Người Trung Quốc ở Israel ngày càng trở nên thất vọng vì Bắc Kinh không có kế hoạch di tản
Kể từ khi chiến sự Israel-Hamas nổ ra cho đến nay, công dân Trung Quốc cư trú tại Israel vẫn không nhận được bất kỳ thông báo di tản nào từ Đại sứ quán Trung Quốc. Hành động này khiến nhiều người tin tưởng đặt sự an toàn của họ vào tay chính phủ Israel thay vì Bắc Kinh. Một công dân Trung Quốc làm việc tại Israel đã chia sẻ thông tin này với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây.
Anh Lưu Uy (Liu Wei), người chọn sử dụng bí danh vì lo ngại có thể gặp phải những hành động trả đũa về sau này, đã làm việc và sinh sống sáu năm tại Beersheba, thành phố lớn nhất ở sa mạc Negev ở miền nam Israel. Anh Lưu nói với ấn phẩm hôm 18/10 rằng nhiều người Trung Quốc ở Israel đang dần đánh mất niềm tin vào Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì đảng này không trợ giúp người dân của mình.
Không có kế hoạch di tản
“Tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ thông tin nào từ Đại sứ quán Trung Quốc. Theo như tôi biết, không có cư dân Trung Quốc nào ở đây nhận được thông báo di tản từ đại sứ quán. Họ cũng không nhận được thông tin nào liên quan đến thủ tục di tản,” anh giải thích, nói thêm rằng anh chỉ nghe phong thanh đâu đó là gần đây một công ty địa phương của Trung Quốc đã thuê một chiếc phi cơ để chở người dân về Trung Quốc.
Qua tin tức thời sự, anh biết được rằng Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã chỉ trích mạnh mẽ Hamas về sự qua đời của một y tá người Philippines và kêu gọi thủ tướng Israel có hành động chống lại Hamas. Ngoài ra, ông còn đến thăm gia đình nữ y tá này ở Philippines để chia buồn.
“Đó là một tổng thống rất quan tâm đến người dân của mình,” anh Lưu nói về ông Marcos.
Ngược lại, “Hãy nhìn vào phản ứng của Trung Quốc,” anh nói. “Bốn người Trung Quốc đã thiệt mạng, thế mà cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa lên án Hamas cũng chẳng lên án hành vi khủng bố hay sát hại thường dân. Nhiều người dân Trung Quốc nên phải thất vọng với chính quyền này, một chính quyền hoàn toàn không chịu trách nhiệm với chính người dân của mình. Cứ như thể khi đối diện với những thảm kịch như vậy, mạng sống của dân thường Trung Quốc chẳng có ý nghĩa gì, chẳng ai buồn đưa tin cũng như chẳng đưa ra lời phân ưu nào, cứ như là có chuyện gì xảy ra vậy.”
Hôm 16/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã xác nhận rằng trong cuộc xung đột Israel-Hamas, đã có bốn công dân Trung Quốc thiệt mạng cùng hai người vẫn mất tích và sáu người khác bị thương. Bộ này cũng cho biết các chuyến bay thương mại giữa Trung Quốc và Israel vẫn đang hoạt động.
Anh Lưu cho biết những người Trung Quốc vừa mới chân ướt chân ráo đến Israel rất lo lắng và đang tìm các cách khác nhau để quay trở lại Trung Quốc. Trên các nhóm mạng xã hội của người Trung Quốc sống tại địa phương, một số người phàn nàn rằng họ đã cố gắng gọi cho Đại sứ quán Trung Quốc nhưng chưa từng được hồi đáp.
Anh Lưu chia sẻ, “Những người Trung Quốc mới từ Trung Quốc đến đây vẫn nghĩ rằng họ có ‘tổ quốc hùng mạnh’ phía sau. Trong tâm tôi thầm nghĩ rằng họ chắc chắn rồi sẽ cảm nhận được nỗi thất vọng ê chề. Nhiều người đặt hy vọng vào Đại sứ quán Trung Quốc, nhưng trên thực tế, tôi tin rằng khả năng liên lạc thành công với họ qua điện thoại là khá mong manh.”
Khái niệm “tổ quốc hùng mạnh” bắt nguồn từ sự tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc cực đoan do ĐCSTQ thúc đẩy trong những năm gần đây, được phổ biến qua phim ảnh và truyền bá trong lớp học.
Không giống như những người mới đến, anh Lưu cho hay những người nhập cư Trung Quốc cư trú ở Israel được một thời gian rồi sẽ không thấy sợ hãi.
“Điều này là do vào năm 2021, 3,000 quả hỏa tiễn đã tấn công Israel và ngày hôm đó chúng tôi vẫn ổn. Những người đã ở đây hơn hai năm đều tin tưởng chính phủ Israel, và nhiều người chọn ở lại vì họ tin rằng Israel có thể giải quyết tốt vấn đề này,” anh phân trần.
Năm 2021, quân đội Israel báo cáo rằng hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt) có tỷ lệ thành công 90% khi hệ thống này chặn được 3,000 hỏa tiễn mà Hamas bắn từ Dải Gaza.
Người dân Trung Quốc chỉ trích ĐCSTQ
Kể từ khi nhóm khủng bố Hamas tấn công Israel vào ngày 07/10, hàng chục quốc gia, trong đó có Vương quốc Anh, Đức, Pháp, Úc, Hoa Kỳ, và Canada, đã sắp xếp các chuyến bay di tản để giúp công dân của họ rời khỏi Israel.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn chưa điều động bất kỳ chuyên cơ nào đến để trợ giúp di tản công dân Trung Quốc.
Bà Mao Ninh (Mao Ning), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 16/10: “Hiện tại, các chuyến bay thương mại giữa Trung Quốc và Israel vẫn đang hoạt động, và công dân Trung Quốc ở đó được khuyến cáo nên sử dụng các chuyến bay thương mại này để hồi hương càng sớm càng tốt.”
Mặc dù Đại sứ quán Trung Quốc tại Israel chưa có bất kỳ thông tin cập nhật nào liên quan đến việc di tản, nhưng họ đã đưa ra lời khuyên về an toàn cho công dân Trung Quốc vào ngày 13/10, đề nghị họ luôn cảnh giác và tăng cường các biện pháp đề phòng an toàn.
Tuy nhiên, nhiều người Trung Quốc cảm thấy Bắc Kinh chưa thực sự làm đủ để giúp họ.
Một số ảnh chụp màn hình lan truyền trên mạng cho thấy một nhóm WeChat nơi sinh viên Trung Quốc ở Israel liên tục tìm kiếm thông tin từ đại sứ quán về kế hoạch di tản. Tuy nhiên, nhân viên đại sứ quán cảnh báo họ không nên chia sẻ “những nội dung và tin đồn không liên quan” trong nhóm.
Một sinh viên viết: “Chỉ sau khi sang ngoại quốc, tôi mới nhận ra rằng ‘Chiến Lang’ là lời nói dối lớn nhất mọi thời đại.”
“Chiến Lang” là một bộ phim bom tấn của Trung Quốc truyền tải tinh thần yêu nước mạnh mẽ, ủng hộ lòng tự hào dân tộc bằng cách khẳng định rằng ĐCSTQ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giải cứu những công dân của mình, những người bị mắc kẹt trong các cuộc chiến tranh ở hải ngoại.
Trong một bài đăng, một cư dân mạng chỉ trích ban lãnh đạo ĐCSTQ: “Cuộc di tản mà chúng ta tưởng tượng là cảnh một anh hùng Trung Quốc lái chiến hạm đến và đưa chúng ta trở về nước. Nhưng trên thực tế, cuộc di tản này đòi hỏi mọi người phải tự mình mua vé phi cơ thương mại để hồi hương.”
ĐCSTQ ưu tiên nghị trình chính trị của mình
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times vào ngày 18/10, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, nói rằng bản chất độc tài của ĐCSTQ khiến đảng này xem thường mạng sống của người dân, và mọi quyết định của đảng đều dựa trên nhu cầu về chính trị.
Ông Lý giải thích rằng Đại sứ quán Trung Quốc không có thẩm quyền độc lập trong việc thực hiện hoạt động di tản người dân. Quá trình này liên quan đến việc báo cáo lên các cơ quan cao cấp hơn, chẳng hạn như Quốc Vụ viện, và đòi hỏi nỗ lực phối hợp tốt trên nhiều phương diện. Tuy nhiên, các quan chức ở các cấp khác nhau trong ĐCSTQ chần chừ không muốn đẩy nhanh quá trình này, và có xu hướng ngồi chờ chỉ thị từ cấp có thẩm quyền cao nhất, cho nên tiến trình thường xuyên bị trì hoãn.
Ông nói, “Vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ ĐCSTQ không xem trọng sinh tử của người dân Trung Quốc, như đã thấy từ trận động đất Tứ Xuyên năm 2008. Đơn giản là họ không quan tâm có bao nhiêu người đã tử nạn trong trận động đất. Ở các quốc gia khác, tin tức về thương vong và tử vong thường xuất hiện trên các tiêu đề. Nhưng ở Trung Quốc, ĐCSTQ phớt lờ và che đậy thông tin đó, vì vậy người dân hoàn toàn không thể xem được loại tin tức này.”
Ông cho rằng quyết định thực hiện các biện pháp giải cứu của ĐCSTQ phụ thuộc chủ yếu vào việc liệu hoạt động đó có ảnh hưởng đến hình ảnh của họ hay không. Nếu việc họ không hành động thu hút sự chú ý rộng rãi và những bình luận tiêu cực từ giới truyền thông quốc tế thì ĐCSTQ sẽ để tâm.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times