Các nhà phân tích: Nỗ lực phản gián của Trung Quốc có thể làm suy yếu các lợi ích của chính họ
Chính quyền Trung Quốc đang kêu gọi công dân của mình tham gia vào công tác phản gián, một hành động nhằm khơi dậy chủ nghĩa dân tộc và củng cố sự cai trị độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết việc nhấn mạnh vào an ninh quốc gia sẽ gây hại cho chính chế độ này.
Trong một hành động hiếm hoi hôm 31/07, Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc, cơ quan trung ương giám sát các hoạt động tình báo và an ninh trong và ngoài nước, đã lập một trương mục chính thức trên nền tảng truyền thông xã hội Trung Quốc WeChat.
Bộ này viết trong bài đăng đầu tiên của mình có tiêu đề “Cuộc chiến Chống Gián điệp Đòi hỏi Sự điều động Toàn Xã hội!” rằng cần phải thiết lập một hệ thống khiến cho việc quần chúng tham gia vào hoạt động phản gián trở nên “bình thường.”
“Hiện tại, chống gián điệp vẫn là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp,” bộ này viết. “Việc này không chỉ đòi hỏi cơ quan an ninh quốc gia phải đóng vai trò của các cơ quan chống gián điệp đặc biệt mà còn đòi hỏi sự tham gia rộng rãi của người dân.”
Các nhà quan sát ở bên ngoài đã bày tỏ sự không tin tưởng vào lời cảnh báo nghiêm trọng [của Bắc Kinh] về mối đe dọa của các gián điệp ngoại quốc. Họ lưu ý rằng ĐCSTQ đã khai triển một mạng lưới sâu rộng ở ngoại quốc để thu thập thông tin tình báo và tin tặc của họ đã đột nhập vào trương mục thư điện tử của các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), một nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh do chính phủ Đài Loan tài trợ, cho biết ĐCSTQ “đang sử dụng mối đe dọa gián điệp ngoại quốc để khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, khiến [công chúng] trung thành với chế độ.”
Theo ông Tô, an ninh quốc gia nên được hiểu là an ninh chính trị của ĐCSTQ.
‘Các tác động không mong đợi’
Lời kêu gọi vận động quần chúng tham gia công tác chống gián điệp được đưa ra sau khi Bắc Kinh mở rộng một đạo luật chống gián điệp có hiệu lực từ tháng Bảy.
Luật này cho phép nhà cầm quyền thực hiện một cuộc điều tra chống gián điệp có quyền truy cập vào dữ liệu, thiết bị điện tử, và thông tin trên tài sản cá nhân.
Đáng chú ý, luật này mở rộng định nghĩa về gián điệp đối với “tất cả các hồ sơ, dữ liệu, tài liệu, hoặc các mục dữ liệu liên quan đến an ninh và lợi ích quốc gia.” Tuy nhiên, luật không nêu rõ những điều gì thuộc an ninh quốc gia, do đó làm dấy lên lo ngại về một môi trường thù địch hơn đối với các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, và ký giả ngoại quốc ở Trung Quốc.
Các công ty ngoại quốc đã phải đối mặt với sự giám sát kỹ lưỡng hơn trước khi luật được diễn tả một cách mơ hồ này có hiệu lực. Hồi tháng Ba, công an Trung Quốc đã bắt giữ năm nhân viên địa phương của Mintz, một công ty tình báo doanh nghiệp có trụ sở tại New York, và đóng cửa văn phòng tại Bắc Kinh của công ty này. Bộ Ngoại giao cáo buộc công ty này tiến hành “các hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.” Sau đó, nhà cầm quyền đã đột kích các văn phòng của công ty tư vấn Capvision và thẩm vấn nhân viên tại Bain & Co.
Hồi cuối tháng Ba, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố các nhà chức trách cũng đã bắt giữ một nhân viên của nhà sản xuất dược phẩm Nhật Bản Astellas vì “tình nghi tham gia vào các hoạt động gián điệp vi phạm luật hình sự và luật chống gián điệp.” Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã long trọng tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ tiếp tục mạnh mẽ yêu cầu chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho công dân của mình.
Ông Tôn cho biết việc mở rộng luật chống gián điệp có thể sẽ gây hại cho ĐCSTQ trong lúc ban lãnh đạo của đảng này đang tìm cách bảo đảm với các công ty ngoại quốc rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục mở cửa và chào đón đầu tư trong hoàn cảnh nước này phục hồi yếu ớt sau đại dịch.
Ông nêu ra một bài báo của Bloomberg nói rằng Morgan Stanley đang chuyển hơn 200 nhà phát triển công nghệ ra khỏi Trung Quốc sau khi nước này thắt chặt quyền truy cập vào một bộ đệm dữ liệu được lưu trữ trong nước. Bài báo này, dẫn lời những người ẩn danh, tuyên bố rằng hầu hết nhân viên chủ yếu sẽ chuyển đến Hồng Kông và Singapore.
Hồi tháng Sáu, một báo cáo của Phòng Thương mại Liên minh Âu Châu tại Trung Quốc cho thấy “tâm lý doanh nghiệp giảm sút đáng kể,” với việc các công ty ngoại quốc chuyển đầu tư hiện tại hoặc một phần chuỗi cung ứng ra khỏi nước này.
Ông Tôn nói: “Luật chống gián điệp quả thực sẽ có các tác động không mong đợi lớn đối với bản thân ĐCSTQ.”
Tăng cường kêu gọi an ninh
Trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc suy thoái, ĐCSTQ đang chuyển sự chú ý của công chúng sang mối đe dọa của các đặc vụ ngoại quốc, với việc ban lãnh đạo tăng cường kêu gọi công tác phản gián trong những tháng gần đây.
Hôm 14/07, người phụ trách tình báo quốc gia kêu gọi các quan chức ủng hộ mục tiêu ở “các mặt trận bí mật,” ám chỉ công tác tình báo của Đảng.
Thông điệp này là do ông Trần Văn Thanh (Chen Wenqing), Bí thư Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương của Đảng đưa ra khi ông chủ trì một cuộc họp khen thưởng ở Bắc Kinh hôm 14/07 để công nhận những đóng góp của các quan chức vào hệ thống an ninh quốc gia của cơ quan này. Ủy ban Chính trị và Pháp luật Trung ương là một cơ quan an ninh hàng đầu chịu trách nhiệm giám sát công an, thẩm phán, và gián điệp trong hệ thống chính trị mập mờ của Trung Quốc.
Theo một bản tóm tắt cuộc họp do hãng truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã đăng tải, ông Trần cho biết các cơ quan của đảng ở tất cả các cấp và các ban ngành liên quan phải “hết sức quan tâm và giúp đỡ cho các công tác của các mặt trận bí mật.”
Ông kêu gọi “kiên quyết thực hiện” “khái niệm an ninh quốc gia tổng thể” của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.
Ông William Burns, Giám đốc CIA Hoa Kỳ, thừa nhận rằng Bắc Kinh đã “tiến bộ” trong việc xây dựng lại các hoạt động tình báo ở Trung Quốc.
Ông Burns đưa ra nhận xét này tại Diễn đàn An ninh Aspen hôm 20/07 khi được hỏi liệu cơ quan của ông đã phục hồi sau thất bại mà trong đó hàng chục người cung cấp thông tin được cho là đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ hoặc hành quyết hay chưa.
Người chủ trì chương trình Mary Louise Kelly hỏi, “Khoảng một thập niên trước, Trung Quốc đã trấn áp rất nhiều hoạt động của CIA tại Trung Quốc. Hàng chục nguồn tin hoặc hơn của CIA đã bị bắt hoặc tệ hơn là bị hành quyết. Ông đã xây dựng lại chưa?”
Ông Burns trả lời: “Chúng tôi đã tiến bộ, và trong những năm gần đây, chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để bảo đảm rằng chúng tôi có khả năng tình báo mạnh mẽ về nhân sự để bổ sung cho những gì chúng tôi có thể thu được thông qua các phương pháp khác.”
Lời tuyên bố này từ Hoa Thịnh Đốn khiến Bắc Kinh tức giận. Bộ Ngoại giao Trung Quốc lưu ý đến bình luận của ông Burns và nhấn mạnh rằng họ sẽ thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để bảo vệ an ninh của mình.
Ông Tập, nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong nhiều thập niên, đã chỉ thị cho các quan chức cao cấp đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa hệ thống và các năng lực an ninh quốc gia.
Trung Quốc đã đầu tư những nguồn lực to lớn vào việc xây dựng một hệ thống giám sát toàn quốc nhằm trấn áp các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cũng như trừng phạt bất kỳ ai mà họ cho là đe dọa đến an ninh quốc gia của mình. Số tiền mà chính quyền Trung Quốc dùng cho việc trị an xã hội đã vượt qua ngân sách quốc phòng năm 2020.
Tại một cuộc họp về an ninh quốc gia hồi tháng Năm, ông Tập cho biết các mối đe dọa bên ngoài mà Trung Quốc phải đối mặt đã trở nên “phức tạp hơn,” đồng thời cảnh báo rằng nước này phải chuẩn bị cho “những tình huống cực đoan.”
Để thúc đẩy công chúng tham gia vào chiến dịch chống gián điệp, Bộ Công an tuyên bố rằng các ban ngành ở các cấp phải tiến hành đào tạo chống gián điệp, và đưa thông tin như vậy vào các cơ quan giáo dục và tuyên truyền.
Bộ này nói rõ trong một bài đăng gần đây, “Các dịch vụ thông tấn, phát thanh, truyền hình, văn hóa, và thông tin trên Internet nên thực hiện công tác tuyên truyền và giáo dục chống gián điệp có mục tiêu cho toàn xã hội.”
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một học giả gốc Hoa đang sinh sống tại Úc, cho biết mục tiêu của chiến dịch tuyên truyền mới nhất là để thắt chặt hơn nữa sự kìm kẹp của Đảng đối với đất nước này.
“Dưới cái cớ [chống] gián điệp, [ĐCSTQ] muốn tạo ra một bầu không khí mà ai ai trong xã hội đều có thể trở thành kẻ thù,” ông Lý, một cựu giáo sư lịch sử tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, cho biết.
“ĐCSTQ muốn kiểm soát mọi thứ, kể cả người dân của mình. Đó là bản chất của một chế độ độc tài. Để làm được điều đó, yếu tố then chốt là khiến người dân thù địch và giám sát lẫn nhau để ĐCSTQ có thể có cảm giác an toàn.”
Bản tin có đóng góp của Lạc Á và Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times