Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đảo ngược ‘Học thuyết Chevron’, hạn chế quyền lực của chính phủ liên bang
Học thuyết 40 năm tuổi này đã tạo một nền tảng pháp lý cho nhà nước hành chính hiện đại.
Trong một cuộc bỏ phiếu với tỷ lệ 6 phiếu thuận-3 phiếu chống, Tối cao Pháp viện đã đảo ngược học thuyết Chevron về sự tôn trọng, một học thuyết tư pháp trao quyền cho công chức mà các nhà phê bình cho rằng đã dẫn đến sự mở rộng bùng nổ của chính phủ Hoa Kỳ trong những thập niên gần đây.
Phán quyết mới này sẽ khiến cho các quan chức chính phủ không được qua bầu cử gặp khó khăn hơn trong việc tạo ra các quy định mới.
Trong nhiều năm qua, học thuyết này buộc các thẩm phán phải tôn trọng và chấp nhận các diễn giải pháp lý của các quan chức cơ quan liên bang, những người thi hành các luật liên bang mà họ cho là mơ hồ.
Tòa Bạch Ốc đã lên án phán quyết mới này là “một quyết định đáng lo ngại nữa đưa đất nước chúng ta thụt lùi.”
“Thêm một lần nữa, Tối cao Pháp viện đã quyết định ủng hộ các nhóm lợi ích đặc biệt, giống như khi họ tìm cách phá hủy các biện pháp bảo vệ lâu dài đối với nước sạch, cản trở nỗ lực đối phó với một trận đại dịch toàn cầu, và ngăn chặn việc xóa (nguyên văn) bỏ nợ sinh viên nặng nề cho hàng chục triệu người Mỹ,” Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản.
Phán quyết này “làm suy yếu khả năng của các cơ quan liên bang trong việc sử dụng chuyên môn của họ … để bảo vệ và phục vụ mọi người dân Mỹ.”
Chánh án John Roberts viết bản ý kiến đa số trong phán quyết hôm 28/06 này. Các thẩm phán Sonia Sotomayor, Elena Kagan, và Ketanji Brown Jackson không đồng tình.
Học thuyết này cung cấp một nền tảng pháp lý cho nhà nước hành chính hiện đại, mà các nhà phê bình đã chỉ trích là một nhánh thứ tư bất hợp pháp của chính phủ. Trong nhiều thập niên qua, các nhà ủng hộ chính phủ giới hạn đã gây áp lực để bãi bỏ học thuyết này.
Trong phán quyết mang tính bước ngoặt trong vụ Chevron kiện Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên Thiên nhiên năm 1984, Pháp viện cho rằng mặc dù các tòa án “phải thi hành ý định được diễn đạt rõ ràng của Quốc hội,” trong đó các tòa án nhận thấy rằng Quốc hội đã không trực tiếp giải quyết vấn đề chính xác đang được đề cập và “luật này không có quy định hoặc không rõ ràng về vấn đề cụ thể đó, thì câu hỏi dành cho tòa án là liệu câu trả lời của cơ quan liên bang có dựa trên một sự diễn giải hợp lệ của luật này hay không.”
Những người theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống và các nhà hoạch định chính sách của Đảng Cộng Hòa từ lâu đã chỉ trích học thuyết này, cho rằng nó đã góp phần vào sự mở rộng mạnh mẽ của chính phủ và trao cho các quan chức quản lý không được qua bầu cử quá nhiều quyền lực để lập chính sách bằng cách quá những gì Quốc hội dự định khi thông qua nhiều luật khác nhau. Trong những năm gần đây Tối cao Pháp viện ngày càng hoài nghi về thẩm quyền của các cơ quan quản lý.
Những người ủng hộ cho rằng học thuyết Chevron trao quyền cho chính phủ liên bang để phục vụ lợi ích chung trong một thế giới ngày càng phức tạp mà không cần phải tìm kiếm sự ủy quyền cụ thể từ Quốc hội cho mọi việc cần làm.
Phán quyết mới này được đưa ra trong hai vụ kiện liên quan mà Pháp viện đã xét xử vào ngày 17/01: Relentless Inc. kiện Bộ Thương mại và Loper Bright Enterprises kiện Raimondo.
Vụ Relentless nhận được 6 phiếu thuận–3 phiếu chống, còn vụ Loper Bright nhận được 6 phiếu thuận–2 phiếu chống vì Thẩm phán Jackson, vốn bất đồng ý kiến trong vụ Relentless, đã không tham gia bỏ phiếu trong vụ kiện thứ hai.
Các vụ kiện này bắt đầu từ năm 2020, khi Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia của Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Cơ quan Đánh bắt cá Biển Quốc gia của Bộ này thi hành một quy định cuối cùng để buộc các công ty đánh cá phải trả tiền cho các giám sát viên trên tàu của họ.
Các công ty cho biết việc phải chi trả cho các nhân viên giám sát là một gánh nặng gây khó khăn và làm giảm đáng kể lợi nhuận của họ.
Các tòa án cấp dưới phán quyết giữ nguyên quy định này.
Vào ngày 17/01, luật sư Roman Martinez của Relentless Inc. nói với các thẩm phán rằng học thuyết Chevron về sự tôn trọng phải bị bác bỏ. Ông nói rằng, “Đã quá lâu rồi, học thuyết Chevron đã bóp méo quy trình tư pháp và làm suy yếu việc diễn giải luật.”
“Chevron vi phạm Hiến Pháp. Điều III của Hiến Pháp trao quyền cho các thẩm phán để nói rằng luật pháp là gì … [và] để diễn giải các đạo luật liên bang bằng sự đánh giá độc lập và tốt nhất của họ. Chevron làm suy yếu nhiệm vụ đó. Học thuyết này đã chuyển thẩm quyền diễn giải từ tòa án sang các cơ quan, và buộc các tòa án phải chấp nhận các sự diễn giải của các cơ quan cấp dưới được ban hành vì lý do chính trị hoặc chính sách.”
“Bằng cách làm như vậy, Chevron ngăn cản các thẩm phán phục vụ như là những đại diện trung thành của Quốc hội. Học thuyết này yêu cầu sự thiên vị của tòa án và khuyến khích các cơ quan vượt quá quyền hạn của mình, và bằng cách loại bỏ các quy tắc kiểm tra đối với nhánh hành pháp, học thuyết này đe dọa quyền tự do cá nhân.”
Tổng Biện lý sự vụ Elizabeth Prelogar đáp trả rằng việc lật ngược học thuyết Chevron về sự tôn trọng sẽ gây ra sự hỗn loạn và dẫn đến “vô số vụ kiện.”
“Hàng ngàn phán quyết tư pháp ủng hộ quyết định của một cơ quan trong việc thiết lập quy định hoặc xét xử sẽ có thể bị thách thức, và sự gián đoạn sâu sắc đó đặc biệt là không thích hợp vì Quốc hội có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ khung pháp lý Chevron bất cứ lúc nào,” bà nói.
Bản ý kiến đa số
Trong bản ý kiến đa số, Chánh án Roberts trích dẫn một tiền lệ trước đây khi ông viết rằng trong suốt quá trình tồn tại của học thuyết này, Chevron đã là “một quy tắc tìm kiếm một lý lẽ biện hộ,” tức là, giả định rằng “học thuyết này từng đủ rõ ràng để được gọi là một quy tắc.”
“Kinh nghiệm cũng cho thấy rằng Chevron không thể hoạt động được” bởi vì “khái niệm về sự mơ hồ luôn khó mà định nghĩa một cách có ý nghĩa,” ông nói.
Như cố Thẩm phán Antonin Scalia đã nói vào 5 năm sau khi phán quyết Chevron rằng, “Rõ ràng là rõ ràng như thế nào?” ông nói.
“Chúng ta chưa tiến gần đến một câu trả lời cho câu hỏi đó hơn so với bốn thập niên trước,” Chánh án Roberts viết. “Một thẩm phán có thể thấy sự mơ hồ ở khắp mọi nơi; một thẩm phán khác có thể không bao giờ thấy điều đó.”
Một phần của sự khiêm tốn của ngành tư pháp là “sửa chữa sai lầm của chính mình, đặc biệt khi những sai lầm đó nghiêm trọng,” ông viết. “Đây là một trong những trường hợp đó.”
“Chevron là một sáng chế tư pháp yêu cầu các thẩm phán xem nhẹ nhiệm vụ pháp định của họ. Và cách duy nhất để ‘bảo đảm rằng luật pháp sẽ không chỉ thay đổi một cách bất thường, mà sẽ phát triển một cách có nguyên tắc và dễ hiểu’ … là để chúng ta bỏ qua Chevron.”
Ông nói thêm rằng phán quyết mới sẽ không nhất thiết làm vô hiệu hóa các quyết định trước đây dựa trên học thuyết Chevron.
“Các quyết định trong những vụ án đó rằng các hành động cụ thể của cơ quan là hợp pháp” vẫn phụ thuộc vào tiền lệ hiện hành “bất kể cách thay đổi của chúng ta trong phương pháp diễn giải.”
Ông viết rằng đạo luật Thủ tục Hành chính liên bang (APA) ngăn cản các thẩm phán xem nhẹ trách nhiệm của họ chỉ vì nhánh hành pháp có quan điểm khác biệt về một đạo luật nào đó.
“Các tòa án phải thực hiện sự đánh giá độc lập của họ khi quyết định liệu một cơ quan đã hành động trong phạm vi quyền hạn pháp định của họ, như Đạo luật Thủ tục Hành chính Liên bang (APA) yêu cầu hay không,” ông viết.
Các tòa án nên chú ý đến sự diễn giải của nhánh hành pháp về một đạo luật và khi một đạo luật ủy quyền theo Hiến Pháp cho một cơ quan, các tòa án phải tôn trọng sự ủy quyền đó “đồng thời bảo đảm cơ quan hành động trong phạm vi ủy quyền đó.”
“Nhưng theo Đạo luật Thủ tục Hành chính Liên bang, các tòa án không cần và không được phép tuân thủ theo một sự diễn giải của một cơ quan về luật pháp chỉ vì một đạo luật mơ hồ,” Chánh án viết.
Tối cao Pháp viện đã hủy bỏ các phán quyết của Tòa Phúc thẩm Liên bang Khu vực Thủ đô và Khu vực 1 và gửi lại các vụ án cho họ “để tiến hành các thủ tục tố tụng tiếp theo phù hợp với bản ý kiến này.”
Thẩm phán Clarence Thomas tán dương sự sụp đổ của học thuyết này trong một bản ý kiến đồng tình.
Ông viết rằng “Pháp viện cuối cùng đã chấm dứt cuộc phiêu lưu sai lầm 40 năm qua của chúng ta với học thuyết Chevron về sự tôn trọng này.”
Thẩm phán Thomas đã nhấn mạnh “một vấn đề căn bản hơn,” đó là học thuyết Chevron “cũng vi phạm nguyên tắc phân lập quyền lực trong Hiến Pháp của chúng ta” bằng cách hạn chế quyền hạn của nhánh tư pháp trong khi đồng thời mở rộng “quyền hạn của các cơ quan hành pháp vượt quá giới hạn hiến định.”
Học thuyết này ngăn cản các thẩm phán “thực hiện đánh giá độc lập của mình để giải quyết sự mơ hồ.”
Học thuyết này cũng ngăn cản quyền hạn của thẩm phán, ngăn chặn nhánh tư pháp hoạt động như một cơ quan kiểm tra Hiến Pháp đối với nhánh hành pháp và bằng cách gán cho nhánh đó “các quyền hạn không được cấp cho,” Thẩm phán Thomas viết.
Quan điểm bất đồng
Thẩm phán Kagan đã đưa ra một quan điểm bất đồng với sự tham gia Thẩm phán Sotomayor và Jackson.
Trong suốt 40 năm qua, Chevron đã là “nền tảng của luật hành chính,” theo đó các tòa án sử dụng tất cả các phương thức diễn giải thông thường của họ “để xác định liệu Quốc hội có nói về một vấn đề hay không,” bà viết.
Bà viết rằng nếu một tòa án nhận thấy rằng Quốc hội đã nói về một vấn đề, đó là kết thúc của vấn đề đó và những quan điểm của cơ quan không được tính, nhưng nếu tòa án phát hiện có sự mơ hồ, thì phải có một sự lựa chọn được đưa ra.
“Ai nên cung cấp nội dung cho một đạo luật khi các chỉ thị của Quốc hội đã kết thúc? Có nên là tòa án không? Hay nên là cơ quan mà Quốc hội đã giao phó nhiệm vụ quản lý đạo luật đó?”
Bà viết rằng học thuyết này, đã trở thành “cấu trúc không thể thiếu của chính phủ hiện đại,” đã quy định một cách chính xác rằng thường thì là cơ quan chính phủ phải giải quyết sự mơ hồ đó.
Thẩm phán Kagan trích dẫn trực tiếp từ vụ án Chevron kiện Natural Resources Defense Council rằng, “Các thẩm phán không phải là chuyên gia trong lĩnh vực này, và không phải là một phần của bất kỳ nhánh chính trị nào của Chính phủ.”
Nhưng “các cơ quan đó đều là ‘chuyên gia trong lĩnh vực này,’” bà viết.
Bà nói thêm rằng Quốc hội đã trao cho các cơ quan hành pháp, chứ không phải thẩm phán, quyền giải quyết những điểm mơ hồ trong các đạo luật.
Các phản ứng
Ông Joe Bishop-Henchman, phó chủ tịch điều hành của Tổ chức Liên minh Người đóng thuế Quốc gia, ca ngợi phán quyết mới này, nói rằng phán quyết sẽ “tạo sân chơi bình đẳng cho người đóng thuế và các cơ quan chính phủ.”
“Những cách giải thích không hợp lý của IRS sẽ không còn tự động thắng trước tòa như lẽ ra phải thế, và những cách giải thích hợp lý sẽ vẫn có hiệu lực pháp luật,” ông nói trong một tuyên bố.
Ông Iain Murray, phó chủ tịch Viện Doanh nghiệp Cạnh tranh, cũng đã có ý kiến về vấn đề này.
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times