Truyền kỳ về Tướng Washington (P.23): Người Mỹ có hai quê hương
Mời quý vị đón đọc Loạt bài viết “Truyền kỳ về Tướng Washington.”
Thomas Jefferson, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập, là người khôn ngoan nhất và ít nói nhất trong lịch sử nhân loại. Lời ông nói ra phần lớn là lời vàng ý ngọc. Ông đã bày tỏ tình cảm của mình với nước Pháp bằng câu nói: Người Mỹ chúng ta đều có hai quê hương, một là Hoa Kỳ và một là Pháp!
Mặc dù La Fayette vô cùng căm ghét tướng Gates, nhưng vì thân phận đặc biệt của mình nên vị quý tộc trẻ tuổi thu hút nhiều sự chú ý này không khỏi rơi vào vòng xoáy âm mưu của Chuẩn tướng Conway. Trong Quốc hội và quân đội có một làn sóng phản đối ngầm chống lại Tướng Washington, nhưng trên toàn quốc, không ai ủng hộ nền độc lập của Hoa Kỳ mà lại coi thường Hầu tước La Fayette! Anh ta là nhà quý tộc giàu nhất nước Pháp. Những mảnh đất có giá trị thương mại nhất ở Paris đều thuộc về gia tộc La Fayette. Đứng sau anh là Hoàng gia Pháp đầy quyền lực. Mặc dù dưới sự cai trị của Vua Louis XIV, nước Pháp có được sự huy hoàng xán lạn, nhưng thời hoàng kim đó đã trở thành lịch sử. Sức mạnh của nước Pháp cũng như tầm nhìn và sự quyết đoán của Vua Louis XVI trong việc cai trị đất nước không thể bằng ông nội Ngài là Vua Louis XIV. Nhưng sức mạnh của quân đội Pháp thì mọi người trên thế giới đều thấy rõ. Chỉ có Pháp mới có thể cạnh tranh với Đế quốc nơi ‘Mặt trời không bao giờ lặn.’ Có thể nói, Hầu tước La Fayette trẻ tuổi là đại diện cho nước Pháp vinh quang và sự thành công vẻ vang của cuộc cách mạng. Tranh thủ được sự đồng tình của Hầu tước La Fayette đồng nghĩa với việc có được sự ủng hộ của Pháp và có được thành công trước mắt trong việc thành lập một đất nước độc lập. Đối với một nước Hoa Kỳ mới thành lập một năm trước và Lục quân Lục địa đang tham gia sâu vào cuộc chiến mà nói, sự hỗ trợ của Pháp quả thực rất quan trọng! Hai nước Anh và Pháp ở châu Âu gây ra chiến tranh nhiều năm như vậy, kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của chúng ta! Đặc biệt, hình ảnh đại diện của người bạn này lại là Tiểu Hầu tước La Fayette, một chàng trai trẻ đẹp với dung mạo tao nhã, một chiến binh dũng cảm nhất trên chiến trường! Nào còn cần lý do nào khác để thích anh ta? Vì vậy, ngay cả Tướng Gates, người cầm đầu âm mưu của Chuẩn tướng Conway, cũng không dị nghị gì về điểm này.
Tướng Gates rất muốn thay thế Tướng Washington làm Tổng tư lệnh Lục quân Lục địa, nhưng ông cũng cần làm mọi cách để lôi kéo và lấy lòng La Fayette, phụ tá của Tướng Washington. Tình cảm và sự gắn bó đặc biệt như bố con của La Fayette và Tướng Washington, tất cả mọi người đều có thể thấy rõ. La Fayette bám theo vị tướng này đến bất cứ nơi đâu. Khi đó, Tướng Gates chủ trương mở rộng mặt trận đến Quebec, Canada. La Fayette được giao một nhiệm vụ mới là đến mặt trận Canada để hỗ trợ chiến đấu. Quebec, Canada là khu vực nói tiếng Pháp. Ngôn ngữ chính thức cho đến nay vẫn là tiếng Pháp. Quebec vốn dĩ là mảnh đất được khai phá bởi các nhà thám hiểm người Pháp, đồng thời cũng là ‘Tân Pháp’ do Pháp khai phá ở Tân đại lục vào thế kỷ 17. Sau bảy năm chiến tranh, vào năm 1763, chính phủ Pháp đã bại trận, bất đắc dĩ phải nhượng lại Canada cho người Anh. Giờ đây, người Mỹ đang tìm kiếm độc lập và tách khỏi người Anh. Rất nhiều thành viên Quốc hội và các tướng lĩnh đã tự động liệt Canada vào lãnh thổ của Hoa Kỳ. Việc cử La Fayette đến Quebec, Canada để giám sát cuộc chiến, để một quý tộc Pháp đi đối phó với những người Canada nói tiếng Pháp ở Quebec, chẳng phải là có thể phát huy hết tác dụng của anh ta hay sao?
La Fayette đương nhiên không muốn rời xa Tướng Washington vào thời điểm nguy hiểm như vậy. Vậy nên, anh ta đã viết thư cho Chủ tịch Quốc hội mới được bổ nhiệm, cũng là cha của người bạn tốt Lawrence của La Fayette. Đó là một bức thư giận dữ, bày tỏ sự khó chịu và tức giận của mình khi bị đặt vào tình huống như vậy. Đồng thời, trong thư La Fayette bày tỏ lập trường của mình rằng: cho dù người Mỹ các ông có xung đột và nổi loạn đến mức nào, đó là việc của các ông. Mặc dù một người ngoài cuộc như tôi cũng cảm thấy xấu hổ thay cho các ông, nhưng La Fayette thuộc về Tướng Washington và không có lập trường nào khác!
La Fayette đã phát cơn tức giận, nhưng dù sao anh cũng là một quân nhân. Tuân theo mệnh lệnh là nghĩa vụ ràng buộc của quân nhân. Dù anh tức giận với mệnh lệnh và người ra lệnh đến đâu, anh vẫn phải ra ngoài thực hiện nhiệm vụ của mình. Ngày 24/01, La Fayette đã rời Bộ tư lệnh của Tướng Washington ở Thung lũng Forge. Anh dẫn đầu một nhóm binh lính và lên đường cưỡi ngựa về phía Quebec, Canada. Trên đường đi, anh còn phải đề phòng các cuộc tấn công lén lút của những người da đỏ. Những người da đỏ khốn khổ không chỉ phải chiến đấu với người Mỹ cùng tồn tại trên một vùng đất, mà giữa các bộ tộc cũng có mối hận sâu sắc với nhau. Ngươi đánh ta, ta đánh ngươi, họ chiến đấu ác liệt trong thung lũng lạnh lẽo và rừng rậm. La Fayette và những người lính đã đi hơn mười ngày đường. Trên đường đi, không thiếu những cuộc chạm trán với người da đỏ và cuộc chiến của họ. Là một người Pháp, La Fayette sinh ra đã mang trong mình dòng máu và tài năng của một nhà xã giao hạng nhất. Khi có thể nói chuyện thì anh không muốn dùng dao hay súng. Hơn nữa, kẻ thù của người da đỏ đã đủ loạn rồi, vậy tại sao phải nhúng tay vào? Vì vậy, trong chuyến đi tới Quebec này, La Fayette cũng đã chiêu mộ một nhóm binh sĩ thuộc bộ lạc da đỏ cho Lục quân Lục địa.
Vào tháng Hai, ở phía bắc New York, gió thổi tuyết rơi. Càng đi về phía bắc, thời tiết càng lạnh. La Fayette viết thư cho Tướng Washington, anh nói như một đứa trẻ: “Tôi càng ngày càng đi xa về phía bắc rồi. Dọc đường đi thời tiết rất xấu. Trên đầu đôi khi có gió tuyết, đôi khi có mưa đá. Tôi cảm thấy mình càng ngày càng xa Ngài, khoảng cách giữa chúng ta ngày càng xa hơn…”
Trong một lá thư khác, anh viết như một đứa trẻ bối rối gửi thư cho cha: “Tôi càng ngày càng xa Ngài. Tôi thường bối rối, tại sao tôi đi xuyên qua băng tuyết và mưa lạnh để đến nơi này. Tôi cảm thấy kỳ thực họ cũng thực sự không biết mình đang ở đâu, tại sao lại ở đây và mang lại ý nghĩa gì.”
Sau hơn một tháng ở Quebec, La Fayette nhận được mệnh lệnh từ Quốc hội. Kế hoạch ban đầu để anh tiến hành một cuộc tấn công vào Quebec đã bị hủy bỏ. Anh cần quay trở lại Thung lũng Forge và về với Tướng Washington. Thế là, La Fayette quay lại. Từ Canada trở về Thung lũng Forge và đi bộ đến dải đất New York, La Fayette nhận được tin tức vui nhất: Vào ngày 06/02/1778, tại Paris, Hoàng gia Pháp và Franklin, đại sứ Hoa Kỳ tại Pháp, đã ký Hiệp ước Liên minh, thành lập một liên minh quân sự giữa Hoa Kỳ và Pháp để cùng nhau chống lại Anh. Ngoài Hiệp ước Liên minh, hai bên còn ký Hiệp ước Hữu nghị và Thương mại, nhằm thúc đẩy thương mại giữa hai nước và đạt được lợi ích chung.
Điều này có nghĩa là, Hoàng gia và chính phủ Pháp đã công khai thừa nhận Hoa Kỳ là một quốc gia độc lập có chủ quyền và hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Nói cách khác, chính phủ Pháp và Vua Louis XVI đã biểu đạt rõ thái độ rằng, họ sẽ hỗ trợ Hoa Kỳ trong cuộc chiến giành độc lập! Đây quả là một tin vui đối với nhân dân và Quốc hội Hoa Kỳ! Vì vậy, khi La Fayette biết tin, anh đã vui mừng đến mức đôi mắt đẫm lệ và bật khóc… Vì anh biết Lục quân Lục địa và Tướng Washington ở Thung lũng Forge cần tin tức tuyệt vời này như thế nào!
Thomas Jefferson, tác giả của Tuyên ngôn Độc lập, là người khôn ngoan nhất và ít nói nhất trong lịch sử nhân loại. Lời ông nói ra phần lớn là lời vàng ý ngọc. Ông đã bày tỏ tình cảm của mình với nước Pháp bằng câu nói: Người Mỹ chúng ta đều có hai quê hương, một là Hoa Kỳ và một là Pháp!
(Còn tiếp)