Báo cáo: ĐCSTQ tìm cách gây ảnh hưởng đến bầu cử của châu Âu giữa lúc căng thẳng với Hoa Kỳ
Trong tuần này, gần 400 triệu cử tri trên khắp châu Âu có thể bỏ phiếu để bầu chọn ra các nhà lập pháp đại diện cho họ tại Nghị viện Âu Châu.
Một nghiên cứu của Cộng hòa Czech cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày càng trở nên “tinh vi và tích cực” trong nỗ lực gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và việc hoạch định chính sách của châu Âu.
“Mặc dù so với Nga, Trung Quốc chỉ mới can thiệp vào bầu cử ở châu Âu, nhưng lại càng trở nên tinh vi và tích cực trong nỗ lực gây ảnh hưởng lên các cuộc bầu cử và việc ra quyết định của châu Âu bằng nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có gây ảnh hưởng chính trị, thao túng thông tin, hối lộ và gián điệp,” các nhà nghiên cứu cho biết trong một báo cáo mới đây của Hiệp hội Quan hệ Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Prague.
Nghiên cứu này được công bố chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử Nghị viện Âu châu. Gần 400 triệu cử tri trên khắp châu Âu có thể bỏ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 06/06 đến 09/06 để bầu chọn ra các nhà lập pháp đại diện cho họ tại Nghị viện Âu Châu trong 5 năm tiếp theo.
Theo báo cáo của các tác giả Kara Nemeckova và Ivana Karaskova, kết quả của cuộc bầu cử này có thể “định hướng bối cảnh chính trị, có thể dẫn đến một sự chuyển biến trong thái độ đối với Trung Quốc, và một sự miễn cưỡng để đương đầu với những thử thách mà sự can thiệp của ngoại quốc vào các tiến trình dân chủ mang lại.” Bà Karaskova từng là một cố vấn đặc biệt của phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu, và cũng là một ủy viên về các giá trị và tính minh bạch.
Vai trò của Brussels đã trở nên quan trọng hơn đối với chính quyền Trung Quốc trong bối cảnh mối bang giao với Hoa Thịnh Đốn ngày càng căng thẳng hơn.
“[ĐCSTQ] cần tiếp cận thị trường Âu Châu để kích thích tăng trưởng kinh tế,” báo cáo nêu rõ. “Việc duy trì sự tiếp cận thị trường là hết sức quan trọng không chỉ đối với việc buôn bán hàng hóa mà còn đối với việc tiếp cận các công nghệ của châu Âu, vốn là điều then chốt đối với sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.”
Theo báo cáo, ĐCSTQ cũng tin rằng Liên minh Âu Châu có thể liên kết chặt chẽ hơn với các lợi ích địa chính trị của họ nếu khối 27 quốc gia này giảm sự phụ thuộc vào Hoa Kỳ.
Chiến thuật can thiệp bầu cử ‘ngày càng mở rộng’
Theo một nghiên cứu vào tháng 08/2020 của Viện Chính sách Chiến lược Úc, trong thập niên vừa qua, ĐCSTQ đã thực hiện các biện pháp can thiệp qua mạng vào “không dưới 10 cuộc bầu cử tại bảy quốc gia khác nhau,” chủ yếu tập trung vào khu vực châu Á–Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu nhận thấy ĐCSTQ đã tìm cách xâm nhập vào cơ sở dữ liệu cử tri, xâm nhập máy chủ của Nghị viện, hay thực hiện các cuộc tấn công giả mạo trực tuyến nhắm vào các ứng cử viên và nhân viên của chiến dịch tranh cử để thu thập thông tin tình báo.
Theo báo cáo mới nhất của Cộng hòa Czech, với “chuyên môn ngày càng tinh vi cùng với sự nhạy bén trong cách hoạt động” của chính quyền cộng sản Trung Quốc, “ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy họ đang tích cực tìm cách gây ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử và việc ra quyết định của châu Âu.”
Những nỗ lực mà ĐCSTQ sử dụng gồm có một loạt các chiến thuật “phức tạp và ngày càng mở rộng,” từ việc lợi dụng tầm ảnh hưởng chính trị thông qua việc thúc đẩy các cuộc đối thoại giữa các đảng phái cho đến “thao túng thông tin cùng với các hành vi hối lộ và gián điệp.”
Trong một trường hợp đáng chú ý, ĐCSTQ từng cảnh báo rằng ông Milos Vystrcil, Chủ tịch Thượng viện Cộng hòa Czech đương thời, sẽ phải trả “giá đắt” vì đã đến thăm Đài Loan dân chủ vào tháng 08/2020.
Nhóm tin tặc Trung Quốc APT31
Trong số những tiết lộ gần đây, có một cuộc tấn công mạng quy mô lớn của một nhóm do ĐCSTQ được hậu thuẫn với tên gọi là APT31. Theo các công tố viên Hoa Kỳ, các tin tặc này đã nhắm vào nhiều quan chức, nhà lập pháp, và các doanh nghiệp trên khắp thế giới trong hơn một thập niên vì họ được xem là đã chỉ trích ĐCSTQ.
Các quan chức Hoa Kỳ cho biết chiến dịch gián điệp mạng này nhắm vào tất cả các thành viên EU thuộc Liên minh Liên Nghị viện về Trung Quốc. Đây một liên minh gồm những nhà lập pháp toàn cầu chuyên xây dựng cách ứng phó chung trước những thách thức mà chính quyền cộng sản Trung Quốc mang lại.
Theo báo cáo, ngoài việc gây áp lực lên các nhà lập pháp, chính quyền này còn tìm cách định hướng dư luận Âu Châu thông qua các chiến dịch tuyên truyền tinh vi trên cả các hãng truyền thông lâu đời cũng như nền tảng truyền thông xã hội. Báo cáo trích dẫn một nghiên cứu năm 2022 của bà Sarah Cook, nhà nghiên cứu độc lập chuyên về Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh rằng ĐCSTQ đã thực hiện các chiến dịch ngày càng mở rộng để quảng bá luận điệu phù hợp với lợi ích của mình.
Bà Cook viết trong nghiên cứu được công bố trên Tập san Dân chủ (Journal of Democracy) rằng các phần tử có mối liên hệ với ĐCSTQ cố gắng “phô trương rằng chính quyền độc tài Trung Quốc là tốt đẹp,” “quảng bá Trung Quốc như một hình mẫu về quản trị và quản lý thông tin trong các quốc gia đang phát triển,” và “thúc đẩy cơ hội mở rộng cho việc tài trợ và đầu tư của Trung Quốc.”
Bà cho biết, các phần tử có mối liên hệ với ĐCSTQ còn sử dụng các nền tảng truyền thông để ngăn chặn những lời chỉ trích đối với chính sách trong nước của chính quyền này cũng như các hoạt động của các tổ chức ở hải ngoại có mối liên hệ với Trung Quốc và “để giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nhà hoạch định chính sách ngoại quốc đối với lập trường của chính quyền” về các vấn đề như Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương, và các học viên Pháp Luân Công.
Liên minh Âu Châu trở nên ‘đặc biệt dễ bị ảnh hưởng’
Báo cáo trích dẫn một dự án hồi tháng Một của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu, trong đó cho thấy các nhóm cực hữu có thể trở thành những người chiến thắng chủ yếu trong các cuộc bầu cử Âu Châu năm 2024. Theo dự kiến, số đại diện của nhóm Nghị viện Bản sắc và Dân chủ (ID) sẽ tăng từ 59 ghế lên 98 ghế và trở thành nhóm chính trị lớn thứ ba trong Nghị viện Âu Châu.
Báo cáo của Cộng hòa Czech phát hiện rằng ĐCSTQ đã tập trung tiếp xúc với các lực lượng cánh hữu từng được xem là không mấy quan trọng trong nỗ lực bành trướng tầm ảnh hưởng của mình trong việc hoạch định chính sách của Liên minh Âu Châu.
Đảng Con Đường khác cho nước Đức (AfD), trước đây là một đảng thuộc nhóm ID trong Nghị viện Âu Châu, đã cử một phái đoàn cấp cao đến Trung Quốc vào tháng 06/2023 để đáp lại một lời mời chính thức. Đồng lãnh đạo AfD Alice Weidel, một người nói thông thạo tiếng Quan Thoại (Mandarin), đã dành gần một tuần ở Bắc Kinh và Thượng Hải cùng với ông Peter Felser, phát ngôn viên chính sách đối ngoại của AfD, và ông Petr Bystron, một ứng cử viên trong cuộc bầu cử EU.
Đảng Con Đường khác cho nước Đức đã thu hút sự chú ý trong những tuần gần đây khi một phụ tá cho một thành viên của Nghị viện Âu Châu (MEP) bị bắt vì cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc.
Các công tố viên Đức cáo buộc một phụ tá lâu năm cho ông Maximilian Krah, thành viên của Nghị viện Âu Châu, đã chuyển các cuộc thảo luận và quyết định trong Nghị viên cho cơ quan tình báo của ĐCSTQ. Các quan chức cho biết trong một tuyên bố hôm 22/04 rằng người phụ tá này cũng bị cáo buộc làm việc cho cơ quan mật vụ của chính quyền Trung Quốc và do thám các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc ở Đức.
Trước những cáo buộc về việc làm gián điệp cho Trung Quốc, và những bình luận gây tranh cãi của ông Krah về nhóm bán quân sự SS (Schutzstaffel) của Đức Quốc xã, hôm 22/05, ông Krah đã tuyên bố sẽ dừng chiến dịch tranh cử ở EU và từ chức lãnh đạo AfD.
Hôm 23/05, ID đã loại AfD khỏi tổ chức này. AfD chuyển sang trở thành thành viên “độc lập,” tức là không phụ thuộc, nghĩa là họ không còn thuộc về một trong những nhóm chính trị được công nhận tại Nghị viện.
Báo cáo cho thấy không chỉ các chính trị gia cánh hữu bị ĐCSTQ lôi kéo.
Một ví dụ được nêu bật trong nghiên cứu là việc ĐCSTQ thường xuyên tiếp xúc với nhà lãnh đạo Đảng Die Linke của Đức. Đảng này là một thành viên của nhóm liên minh Cánh Tả trong Nghị viện Âu Châu và dự kiến sẽ giành được ghế trong cuộc bầu cử tuần này.
Tháng 10/2023 khi Bộ trưởng Bộ Liên lạc Đối ngoại của ĐCSTQ Lưu Kiến Siêu đến thăm Đức, chủ tịch của Đảng Die Linke, ông Martin Schirdewan, đã gặp gỡ nhà ngoại giao cấp cao của Trung Quốc tại Berlin.
Theo báo cáo, công việc của Bộ Liên lạc Đối ngoại ĐCSTQ là nhằm “thúc đẩy các lợi ích chính sách đối ngoại cốt lõi” của ĐCSTQ, chẳng hạn như “sự cô lập quốc tế đối với Đài Loan, phản đối những chỉ trích quốc tế liên quan đến Tây Tạng và Tân Cương, và thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông,” đồng thời hợp pháp hóa sự cai trị của đảng này ở trong nước và quốc tế.
Theo trang web của Bộ Liên lạc Đối ngoại, ông Schirdewan cũng gửi lời chúc mừng tới ĐCSTQ nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập vào tháng 07/2021.
Báo cáo cho biết: “Nghị viện Âu Châu dường như đặc biệt dễ bị ảnh hưởng trước những rủi ro về an ninh.”
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times