Truyền kỳ về Tướng Washington (P.24): lúc sáu tuổi George Washington phải chăng đã không chặt cây anh đào?
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Truyền kỳ về Tướng Washington.”
Hôm nay, chúng ta cùng nói về George Washington, nhà lập quốc nổi tiếng, Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ và là người đặt nền móng cho Hiến pháp. Chúng ta nhìn lại nhân vật lịch sử này từ góc độ nào?
George Washington là ai? Một chủ nông trường nô lệ? Một người chỉ huy thường thua trận trong các cuộc chiến, nhờ may mắn tình cờ bước lên sân khấu lịch sử? Một người cha sáng lập và Tổng thống Hoa Kỳ bị phá bỏ tượng trong phong trào Black Lives Matter ngày nay?
Như chúng ta đã biết, Washington mồ côi cha từ khi còn nhỏ, do đó ông mất đi nền tảng tài chính cho giáo dục. Washington sớm đã phải tự lập và chịu đựng gió sương vất vả. Nói về mối quan hệ giữa cậu bé George và cha mình, câu chuyện được yêu thích nhất là câu chuyện về cây anh đào. Khi George lên sáu tuổi, cậu nhận được một chiếc rìu nhỏ do cha tặng. Cậu đã phá hủy những thân cây đậu trong vườn rau và cây anh đào nhỏ mà cha cậu vừa trồng. Tất nhiên người cha rất tức giận, nhưng trong nhà có nhiều con trai nên ông nhất thời không biết là người con nào đã làm.
Về phần cậu bé George, cậu rất sợ bị trừng phạt, nhưng lòng tự trọng bẩm sinh đã thúc đẩy cậu thừa nhận với cha mình rằng cậu đã dùng rìu chặt cây anh đào. Cảnh tượng hai cha con đứng trước cây anh đào đã được lưu giữ trong bức tranh trên cửa sổ kính màu của Mount Vernon. Qua nhiều năm, bức tranh vẫn sống động như thật. Đó là mở đầu câu chuyện về cuộc đời của Tướng Washington, là câu chuyện đầu tiên về Tướng Washington được kể cho thế giới như một vị Thánh mẫu mực.
Rất nhiều thế hệ trẻ em đã học được từ câu chuyện cây anh đào rằng: Không nên nói dối, hãy nói sự thật, dù sợ bị trừng phạt cũng cần vượt qua nỗi sợ hãi, sống thật với trái tim mình và làm một trẻ em lương thiện. Câu chuyện này đã được truyền lại hàng trăm năm, hình thành nên tính cách của nhiều thế hệ trẻ em Hoa Kỳ.
Vào những năm 1900, ở Hoa Kỳ có một tiếng nói gay gắt khác, cáo buộc tác giả đã tô đẹp quá mức cuộc sống của Washington và cố tình thần thoại hóa vị tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ, biến ông thành hình mẫu đạo đức quốc gia. Bởi vì cuốn sách này rất nổi tiếng, tác giả có lẽ đã cố ý cường điệu, cố tình thần thoại hóa nhân vật George Washington, một người nông dân bình thường, khiến ông sở hữu những phẩm chất khác với những người bình thường từ khi còn nhỏ. Lời buộc tội này đã được lên men cả trăm năm và ngày nay đã trở thành “kiến thức phổ thông.” Tức là câu chuyện Washington dùng chiếc rìu do cha mình tặng để chặt cây anh đào khi ông còn nhỏ là một lời nói dối, là sự đóng gói và cường điệu bởi người bán sách. Cuốn sách này là một tiểu thuyết, chứ không phải là tiểu sử.
Trên thực tế, tác giả viết cuốn tiểu sử đầu tiên trên thế giới về George Washington là Mason Locke Weems, một mục sư sùng đạo. Trong số những người viết tiểu sử về Washington và đã viết nhiều văn bản khác nhau trong nhiều thế kỷ, Weems là người duy nhất đã tiếp xúc với chính Washington. Khi George Washington còn sống, tác giả này từng làm khách ở Mount Vernon. Trong cuốn sách của mình, ông cũng ghi lại ký ức của nhiều người dân địa phương từng sống cùng George Washington. Câu chuyện về cây anh đào và những gì Washington được cha dạy khi ông còn nhỏ được kể lại bởi một bà lão ở địa phương, người quen thuộc với gia đình Washington và lớn lên cùng George từ nhỏ. Có thể thấy, bản thân người viết tiểu sử đã đầu tư công sức và thời gian cho cuốn sách này. Nói ông cố tình bịa đặt là do thế hệ độc giả sau này đã thay đổi theo thời gian. Họ không còn tin vào đức hạnh và xem nhẹ những nỗ lực phỏng vấn tích lũy qua nhiều năm của ông ấy.
Mục sư Weems sinh năm 1759 tại Maryland. Theo phong tục của các thuộc địa Bắc Mỹ, ông được gửi về mẫu quốc để du học khi mới khoảng 10 tuổi. Vào những năm 1770, ông học y khoa ở Edinburgh. Đến những năm 1780, sở thích của ông đã thay đổi, ông đến London để học Thần học. Nói cách khác, Weems đã tránh xa ngọn lửa chiến tranh trong suốt cuộc Cách mạng. Khi trở về Maryland, từ một công dân thuộc địa của Anh, ông đã trở thành công dân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.
Vào năm 1784, ông trở thành linh mục giáo xứ ở Maryland và cũng là mục sư của một trường nữ sinh. Ông đã thuyết giảng cho người châu Phi da đen trong một thời gian dài. Đồng thời, ông thành lập một tổ chức cứu trợ từ thiện để giúp đỡ những góa phụ và trẻ mồ côi ở địa phương. Thông tin này cho thấy ông có danh tiếng tốt, được dư luận rất tin tưởng, cũng là người sáng suốt và nhân hậu. Hơn nữa, mục sư Weems còn trở thành một mục sư lưu động. Ông đi đến những đồng cỏ nông thôn hẻo lánh để truyền bá phúc âm của Thượng Đế. Vì việc mua sách ở vùng sâu vùng xa không thuận tiện nên ông còn kiêm việc bán sách như Kinh Thánh, Phúc Âm, v.v.
Vào đầu những năm 1790, do đã kết hôn, mục sư Weems chuyển đến Virginia cùng vợ mở hiệu sách và tham gia vào lĩnh vực xuất bản sách. Vì vẫn còn là một mục sư chuyên nghiệp nên Weems thường đến nhà thờ giáo xứ ở Mount Vernon để giảng đạo và từ đó ông bước vào cuộc đời của George Washington.
Tướng Washington đã hào phóng ủng hộ dự án xuất bản sách đầu tiên của vị mục sư. Hoạt động kinh doanh xuất bản của Weems chủ yếu xuất bản các sách tôn giáo. Đồng thời, ông cũng xuất bản sách của Thomas Paine. Đây là điều gây rất nhiều tranh cãi vào thời điểm đó.
Thomas Paine nổi tiếng với cuốn sách “Common Sense” (Lẽ thông thường) trong thời kỳ Cách mạng. Tuy nhiên, sau cuộc cách mạng, bởi vì viết cuốn “The Age of Reason” (Thời đại của lý trí), trong đó phản đối giáo điều của Cơ Đốc giáo và ủng hộ Thần giáo tự nhiên, nên ông bị coi là người vô Thần và mang tiếng xấu ở Bắc Mỹ. Nghe nói rằng chỉ có sáu người đến dự đám tang của Paine khi ông qua đời. Cách hành xử của mục sư Weems cho thấy ông là người không bị ảnh hưởng bởi xu hướng bên ngoài. Ông có những lý giải và phán đoán rõ ràng của riêng mình.
Vào đêm Giáng sinh năm 1799, Tướng Washington qua đời. Năm 1800, Weems đã xuất bản cuốn tiểu sử về Tướng Washington mang tên “Câu chuyện về cuộc đời và cái chết, đức hạnh và chiến công của Đại tướng George Washington” (A History of the life and Death, Virtues and Exploites of General George Washington). Cuốn sách này đã được phổ biến rộng rãi và có sức ảnh hưởng rất lớn. Có thể nói, nó đã định hình nên giá trị quan tổng thể của người Mỹ trong nhiều thế hệ.
Lấy một ví dụ: ông Lincoln, Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, khi còn nhỏ sống trong một gia đình rất nghèo. Cuốn sách duy nhất ông đọc trong thời thơ ấu chính là cuốn tiểu sử về Washington. Không quá lời khi nói rằng cuốn tiểu sử này đã định hình nên chí hướng và con đường nhân sinh của Tổng thống Lincoln.
Trở lại với mục sư Weems, sau này ông còn xuất bản một tuyển tập các bài tiểu luận và tiểu sử của Benjamin Franklin cùng những cuốn sách khác. Những đoạn lý lịch này chứng minh rằng tiểu sử về Tướng Washington của mục sư Weems đáng để chúng ta tin tưởng. Ngược lại, kiểu phủ định lật đổ nhân cách kia đáng để chúng ta cảnh giác.
Cậu bé George sáu tuổi đã thừa nhận với cha mình rằng chính cậu đã chặt cây anh đào. Đây là một trải nghiệm đạo đức chứ không phải một phép lạ vượt quá lẽ thường. Vậy tại sao con người ở thế hệ sau lại nhất định muốn phủ nhận trải nghiệm đạo đức này? Chỉ trích một đứa trẻ sáu tuổi không chịu nói dối là hư cấu. Kiểu chỉ trích đi ngược lại truyền thống này mang lại điều gì cho người dân Mỹ? Đó có phải là sửa chữa những sai lệch? Hay là đang phá hủy niềm tin truyền thống? Điều này đáng để chúng ta suy nghĩ sâu sắc.