Weibo xuất hiện những tiếng nói bất đồng với lập trường ủng hộ Hamas của Bắc Kinh
Những tiếng nói bất đồng mâu thuẫn với lập trường của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc về cuộc chiến Israel–Hamas đang xuất hiện trên nền tảng mạng xã hội Weibo của Trung Quốc. Điều này xảy ra sau khi Đại sứ quán Israel tại Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng trước những tuyên bố của chế độ này liên quan đến cuộc tấn công của nhóm khủng bố Hamas vào miền nam Israel.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng đây có thể là dấu hiệu của những bất đồng nội bộ trong chế độ, với việc một số cá nhân hoặc phe phái cố tình cho phép các ý kiến khác nhau xuất hiện trên mạng xã hội Trung Quốc.
Trong cuộc gặp hôm 13/10 tại Bắc Kinh với người đứng đầu chính sách ngoại giao của Liên minh Âu Châu Josep Borrel, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố các cuộc tấn công khủng bố của Hamas bắt nguồn từ sự bất công lịch sử mà người Palestine phải gánh chịu, điều mà ông cho là vẫn chưa được khắc phục.
Trong bài đăng tiếp theo trên mạng xã hội của Đại sứ quán Israel hôm 14/10, Phó Giám đốc khu vực Á Châu và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao, Đại sứ Rafi Harpaz, đã bày tỏ “sự thất vọng sâu sắc nhất” của Israel về phản ứng của nhà cầm quyền Trung Quốc trước cuộc tấn công của Hamas hồi cuối tuần trước.
Ông Harpaz nhấn mạnh rằng các thông điệp từ Trung Quốc “không có sự lên án rõ ràng và minh bạch về cuộc tấn công khủng khiếp và vụ thảm sát dã man do tổ chức khủng bố Hamas thực hiện nhắm vào thường dân vô tội và vụ bắt cóc hàng chục người trong số họ đến Gaza.”
Những tiếng nói bất đồng ở Trung Quốc
Dưới bài đăng trên mạng xã hội Weibo của Đại sứ quán Israel, phần lớn bình luận của người dùng Internet Trung Quốc bày tỏ sự ủng hộ đối với Israel và phản đối các hành động khủng bố. Một người viết: “Người Trung Quốc có đạo đức và tinh thần chính nghĩa sẽ chọn đứng cùng với quý quốc trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Hamas.”
Một bình luận khác viết, “Tôi sát cánh cùng Israel và lên án các cuộc tấn công khủng bố nhắm vào thường dân Israel! Họ không đại diện cho tiếng nói của tôi!”
Một bình luận tiếp theo viết: “Trên quan điểm cá nhân, tôi ủng hộ Israel trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi chủ nghĩa khủng bố. Tuyệt đối không mềm lòng trước những kẻ khủng bố cố tình tàn sát người vô tội.” Một người dùng khác trên Weibo viết: “Họ không đại diện cho tiếng nói của tôi! Cố lên, Israel!” trong khi một người dùng mạng xã hội Trung Quốc khác kêu gọi mọi người “Đứng về phía Israel! Những thứ đồ phản nhân loại đó là một nỗi xấu hổ đối với dân tộc Trung Hoa.”
Trước đó, nhiều bình luận từ đội thủy quân mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm nhiễu loạn phần bình luận trên trang Weibo của Đại sứ quán Israel tại Trung Quốc, chỉ trích các cuộc không kích của Israel ở Gaza. Điều này dẫn đến việc trương mục mạng xã hội chính thức của đại sứ quán Israel tại Trung Quốc bị đình chỉ trong thời gian ngắn vào tuần trước.
Xuất hiện nhiều bình luận ủng hộ Israel
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), Giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney ở Úc giải thích rằng hiện tượng ngày càng xuất hiện nhiều bình luận ủng hộ Israel là kết quả của việc kiểm duyệt trực tuyến.
Ông nói: “Luôn luôn có sự khác biệt giữa ý kiến nội bộ và quan điểm chính thức.”
Ông Phùng nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “Những bất đồng tồn tại trong các cơ quan tuyên truyền và cơ quan giám sát, có sự chia rẽ nội bộ trong chính phủ và một số cá nhân cố tình cho phép những tiếng nói bất đồng xuất hiện.”
Ông Đường Minh (Tang Ming, bí danh), một nhà văn sống tại Thượng Hải, nói với The Epoch Times: “Hamas chắc chắn là một tổ chức khủng bố.”
Ông Đường tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang mong đợi một cuộc xung đột sẽ bùng nổ trên toàn cầu, mà điều này sẽ tạo ra “cơ hội để hạ gục Đài Loan. Điều này khá rõ ràng, và tất cả chúng ta đều nhận ra điều đó.”
Ông Minh Sinh (Ming Shen, bí danh), một cư dân mạng đến từ tỉnh Quảng Tây ở miền nam Trung Quốc, bày tỏ sự phẫn nộ sâu sắc đối với các cuộc tấn công của Hamas nhắm vào thường dân Israel vô tội.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times