Các công ty truyền thông xã hội viện dẫn quyền Tu chính án thứ Nhất để kiểm duyệt người Mỹ
Tổng Chưởng lý Texas Ken Paxton tuyên bố, ‘Tu chính án thứ Nhất đã được viện dẫn như là nơi nương náu cuối cùng cho sự phân biệt đối xử.’
Khi Tối cao Pháp viện xem xét tính hợp hiến của các đạo luật quản lý việc chặn nội dung của các công ty truyền thông xã hội ở Florida và Texas, các công ty công nghệ đã đứng lên bảo vệ những điều mà họ tuyên bố là quyền Tu chính án thứ Nhất để kiểm soát ngôn luận trên nền tảng của họ.
Vụ kiện này đã chia những người ủng hộ quyền tự do ngôn luận thành hai phe, với cả hai bên đều cho rằng họ là những người bảo vệ thực sự cho quyền tự do ngôn luận.
NetChoice, một nhóm ngành đại diện cho các công ty truyền thông xã hội và là nguyên đơn trong vụ kiện, đã đề cao quyền kiểm duyệt của các công ty tư nhân theo cách mà họ thấy phù hợp, trong khi các quan chức Texas và Florida lập luận rằng người dùng nền tảng truyền thông xã hội không được phép bị loại khỏi dịch vụ vì quan điểm chính trị, tôn giáo, hoặc khoa học của họ.
Sau khi theo dõi phiên tranh luận trực tiếp tại tòa hôm 26/02, nhiều nhà phân tích pháp lý đã kết luận rằng các công ty công nghệ có thể sẽ giành chiến thắng. Các vụ kiện ở đây lần lượt là bà Moody kiện NetChoice (Moody v. NetChoice) và NetChoice kiện ông Paxton (NetChoice v. Paxton), liên quan đến các luật của Florida và Texas.
Nói chuyện thay mặt cho các công ty truyền thông xã hội, ông Steve DelBianco, người sáng lập và Giám đốc điều hành của NetChoice, đã tuyên bố sau phiên điều trần: “Tôi cảm thấy tuyệt vời về cách mà mọi việc đã diễn ra.”
Ông DelBianco nói với những người tham dự hội nghị của Viện Cato hôm 28/02: “Tôi tin rằng chúng tôi đã tạo ra một cơn bão hoàn hảo với các vụ kiện, và Tối cao Pháp viện sẽ có cơ hội dựng lên một bức tường thực sự để biểu thị Tu chính án thứ Nhất là gì.”
“Nền tảng đầu tiên của bức tường đó, trong các trường hợp của chúng tôi, là để nói rằng bức tường này ngăn chặn chính phủ trực tiếp và chính thức buộc chúng tôi truyền tải những ngôn luận mà chúng tôi không muốn truyền tải hoặc gỡ bỏ ngôn luận mà chúng tôi muốn lưu giữ.”
Giáo sư luật Harvard Rebecca Tushnet, chuyên gia về các vụ kiện Tu chính án thứ Nhất, cũng đồng tình, tuyên bố rằng “nếu các tiểu bang có thể áp đặt loại quy định này lên các nền tảng, thì chúng ta sẽ biết rằng những lý thuyết luật học của Tu chính án thứ Nhất trong suốt 70 năm qua sẽ không còn có thể là chỗ dựa theo bất kỳ cách thực tế nào.”
Tự do biểu đạt hay phân biệt đối xử?
Nhưng những người ủng hộ luật tiểu bang nói rằng họ không hạn chế khả năng lên tiếng của các nền tảng truyền thông xã hội này, mà thay vào đó là kiềm giữ khả năng của họ trong việc từ chối dịch vụ vì quan điểm của khách hàng.
Luật HB20 của Texas cũng sẽ yêu cầu các nền tảng nêu rõ các điều khoản dịch vụ của họ và giải thích cho khách hàng về việc họ đã vi phạm các điều khoản đó ra sao trong trường hợp các nền tảng chọn kiểm duyệt họ.
“Tu chính án thứ Nhất đã được viện dẫn như là nơi nương náu cuối cùng cho sự phân biệt đối xử, cho dù là của các chủ nhà hàng, chủ khách sạn, hay những người ‘điều hành về mặt thương mại’ các trường tư thục,” Tổng Chưởng lý Texas Ken Paxton tuyên bố trong một bản tóm tắt ý kiến thân hữu của tòa án (amicus brief) ủng hộ luật Texas. “Nhưng tòa án đã kiên quyết bác bỏ những nỗ lực như vậy nhằm bảo vệ một quyền phân biệt đối xử — đã ít nhất một lần gọi lập luận này là ‘hiển nhiên là phù phiếm.’”
“Sau khi đạt được sự thống lĩnh trên thị trường, các Nền tảng đã bắt đầu rút lại những lời bảo đảm về tính trung lập của họ,” ông Paxton cho biết. “Ví dụ, X đã lập luận về ‘quyền tuyệt đối trong Tu chính án thứ Nhất để loại bỏ bất kỳ ai khỏi nền tảng của X, ngay cả khi làm như vậy sẽ là phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo, giới tính, khuyết tật về thể chất, hoặc khuyết tật về tâm thần.’”
Florida và Texas đã thông qua luật chống phân biệt đối xử để đáp lại những cáo buộc rằng các nền tảng truyền thông xã hội, nơi chứa một lượng lớn các diễn ngôn công khai và hoạt động chia sẻ thông tin, đang kiểm duyệt những nội dung xung đột với các lối tường thuật mang tính cấp tiến. Các tiểu bang đã thông qua các luật này cáo buộc rằng các công ty độc quyền công nghệ đang làm như vậy trong sự phối hợp mang tính ý thức hệ với nhau, và theo lệnh, không chỉ của các quan chức chính phủ mà còn của Đảng Dân Chủ.
Một trong những trường hợp kiểm duyệt mạng xã hội tai tiếng hơn xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2020 khi Twitter và Facebook chặn các bản tin của New York Post về nội dung trên chiếc máy điện toán xách tay thuộc sở hữu của ông Hunter Biden, con trai của Tổng thống Joe Biden, lúc bấy giờ còn là ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ. Tin tức này đã bị chặn trong hơn hai tuần cho đến ngày 30/10, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống. Cuộc bầu cử năm đó khác biệt ở chỗ, do đại dịch COVID-19, 60% cử tri đã bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu qua đường bưu điện, nghĩa là nhiều người trong số các cử tri đã bỏ phiếu xong vào thời điểm mà các bản tin không còn bị chặn.
Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg sau đó thừa nhận rằng công ty của ông đã chặn tờ New York Post theo sự thúc giục của FBI. Nhưng những người đứng về phía các công ty truyền thông xã hội đã bác bỏ những lo ngại về việc kiểm duyệt truyền thông xã hội, đồng thời gợi ý về những động cơ ẩn giấu đằng sau các đạo luật tiểu bang.
Ông DelBianco nói: “Nếu quý vị nghĩ lại về cuộc bầu cử năm 2020 và về vụ bê bối máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden, cũng như về mức độ mà một số trang mạng xã hội đã, trong nhiều ngày hoặc có thể là nhiều giờ, giảm lượng chia sẻ câu chuyện về ông Hunter Biden vì họ muốn bảo đảm rằng đó không phải là tài liệu bị tấn công hoặc thông tin do khủng bố phát tán, vâng, thì điều đó đã gây ra khá là nhiều phẫn nộ từ những người theo dõi và cử tri của ông Trump.”
“Sự việc đó không qua mắt được Thống đốc [Florida] Ron DeSantis, người có tham vọng chính trị đáng kể và tin rằng một cách để chiếm được tình cảm của những người theo ông Trump là nhanh chóng trừng phạt các công ty công nghệ lớn đã loại bỏ ông Trump khỏi nền tảng của họ sau ngày 06/01,” ông nói. “Đó là nguồn gốc chính trị của luật Florida.”
‘Đàn áp hàng loạt’ ngôn luận
Tuy nhiên, bất chấp những bảo đảm như vậy, một số chuyên gia pháp lý vẫn còn lo ngại.
Ông Philip Hamburger, một giáo sư tại Trường Luật Columbia, đã lập luận trong một bài báo hôm 25/02 rằng việc cho phép các công ty truyền thông xã hội tiếp tục bịt miệng những quan điểm mà họ hoặc chính phủ không thích có thể dẫn đến cái mà ông gọi là “đàn áp hàng loạt” ngôn luận ở Hoa Kỳ.
Ông Hamburger viết: “Chính phủ từng ngăn chặn quyền tự do ngôn luận theo cách lẻ tẻ bằng cách truy tố các cá nhân tại tòa án, điều đó có nghĩa là chính phủ phải chịu gánh nặng về việc chứng minh và thuyết phục chống lại những cá nhân cụ thể chịu trách nhiệm về các bài viết cụ thể.”
“Tuy nhiên, giờ đây, chính phủ chỉ cần yêu cầu các nền tảng truyền thông xã hội đàn áp ngôn luận, và vì họ là các chốt chặn trong phần lớn các hoạt động giao tiếp của công chúng nên họ đang tạo ra cơ hội cho chính phủ đàn áp một cách hàng loạt với hiệu quả cao.”
Ông viết, chính phủ không còn cần phải chứng minh lập luận của mình trước tòa để bịt miệng từng cá nhân người Mỹ. Ngược lại, gánh nặng hiện nay đặt lên vai người Mỹ để chứng minh trước tòa rằng họ đã bị bịt miệng một cách sai trái.
Ông nói: “Chưa bao giờ việc đàn áp lại dễ dàng hay việc chống lại đàn áp lại khó khăn đến thế.”
Một vụ kiện khác hiện đang được đưa lên trước Tối cao Pháp viện liên quan đến kiểm duyệt mạng xã hội, là vụ ông Murthy kiện Missouri (Murthy v. Missouri), bắt nguồn từ một vụ kiện do các tổng chưởng lý của Missouri và Louisiana đệ trình, cáo buộc rằng chính phủ Tổng thống Biden đã ép buộc các công ty truyền thông xã hội kiểm duyệt nội dung mà chính phủ không mong muốn, chẳng hạn như các bài đăng mâu thuẫn với các lối tường thuật chính thức về nguồn gốc, vaccine, và phương pháp điều trị COVID-19.
Báo chí hoặc công ty điện thoại
Các nhà quan sát pháp lý cho biết các vụ kiện của NetChoice có thể sẽ chuyển biến xoay quanh cách mà Tối cao Pháp viện quyết định rằng các công ty truyền thông xã hội nên được nhìn nhận. Đối diện với rất nhiều nền tảng tương tự, Tối cao Pháp viện phải quyết định: liệu các nền tảng truyền thông giống với các tờ báo, các nhà xuất bản, công ty điện thoại, hay đường dây điện báo hơn?
“Vấn đề lớn ở đây là chúng ta đang nhìn nhận các nền tảng truyền thông xã hội tương tự như cái gì,” ông Ashutosh Bhagwat, giáo sư tại Trường Luật Davis của Đại học California, nói với những người tham dự hội nghị của Viện Cato. “Tôi nghĩ chính xác thì NetChoice muốn họ được so sánh với báo chí, và chúng ta chắc chắn đã có tiền lệ từ những năm 70 nói rằng báo chí có quyền quyết định đăng nội dung gì.”
Ông nói, nếu các công ty truyền thông xã hội là nhà xuất bản, thì các đạo luật của Texas và Florida rất có thể sẽ bị xem là vi hiến. Nhưng nếu họ là những nhà mạng thông thường, chẳng hạn như các công ty điện thoại, thì có thể các luật yêu cầu họ phải phục vụ khách hàng một cách bình đẳng như nhau sẽ có hiệu lực.
“Chắc chắn các công ty điện thoại không lựa chọn ai là khách hàng của họ,” ông Bhagwat nói. “Tất nhiên, khó khăn là, khi quý vị có một công nghệ hoàn toàn mới, thì mọi sự so sánh đều không hoàn hảo.”
Đối với một số người, các công ty truyền thông xã hội trông giống tắc kè hoa hơn, khi thay đổi màu sắc tùy thuộc vào sắc thái nào có nhiều khả năng né tránh sự giám sát nhất.
Ông DelBianco kể lại lời làm chứng của mình trước các nhà lập pháp Texas, trong đó ông hỏi họ, “Các vị có thể ban hành một luật buộc một tờ báo địa phương đăng các bài bình luận của các vị không?”
Ông DelBianco chia sẻ: “Chủ tọa đã trả lời: ‘Ồ, tất nhiên là không,’ và tôi nói, ‘Vậy điều gì khiến các vị tin rằng các vị có thể buộc Facebook, Twitter, và YouTube đăng nội dung mà họ không muốn đăng?’”
Trong khi các công ty truyền thông xã hội tranh luận trong hai vụ kiện này rằng họ là nhà xuất bản, họ cũng đã nhanh chóng bảo vệ Mục 230 của Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông, được thông qua năm 1996, theo đó bảo vệ họ khỏi trách nhiệm pháp lý đối với nội dung được hiển thị trên trang web của họ, đặc biệt là vì họ không phải là nhà xuất bản, mà là nhà cung cấp dịch vụ.
Đạo luật Chuẩn mực Truyền thông quy định rằng “không nhà cung cấp hoặc người sử dụng dịch vụ máy điện toán tương tác nào được xem là nhà xuất bản hoặc phát ngôn viên của bất kỳ thông tin nào do nhà cung cấp nội dung thông tin khác cung cấp.”
Nhưng những người ủng hộ các công ty công nghệ cho rằng Mục 230 không liên quan gì đến vụ kiện này.
Ông DelBianco nói: “Tôi tin rằng chúng tôi có thể chứng minh rằng Mục 230 thực sự không liên quan gì đến các biện pháp bảo vệ của Tu chính án thứ Nhất mà chúng tôi đang khẳng định.”
‘Mặt tối’ của các cuộc cách mạng công nghệ
Tuy nhiên, những người ủng hộ các đạo luật của Texas và Florida nói rằng các công ty truyền thông xã hội là những nhà cung cấp dịch vụ phổ biến và không có quyền từ chối phục vụ khách hàng dựa trên niềm tin tôn giáo hoặc quan điểm chính trị của khách hàng.
Ông Paxton trích dẫn tiền lệ lịch sử về các công ty điện báo đã tạo ra cách mạng trong lĩnh vực truyền thông vào thế kỷ 19.
Ông nói, “Tuy nhiên, cuộc cách mạng này có một mặt tối,” khi các công ty kiểm soát đường dây điện báo sử dụng quyền lực của mình để thao túng luồng thông tin. Ông đã trích dẫn ví dụ về Western Union, công ty đã từ chối gửi các thông điệp cạnh tranh với công ty liên kết của họ, The Associated Press.
Đáp lại, các tiểu bang và sau đó là chính phủ liên bang đã thông qua luật yêu cầu các nhà khai thác điện báo truyền tải ngôn luận “một cách công bằng và thiện chí,” ông Paxton cho biết. “Và giống như các công ty điện báo ngày xưa, các đại công ty truyền thông xã hội ngày nay sử dụng quyền kiểm soát của họ đối với cơ chế ‘quảng trường công cộng hiện đại’ này để dẫn hướng — và thường là bóp nghẹt — các diễn ngôn công khai.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times