Các chuyên gia: Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc dẫn đến tham nhũng và nợ nần
Tại một diễn đàn quốc tế gần đây ở Bắc Kinh, Trung Quốc đã cam kết tiến hành một kế hoạch cơ sở hạ tầng tám điểm, một phần của mục tiêu Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) năm năm tiếp theo của nước này.
Trong bài diễn văn khai mạc diễn đàn BRI lần thứ ba hôm 18/10, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết rằng các ngân hàng phát triển Trung Quốc sẽ tài trợ 47.8 tỷ USD cho các dự án “nhỏ nhưng thông minh” bao gồm 100 phòng thí nghiệm hợp tác, và 100,000 cơ hội đào tạo cho các quốc gia đối tác vào năm 2030.
Trong bài nói của ông, ông Tập đã không nêu cụ thể Hoa Kỳ, nhưng cho biết Trung Quốc “phản đối sự cạnh tranh địa chính trị, chính trị khối, các biện pháp trừng phạt đơn phương, ép buộc, và tách rời kinh tế, cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng.”
Các chuyên gia ngờ rằng BRI đang dần xuống dốc, khi xét đến nền kinh tế nội địa đang sa sút của Trung Quốc và hàng loạt vụ vỡ nợ địa ốc ở nước này, khi có tới 40% các khoản vay ngân hàng ở Trung Quốc có liên quan đến địa ốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, những lời hứa hẹn lớn lao liên tục về việc chi tiêu nhiều của ông Tập gửi đi một tín hiệu đáng lo ngại cho người dân Trung Quốc.
Một thập niên bẫy nợ
Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm kể từ khi sáng kiến BRI được ra mắt vào năm 2013, với tuyên bố cải thiện khả năng kết nối và hợp tác trên quy mô xuyên lục địa.
Sau một thập niên hợp tác quốc tế, BRI đã phải đối mặt với nhiều tranh cãi đáng kể, chủ yếu liên quan đến việc Bắc Kinh tiến hành xuất cảng tham nhũng, ngoại giao bẫy nợ, và khai thác sức lao động.
Ông Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), chủ nhiệm Khoa Chính trị và Kinh tế Toàn cầu tại Đại học Đạm Giang của Đài Loan, nhận xét rằng hội nghị thượng đỉnh BRI giống như một hình ảnh và tuyên truyền cho khán giả trong nước, vì nhiều dự án BRI đã kết thúc mà không hoàn thành và dẫn đến nợ nần chồng chất cho chính quyền các nước tiếp nhận. Ông Trịnh cho biết: “Đối với nhiều quốc gia đang phát triển, BRI đã trở thành một cơn ác mộng.”
Ông lấy nội các bị sụp đổ của cựu Thủ tướng Najib Razak của Malaysia làm ví dụ. Vào tháng 05/2018, ông Najib đã bị truất phế và bị cáo buộc liên quan đến vụ bê bối tham nhũng trị giá hàng tỷ USD liên quan đến quỹ phát triển quốc gia mang tên 1MDB (1Malaysia Development Berhad). Người ta tin rằng Trung Quốc đã tận dụng chính phủ tham nhũng của Malaysia để thúc đẩy BRI.
Trước đây, Wall Street Journal đã đưa ra bằng chứng như biên bản của một loạt các cuộc họp trong đó các quan chức Malaysia gợi ý với các đối tác Trung Quốc rằng Trung Quốc nên tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Malaysia với chi phí cao. Các biên bản đó ngụ ý rằng số tiền tăng thêm có thể được sử dụng để giải quyết các khoản nợ của 1MDB.
Xuất cảng tham nhũng
Ông Trịnh cho rằng BRI đã phục vụ các quan chức tham nhũng của Trung Quốc như một phương thức rửa tiền để chuyển tiền tham nhũng của họ ra ngoại quốc.
Trong bài nói của ông Tập, Trung Quốc sẽ hợp tác với các quốc gia đối tác BRI để tăng cường xây dựng các nền tảng hợp tác đa phương trên nhiều lĩnh vực như năng lượng, thuế, tài chính, phát triển xanh, giảm nhẹ thiên tai, các tổ chức tư vấn, truyền thông, văn hóa, và chống tham nhũng.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư phụ tá ngành Trung Quốc học tại Đại học Công nghệ Sydney, nêu lên rằng trong bối cảnh liên quan đến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì tuyên bố này phải được hiểu theo nghĩa ngược lại. Ông Phùng cho rằng, khi nhà cầm quyền này nói đến đào tạo chống tham nhũng, thì trên thực tế là đang “lan truyền tham nhũng.”
Ông tin rằng 10 năm thực hiện chương trình BRI đã trực tiếp dẫn đến nền kinh tế trì trệ và khủng hoảng nợ ở Trung Quốc. Ông nói, “Những doanh nghiệp nhà nước và trung ương tham gia vào các dự án BRI phải hối lộ các quan chức địa phương, và những dự án này được thực hiện thông qua các hành vi tham nhũng. Chi phí của mỗi dự án được thổi phồng lên để mang lại lợi ích cho các quan chức tham nhũng.”
Tham nhũng là một vấn đề rộng khắp ở nhiều quốc gia Phi Châu, nơi có nhiều dự án chưa hoàn thành liên quan đến BRI được ghi nhận.
Ví dụ, ở Kenya, một tuyến đường do Trung Quốc xây dựng từ bờ biển đến Uganda vào năm 2017 đã đột ngột kết thúc tại một ngôi làng hẻo lánh, cách thủ đô Nairobi của Kenya khoảng 120 km (75 dặm) về phía tây sau khi Bắc Kinh rút lui.
Thời báo Đài Bắc (Taipei Times) đưa tin trích dẫn dữ liệu của Ngân khố Quốc gia Kenya cho biết, Trung Quốc là chủ nợ ngoại quốc lớn nhất của Kenya, chiếm khoảng 22% nợ ngoại quốc của nước này tính đến tháng 12/2018.
Trụ cột ủng hộ khủng bố
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan (INDSR), nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng BRI có vỏ bọc là kinh tế, nhưng thực chất lại chứa đựng các chiến lược địa chính trị đằng sau, và phương Tây đã nhận ra những chiến lược đó.
Nhiều nước EU đã phản kháng một cách thụ động sau hơn một thập niên bị BRI của Trung Quốc lừa dối, và Hungary là quốc gia Âu Châu duy nhất tham dự diễn đàn lần này. Ông Tô nói, “BRI đã phát triển thành một ‘con đường nợ’, bên cạnh những khó khăn kinh tế mà tự thân Trung Quốc vốn dĩ đang phải đối mặt. Sáng kiến này rõ ràng và đang nhanh chóng đi vào ngõ cụt.”
Hôm 17/10, ông Tập đã gặp các nhà lãnh đạo từ Indonesia, Serbia, Chile, Kazakhstan, Hungary, Papua New Guinea, Ethiopia, v.v. Tổng thống Nga Vladimir Putin là tâm điểm nổi bật nhất giữa các quan chức này.
Ông Trịnh cho biết điều trớ trêu là một trong những người tham dự là một quan chức cao cấp của Taliban.
Theo một bản tin của Reuters, Bộ trưởng thương mại tạm quyền của Taliban Haji Nooruddin Azizi đã tới Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn BRI.
Đầu tháng Chín, Đại hội thể thao Á Châu Hàng Châu của ĐCSTQ đã tiếp đón ông Bashar al-Assad, nhà độc tài của Syria, người đã làm biến mất hàng chục ngàn người Syria và khiến cả quốc gia rơi vào tình trạng khủng hoảng nhân đạo.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times