Đại diện Thương mại Hoa Kỳ khuyến nghị thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại Hoa Kỳ-EU
Trong một thông điệp nhắm trực tiếp đến Trung Quốc, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu, nêu bật sự cần thiết của việc song phương hợp tác để thích ứng với bối cảnh địa chính trị đang liên tục thay đổi do ảnh hưởng toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc hiện nay.
Bà nói, “Việc kiến thiết cộng đồng đó dựa trên một nhóm các nền dân chủ là một công cuộc thực sự quan trọng.” Suy ngẫm về vai trò của Trung Quốc trong quá khứ như một đối tác hợp tác, bà Tai nhận xét, “Trung Quốc mà chúng ta đang làm ăn với hiện nay, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, không phải là một nền dân chủ; họ không phải là một nền kinh tế tư bản dựa trên thị trường.” Theo bà, trước sự hiện diện đáng kể trên toàn cầu của Trung Quốc, Hoa Kỳ và các đồng minh phải xem xét lại cách “cùng tồn tại” với Trung Quốc và “thích ứng” với bối cảnh kinh tế toàn cầu hiện nay.
“Chúng ta cần phải cải tiến cách thức chúng ta giao thương,” bà Tai cảnh báo. “Chúng ta không thể tự làm điều đó một mình.”
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đã có phần trình bày trước các đại diện thương mại quốc tế tại một sự kiện do Hội đồng Đại Tây Dương tổ chức hôm 03/06, nhân dịp 80 năm thành lập hệ thống Bretton Woods. Được thiết lập sau Hội nghị Bretton Woods năm 1944 với sự tham gia của 44 quốc gia, thỏa thuận quản lý tiền tệ này đã đề ra các quy tắc cho quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ, Canada, các quốc gia Tây Âu, Úc, và những quốc gia khác.
Hiệp định Bretton Woods đánh dấu trật tự tiền tệ đầu tiên được thiết lập hoàn toàn thông qua thỏa thuận giữa các bên liên quan nhằm quản lý các mối quan hệ tiền tệ giữa các quốc gia độc lập. Hiệp định này đã tạo tiền đề cho sự hợp tác trên quy mô lớn hơn để ngăn chặn hạ thấp tỷ giá tiền tệ vì cạnh tranh. Sự thành lập của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng là một kết quả quan trọng của hiệp định này. IMF có nhiệm vụ giám sát tỷ giá hối đoái và cung cấp các loại tiền dự trữ cho các quốc gia đang phải đối mặt với thâm hụt cán cân thanh toán.
Yếu tố Trung Quốc
Bà Tai nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ cần củng cố thương mại xuyên Đại Tây Dương và chống lại các hành động kinh tế phi thị trường của Trung Quốc.
“Như lịch sử cho thấy, mọi thứ đều có liên kết với nhau,” bà nói. “Kinh tế gắn liền với chính trị, mà chính trị lại gắn liền với an ninh quốc gia, và an ninh quốc gia thì lại gắn liền với mối quan hệ giữa quốc gia với quốc gia và mối quan hệ với dân tộc, với những công dân, và người dân của dân tộc đó, cũng như với chính phủ của họ.”
Theo bà, trong một “trật tự thế giới” như vậy, cảm giác lo lắng, bất an luôn hiện hữu trong mọi nền kinh tế.
Lấy thí dụ về chuỗi cung ứng toàn cầu, bà Tai lưu ý: “Giờ đây chúng ta đã ý thức được rằng các chuỗi cung ứng là mỏng manh đến mức nào; rằng một số chuỗi cung ứng nhất định là tập trung đến mức nào, xét đến việc chỉ có một nguồn cung duy nhất, một quốc gia duy nhất, hay một khu vực duy nhất cung cấp.”
Do đó, bà nói thêm, sự thống lĩnh của một số khu vực và quốc gia nhất định đối với cả một ngành hoặc cả một lĩnh vực cụ thể của chuỗi cung ứng đang làm gia tăng căng thẳng địa chính trị.
Theo bà, mặc dù toàn cầu hóa mang lại cải thiện đáng kể về hiệu suất nhưng toàn cầu hóa cũng gây ra những phí tổn, trong đó nhược điểm lớn nhất là tình trạng không chắc chắn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bà cũng lưu ý về một phí tổn khác, đó là sự cạnh tranh địa chính trị khốc liệt bắt nguồn từ việc “đẩy các nhân viên đi làm của chúng ta vào tình thế chống lại nhau, tạo ra một cuộc cạnh tranh có tổng bằng không gây tổn hại lẫn nhau để giành lấy các cơ hội tăng trưởng về kinh tế và công nghiệp.”
Để giảm thiểu những chi phí này, bà Tai nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo ở Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu phải áp dụng một cách tiếp cận “toàn diện” trong thương mại. Cách tiếp cận này nên tích hợp giữa các nhu cầu trong nước và quốc tế cũng như các ưu tiên về kinh tế và an ninh. Bà giải thích, một chiến lược toàn diện như vậy là cần thiết để thiết lập “một trật tự thế giới mới khác.”
Hoa Kỳ-EU: Một lực lượng thống nhất
Theo Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, hiện nay ngày càng có nhiều hiểu biết trên thế giới rằng hệ thống tài chính và thương mại quốc tế phải thích ứng với nền kinh tế toàn cầu thời hiện đại. Cách hệ thống này thích nghi và duy trì các nguyên tắc sẽ là rất quan trọng. Trong lịch sử, các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ giữa Hoa Kỳ-EU đã thúc đẩy sự thịnh vượng và an ninh, đóng vai trò như là một lực lượng làm ổn định.
Tuy nhiên ngày nay, cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều phải đối diện với những thách thức địa chính trị và địa kinh tế mới, những khó khăn gợi nhớ đến tình cảnh thời hậu chiến, làm khơi dậy những cuộc tranh luận về tương lai của trật tự này.
Những thách thức chiến lược này đã thúc đẩy các hành động mới tập trung vào an ninh kinh tế, chẳng hạn như kiểm soát xuất cảng, sàng lọc đầu tư, và gần đây là việc Hoa Thịnh Đốn tăng thuế quan đối với xe điện, vi mạch bán dẫn, khoáng sản trọng yếu, pin, v.v.
Sự phối hợp xuyên Đại Tây Dương về những vấn đề này sẽ là rất trọng yếu để xây dựng khả năng phục hồi trước các phản ứng từ Bắc Kinh và những thách thức khác, cũng như làm mới và khôi phục hệ thống kinh tế toàn cầu.
Những thay đổi về công nghệ
Bà Tai cũng lưu ý rằng tốc độ tiến bộ công nghệ nhanh chóng, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến dữ liệu, đang làm thay đổi thương mại, và bà khuyến nghị nên dành chút thời gian để đánh giá lại và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ quan chính phủ nhằm giải quyết hiệu quả những thay đổi này.
“Khi chúng ta nói về dữ liệu, thì đó không còn chỉ là cuộc thảo luận về những bit và byte tạo thuận lợi cho giao dịch hàng hóa truyền thống khi xưa,” bà nói. “Bản thân lĩnh vực dữ liệu tự nó đã là một cuộc đua rồi.”
Bà nói thêm rằng sự dịch chuyển trong động lực về dữ liệu như vậy có thể đòi hỏi phải đánh giá lại các phương pháp tiếp cận thương mại thông thường. Bà hỏi, “Chẳng phải đã đến lúc chúng ta tạm dừng, ngoảnh lại … và cố gắng nắm bắt chuyện gì đang thực sự xảy ra ở đây và đâu là những diễn biến mà công chúng quan tâm?”
Bà Tai nhấn mạnh rằng trong quá trình này, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) sẽ cần kết nối lại với những người ra quyết định ở nhiều cơ quan chính phủ khác nhau. Bà cảnh báo: “Câu trả lời do USTR dẫn đầu về cách chúng ta nên quản lý công nghệ và dữ liệu như thế nào … sẽ không phải là đáp án đúng.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times