Trung Quốc thanh lọc nội bộ trước Hội nghị Trung ương lần thứ ba
Bắc Kinh đang thanh lọc nội bộ trước Hội nghị Trung ương lần thứ ba diễn ra từ ngày 15 đến 18/07, đồng thời tăng cường thanh trừng các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng một loạt các quyết định cách chức nhanh chóng. Trong tháng Sáu, ba quan chức của đảng này đã bị “khai trừ kép” (đồng thời bị khai trừ khỏi đảng và bị cách chức công vụ). Và tuần trước, hai cựu bộ trưởng quốc phòng cũng đã bị khai trừ khỏi đảng, như một phần của chiến dịch “chống tham nhũng” đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ trong những tháng gần đây. Các nhà phân tích giải thích rằng các hành động mới đây của chính quyền là một chiến lược của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình nhằm dập tắt những ý kiến bất đồng.
Cùng với các vụ khai trừ gần đây, Trung Quốc đã cảnh cáo các quan chức tránh xa những ranh giới kỷ luật được ví như là “đường dây cao áp” mà đảng vạch ra, được thể hiện rõ ở việc ĐCSTQ thực hiện mạnh tay chính sách không khoan nhượng của mình đối với các phe cánh và bè phái.
Hôm 27/06, ĐCSTQ đã khai trừ cựu bộ trưởng quốc phòng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) và người tiền nhiệm của ông là Ngụy Phượng Hòa (Wei Fenghua). Ông Lý đã không xuất hiện trước công chúng từ cuối mùa hè năm ngoái (2023), và bị cách chức vào tháng 10/2023. Người tiền nhiệm của ông, ông Ngụy, đã về hưu vào năm 2023 sau năm năm tại chức.
Hôm 17/06, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) và Ủy ban Giám sát Quốc gia đã công bố “khai trừ kép” ba quan chức cấp cao: ông Lý Bằng Tân (Li Pengxin), phó bí thư ủy ban ĐCSTQ Khu tự trị Tân Cương; ông Vương Nhất Tân (Wang Yixin), phó tỉnh trưởng thường trực tỉnh Hắc Long Giang; và ông Trần Vũ Tường (Chen Yuxiang), phó bí thư ủy ban kiểm tra kỷ luật tỉnh Hà Bắc, đồng thời là phó giám đốc ủy ban giám sát tỉnh.
Ông Lý Bằng Tân bị cáo buộc có hành vi lợi dụng chức quyền bằng cách “gây dựng quyền lực cá nhân, không trung thành và không trung thực với Đảng,” cũng như tham gia vào các hoạt động tham nhũng, bao gồm cả hoạt động mua quan bán chức. Ông Vương Nhất Tân bị buộc tội liên quan đến gian lận chính trị, cản trở các cuộc điều tra của đảng, và tham gia vào các giao dịch quyền-sắc và tình-sắc (dùng tiền đổi sắc, dùng quyền đổi sắc). Trong khi đó, ông Trần Vũ Tường bị cáo buộc ăn uống xa hoa và hưởng thụ lạc thú, sử dụng quyền lực để trục lợi cá nhân, và can thiệp vào các vấn đề pháp lý.
Trong một diễn biến khác vào ngày 16/06, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật và Ủy ban Giám sát Quốc gia đã công bố chính thức mở cuộc điều tra đối với ông Ngô Anh Kiệt, cựu bí thư đảng ủy khu tự trị Tây Tạng, người mới về hưu gần đây và từng giữ các chức vụ quan trọng trong Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.
Sự thất thế của ông Ngô Anh Kiệt đã làm nổi bật một khuynh hướng rộng lớn hơn, khi ông trở thành cựu bí thư đảng ủy tỉnh thứ mười hai bị điều tra kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 18 năm 2012. Đáng chú ý, sáu quan chức cấp cao từ Tây Tạng được cho là có dính líu đến hành vi sai trái trong giai đoạn này, trong đó ông Ngô Anh Kiệt là quan chức cấp tỉnh duy nhất.
Đừng chạm vào ‘đường dây cao áp’
Hôm 17/06, Ủy ban Kỷ luật và Ủy ban Giám sát Quốc gia đã công bố những sửa đổi lớn đối với các quy định kỷ luật của ĐCSTQ. Những sửa đổi này nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết phải “bảo vệ vững chắc quyền lực của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bảo đảm việc thực hiện các chính sách của Đảng được thông suốt,” đồng thời cảnh báo các quan chức tuyệt đối không “được mơ hồ hay dao động.” Các quy định mới được cập nhật này đã nghiêm cấm rõ ràng “việc chia bè kết phái,” nhấn mạnh cần phải nghiêm túc trong việc phòng ngừa vấn đề này.
Đồng thời, CCTV – hãng truyền thông nhà nước và cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – đã đăng một bài viết tóm tắt những lời khuyên nhủ bấy lâu nay của ông Tập Cận Bình đối với các quan chức đảng, đặc biệt là lời cảnh báo nghiêm khắc của ông về việc chạm vào ranh giới kỷ luật của đảng, vốn được ví với “đường dây cao áp.”
Các nhà phân tích lưu ý rằng vào những thời điểm quan trọng trong lịch trình chính trị của ĐCSTQ, việc sử dụng các bài viết công khai của phương tiện truyền thông để cảnh báo các đảng viên đã trở thành một thông lệ. Những cảnh báo này có ý nghĩa đặc biệt trước Hội nghị Trung ương 3 đã bị trì hoãn trong một khoảng thời gian dài, vốn được dự đoán là để giải quyết mối bất hòa lớn trong nội bộ ĐCSTQ.
Hôm 19/06, ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), cựu giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, nói với The Epoch Times rằng trước một hội nghị quan trọng, ĐCSTQ thường có các hành động giống như những gì được chứng kiến trong các tuần gần đây. Ông cho hay, các phe phái vốn là một phần không thể thiếu trong cơ cấu quan liêu của ĐCSTQ, “nơi mà các quan chức nếu không kéo bè kết phái thì không thể thăng quan tiến chức.” Tranh đấu nội bộ và cáo buộc lẫn nhau là chuyện bình thường, dẫn đến việc phe này công kích phe kia.
Nhà phân tích chính trị Lam Thuật (Lan Shu) ở Hoa Kỳ cũng chia sẻ quan điểm tương tự, trích dẫn việc ông Tập Cận Bình sử dụng kỷ luật đảng “để thanh trừng những người bất đồng chính kiến trong đảng.” Ông Lam so sánh phương pháp của ông Tập với phương pháp của các nhân vật lịch sử như Stalin. Nhấn mạnh bản chất chuyên quyền trong đường lối lãnh đạo của ông Tập, ông Lam nói rằng mặc dù những người bất đồng chính kiến đang bị thanh trừng, nhưng hiện tại không có phe phái nào trong đảng đặt ra thách thức đáng kể đối với lãnh đạo ĐCSTQ.
Bà Thịnh Tuyết (Sheng Xue), một nhà văn gốc Hoa sống ở Canada, cũng chia sẻ kiến giải của mình với The Epoch Times, nhận xét rằng các nhà lãnh đạo ĐCSTQ trong lịch sử đều sử dụng kỷ luật hoặc các biện pháp thanh trừng nội bộ vào những thời điểm then chốt. Bà nói: “ĐCSTQ từ xưa đến nay luôn ở trong một quá trình không ngừng chia rẽ và tan rã nội bộ, tranh giành quyền lực tàn khốc, không bao giờ thay đổi bản chất xã hội đen của mình.”
Chính sách địa ốc phải đối mặt với sự hoài nghi của thị trường trước Hội nghị Trung ương 3
Hội nghị đảng diễn ra trong tháng Bảy được dự trù là sẽ tập trung vào cải cách kinh tế, trong bối cảnh Trung Quốc phải đối mặt với một nền kinh tế suy thoái và lĩnh vực địa ốc trì trệ. Trước Hội nghị Trung ương 3, cùng với các biện pháp “chống tham nhũng” nhằm loại bỏ sự bất đồng chính kiến có thể xảy ra trong nội bộ đảng, ĐCSTQ đã thực hiện thêm một vài hành động để giải quyết cuộc khủng hoảng về địa ốc của mình.
Hồi tháng Năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã đưa ra “ba biện pháp lớn” để giải quyết các vấn đề trên thị trường địa ốc, đặc biệt là tình trạng dư thừa nhà ở chưa hoàn thiện ở Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường vẫn hoài nghi về tính hiệu quả của các biện pháp này.
Biện pháp đầu tiên liên quan đến việc giảm tỷ lệ trả trước tối thiểu cho ngôi nhà đầu tiên xuống 15%, và đối với ngôi nhà thứ hai xuống 25%. Mặc dù sự điều chỉnh này có thể tạo thuận tiện cho người mua gia nhập thị trường, nhưng nó cũng làm tăng các khoản chi trả hàng tháng và gánh nặng thế chấp tổng thể.
Biện pháp thứ hai tập trung vào việc giảm lãi suất thế chấp, bao gồm điều chỉnh lãi suất cho các khoản vay từ quỹ dự phòng nhà ở và hủy bỏ mức lãi suất tối thiểu cho các khoản thế chấp thương mại. Mức lãi suất sẽ không còn nhiều không gian để tiếp tục giảm thêm ở các thành phố nơi những điều chỉnh tương tự đã được thực hiện.
Biện pháp thứ ba liên quan đến kế hoạch mua nhà ở tồn kho (chưa bán được) của ĐCSTQ. Ngân hàng PBOC đã công bố kế hoạch thiết lập chương trình cho vay đặc biệt trị giá 300 tỷ nhân dân tệ (41.5 tỷ USD) dành cho nhà ở giá rẻ, với lãi suất 1.75%, kỳ hạn một năm và có thể gia hạn bốn lần.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc phân bổ nguồn vốn của ĐCSTQ còn quá xa mới đáp ứng được mục tiêu ổn định thị trường nhà ở. Ông Arthur Budaghyan, chiến lược gia trưởng về thị trường mới nổi tại BCA Research của Canada, cho rằng con số này là chưa đủ, đồng thời ước tính rằng cần ít nhất 5 nghìn tỷ nhân dân tệ (691 tỷ USD) thì mới có thể tạo ra tác động.
Ông Mike Sun, chiến lược gia kỳ cựu về đầu tư Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, chia sẻ với The Epoch Times rằng ông cảm thấy rằng “ba biện pháp lớn” của Bắc Kinh không có tác động đáng kể trong việc thúc đẩy thị trường nhà ở. Ông nói, chính phủ đang mắc nợ nặng nề và thiếu tiền để giải quyết nhà ở tồn kho. Vấn đề mấu chốt là người tiêu dùng đang thiếu niềm tin vào tương lai của nền kinh tế Trung Quốc và không muốn mua nhà.
Ông Lý, cựu giảng viên tại Đại học Sư phạm Thủ đô, cho biết các thông báo chính sách của ĐCSTQ trước Hội nghị toàn thể lần thứ ba nhằm mục đích tạo ra sự ổn định trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn cũng như trấn an công chúng rằng thị trường địa ốc không phải đang trên bờ vực sụp đổ.
Tuy nhiên, ông cho biết, các thông báo chính sách được đưa ra cho thấy tình hình thị trường đang rất tồi tệ. Nhiều chính quyền địa phương đang phải chịu gánh nặng nợ nần và thiếu nguồn lực để mua lại tài sản như đề xướng của ngân hàng PBOC.
Ông Lam Thuật cho rằng mục tiêu của ĐCSTQ không phải là kích thích kinh tế mà là củng cố quyền kiểm soát chính trị. Ông nhận định rằng các sáng kiến như mua địa ốc thương mại với giá chiết khấu để làm nhà ở phúc lợi sẽ gia cường lòng trung thành của người dân với ĐCSTQ bằng cách cung cấp lợi ích cho những ai ủng hộ đảng.
Ông Lam cho rằng “cách tiếp cận hiện tại của ĐCSTQ không phải là cứu nền kinh tế mà là tiến hành cuộc chiến chống lại vốn sở hữu tư nhân.” ĐCSTQ tin rằng vốn sở hữu tư nhân ở Trung Quốc đã phát triển đến mức đe dọa hệ thống chính trị của đảng. ĐCSTQ phải lựa chọn giữa việc hy sinh nền kinh tế thị trường tư nhân của Trung Quốc hoặc cho phép nền kinh tế này phát triển và cuối cùng là đe dọa sự cai trị độc tài của ĐCSTQ.