Bản tin đặc biệt

Hoa Kỳ: Tại sao các tòa án không thể ngăn chặn sự kiểm duyệt của chính phủ

Các nhà phân tích pháp lý cho biết, mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp ngày càng tăng ở Hoa Kỳ nhằm kiểm soát những gì người Mỹ nói đã thiết lập nên một hệ thống kiểm duyệt chưa từng có nhằm né tránh và làm xói mòn quyền tự do ngôn luận theo Hiến Pháp.

Tuy rằng những người ủng hộ tự do ngôn luận tranh đấu với hình thức “kiểm duyệt bằng ủy quyền” mới này tại tòa án nhưng nhiều người đã bày tỏ lo ngại rằng ngay cả việc thắng các vụ kiện cũng có thể không đủ để bảo toàn các quyền Tu chính án thứ Nhất.

Ông Andrew Grossman, luật sư về luật Hiến Pháp tại BakerHostetler, nói với những người tham dự tại hội nghị tự do ngôn luận của Viện Cato hôm 02/11: “Ngày càng có nhiều người Mỹ bị kiểm duyệt, nhiều ngôn luận bị chính phủ có hành động kiểm duyệt và đàn áp hơn bao giờ hết.”

“Nhưng phần lớn đây không phải là kiểm duyệt theo kiểu cũ. Chúng tôi đang không nói đến việc cấm sách; chúng tôi đang không nói đến các kiểu hạn chế truyền thống khác đối với phát ngôn hoặc ấn phẩm. Điều chúng tôi đang nói đến là một hiện tượng mà tôi gọi là ‘việc chính phủ kiểm duyệt bằng ủy quyền.’”

Bổ sung thêm bằng chứng sâu rộng trước đây về “sự kiểm duyệt bằng ủy quyền” của chính phủ Tổng thống (TT) Biden, hôm 06/11/, Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) đã công bố một báo cáo có tiêu đề “Vũ khí hóa ‘Thông tin giả,’ các Ngụy-Chuyên gia và Giới quan chức: Cách mà Chính phủ Liên bang Hợp tác với các Trường đại học để Kiểm duyệt Ngôn luận Chính trị của người Mỹ.”

Báo cáo này nêu rõ, “Đối với những gì chính phủ liên bang không thể trực tiếp thực thi, thì họ sẽ hoàn toàn giao việc đó cho tổ hợp công nghiệp-kiểm duyệt mới nổi.”

Hoa Kỳ: Tại sao các tòa án không thể ngăn chặn sự kiểm duyệt của chính phủ
(Trái) Người đồng sáng lập, chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Facebook Mark Zuckerberg cho lời khai tại một phiên điều trần kết hợp của Ủy ban Tư pháp và Thương mại Thượng viện tại Tòa nhà Văn phòng Thượng viện Hart tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 10/04/2018. (Ảnh: Chip Somodevilla/Getty Images). (Phải) Người sáng lập SpaceX, chủ sở hữu Twitter, kiêm Tổng giám đốc Tesla Elon Musk nói trong hội chợ đổi mới và khởi nghiệp công nghệ Vivatech ở Paris, hôm 16/06/2023. (Ảnh: Joel Saget/AFP qua Getty Images)

Ông Jordan đã viết trên X (trước đây là Twitter), rằng “hàng trăm báo cáo bí mật cho thấy Bộ An ninh Nội địa (DHS), Cơ quan An ninh Mạng và An ninh Cơ sở hạ tầng (CISA), Bộ Ngoại giao, [Đại học] Stanford, và các tổ chức khác đã cộng tác như thế nào để kiểm duyệt người Mỹ trước thềm cuộc bầu cử năm 2020, kể cả thông tin đúng sự thật, những câu chuyện cười, và các quan điểm.”

Ông viết: “Chính phủ liên bang, các ‘chuyên gia’ về thông tin giả tại các trường đại học, các Đại công ty Công nghệ, và những tổ chức khác đã cộng tác thông qua bộ phận Quan hệ Đối tác Liêm chính trong Bầu cử để giám sát và kiểm duyệt ngôn luận của người Mỹ.”

Hiện tại, Hoa Kỳ đang chờ đợi Tối cao Pháp viện ra quyết định được cho là mang tính bước ngoặt về Tu chính án thứ Nhất trong vụ Missouri kiện Chính phủ ông Biden. Vụ án này cáo buộc chính phủ TT Biden đã ép buộc các công ty mạng xã hội ngăn chặn phát ngôn nào mâu thuẫn với lối tường thuật của tiểu bang về đại dịch COVID-19. Hai tổng chưởng lý đương thời là ông Eric Schmitt ở Missouri và ông Jeff Landry ở Louisiana đã khởi kiện vụ này.

Hai tổng chưởng lý này lập luận rằng, khi buộc các công ty tư nhân phải kiểm duyệt, chính phủ đã biến họ thành “các tác nhân nhà nước,” do đó chính phủ đã vi phạm các quyền Tu chính án thứ Nhất của người Mỹ.

“Nếu những cáo buộc của các Nguyên đơn là đúng, thì vụ việc hiện tại sẽ có thể liên quan đến cuộc tấn công lớn nhất chống lại tự do ngôn luận trong lịch sử Hoa Kỳ,” bên nguyên đơn tuyên bố. “Trong nỗ lực ngăn chặn những thông tin được cho là thông tin giả, Chính phủ Liên bang, và đặc biệt là các Bị đơn có tên ở đây, bị nghi ngờ đã phớt lờ một cách trắng trợn quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ Nhất.”

Hoa Kỳ: Tại sao các tòa án không thể ngăn chặn sự kiểm duyệt của chính phủ
Dân biểu tiểu bang Stacey Plaskett (Dân Chủ-Quần đảo Virgin) trình bày cùng Chủ tịch Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) trong phiên điều trần về Vũ khí hóa Chính phủ Liên bang tại Capitol Hill ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 20/07/2023. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Bên bị đơn gồm có: Tổng thống Joe Biden, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre, Tổng Y sĩ Vivek Murthy, Bộ trưởng Y tế Xavier Becerra, Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas, cũng như Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), Bộ An ninh Nội địa, Bộ Tư pháp, FBI, Bộ Ngoại giao, và Bộ Ngân khố, v.v.

Hai tổng trưởng lý tiểu bang này cho biết các quan chức chính phủ TT Biden, “thông qua các chiến dịch gây áp lực công khai, các cuộc họp riêng, và các hình thức liên lạc trực tiếp khác, liên quan đến những gì các Bị đơn mô tả là ‘tin giả,’ ‘thông tin sai lệch,’ và ‘thông tin ác ý,’ đã thông đồng và/hoặc ép buộc các nền tảng truyền thông xã hội ngăn chặn những người phát ngôn, các quan điểm, và nội dung không được mong muốn trên các nền tảng xã hội.”

Tránh né Tu chính án thứ Nhất

Các nhà phân tích pháp lý lập luận rằng nếu Tu chính án thứ Nhất cấm chính phủ hạn chế phát ngôn được bảo vệ thì chính phủ không thể buộc các công ty tư nhân làm điều tương tự.

“Chính phủ không thể bỏ qua các biện pháp bảo vệ của Tu chính án thứ Nhất bằng cách yêu cầu các công ty tư nhân kiểm duyệt theo cách mà chính phủ không thể làm,” ông Jeremy Tedesco, cố vấn cao cấp của Liên minh Bảo vệ Tự do (ADF), nói với The Epoch Times. “Nhưng đó là những gì đang diễn ra.”

“Đó là một vấn đề rất nguy hiểm chỉ xảy ra ở thời đại chúng ta đang sống, bởi vì các đại công ty truyền thông xã hội này sở hữu quảng trường công cộng kỹ thuật số. Qua ‘Hồ sơ Twitter,’ chúng ta biết chính phủ đang theo dõi các bài đăng của người dân và khuyến nghị, khuyến khích, và thậm chí ép buộc các công ty này gỡ bỏ nội dung mà chính phủ không đồng tình.”

Hồ sơ Twitter là những tài liệu cho thấy sự trao đổi thư từ rộng rãi giữa chính phủ TT Biden và Twitter (hiện được gọi là X). Những tài liệu này đã được ông Elon Musk tiết lộ cho một số ký giả độc lập sau khi ông mua lại Twitter hồi tháng 10/2022.

Các thông tin liên lạc nội bộ tiết lộ rằng các cơ quan liên bang, bao gồm CDC, FBI, và Tòa Bạch Ốc, đã gây áp lực mạnh mẽ lên Twitter để kiểm duyệt người dùng của nền tảng này — nhằm hạn chế lượt xem các bài đăng không những về các chủ đề như nguồn gốc của COVID-19 và tính hiệu quả của khẩu trang và vaccine mà còn về nội dung có thể buộc tội hình sự trong chiếc máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden, điều mà nhiều người tin rằng đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.

Một tấm bảng vừa mới được dựng lên trên nóc trụ sở của X, trước đây gọi là Twitter, ở San Francisco, hôm 29/07/2023
Một tấm bảng vừa mới được dựng lên trên nóc trụ sở của X, trước đây gọi là Twitter, ở San Francisco, hôm 29/07/2023. (Ảnh: Josh Edelson/AFP qua Getty Images)

Có bằng chứng cho thấy FBI đã tích cực hợp tác với các giám đốc điều hành của Twitter trong việc gắn cảnh báo các bài đăng mà họ không thích và CDC đã tích cực cộng tác với Facebook về những bài đăng mà họ cho là có thể chấp nhận được. Tổng thống Biden đã tăng thêm áp lực đó, khi hồi tháng 07/2021 ông còn cáo buộc các công ty truyền thông xã hội “đang sát nhân” bằng thông tin sai lệch.

Trong quá trình khám phá vụ án Missouri kiện Chính phủ ông Biden, nhiều trường hợp ngăn chặn ngôn luận của chính phủ TT Biden đã được tiết lộ. Trong một phán quyết về vụ án, Thẩm phán Tòa Địa hạt Terry Doughty đã ra phán quyết có lợi cho hai tổng chưởng lý tiểu bang, ra lệnh cho các bị cáo trong chính phủ TT Biden kiềm chế những nỗ lực tiếp theo nhằm “ép buộc hoặc khuyến khích đáng kể các công ty truyền thông xã hội gỡ bỏ, xóa, ngăn chặn, hoặc giảm bớt… nội dung đã đăng trên mạng xã hội được bảo vệ theo quyền tự do ngôn luận.”

Ông James Burling, phó chủ tịch đặc trách các vấn đề pháp lý của Tổ chức Pháp lý Thái Bình Dương, cho biết chính phủ TT Biden đã gây một “áp lực rất lớn” lên các công ty truyền thông xã hội.

Ông nói với The Epoch Times: “Nếu quý vị đọc một số phản quyết mà tòa sơ thẩm và sau đó là Tòa Phúc thẩm Khu vực số 5 đưa ra, thì tôi thấy sự việc khá nghiêm trọng.”

Khi đưa ra quan điểm chống lại chính phủ TT Biden, Thẩm phán Doughty đã dẫn lời của cố Tổng thống Harry Truman: “Một khi một chính phủ cam kết với nguyên tắc dập tắt tiếng nói của phe đối lập, thì họ chỉ còn một con đường duy nhất, đó là đi theo con đường áp dụng các biện pháp ngày càng đàn áp, cho đến khi điều đó trở thành một nguồn gốc khủng bố đối với mọi công dân của mình và tạo ra một đất nước nơi mọi người đều sống trong sợ hãi.”

Kể từ đó, Tòa án Tối cao đã dỡ bỏ lệnh cấm của tòa án địa hạt trong thời gian chờ phán quyết về vụ án.

Tổng thống Joe Biden chuẩn bị trình bày về vaccine COVID-19 tại khu phức hợp Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 23/08/2021
Tổng thống Joe Biden chuẩn bị trình bày về vaccine COVID-19 tại khu phức hợp Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 23/08/2021. (Ảnh: Drew Angerer/Getty Images)

Các tiểu bang theo chân liên bang trong việc quy định về ngôn luận

Ngoài những nỗ lực của liên bang, một số tiểu bang cũng đang nỗ lực kiểm soát ngôn luận.

Vào ngày 03/12/2022, tiểu bang New York đã ban hành “Luật về Hành động Thù ghét.” Luật này buộc các nền tảng truyền thông xã hội phải thiết lập các chính sách nội bộ chống lại “phát ngôn thù ghét,” thiết lập quy định về báo cáo để công chúng báo cáo hành vi phạm tội, và phản ứng với từng báo cáo về một hành vi phạm tội. Việc không tuân thủ sẽ dẫn đến một cuộc điều tra của tổng chưởng lý New York và mức phạt 1,000 USD mỗi ngày cho mỗi hành vi vi phạm.

Luật “phát ngôn thù ghét” của New York buộc các công ty tư nhân phải thiết lập các quy định về phát ngôn như một phương pháp thay thế để các luật tiểu bang làm theo như vậy. Buộc các công ty tư nhân thiết lập các quy định về phát ngôn là một cách để né tránh Tu chính án thứ Nhất bởi vì, như ông Burling tuyên bố, “với tư cách là một tổ chức tư nhân, một công ty truyền thông xã hội thường sẽ được miễn trừ khỏi Tu chính án thứ Nhất.”

Ông Daniel Ortner, một luật sư tại Tổ chức Quyền Cá nhân và Bày tỏ (FIRE), đang khởi kiện chống lại luật này của New York. Ông nói với The Epoch Times rằng New York tuyên bố rằng luật này chỉ đơn thuần xoay quanh vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng ông nói rằng, trên thực tế, luật này còn vượt xa điều đó.

“Nếu quý vị không muốn có một chính sách đối phó với những gì tiểu bang định nghĩa là phát ngôn thù ghét, thì trớ trêu thay, quý vị phải đề ra định nghĩa, quý vị phải có định nghĩa của mình để tương ứng với định nghĩa của họ, để có thể nói về những phát ngôn mà họ muốn quy định, vốn là một điều rất mơ hồ,” ông Ortner nói. “Và mặt khác thì sau đó tiểu bang sẽ gây áp lực lên các trang web để họ gỡ nội dung đó xuống.”

Ông cho biết văn phòng tổng chưởng lý tiểu bang New York “vừa gửi một bức thư cho Rumble, một trong những khách hàng của chúng tôi, cùng với các nền tảng truyền thông xã hội khác về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, để yêu cầu họ tiết lộ chính sách của họ và cho thấy cách họ gỡ bỏ các phát ngôn.”

Một trong những mục tiêu của loại luật này có vẻ là một trang web châm biếm thường xuyên chế nhạo hệ tư tưởng cấp tiến. Hồi tháng 03/2022, Babylon Bee đã bị đình chỉ trên Twitter vì đã gọi Trợ lý Bộ trưởng Y tế Rachel Levine, một người đàn ông tự nhận mình là phụ nữ, là “Người đàn ông của Năm.”

Hoa Kỳ: Tại sao các tòa án không thể ngăn chặn sự kiểm duyệt của chính phủ
Trang web Babylon Bee giới thiệu Trợ lý Bộ trưởng Y tế chuyển giới Rachel Levine là “Người đàn ông của Năm” trên một trong những tiêu đề của trang web. (Ảnh chụp màn hình)

“Mối quan tâm của chúng tôi đối với những luật này cũng tương tự như mối quan tâm của chúng tôi đối với các lệnh cấm phát ngôn thù ghét đã có từ trước trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Twitter,” ông Seth Dillon, người sáng lập và Giám đốc điều hành Babylon Bee, nói với The Epoch Times. “Đó là một phạm trù quá rộng và có thể dễ dàng bị áp dụng sai cho những quan điểm không được ưa chuộng — chứ đó không phải sự nhầm lẫn.”

Ông Seth Dillon, Giám đốc điều hành của The Babylon Bee, tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 22/06/2022. (Ảnh: Matthew Pearson/CPI Studios)
Ông Seth Dillon, Giám đốc điều hành của The Babylon Bee, tại Hoa Thịnh Đốn vào ngày 22/06/2022. (Ảnh: Matthew Pearson/CPI Studios)

“Những quy tắc này được đặt ra không phải là để bảo vệ người dùng khỏi những trò đùa mà là để bảo vệ những lối đưa tin ưa thích khỏi bị chỉ trích. Nếu việc chế nhạo hoặc chỉ trích những ý tưởng tệ hại của cánh tả trở thành bất hợp pháp, thì những ý tưởng đó không cần phải được biện minh — chúng mặc nhiên chiến thắng.”

“Và nếu chúng ta học được điều gì đó qua những năm vừa rồi, thì đó chính là các ý tưởng tệ hại sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc nếu được thực hiện nghiêm túc.”

Những người ủng hộ tự do ngôn luận đang yêu cầu Tối cao Pháp viện ra phán quyết rằng các hành động của chính phủ nhằm buộc các công ty tư nhân kiểm duyệt ngôn luận sẽ khiến các công ty tư nhân đó trở thành một “tác nhân nhà nước” hoặc một phần mở rộng của chính phủ trên thực tế, và do đó phải tuân thủ Tu chính án thứ Nhất.

Trong khi đó, những vụ kiện đối với luật “phát ngôn thù ghét” của New York đang được các tòa án thụ lý. Hôm 14/02, Thẩm phán Tòa Địa hạt Andrew Carter đã ban hành một lệnh cấm để ngăn chặn việc thực thi luật này. Ông viết trong phán quyết của mình rằng “Tu chính án thứ Nhất bảo vệ những phát ngôn có thể được xem là ‘thù ghét’ khỏi luật tiểu bang.”

Tiểu bang New York đã kháng cáo phán quyết này.

Hàng rào an ninh tạm thời dọc theo một lối đi đến quảng trường của tòa nhà Tối cao Pháp viện ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 19/04/2023. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)
Hàng rào an ninh tạm thời dọc theo một lối đi đến quảng trường của tòa nhà Tối cao Pháp viện ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 19/04/2023. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

‘Sự minh bạch hoàn toàn’

Tuy nhiên, các nhà phân tích pháp lý cho biết, tuy rằng các hành động của tòa án là cần thiết để bảo vệ tự do ngôn luận, nhưng có lẽ như vậy vẫn chưa đủ.

Ông Grossman nói rằng hầu hết những người bị kiểm duyệt trên mạng xã hội sẽ khó nhận biết hoặc chứng minh rằng chính phủ đã gây áp lực buộc một công ty truyền thông xã hội phải kiểm duyệt họ.

“Phần lớn hoạt động này diễn ra một cách bí mật, và những người bị trở thành mục tiêu hoàn toàn không có cách nào biết được rằng chính phủ có liên quan đến quyết định này,” ông Grossman nói. “Việc kiện tụng không phải và không thể là một giải pháp khắc phục.”

Ngoài ra, ông nói, việc ban hành luật cấm chính phủ tham gia vào hành vi kiểm duyệt bằng ủy quyền sẽ khó khăn.

“Rất dễ để mô tả hành vi kiểm duyệt bằng ủy quyền một cách trừu tượng, nhưng rất khó để mô tả chính xác như thế nào là hành vi bị cấm,” ông nói. “Như chúng ta đã thấy trong bằng chứng về các Hồ sơ Twitter, chính phủ rất hiếm khi đưa ra các mối đe dọa rõ ràng liên quan đến việc gỡ bỏ nội dung; đôi khi, họ chỉ đơn giản là nói: ‘Quý vị nên nhận thức được điều này.’”

Thay vào đó, ông Grossman ủng hộ cho điều mà ông gọi là “sự minh bạch hoàn toàn.”

Nhân viên Facebook Mohamed Almari làm việc trên chiếc máy điện toán xách tay được trang trí bằng nhiều nhãn dán Facebook khác nhau của mình tại khuôn viên trụ sở công ty của công ty ở Menlo Park, California, vào ngày 23/10/2019. (Ảnh: Josh Edelson/AFP qua Getty Images)
Nhân viên Facebook Mohamed Almari làm việc trên chiếc máy điện toán xách tay được trang trí bằng nhiều nhãn dán Facebook khác nhau của mình tại khuôn viên trụ sở công ty của công ty ở Menlo Park, California, vào ngày 23/10/2019. (Ảnh: Josh Edelson/AFP qua Getty Images)

Để làm được như vậy sẽ đòi hỏi có các luật, được phỏng theo Đạo luật Tự do Thông tin và Đạo luật Quyền riêng tư, yêu cầu công bố ngay lập tức bất kỳ hành động nào của các quan chức chính phủ nhằm khuyến khích hoặc buộc các công ty tư nhân kiểm duyệt ngôn luận được bảo vệ.

Ông nói: “Luật như vậy sẽ cung cấp sự minh bạch cho công chúng cũng như cho những người bị nhắm mục tiêu về cách thức mà chính phủ đang thực thi quyền hạn này, họ đang nhắm đến loại ngôn luận nào, và họ làm như vậy với tần suất ra sao.” Các quan chức chính phủ sẽ phải nộp những báo cáo này cho Văn phòng Quản lý và Ngân sách để công chúng biết.

“Trước đây, chúng tôi đã thấy rằng khi được đưa ra ánh sáng, thì những hành vi lạm dụng này có xu hướng dừng lại.”

Các quy định về phát ngôn của các công ty

Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý cho biết, ngoài vấn đề áp lực kiểm duyệt từ chính phủ, xu hướng đàn áp ngôn luận đã ăn sâu vào văn hóa của các công ty truyền thông xã hội đến mức chính phủ không cần phải can thiệp trong nhiều trường hợp.

“Tôi nghĩ điều cần thiết là Tối cao Pháp viện phải ra phán quyết rằng việc chính phủ ép buộc các công ty này kiểm duyệt là bất hợp pháp,” ông Tedesco nói. “Nhưng đó chỉ là một phần của trận chiến.”

“Hầu hết hoạt động kiểm duyệt diễn ra trên các nền tảng này được thực hiện vì các công ty tư nhân này đang thực thi chính sách của riêng họ. Họ có những chính sách về ‘phát ngôn thù ghét,’ ‘không khoan dung,’ ‘hành vi thù ghét,’ và những thứ khác mà nếu chính phủ áp đặt những tiêu chuẩn đó như một điều luật về ngôn luận thì theo Hiến Pháp, điều luật đó sẽ bị chặn đứng trước khi đến được bất kỳ tòa án liên bang nào.”

Nhưng ở đây, những nỗ lực bảo vệ tự do ngôn luận cũng có thể gặp trở ngại. Do các công ty tư nhân không phải tuân theo Tu chính án thứ Nhất, nên việc ngăn chặn họ thiết lập quy định phát ngôn của riêng họ sẽ khó khăn, trừ phi họ được xem là một “quảng trường công cộng,” nghĩa là họ thực sự là nền tảng duy nhất cho các phát ngôn công khai.

Điều đó khó mà chứng minh cho được.

“Tôi cảm thấy không hài lòng với cách hành xử của một số công ty truyền thông xã hội,” ông Burling nói. “Nhưng tôi nghĩ họ chưa đạt tới mức độ của một quảng trường công cộng.”

Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) tại một cuộc họp báo bên ngoài Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 28/04/2022. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)
Dân biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) tại một cuộc họp báo bên ngoài Tòa nhà Capitol Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn vào ngày 28/04/2022. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)

Ông nói, nhiều người bị cấm sử dụng Twitter, Facebook, hoặc YouTube đã có thể tìm đến các nền tảng khác như Rumble hay Truth Social, như vậy làm suy yếu lập luận rằng các công ty truyền thông xã hội này là các nền tảng phát ngôn trực tuyến độc quyền.

Trước những hành động của chính phủ liên bang, một số người đã tìm đến các luật tiểu bang để bảo vệ ngôn luận.

Một báo cáo của Trung tâm Tự do Ngôn luận thuộc Đại học Middle Tennessee cho biết, “Trong một số vụ kiện, tòa án các tiểu bang cũng đã chọn trao quyền bảo vệ theo Hiến Pháp [tiểu bang] của họ nhiều hơn so với Tu chính án thứ Nhất.”

“New Jersey và Connecticut cung cấp nhiều bảo đảm về quyền tự do biểu đạt hơn Hiến Pháp liên bang.” Ngoài ra, California có các luật tiểu bang cấm phân biệt đối xử đối với các quan điểm chính trị. Tuy nhiên, báo cáo nêu rõ rằng các tổng chưởng lý ở các tiểu bang này chọn thực thi các luật đó ở mức độ nào lại là một vấn đề khác.

Mặc dù hoạt động kiểm duyệt bằng ủy quyền là mới và xảy ra cụ thể đối với mức độ phát triển công nghệ hiện tại, nhưng những nỗ lực kiểm duyệt người Mỹ không phải là mới.

“Trong suốt lịch sử của Nền cộng hòa, luôn có những mối đe dọa đối với tự do ngôn luận — như Đạo luật về Người ngoại quốc và Nổi loạn — và những mối đe dọa này tiếp tục diễn ra trong Chiến Tranh Lạnh, tiếp tục trong thời kỳ [Chiến tranh] Việt Nam, và ngày nay những mối đe dọa này nổi bật với ‘phát ngôn thù ghét,’” ông Burling nói. “Nhưng tôi nghĩ Hiến Pháp của chúng ta rất vững chắc, và tôi nghĩ các tòa án của chúng ta đủ mạnh mẽ để tiếp tục cung cấp cho chúng ta một số biện pháp bảo vệ.”

“Nếu các tòa án ngừng bảo vệ tự do ngôn luận thì chúng ta sẽ có một số vấn đề nghiêm trọng trước mắt.”

Thanh Nguyên biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Form Newsletter Subscription
Form Newsletter Subscription