Tối cao Pháp viện ra phán quyết có lợi cho chính phủ TT Biden trong vụ kiện về tự do ngôn luận trên mạng xã hội
Các tiểu bang đã lập luận rằng chính phủ liên bang đã cưỡng ép các nền tảng mạng xã hội phải tuân theo đường hướng đảng phái về các vấn đề khác nhau.
Hôm 26/06, Tối cao Pháp viện đã bác bỏ một thách thức đối với các hành động của chính phủ liên bang khi họ liên lạc với các nền tảng mạng xã hội về các vấn đề sức khỏe cộng đồng trong thời kỳ đại dịch COVID-19.
Các thẩm phán đã bỏ phiếu với tỷ lệ 6 phiếu thuận–3 phiếu chống, kết luận rằng hai tiểu bang do Đảng Cộng Hòa lãnh đạo và một số cá nhân thách thức chính phủ đã thiếu tư cách pháp lý để thực hiện vụ kiện này vì họ không thể chứng minh họ đã bị tổn hại trực tiếp bởi nỗ lực của chính phủ trong việc liên lạc với các nền tảng này. Tư cách pháp lý là nói đến quyền của một người để kiện ra tòa. Các bên phải chứng minh một sự liên quan đủ thuyết phục với luật hoặc hành động bị khiếu nại để biện minh cho sự tham gia của họ trong vụ kiện.
Các tiểu bang đã lập luận rằng chính phủ liên bang đã cưỡng ép các công ty mạng xã hội kiểm duyệt những quan điểm không được ưa chuộng về các vấn đề quan trọng mà công chúng quan tâm, chẳng hạn như tác dụng phụ liên quan đến vaccine COVID-19 và các biện pháp phong tỏa trong đại dịch. Các tiểu bang cho rằng việc gây ra kiểu áp lực này là vi phạm Tu chính án thứ Nhất.
Những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống và những người khác đã phàn nàn rằng mạng xã hội kiểm duyệt thông tin về các vấn đề liên quan đến người chuyển giới, COVID-19, và cuộc bầu cử năm 2020. Họ đặc biệt lo ngại về việc đưa tin về máy điện toán xách tay của ông Hunter Biden chứa thông tin mà họ cho rằng có thể đã gây bất lợi cho chiến dịch tranh cử năm 2020 của Tổng thống Joe Biden nếu thông tin đó được lan truyền tự do.
Một số người cánh tả đã cho rằng việc gỡ bỏ bài đăng trên mạng xã hội là cần thiết để ngăn chặn sự lan truyền thông tin sai lệch, và một số người đã phàn nàn rằng các nền tảng mạng xã hội không làm đủ để chống lại những thông tin không đúng sự thật.
Thách thức này chính là vụ Murthy kiện Missouri. Thẩm phán Amy Coney Barrett viết bản ý kiến đa số.
Người đệ đơn, Tiến sỹ Vivek Murthy, là Tổng Y sỹ Hoa Kỳ. Tiểu bang Missouri và các bên khác đã kiện chính phủ liên bang về việc kiểm duyệt vì cho rằng chính phủ đã gây áp lực lên các công ty truyền thông xã hội để chặn một số nội dung nhất định.
Trong đại dịch, Tiến sỹ Murthy đã phát đi một tuyên bố công khai khuyến khích các nền tảng mạng xã hội ngăn chặn những thông tin được gọi là sai lệch về COVID-19 “trở nên phổ biến.” Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã gắn cảnh báo các bài đăng mà họ cho là thông tin sai lệch. Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Cơ quan An ninh Mạng và Cơ sở hạ tầng (CISA) đã liên lạc với các nền tảng về thông tin sai lệch liên quan đến bầu cử năm 2020 và bầu cử Quốc hội năm 2022.
Các tòa án cấp dưới đã ngăn chặn các nỗ lực của chính phủ liên bang trong việc liên lạc với các nền tảng mạng xã hội về nội dung được đăng. Ban đầu, Tối cao Pháp viện đã tạm dừng lệnh cấm đối với chính phủ do một tòa án địa hạt liên bang ban hành, và sau đó đã gia hạn lệnh cấm sau khi lệnh này được Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực 5 sửa đổi.
Án lệnh của tòa phúc thẩm tuyên bố rằng chính phủ liên bang không được “cưỡng ép hoặc khuyến khích một cách đáng kể các công ty truyền thông xã hội loại bỏ, xóa, ngăn chặn, hoặc cắt xén, kể cả việc thay đổi thuật toán của họ, nội dung trên mạng xã hội được đăng có chứa phát ngôn được bảo vệ.”
Trong các cuộc tranh luận trực tiếp vào ngày 18/03, Tổng Biện lý sự vụ Louisiana Benjamin Aguiñaga nói rằng “sự kiểm duyệt của chính phủ không tồn tại trong nền dân chủ của chúng ta.”
Ông nói rằng “bằng chứng cho thấy có sự áp lực không ngừng nghỉ từ phía chính phủ để cưỡng ép các nền tảng mạng xã hội kiểm duyệt phát ngôn của hàng triệu người Mỹ.”
Tòa án địa hạt liên bang nhận định hành vi của chính phủ là “cuộc tấn công lớn nhất vào tự do ngôn luận trong lịch sử Mỹ quốc, trong đó có việc kiểm duyệt các nhà khoa học nổi tiếng nêu ý kiến trong lĩnh vực chuyên môn của họ.”
“Lợi thế tạo áp lực của chính phủ không phù hợp với Tu chính án thứ Nhất,” ông Aguiñaga nói.
Ông nói rằng đây không phải là trường hợp chính phủ sử dụng “bục thuyết giảng tuyệt vời” để kêu gọi người Mỹ hành động theo một điều chính nghĩa nào đó — mà đây là chính phủ “đang chính là một kẻ bắt nạt.”
Ông Brian Fletcher, phó tổng biện lý sự vụ của chính phủ Hoa Kỳ, đã thừa nhận rằng chính phủ “không được dùng lời đe dọa mang tính cưỡng ép để ngăn chặn phát ngôn,” nhưng lập luận rằng chính phủ “được quyền tự lên tiếng bằng cách cung cấp thông tin, thuyết phục, hoặc phê phán riêng cá nhân phát ngôn.”
Ông nói rằng “Có sự khác biệt căn bản giữa thuyết phục và cưỡng ép.”
Ông Fletcher nói rằng trong vụ án này, các tiểu bang Missouri và Louisiana, cùng với năm cá nhân khác, đang cố gắng sử dụng các tòa án liên bang “để kiểm tra tất cả các cuộc liên lạc của nhánh hành pháp với các nền tảng mạng xã hội.”
Bản ý kiến đa số
Trong bản ý kiến đa số mới, Thẩm phán Barrett viết rằng hai tiểu bang và năm cá nhân đã kiện hàng chục quan chức và cơ quan trong nhánh hành pháp của chính phủ liên bang, cho rằng họ đã gây áp lực buộc các nền tảng mạng xã hội phải ngăn chặn phát ngôn vốn được Tu chính án thứ Nhất bảo vệ.
Tòa Phúc thẩm Khu vực 5 đã đồng ý với các bên khởi kiện, cho rằng các cuộc liên lạc của các quan chức “khiến cho họ chịu trách nhiệm về các quyết định kiểm duyệt của các nền tảng tư nhân.” Thẩm phán viết rằng sau đó, tòa phúc thẩm giữ nguyên lệnh cấm tạm thời “toàn diện” đối với chính phủ.
Bà viết rằng trong quá trình làm như vậy, Tòa án Phúc thẩm Khu vực 5 đã phạm phải một sai lầm pháp lý.
Để chứng minh tư cách pháp lý của mình, các nguyên đơn phải chứng minh rằng có “một rủi ro đáng kể là trong tương lai gần, họ sẽ phải chịu tổn hại mà bị đơn là Chính phủ gây ra và có thể khắc phục được bằng lệnh cấm mà họ yêu cầu. Bởi vì không có nguyên đơn nào chịu tổn hại đó nên không ai có tư cách pháp lý để yêu cầu một lệnh cấm sơ bộ.”
Tòa án Phúc thẩm Khu vực 5 cho rằng “hành vi của một đảng riêng lẻ có thể là hành động của tiểu bang (state action) nếu chính phủ cưỡng ép hoặc khuyến khích hành vi đó một cách đáng kể,” bà nói. Hành động của Chính phủ khi chỉnh lý phát ngôn phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ theo Hiến Pháp.
Tòa án đó kết luận rằng các quan chức Tòa Bạch Ốc, Tiến sỹ Murthy, và FBI “có thể đã cưỡng ép và khuyến khích một cách đáng kể các nền tảng để kiểm duyệt nội dung.” Tòa án cũng kết luận rằng mặc dù CDC và CISA khuyến khích các nền tảng thực hiện một số hành động nhất định nhưng họ không cưỡng ép các nền tảng này.
Thẩm phán Barrett viết rằng Điều III của Hiến Pháp quy định rằng các tòa án liên bang chỉ có thể xét xử những vụ án liên quan đến những tranh chấp thực sự trong đó ít nhất một nguyên đơn có tư cách pháp lý để khởi kiện.
Bà viết rằng các bên thách thức cho rằng họ có tư cách pháp lý bởi vì “sự kiểm duyệt trực tiếp” phát ngôn của họ cũng như “quyền được nghe” người khác đang đối mặt với sự kiểm duyệt trên mạng xã hội.
Bà viết rằng điều này là một vấn đề vì những nguyên đơn ở đây không yêu cầu ra lệnh cấm các nền tảng hạn chế bất kỳ bài đăng nào, thay vào đó lại tập trung vào việc chính phủ liên bang gây áp lực cho các nền tảng để ngăn chặn những phát ngôn được Tu Chính án thứ Nhất bảo vệ.
Nói cách khác, những người thách thức lập luận rằng những tổn thương họ chịu đựng là “gián tiếp” và “mang tính phỏng đoán.” Nhưng đó là một “nguyên tắc cơ bản” rằng một tòa án liên bang không thể khắc phục “tổn thương phát sinh từ hành động độc lập của một bên thứ ba không có mặt trước tòa,” bà viết.
Tối cao Pháp viện đã miễn cưỡng tán thành các lý thuyết về tư cách pháp lý “đòi hỏi phải phỏng đoán về cách những người ra quyết định độc lập sẽ thực hiện phán quyết của họ.”
Hơn nữa, Thẩm phán Barrett viết rằng Tòa án Phúc thẩm Khu vực 5 đã mắc sai lầm khi “che đậy những tình tiết phức tạp trong bằng chứng” bằng cách chỉ trích chính phủ liên bang về “mọi quyết định đối với nền tảng” để kiểm duyệt hoặc ngăn chặn nội dung.
Bà viết rằng các nền tảng đã tham khảo với các chuyên gia bên ngoài, không chỉ riêng chính phủ liên bang.
Thẩm phán cũng nói thêm rằng mặc dù chính phủ liên bang “đã đóng một vai trò trong ít nhất một số lựa chọn kiểm duyệt của các nền tảng, nhưng bằng chứng cho thấy rằng các nền tảng có động lực riêng để kiểm duyệt nội dung và thường xuyên thực hiện đánh giá của riêng họ.”
Tối cao Pháp viện đã đảo ngược phán quyết của Tòa phúc thẩm Khu vực 5 và trả lại vụ án cho tòa án đó “để tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo phù hợp với bản ý kiến này.”
Bản ý kiến bất đồng
Thẩm phán Samuel Alito đã viết một bản ý kiến bất đồng quan điểm, với sự tham gia của Thẩm phán Clarence Thomas và Neil Gorsuch.
Thẩm phán Alito viết rằng ông không đồng tình vì bản ý kiến đa số “từ chối một cách vô lý để giải quyết mối đe dọa nghiêm trọng đối với Tu chính án thứ Nhất.”
“Trong nhiều tháng, các quan chức cấp cao của Chính phủ đã gây áp lực không ngừng lên Facebook để ngăn chặn tự do ngôn luận của người Mỹ.”
“Nạn nhân” của chiến dịch này đã đệ đơn kiện để bảo đảm chính phủ liên bang “không tiếp tục cưỡng ép các nền tảng truyền thông xã hội để ngăn chặn phát ngôn.”
Tất cả các nạn nhân, gồm hai tiểu bang mà các quan chức y tế công cộng bị ngăn chặn chia sẻ kiến thức chuyên môn của họ với cư dân tiểu bang, các giáo sư y khoa nổi tiếng, một nhà điều hành trang web tin tức, và một tổ chức vận động nhân quyền và ủng hộ người tiêu dùng, “chỉ muốn lên tiếng về một vấn đề rất quan trọng của công chúng,” Thẩm phán Alito viết.
Pháp viện đã “lẩn tránh” nghĩa vụ của mình và “cho phép chiến dịch cưỡng ép thành công trong trường hợp này tồn tại như một mô hình hấp dẫn cho các quan chức trong tương lai muốn kiểm soát những gì người dân nói, nghe, và nghĩ,” ông viết.
Sau khi phán quyết mới được công bố, Tổng Chưởng lý Missouri Andrew Bailey, một thành viên Đảng Cộng Hòa, cho biết văn phòng của ông đã đệ đơn kiện “để ngăn chặn hành vi vi phạm Tu chính án thứ Nhất nghiêm trọng nhất trong lịch sử đất nước chúng ta.”
“Chứng tích rõ ràng: nhà nước ngầm đã gây áp lực và cưỡng ép các công ty mạng xã hội gỡ bỏ những phát ngôn chân thực chỉ vì những phát ngôn đó có khuynh hướng bảo tồn truyền thống,” ông nói trong một tuyên bố bằng văn bản trên trang web chính thức của mình.
Ông Bailey cho biết Missouri sẽ quay lại tòa án địa hạt liên bang để thu thập thêm bằng chứng “để loại bỏ hoàn toàn hoạt động kiểm duyệt rộng lớn của [Tổng thống] Joe Biden vĩnh viễn.”
Ông Bailey cũng cho biết Missouri đã trích dẫn hơn 20,000 trang tài liệu để lập luận rằng các quan chức liên bang hàng đầu đã gây áp lực và thông đồng với các công ty truyền thông xã hội để vi phạm quyền tự do ngôn luận của người Mỹ.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times