Chuyên gia: Ngành xe hơi Trung Quốc tăng tốc mở rộng chuỗi cung ứng ra hải ngoại để né tránh các lệnh trừng phạt
Chính quyền Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp trong nước thuộc chuỗi cung ứng xe hơi đẩy nhanh quá trình thiết lập các nhà máy ở hải ngoại. Một số chuyên gia tài chính nhận định rằng đây là nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xe điện.
Trung tâm Công nghệ và Nghiên cứu Xe hơi Trung Quốc (CATARC) đã công bố một báo cáo hôm 24/06, nêu danh sách các công ty có liên quan tới chuỗi cung ứng xe hơi đã sẵn sàng đặt nhà máy ở ngoại quốc vào năm 2024. Báo cáo này nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh chiến lược này để các nhà cung cấp phụ tùng xe hơi Trung Quốc có thể giảm bớt chi phí vận chuyển và thuế quan cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.
CATARC là viện nghiên cứu khoa học trực thuộc Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước (SASAC) của Quốc vụ viện Trung Quốc.
Theo báo cáo, trọng tâm của họ là tập trung vào “sản phẩm, năng lực sản xuất, và chuỗi công nghiệp,” và các công ty Trung Quốc sẽ thành lập các nhà máy ở châu Âu, Bắc Mỹ, và Đông Nam Á.
Ngay từ hôm 01/06, Hiệp hội các Nhà sản xuất Xe hơi Trung Quốc (CAAM) đã xuất bản một bài báo ca ngợi rằng các công ty Trung Quốc trong chuỗi cung ứng xe hơi đang ở thời điểm thay đổi lịch sử không chỉ để “vươn ra ngoại quốc” mà còn “gia nhập thị trường toàn cầu.”
CAAM lưu ý rằng châu Âu và Trung Đông là những điểm đến xuất cảng quan trọng đối với xe hơi Trung Quốc trong những năm gần đây, đồng thời Đông Nam Á và Mexico cũng đã trở thành những thị trường ưa chuộng.
Theo CAAM, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã hình thành được một chuỗi cung ứng công nghiệp xe điện (EV) toàn diện, trải ra nhiều lĩnh vực, bao gồm phụ tùng xe hơi nói chung, pin điện, và cabin thông minh.
Truyền thông Trung Quốc khoe rằng các công ty phụ tùng xe hơi chuyên sản xuất pin, khung gầm, và hệ thống quản lý nhiệt, cũng như các công ty liên quan đến công nghệ thông minh và năng lượng xanh, đã tăng tốc thâm nhập vào thị trường toàn cầu.
Động cơ cho kế hoạch mở rộng chuỗi cung ứng xe hơi của ĐCSTQ
Chuyên gia tài chính Trung Quốc Lục Viễn Hành (Lu Yuanxing), vốn từng là giám đốc tiếp thị tại một số công ty Trung Quốc, đã nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng kế hoạch mở rộng chuỗi cung ứng xe hơi của Bắc Kinh nhằm mục đích chống lại các lệnh trừng phạt từ châu Âu và Hoa Kỳ.
Bị ảnh hưởng bởi thuế quan trừng phạt do Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu áp đặt, xuất cảng xe điện của Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm lần đầu tiên. Theo dữ liệu do CAAM công bố hôm 14/06, xuất cảng xe điện và xe hybrid hàng tháng đã giảm 9% so với cùng thời kỳ năm ngoái xuống chỉ còn 99,000 xe được xuất cảng vào tháng Năm.
Hôm 04/07, Ủy ban Âu Châu đã công bố rằng các quốc gia thành viên sẽ áp dụng mức thuế lên tới 37.6% đối với xe điện Trung Quốc, bắt đầu từ ngày 05/07.
Hồi tháng Năm, chính phủ tổng thống (TT) Biden đã công bố sẽ tăng thuế quan đối với xe điện Trung Quốc từ mức 25% lên mức 100% và đối với pin xe điện lithium-ion của Trung Quốc là từ 7.5% lên 25%.
Theo ông Lục, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với xe điện do Trung Quốc sản xuất sẽ ảnh hưởng đến các nhà cung cấp phụ tùng xe hơi. Ông cho biết: “Nếu cả chiếc xe không thể bán được, thì các công ty ở đầu nguồn cung cấp tất cả các phụ tùng, như pin và hệ thống điều khiển điện tử, cũng sẽ bị ảnh hưởng.”
Nhưng nếu ĐCSTQ mở rộng chuỗi cung ứng xe hơi sang thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ, thì chiến thuật này sẽ cho phép các công ty Trung Quốc tránh được lệnh trừng phạt, ông Lục cho biết, đồng thời nói thêm, “Một khi các công ty Trung Quốc thành lập nhà máy tại các quốc gia này, họ được xem là doanh nghiệp ngoại quốc, và trở thành một phần trong lợi ích của cộng đồng địa phương, chẳng hạn như cung cấp việc làm và doanh thu về thuế.”
Mong muốn mở rộng chuỗi cung ứng xe hơi Trung Quốc ra hải ngoại của Bắc Kinh cũng được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng đối với xe hơi được dự kiến sẽ giảm trong ba đến năm năm tới, nhà kinh tế Hoàng Đại Vệ (David Huang) sống tại Hoa Kỳ nói với The Epoch Times, và lưu ý rằng thị trường trong nước ở Trung Quốc không có đủ sức mua để trợ giúp tăng trưởng đáng kể cho việc sản xuất.
Ông Hoàng nhận định, do đó, đối với các công ty xe hơi Trung Quốc, việc mở rộng ra hải ngoại là một chiến lược để bảo đảm sự tồn tại và tránh mất năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Ông giải thích rằng ĐCSTQ nhắm vào thị trường châu Âu và Bắc Mỹ vì các công ty xe hơi Trung Quốc thường kiếm được nhiều lợi nhuận ở đó. Ngược lại, xe hơi Trung Quốc không phổ biến đến vậy ở Mỹ Latinh, châu Phi, và Trung Á.
Tuy nhiên, ông Hoàng nêu ra rằng kế hoạch kinh doanh của ĐCSTQ sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế Trung Quốc. Ông cho biết, đơn cử, ĐCSTQ sẽ sử dụng tiền ngân khố quốc gia để trợ cấp cho các công ty phụ tùng xe hơi xây dựng nhà máy ở hải ngoại trong khi bỏ bê việc trợ giúp kinh tế cho người dân Trung Quốc, vốn đang phải chật vật để tồn tại trong một nền kinh tế yếu kém. Hơn nữa, việc chuyển chuỗi cung ứng ra hải ngoại sẽ khiến tình trạng thất nghiệp trong ngành sản xuất xe hơi nội địa của Trung Quốc càng thêm nghiêm trọng, vì các công ty Trung Quốc dựa vào trợ cấp để cải thiện năng lực cạnh tranh của họ.
Theo dữ liệu tháng Một từ CAAM, xuất cảng xe hơi của Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục là 4.91 triệu xe vào năm 2023, sau khi xuất cảng 3.11 triệu xe vào năm 2022 và 2.02 triệu xe vào năm 2021. Theo Hiệp hội Xe khách Trung Quốc (CPCA), Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nước xuất cảng xe hơi hàng đầu thế giới vào năm ngoái (2023).
Tuy nhiên, sự gia tăng đáng kể trong xuất cảng xe điện của Trung Quốc đã làm dấy lên mối lo ngại về việc bán phá giá các sản phẩm chất lượng thấp và việc Bắc Kinh độc quyền thị trường.