Sri Lanka ký thỏa thuận nợ bí mật với Trung Quốc
Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Sri Lanka hôm 12/10, đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính sắp xảy ra, Sri Lanka đã đạt được thỏa thuận với Ngân hàng Xuất nhập cảng Trung Quốc (Exim Bank China) để trang trải khoảng 4.2 tỷ USD nợ tồn đọng của quốc đảo này.
Chính phủ của quốc gia thiếu tiền này, vốn chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử khi dự trữ ngoại hối của họ giảm xuống một mức thấp nghiêm trọng, đã tuyên bố rằng các điều khoản được đề nghị sẽ tạo ra sự linh hoạt tài khóa cần thiết để Sri Lanka thực hiện chương trình cải tổ đầy tham vọng của mình. Tuy nhiên, không có chi tiết cụ thể nào về thỏa thuận được tiết lộ trong thông báo.
Chính phủ Sri Lanka cũng đã bày tỏ hy vọng rằng thỏa thuận này sẽ đẩy nhanh việc cung cấp một phần trong gói cứu trợ trị giá 2.9 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhằm giảm bớt gánh nặng nợ ngày càng tăng của Sri Lanka. Việc giải ngân này ngược lại sẽ mở đường cho việc giải ngân đợt thứ hai của IMF, với tổng trị giá khoảng 330 triệu USD.
Năm ngoái (2022), trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, Sri Lanka đã trở thành quốc gia Châu Á-Thái Bình Dương đầu tiên trong hai thập niên vỡ nợ với khoản nợ nước ngoài 46 tỷ USD.
Giao dịch bí mật
Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka K.M. Mahinda Siriwardana cho biết trong một tuyên bố, “Ngày hôm qua đã đánh dấu một bước tiến lớn đối với Sri Lanka khi chúng tôi đạt được thỏa thuận mang tính bước ngoặt về nguyên tắc các điều khoản giải quyết nợ với chủ nợ lớn nhất của chúng tôi. Chúng tôi cảm ơn China Exim Bank đã trợ giúp giải quyết tình trạng nợ nần của quốc gia chúng tôi. Thỏa thuận này đã tạo thành một cột mốc quan trọng trong nỗ lực không ngừng của Sri Lanka nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.”
Bất chấp lời ca ngợi của chính phủ Sri Lanka đối với vai trò của Trung Quốc trong thỏa thuận rằng, “thỏa thuận này thể hiện cam kết của hai bên, phù hợp với mục tiêu khôi phục tính bền vững của nợ công theo chương trình do IMF tài trợ,” thỏa thuận này làm dấy lên lo ngại về tính cởi mở và tác động đối với các thảo luận về tái cấu trúc nợ.
Thỏa thuận này được ký kết trước các cuộc đàm phán riêng biệt giữa IMF, các thành viên Câu lạc bộ Paris, và những nhà cho vay khác, bao gồm cả Nhật Bản và Ấn Độ, vốn dự kiến sẽ tổ chức các cuộc đàm phán trong tuần này (09-15/10) tại Maroc về kế hoạch tái cấu trúc nợ.
Mặc dù IMF thừa nhận rằng các cuộc đàm phán giữa Sri Lanka và tất cả các chủ nợ của nước này đang diễn ra và cơ quan tài chính của Liên Hiệp Quốc đã biết về sự tham gia của China Exim Bank vào một gói cứu trợ, nhưng họ vẫn chưa được thông báo về kết quả của thỏa thuận này.
Song song với IMF, Sri Lanka, quốc gia đang sa lầy trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng 70 năm, đã bắt đầu đàm phán với các trái chủ và các chủ nợ song phương quan trọng từ hồi tháng Chín năm ngoái (2022).
Thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka, ông Nandalal Weerasinghe, và thứ trưởng tài chính, ông Shehan Semasinghe, tuần này sẽ đến Marrakech để tham dự các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới, nơi họ dự kiến sẽ ký một bản ghi nhớ về một gói cứu trợ mà không có sự tham gia của Trung Quốc.
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka, nắm giữ khoảng 52% nợ ngoại quốc của nước này..
Các chủ nợ song phương không phải là Trung Quốc của Sri Lanka và Bắc Kinh hiện đang mâu thuẫn về thỏa thuận của China Exim Bank, làm phức tạp thêm nỗ lực cứu trợ quốc tế.
Tuy nhiên, IMF nhấn mạnh rằng các cuộc thảo luận về tài chính nên được tiến hành “giữa hai bên chúng ta.”
Ông Peter Breuer, người đứng đầu phái đoàn IMF tại quốc gia này, nói với Reuters: “Chúng tôi sẽ cần phải đánh giá toàn bộ gói thỏa thuận để đánh giá sự nhất quán với các mục tiêu về nợ của IMF.”
Bẫy nợ
Thỏa thuận với ngân hàng Exim Bank cũng được đưa ra một tuần trước khi Trung Quốc tiến hành Diễn đàn Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ ba tại Bắc Kinh. BRI là chương trình đặc trưng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng BRI đã bị chỉ trích về việc đặt gánh nặng tài chính quá mức lên các quốc gia nghèo như Sri Lanka.
Trong khi Trung Quốc tuyên bố rằng kế hoạch tài trợ cho việc xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng khác ở châu Á và châu Phi bằng các khoản vay thông qua BRI sẽ làm tăng hoạt động kinh tế ở các quốc gia nghèo hơn, thì các nhà phê bình cho rằng các khoản vay BRI cũng khiến nhiều nước nhận nợ không bền vững.
Ví dụ, Trung Quốc đã tài trợ cho một tuyến đường sắt cao tốc ở Lào với chi phí tương đương gần một nửa GDP của quốc gia này. Theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu, 8 quốc gia nhận BRI gồm Djibouti, Kyrgyzstan, Lào, Maldives, Mông Cổ, Montenegro, Pakistan, và Tajikistan cũng có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần cao do các khoản vay BRI.
Sri Lanka cũng đang chật vật với việc trả lãi cho khoản vay 1.4 tỷ USD từ Trung Quốc để tài trợ cho việc xây dựng Cảng Hambantota. Cảng biển này đã thua lỗ 300 triệu USD trong sáu năm cho đến năm 2017, trước khi bàn giao cho một công ty nhà nước Trung Quốc theo hợp đồng thuê 99 năm với giá 1.12 tỷ USD.
Nhưng thỏa thuận đó đã làm dấy lên mối lo ngại khắp khu vực rằng Bắc Kinh đã có được một chỗ đứng chiến lược ở Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên, 22 triệu người dân ở quốc đảo Nam Á này vẫn đang quay cuồng với cuộc suy thoái kinh tế cách đây một năm, khi tình trạng thiếu dự trữ ngoại hối thảm khốc khiến nước này không thể nhập cảng những mặt hàng thiết yếu căn bản nhất như thực phẩm và xăng dầu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times