Chuyên gia: Ca khúc nổi tiếng bất thường ‘La Sát Hải Thị’ phản ánh sự bất mãn sâu sắc của người dân Trung Quốc
Sau nhiều năm vắng bóng khiến tên tuổi ngày càng nhạt phai trong tâm trí công chúng, thì “La Sát Hải Thị” — bài hát mới của ca nhạc sĩ Trung Quốc Đao Lang — đã bất ngờ trở thành một cơn sốt toàn cầu. Các nhà quan sát Trung Quốc cho biết sự nổi tiếng ngày càng nhanh của ca khúc này là do phần lời có nội dung phê phán một xã hội trắng đen đảo lộn, một ý nghĩ tương đồng với nhiều người dân Trung Quốc. Những nhà bình luận này tin rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không cấm bài hát này — ít nhất là cho đến giờ — là một mưu đồ nhằm đánh lạc hướng sự tập trung của người dân khỏi các vụ bê bối hiện tại của chính quyền.
Chỉ trong mười ngày cuối tháng Bảy, ca khúc này đã được phát hơn tám tỷ lần trên các nền tảng phát trực tuyến trên toàn cầu, lập kỷ lục thế giới mới — và con số này vẫn đang tăng nhanh.
Việc giải thích về hàm nghĩa sâu sắc hơn của lời bài hát cũng như thảo luận về sự nghiệp thăng trầm của Đao Lang trong nền âm nhạc Trung Quốc đã trở thành chủ đề nổi bật trên mạng xã hội Trung Quốc.
Ca khúc nhạc Pop mang âm hưởng dân gian xen kẽ các câu chuyện truyền thống Trung Hoa
Bài hát La Sát Hải Thị là một trong 11 bài hát trong album mới của Đao Lang mang tên “Sơn ca Liêu Trai” phát hành hôm 19/07. Toàn bộ bài hát trong album đều do chính anh sáng tác, cả phần lời lẫn phần nhạc. Tên bài hát và lời bài hát trong album được lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển mang tên “Liêu Trai Chí Dị” (thường được gọi là “Liêu Trai”) của tiểu thuyết gia Trung Quốc thời nhà Thanh Bồ Tùng Linh (Pu Songling). Ông Bồ Tùng Linh là một trong những nhà văn nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Câu chuyện về La Sát Hải Thị trong bộ sưu tập Liêu Trai của nhà văn Bồ Tùng Linh kể về câu chuyện của Mã Ký (Ma Ji), người con trai khôi ngô tuấn tú và tài năng của một thương gia, người đi làm ăn buôn bán tại một tiểu vương quốc xa xôi ở hải ngoại tên là La Sát, nơi đẹp-xấu đảo lộn. Người nào càng hung tợn quái dị thì càng được xem là đẹp đẽ, là giàu sang phú quý ở nước La Sát; còn người xinh đẹp tài giỏi thì lại bị xem là thấp kém, bị chèn ép, và đẩy xuống đáy xã hội.
Anh Mã bị cư dân ở nước La Sát xem là quái vật, vì vậy anh đã khoác lên mình một chiếc mặt nạ xấu xí để hòa nhập và đạt được thành công. Nhưng chẳng mấy chốc, anh cảm thấy mệt mỏi khi không được là chính mình. Anh quyết tâm lên đường đến Hải Thị, vương quốc của Long Vương dưới đáy đại dương, nơi vẻ đẹp và tài năng thực sự được công nhận và trân trọng. Anh tìm thấy thành công và hạnh phúc với con người thật của mình, sau đó anh kết hôn với con gái của Long Vương, người đã hạ sinh cho anh hai người con. Tuy nhiên, ngày vui ngắn chẳng tày gang, quãng thời gian hạnh phúc của anh chỉ tồn tại được mấy năm thì anh phải trở về quê nhà, không bao giờ quay lại Hải Thị nữa. Trong tiếng Trung, từ “hải thị” còn có nghĩa bóng là “ảo ảnh” hay cảnh chỉ có trong tưởng tượng.
Đao Lang (tên này có nghĩa là người đàn ông cầm đao) đã giữ nguyên cốt truyện chính và các nhân vật trong câu chuyện gốc, đồng thời cho thêm các sinh vật mới vào đó, sử dụng phép ám chỉ và loại suy bằng ngôn ngữ nửa cổ điển và nửa địa phương để châm biếm và chỉ trích các vấn đề hiện tại trong xã hội Trung Quốc, và đặt câu hỏi về hoàn cảnh sống hiện nay của con người. Bài hát này ngày càng nhận được sự đồng cảm của nhiều người hâm mộ trên toàn cầu, và đã thu hút rất nhiều sự chú ý của công luận.
Bà Alice Weidel, lãnh đạo đảng chính trị AfD (Sự Lựa Chọn Khác Cho Nước Đức), đã học tiếng Hoa trong 6 năm khi còn là nghiên cứu sinh. Bà Weidel thậm chí còn bật bài hát này tại Nghị viện Đức, và nhận xét rằng bài “La Sát Hải Thị” là một bài hát châm biếm rất thông minh và dí dỏm — và cũng có thể được áp dụng cho xã hội Đức.
Trong phần giới thiệu của album có viết rằng: “Chủ đề và ý tưởng của album này kết hợp phần nội dung của Liêu Trai và giai điệu dân gian trong ‘Đàn Từ Thoại Bản’ [album trước đó của Đao Lang, phát hành vào năm 2020]. Loạt bài hát trong tuyển tập này cố gắng xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc nơi âm nhạc đại chúng và văn hóa dân gian truyền thống có thể hòa trộn với nhau và phát triển cùng nhau.”
Giai điệu của các bài hát trong album dựa trên các giai điệu dân gian của miền tây và miền trung Trung Quốc, pha trộn với các yếu tố pop, rock, và jazz nên khá bắt tai và độc đáo.
Phê bình từ phía xã hội
Bài hát không chỉ có thành tích đáng kinh ngạc trên các nền tảng phát nhạc trực tuyến mà còn trở thành chủ đề nổi bật trên mạng xã hội, trong đó có rất nhiều bài đăng thảo luận, diễn giải, và bình luận về ý nghĩa của bài hát cũng như những nét tương đồng với thực trạng của xã hội trong lời bài hát.
Một số ám chỉ được nói đến nhiều nhất là các sinh vật thống trị ở vương quốc La Sát, vốn đều là động vật — được cho là ám chỉ đến “tứ nhân bang” hay bốn ca sĩ nhạc pop có ảnh hưởng nhất trong ngành công nghiệp âm nhạc Hoa lục. Tứ nhân bang được sự ủng hộ từ nhiều cơ quan và tổ chức tuyên truyền của nhà nước, và họ đang lũng đoạn nền âm nhạc. Bài hát cũng châm biếm ngành công nghiệp giải trí và âm nhạc xấu xa hủ bại mà nhà cầm quyền cộng sản ở Trung Quốc đang thao túng.
Các ca khúc cũng xuất phát từ kinh nghiệm của chính Đao Lang với tư cách là một nhạc sĩ độc lập từ người thường bước lên. Năm 2004, Đao Lang phát hành album đầu tiên “The First Snow in 2002” (Trận tuyết đầu tiên trong năm 2002) kết hợp âm nhạc dân tộc Duy Ngô Nhĩ và các giai điệu Trung Á với nhạc pop. Album này đã đưa tên tuổi của anh lên một tầm cao mới ở trong nước, với số lượng bán ra là 2.7 triệu bản sao chính thống và hàng chục triệu bản sao lậu, vượt qua các ca sĩ đại chúng được nhà nước ủng hộ.
Tuy nhiên, “những nhân vật có thẩm quyền” trong ngành công nghiệp âm nhạc Trung Quốc, chẳng hạn như “tứ nhân bang” mà Đao Lang đã ám chỉ trong bài hát của mình, lại không ngừng chế giễu tài năng và cản trở con đường thành công của anh. Thậm chí anh còn bị xướng tên và chỉ trích công khai tại hội nghị chuyên đề năm 2007 về “Chống lại Xu hướng Thô tục của các Bài hát Trực tuyến” do ngành công nghiệp âm nhạc được nhà nước hậu thuẫn của Trung Quốc tổ chức. Anh gần như đã biến mất khỏi nền âm nhạc đại chúng ở Trung Quốc trong gần 20 năm.
Hôm 01/08, người viết chuyên mục bình luận cho The Epoch Times Kim Ngôn đã viết: “Đao Lang sử dụng nhạc pop để giải thích các tiểu thuyết và tác phẩm kinh điển cổ đại để bình luận về hiện tượng thực tế của xã hội Trung Quốc ngày nay, và do đó trở thành tiếng nói của vô số người dân thường. Nghệ thuật của anh nâng lên tầm triết học, dùng ẩn dụ để châm biếm cái giả, cái ác, cái xấu, để truy cầu chân thiện mỹ!”
Một số cư dân mạng cho biết trong lời bài hát, phương hướng đã được thay đổi từ “tây” thành “đông,” như trong câu hát “26,000 dặm về phía đông của Vương quốc La Sát” — rõ ràng muốn dẫn người nghe đến Trung Quốc đại lục.
Một cư dân mạng đã đăng trên nền tảng mạng xã hội X, trước đây là Twitter: “Mọi người đều biết Vương quốc La Sát đề cập đến nơi như thế nào, trắng-đen đảo lộn, xấu thì cho là đẹp, chuột lại được xem như vịt (đề cập đến tin tức gần đây về một cái đầu chuột được tìm thấy trong thức ăn được phục vụ trong quán ăn tự phục vụ của một trường học Trung Quốc — sau đó bị các nhân viên tuyên bố là một miếng cổ vịt). Bài hát này đã bóc trần lớp ‘họa bì’ (một lớp ngụy trang để trông giống con người, một hình ảnh lấy từ truyện Liêu Trai Chí Dị) mà những con yêu ma quỷ quái của nhà nước độc đảng này đang mặc trên người!”
Đánh lạc hướng khỏi những vụ bê bối gần đây của ĐCSTQ
Ông Lý, một trí thức đại lục từ chối nêu tên đầy đủ vì lý do an toàn, nói với The Epoch Times hôm 30/07 rằng hiện tượng “La Sát Hải Thị” này cho thấy, sự bất mãn sâu sắc của người dân Trung Quốc đối với hoàn cảnh hiện tại đã được đẩy lên cao trào và trên quy mô rất lớn, “bởi vì đã có quá nhiều thứ bị đảo lộn về đúng sai phải trái trong những năm gần đây và đã ứ đọng mấy chục năm qua — đặc biệt là sau khi nhà cầm quyền áp đặt các hạn chế hà khắc suốt ba năm đại dịch COVID-19. Nhiều tai ương liên tiếp kéo đến, nhưng chính quyền lại tìm mọi cách làm hết sức để bưng bít, mặt khác họ buộc tội người dân tung tin đồn thất thiệt. Tất cả chỉ vì duy trì sự ổn định của chế độ. Trong bối cảnh đó, nhiều người có thể nhận ra rằng bài hát này thực chất là một kiểu châm biếm [xã hội Trung Quốc] trên một quy mô lớn hơn.”
Ông Ngô Tộ Lai (Wu Zuolai), một nhà văn Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói rằng liệu bài hát này có bị chính quyền cấm hay không sẽ phụ thuộc vào việc liệu có ai đó đưa bài hát này lên cấp độ chính trị hay không. “Ví dụ, những người bị anh này gián tiếp chỉ trích trong bài hát, nếu họ khiếu nại với các cơ quan hữu quan, hoặc nếu bài hát đó trở thành một nguồn lực chống đối chính quyền, thì họ có thể cấm bài hát đó,” ông Ngô nói.
Gần đây, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV và tờ Báo Tân Kinh (Beijing News) đã ca ngợi Đao Lang và ca khúc mới “La Sát Hải Thị” một cách bất thường.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times