Tại sao EU và Nhật Bản hợp tác để đối phó ĐCSTQ trong cuộc chiến năng lượng sạch?
Ngành kinh tế năng lượng sạch và năng lực sản xuất công nghiệp trở thành tâm điểm do nhu cầu vô cùng lớn. Liên minh Âu Châu (EU) và Nhật Bản hiện đang dự định phối hợp trong chính sách năng lượng sạch nhằm ngăn chặn việc hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc tiến thêm một bước làm suy yếu ngành sản xuất này của họ.
Năng lượng sạch đã trở thành một trong những lĩnh vực tạo việc làm phát triển nhanh nhất toàn cầu. Từ nay đến năm 2030, lĩnh vực sản xuất năng lượng sạch dự kiến sẽ tạo ra thêm 8 triệu việc làm mới trên thế giới. Một lượng vốn lớn cũng được đầu tư vào ngành này. Ví dụ trong giai đoạn 2021-2030, châu Âu sẽ cung cấp ngân sách lên đến một ngàn tỷ euro cho các ngành công nghiệp xanh và khí hậu.
Cho đến nay, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất và có chi phí sản xuất thấp nhất cho rất nhiều nguyên liệu quan trọng và công nghệ sạch. Trung Quốc sản xuất khoảng 90% nguyên tố đất hiếm, ít nhất 80% tấm pin mặt trời, 60% tuabin gió và ắc quy xe điện trên thế giới.
Hiện tại, EU đang thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn các ngành công nghiệp khác như phong năng và năng lượng hydro gặp phải số phận tương tự như ngành năng lượng mặt trời.
Bà Kadri Simson, Ủy viên năng lượng của EU, đã đến thăm Tokyo trong hai ngày 03/06 – 04/06 để gặp gỡ Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Kinh tế Công nghiệp Ken Saito. Theo một bản dự thảo thông cáo báo chí của hãng truyền thông Financial Times của Anh quốc, hai bên sẽ đồng ý “hợp tác về chính sách cung-cầu trong lĩnh vực năng lượng sạch.”
Chuyến thăm này diễn ra vào thời điểm EU đang tiến hành hàng loạt cuộc điều tra đối với các công ty Trung Quốc. EU nghi ngờ rằng các công ty này đã hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Một quan chức cấp cao của EU cho biết: “Chúng tôi đang thành lập một nhóm công tác để so sánh Đạo luật Công nghiệp không phát thải của chúng tôi với luật thúc đẩy công nghệ sạch của Nhật Bản. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng chuỗi cung ứng công nghệ sạch của chúng tôi không bị một quốc gia chi phối.”
Mục đích của hành động này là để các công ty Âu Châu và Nhật Bản dễ dàng hợp tác hơn, chẳng hạn như bằng cách thống nhất các tiêu chuẩn, giảm thiểu sự phụ thuộc vào sản phẩm giá rẻ từ đối thủ cạnh tranh Trung Quốc.
Tại Diễn đàn Thương mại Năng lượng Hydro cấp cao EU-Nhật Bản có sự tham gia của Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Saito Ken hôm thứ Hai (03/06), bà Simson cho biết sự hợp tác chặt chẽ giữa EU và Nhật Bản là rất quan trọng đối với việc thúc đẩy năng lượng hydro tái tạo và carbon thấp trên phạm vi toàn cầu, cũng như bảo đảm sự thống nhất về tiêu chuẩn và quy định.
Nhật Bản và châu Âu đã tái khẳng định lợi ích chung trong việc hỗ trợ đầu tư, khai triển năng lượng hydro tái tạo và carbon thấp.
Hiện tại, châu Âu sở hữu 2/3 số lượng công ty sản xuất máy điện phân trên thế giới. Đây là thiết bị cần thiết để sản xuất hydro từ nước. Các quan chức EU lo ngại rằng nếu không hành động nhanh chóng, họ sẽ mất đi vị thế này.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng đang thúc đẩy ngành công nghiệp hydro của mình. Đây là chìa khóa để thực hiện việc khử carbon trong sản xuất năng lượng và ngành công nghiệp xe hơi. Các nhà máy điện than chiếm khoảng 1/3 nguồn cung cấp điện của Nhật Bản.
Bà Simson cùng với ít nhất 16 giám đốc điều hành của các công ty như Daimler, Tập đoàn Trafigura, TotalEnergies, và Air Liquide đã đến thăm Nhật Bản. Một số giám đốc điều hành được sắp xếp để hợp tác với các công ty của quốc gia này.
Với sự tham gia của các giám đốc điều hành trong ngành năng lượng của Nhật Bản và EU, cuộc họp cấp cao này đã thảo luận về hợp tác công nghiệp, tài chính, các biện pháp trợ giúp cũng như vấn đề nghiên cứu và phát triển. Kết quả của diễn đàn lần này sẽ được báo cáo cho các nhà lãnh đạo EU và Nhật Bản trước hội nghị thượng đỉnh Nhật-EU lần tiếp theo.
“Mối quan hệ trong ngành năng lượng giữa EU và Nhật Bản rất tốt và ngày càng trở nên chặt chẽ hơn. Chúng tôi đồng lòng trong nỗ lực đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, áp dụng cách tiếp cận toàn diện đối với năng lượng hydro. Rõ ràng là Nhật Bản định vị mình như một nhân tố quan trọng trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn và bền vững hơn trên toàn cầu. EU cũng vậy,” bà Simpson nói.
Bà Simpson nói thêm rằng: “Chúng tôi hy vọng sẽ cùng Nhật Bản xây dựng các quy định có tiêu chuẩn cao, để bảo đảm một môi trường cạnh tranh công bằng. Đây là công việc quan trọng để thiết lập thị trường toàn cầu.”
Hôm thứ Ba (04/06), EU cũng công bố một công cụ thí điểm giúp các bên mua tiềm năng tìm được nguồn cung hydro trong thị trường mới nổi này.
Bản thân ĐCSTQ không quan tâm đến các cam kết về khí hậu toàn cầu. Lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc chiếm 1/3 lượng khí thải liên quan đến việc sản xuất năng lượng của toàn cầu, cao hơn tổng số lượng khí thải của Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, và châu Phi.