PHÂN TÍCH: Một khi nền kinh tế sụp đổ, ĐCSTQ cũng suy tàn – Kiểm soát xã hội chỉ là vô ích
Cục Quản lý Không gian mạng của Trung Quốc đã ban hành 13 quy định để siết chặt quản lý, yêu cầu các nền tảng Internet thực hiện kiểm soát chặt chẽ nội dung và hoạt động của các trương mục mạng xã hội hoạt động độc lập. Hành động này một lần nữa vạch ra lằn ranh đỏ cho giới “tự truyền thông” (self-media.)
Các chuyên gia về Trung Quốc cho biết nhà cầm quyền đưa ra các biện pháp kiểm soát xã hội tăng cường với mục đích nhanh chóng loại bỏ các yếu tố bất ổn. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng dẫu cho sự kiểm soát xã hội có hiện diện ở khắp mọi nơi đi chăng nữa, thì sự sụp đổ của nền kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến ngày tàn của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bộ quy định mới
Hôm 10/07, Cục Quản lý Không gian Mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành 13 quy định nhắm vào những người sáng tạo nội dung độc lập không có sự chấp thuận từ phía chính quyền. Các trương mục tự truyền thông này được yêu cầu xác định nguồn thông tin của họ khi đăng một số chủ đề nhất định liên quan đến các vấn đề thời sự, chính sách công cộng, hoặc xã hội. Các nền tảng phải nhanh chóng đánh dấu những tin đồn nếu có bất kỳ nội dung nào được xem là không thích hợp để đăng.
Tại một cuộc họp báo hôm 06/07, Bộ Công an của ĐCSTQ cho biết trong những năm gần đây, các cơ quan công an đã thực hiện các biện pháp toàn diện để bảo vệ an ninh mạng và xây dựng một hệ thống toàn diện tích hợp “đàn áp, phòng ngừa, và kiểm soát.” Do đó, nguy cơ xảy ra “các việc rắc rối liên quan đến an ninh mạng” có thể bị “dập tắt từ trong trứng nước.”
Theo quy định mới, mỗi người dùng chỉ được ghi danh một trương mục, và một công ty được ghi danh tối đa hai trương mục; việc ẩn danh sẽ bị cấm.
Đối với các kênh tự truyền thông bị nền tảng bịt miệng vì vi phạm các quy tắc, thì quyền kiếm lợi nhuận của họ cũng đồng thời bị chặn đứng. Đối với kênh tự truyền thông được nền tảng xác định là tham gia vào hoạt động tiếp thị “độc hại”, quyền kiếm lợi nhuận của họ sẽ bị hủy bỏ. Kênh tự truyền thông nào gây ra ảnh hưởng “tiêu cực trầm trọng” sẽ bị chặn, đồng thời sẽ bị đưa vào cơ sở dữ liệu danh sách đen của nền tảng đó, và những trường hợp này sẽ được báo cáo lên Cục Quản lý Không gian Mạng.
Trước đó hồi đầu tháng Ba, ĐCSTQ đã siết chặt kiểm soát đối với tự truyền thông bằng cách phát động một chiến dịch trấn áp đặc biệt có tên “Chỉnh đốn nghiêm tình trạng hỗn loạn trong giới tự truyền thông.” Cuối tháng Năm, Cục Quản lý Không gian Mạng thông báo rằng phòng ban các cấp đã phối hợp với lực lượng công an, giám sát thị trường, và các ban ngành khác để kỷ luật các kênh tự truyền thông.
Trong vòng chưa đầy ba tháng, cơ quan quản lý đã triệu tập 2,089 cá nhân, bàn giao 2,268 trường hợp cho cơ quan công an để tiếp tục điều tra và công khai một số “án lệ điển hình.”
Theo thông báo chính thức của CAC, các nền tảng chủ đạo như Weibo, Tencent, Douyin, và Kuaishou đã thanh lọc hơn 1.4109 triệu bài viết liên quan đến cái gọi là thông tin bất hợp pháp, thực hiện các biện pháp kỷ luật đối với hơn 927,600 trương mục, và đình chỉ vĩnh viễn hơn 66,600 trương mục.
Các học giả có uy thế bị bịt miệng
Hôm 26/06, cây bút nổi tiếng Trung Quốc Ngô Hiểu Ba (Wu Xiaobo) chuyên về lĩnh vực tài chính, với 4.7 triệu người theo dõi trên trương mục Weibo của mình, đã bị cấm khỏi nền tảng này. Weibo cho rằng ông Ngô đã phóng đại tỷ lệ thất nghiệp, phổ biến thông tin có hại chẳng hạn như bôi nhọ thị trường chứng khoán, và đăng tải nội dung công kích các chính sách hiện hành.
Hôm 21/06, tại lễ tốt nghiệp của Đại học Nông nghiệp Trung Quốc, viện trưởng Viện Phát triển và Nhân văn Diệp Kính Trung (Ye Jingzhong) đã có bài diễn văn, trong đó ông đã chỉ trích giới chức Trung Quốc vì lạm dụng quyền lực và nhắc nhở sinh viên phải duy trì sự tỉnh táo khi họ ở trong vòng vây của quyền lực.
“Một số điều đang xảy ra trong thời đại này biến hóa nhanh đến mức mỗi ngày thầy thức dậy giống như thể thầy chưa từng nhìn thấy thế giới bao giờ vậy. … Các học giả nổi tiếng đang kích động chủ nghĩa dân tộc thiển cận, các hãng truyền thông lớn đang dồn sức lực vào chuyện phiếm trong làng giải trí, còn khu vực công thì đang ngụy tạo một cách có hệ thống các dữ liệu thống kê sai lệch,” ông nói. “Sau khi các em rời khỏi khuôn viên trường và bước vào xã hội, các em sẽ lập tức cảm thấy được quyền lực không nơi nào là không hiện hữu, và không có gì là không tác động đến được. Các em phải giữ lý trí thanh tỉnh khi các em sở hữu trong tay rất nhiều quyền lực!”
Ông Diệp giải thích thêm rằng quyền lực có thể khiến người ta bị ám ảnh, khiến họ trở nên tự cao tự đại, và đánh mất sự chân thành của mình.
Ngay sau khi bài diễn văn của ông được biên soạn thành một bài báo và đăng trên mạng, các nhà kiểm duyệt Trung Quốc đã xóa bài viết này khỏi tất cả các trang web nào đăng lại nội dung này.
Sụp đổ kinh tế kéo theo sự giải thể của ĐCSTQ
Ông Văn Triệu (Wen Zhao), một học giả và là nhà bình luận người Trung Quốc cư trú tại Canada, cho biết trong chương trình YouTube của mình rằng ở Trung Quốc, bất kỳ trương mục mạng xã hội nào, miễn là có ảnh hưởng và không trải qua khâu kiểm duyệt trước khi đăng tải, đều được xem là mối đe dọa đối với nhà cầm quyền; vậy nên, họ là đang sở hữu một gọng kìm sắt trong việc kiểm soát dư luận.
Ông Văn có hơn 1 triệu người theo dõi trên YouTube. Ông khuyến khích các nhà phân tích đồng hương Trung Quốc sống trong Hoa lục chuyển sang các nền tảng truyền thông xã hội ở hải ngoại.
Ông nói, “Môi trường hoạt động của những người tự truyền thông, đặc biệt là những người giỏi về tin tức xã hội, phân tích tin tức và quan điểm, sẽ sớm suy thoái nghiêm trọng ở Trung Quốc, và một số lượng lớn blogger như vậy sẽ bị trừng phạt và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thoái trào.”
Lão Man (Lao Man), một blogger tài chính nổi tiếng ở Trung Quốc, đã bình luận trong một bài đăng trên Twitter rằng cuộc binh biến của Wagner ở Nga đã làm trầm trọng thêm cảm giác bất an của ĐCSTQ. Ông cho biết biểu hiện của sự sợ hãi này là sau sự kiện đó chính quyền Trung Quốc đã đẩy nhanh việc thực hiện toàn diện “mô hình đại khống chế,” tức là trấn áp trên mọi mặt trận từ hệ tư tưởng, đến văn hóa, hay cả công nghệ và du lịch cũng đều sẽ nằm dưới sự kiểm soát gắt gao theo mô hình này.
“Tôi đã nói về Mô hình Đại Khống chế này từ lâu,” ông viết. “Trước đây, người dân được yêu cầu tập trung vào phát triển kinh tế. Nhưng mô hình phát triển kinh tế [của Trung Quốc] không bền vững. Mô hình này không còn có thể cung cấp cho bách tính những cơ hội mới để làm giàu. Trong những trường hợp như vậy, giải pháp thay thế duy nhất là thực hiện một đợt chấn chỉnh toàn diện, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát xã hội nghiêm ngặt để dập tắt mọi dấu hiệu bất ổn từ trong trứng nước.”
Hôm 10/07, Cục Thống kê Trung Quốc đã công bố dữ liệu kinh tế tháng Sáu, cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) không thay đổi so với cùng thời kỳ năm ngoái (2022), đây là mức tăng trưởng bằng 0 đầu tiên trong hai năm rưỡi. Chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm 5.4% so với cùng thời kỳ năm trước, là mức giảm lớn nhất vào tháng Sáu trong bảy năm rưỡi. Hơn nữa, chỉ số PPI còn không ngừng lao dốc trong chín tháng liên tiếp.
Ông Richard C. Koo, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Nomura, cho biết tại Hội nghị Thường niên về Chiến lược của Công ty Chứng khoán Soochow (Hồng Kông) rằng một khi bong bóng địa ốc vỡ, thì Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng ‘suy thoái bảng cân đối kế toán’ (một dạng suy thoái kinh tế xuất hiện khi các mức nợ cao ở khu vực tư nhân khiến người dân và giới doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu và đầu tư, dẫn đến tăng trưởng kinh tế suy giảm). Ông cho rằng những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt có thể lớn hơn những thách thức mà Nhật Bản phải đối mặt 30 năm về trước.
Ông Nhan Thuần Câu (Ngan Shun-kau), một nhà văn nổi tiếng và cũng là chủ bút ở Hồng Kông, cho biết trong một bài đăng trên Facebook của mình rằng yếu tố quyết định sự tồn vong của ĐCSTQ không phải là quân đội hay việc kiểm soát xã hội, mà chính là nền kinh tế của Trung Quốc.