quân sự-dân sự và sáng kiến Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035, nước này đang phát triển các tiêu chuẩn thúc đẩy khả năng tương tác dân sự và quân sự, và có thể biến cơ sở hạ tầng ngoại quốc chẳng hạn như các cảng trở thành khả dụng cho mục đích quân sự của Trung Quốc.”
Ông Tập cũng nói về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ không tham gia vào việc “đối đầu về hệ tư tưởng,” đồng thời họ cũng phản đối “các biện pháp trừng phạt đơn phương” và “cưỡng bách kinh tế.”
Hồi tháng Năm, các nhà lập pháp của Hạ viện Hoa Kỳ đã tổ chức một phiên điều trần xem xét các chiến thuật kinh tế cưỡng bách của Bắc Kinh, bao gồm các biện pháp trừng phạt thương mại, ngăn chặn quyền tiếp cận của ngoại quốc vào thị trường nội địa Trung Quốc, và những hạn chế thương mại đối với các công ty ngoại quốc đang tìm cách kinh doanh tại Trung Quốc.
Sau diễn đàn, ông Putin đã gặp ông Tập để hội đàm song phương. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông Tập gọi nhà lãnh đạo Nga này là “người bạn cũ” và nói về “sự tin tưởng ngày càng sâu sắc” giữa hai bên.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng cho thấy thương mại song phương đang tiến dần tới mục tiêu 200 tỷ USD. Theo dữ liệu hải quan Trung Quốc, năm ngoái, thương mại giữa hai quốc gia này đạt mức cao kỷ lục 190 tỷ USD.
Hôm thứ Ba (17/10), Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina) đã lên X, trước đây gọi là Twitter, để nói rằng chính phủ Tổng thống Biden nên cảnh giác trước liên kết đối tác Nga–Trung.
Bản tin có sự đóng góp của The Associated Press và Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times