Trung Quốc đầu tư 10 tỷ USD vào kênh đào, các chuyên gia cho rằng đây là một sự lãng phí
Kênh đào Bình Lục, kênh đầu tiên do chính quyền Trung Quốc xây dựng, là một dự án thủy điện trị giá 72.7 tỷ nhân dân tệ (10.18 tỷ USD) được phê chuẩn hồi tháng 08/2022. Trung Quốc cho biết đây là tuyến đường biển ngắn nhất, kinh tế nhất, và thuận tiện nhất cho thương mại kinh tế giữa Tây Nam Trung Quốc và các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Các quan chức Trung Quốc cho biết kênh đào này — nối sông Tây Giang với các cảng ở Vịnh Bắc Bộ — có thể cải thiện điều kiện giao thông đường thủy của sông Tây Giang và tăng đáng kể năng lực vận tải cho miền tây Trung Quốc.
Tuy nhiên, các chuyên gia đã chỉ trích dự án này là một mối quan tâm chính trị hơn là một lợi ích kinh tế thực sự.
Hành trình được rút ngắn này sẽ không bù đắp được khoản nợ to lớn theo sau khoản đầu tư này. Thêm một cảng nữa sẽ không tự động tăng được tổng khối lượng giao dịch thương mại. Các chuyên gia cho rằng, cảng biển đối với các quốc gia phương Tây so với ASEAN có ý nghĩa hoàn toàn khác.
Dự án vô bổ
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, tuyến đường nối biển với đất liền này dài khoảng 135 km, và sẽ hành trình ra biển của tàu thuyền ở vùng trung và thượng lưu Lưu vực Sông Tây Giang ở tỉnh Quảng Tây, tây nam Trung Quốc sẽ được rút ngắn hơn 560 km so với việc đi từ cảng Quảng Châu ở phía đông.
Nhà bình luận Hằng Hà (Heng He) cho biết: trong lịch sử, kênh đào là một phương thức quan trọng để vận chuyển ngũ cốc ở Trung Quốc; chẳng hạn như kênh Linh Cừ, kênh vận chuyển đường vòng đầu tiên trên thế giới ,và Kênh Đại Vận Hà (Grand Canal) nối năm lưu vực sông chính của Trung Quốc.
Ở phương Tây, Kênh đào Panama và Kênh đào Suez mang lại những lợi ích kinh tế to lớn, nhưng Quảng Tây kém phát triển hơn về kinh tế, ông Hà nói thêm, vì vậy lợi ích kinh tế mà Kênh đào Bình Lục sẽ mang lại cho Trung Quốc là rất đáng nghi ngại.
Ông lập luận thêm rằng trong số nhiều hình thức vận chuyển trong thời hiện đại, đường thủy không phải lúc nào cũng là lựa chọn hiệu quả và kinh tế. Ông nói: “Đặc biệt là khoản đầu tư rất lớn cho Kênh đào Bình Lục là không xứng đáng,” nếu khoản đầu tư này hoàn toàn do chính quyền tài trợ, thì cuối cùng gánh nặng sẽ đè lên vai người nộp thuế; nếu khoản đầu tư này là huy động vốn tư nhân, thì nhà đầu tư có khả năng sẽ không thu hồi được chi phí.
Ông Hoàng Đại Vỹ (Davy Jun Huang), một kinh tế gia sống tại Mỹ, cho biết Trung Quốc đã dựa vào xây dựng cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP. Ông nói, sau khi xây dựng mạng lưới đường cao tốc, đường sắt cao tốc, và phi trường trên khắp Trung Quốc, giờ đây người ta hy vọng công trình đường thủy này sẽ giúp phục hồi nền kinh tế bị “đại dịch tàn phá, và tăng trưởng ì ạch vì căng thẳng thương mại trong cộng đồng quốc tế.”
Năm 2022, Trung Quốc đã đầu tư hơn một ngàn tỷ nhân dân tệ vào các dự án thủy điện lần đầu tiên trong lịch sử của nhà cầm quyền nước này. Họ tuyên bố rằng cứ 100 tỷ nhân dân tệ đầu tư vào các dự án thủy điện sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP thêm 0.15%, theo báo cáo của phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Ông Hoàng đồng ý rằng Kênh đào Bình Lục có thể có tác động kinh tế ngay lập tức trong thời gian ngắn, nhưng không có tác dụng quá lớn trong dài hạn.
“Thêm một cảng nữa sẽ cho phép việc vận chuyển diễn ra suôn sẻ, nhưng chỉ ở một mức độ nào đó,” ông nói. “Con kênh này được ky vọng sẽ phân phối lại được một số doanh nghiệp xuất nhập cảng đến các cảng của Vịnh Bắc Bộ, nhưng tổng khối lượng trong khu vực mới là điều quan trọng.”
Ban đầu, các container từ phía tây Trung Quốc sẽ đi qua các cảng ở Chu Hải, Thâm Quyến, Quảng Châu, và Phúc Kiến ở đông nam Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện có ba tuyến đường sắt ở các khu vực phía tây kết nối thuận tiện với các cảng ở Vịnh Bắc Bộ. Ngoài ra còn có cửa sông Dương Tử và cửa sông Châu Giang sẵn sàng cho vận chuyển.
‘Đặt cược vào ASEAN là suy nghĩ viển vông’
Theo kế hoạch chiến lược năm 2019 của ĐCSTQ nhằm xây dựng một hành lang đất liền-biển phía tây mới, Kênh Bình Lục mang sứ mệnh tăng cường liên kết kinh tế và thương mại với ASEAN.
Căng thẳng thương mại với các nước phương Tây được cho là nguyên nhân khiến Trung Quốc chuyển trọng tâm ngoại thương sang ASEAN.
Như truyền thông nhà nước này tuyên bố, Nam Ninh, thủ phủ của tỉnh Quảng Tây, là địa điểm thường xuyên tổ chức Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN, cơ hội mở cửa và hợp tác của Trung Quốc với ASEAN.
Theo kế hoạch chiến lược của Trung Quốc, liên kết thương mại và đầu tư của Trung Quốc với ASEAN ngày càng phát triển. Trong tám tháng đầu năm 2022, “thương mại Trung Quốc-ASEAN đạt 4.09 ngàn tỷ nhân dân tệ (590 tỷ USD), tăng 14% so với cùng thời kỳ năm ngoái và vượt xa tổng mức tăng trưởng thương mại là 10.1%. Dữ liệu hải quan cho thấy, thương mại với ASEAN chiếm 15% tổng kim ngạch ngoại thương của Trung Quốc.”
Ông Hoàng không mấy lạc quan, và ông đã lập luận rằng dự đoán về lợi ích từ kênh đào có chi phí cao này có thể khác xa với thực tế.
Ông Hoàng nói, “Quảng Tây không phải là một trung tâm xuất cảng,” thay vào đó, nơi này vận chuyển nhiều sản phẩm thực tế được sản xuất ở các quốc gia Đông Nam Á.
Ông đưa ra thực tế rằng nhu cầu của ASEAN chủ yếu dành cho các thiết bị gia dụng nhỏ và các sản phẩm công nghiệp từ Trung Quốc, và Trung Quốc cần các sản phẩm nông nghiệp, nguyên liệu thô công nghiệp, mỏ, v.v. Ông Hoàng cho biết, các cảng ở Thâm Quyến và Quảng Châu về căn bản đã đáp ứng đủ tổng số lượng hàng hóa này.
Ông nói, “Nhìn chung, việc chuyển đổi cấu trúc kinh tế của cả vùng Tây Nam Bộ là khá khó khăn. Nguyện vọng là tốt nhưng các khoản nợ phải trả là quá cao.”
Ông cho biết hành trình rút ngắn này không nhất thiết mang lại một khối lượng giao dịch lớn.
Ông Hằng Hà cho biết vấn đề chính của việc cải thiện liên kết thương mại với ASEAN qua Kênh Bình Lục, như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đó là hành động này sẽ không giúp bù đắp được những tổn thất đến từ căng thẳng thương mại với thế giới phương Tây.
Ông Hà nói: “Tất cả những thành tựu kinh tế to lớn mà nhà cầm quyền này đạt được trong công cuộc cải cách của Trung Quốc đều đến từ việc mở cửa mới thế giới phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ.”
Liên kết thương mại với ASEAN mang tính cạnh tranh hơn là bổ trợ cho nhau trong lĩnh vực hàng tiêu dùng cấp thấp tại các thị trường Âu Châu và Hoa Kỳ.
Vậy tại sao bây giờ Trung Quốc lại muốn xây dựng kênh đào Bình Lục?
Ông cho biết bộ ba kinh tế của Trung Quốc, đầu tư, tiêu dùng, và xuất cảng, không còn hoạt động nữa. Họ cần những điểm tăng trưởng mới, nhưng hình ảnh của công trình này là vấn đề mà chính quyền quan tâm hơn cả.
Ông Hà giải thích, Kênh Bình Lục có chức năng như một dự án biểu trưng, giống như Cầu Hồng Kông-Chu Hải-Ma Cao, được quảng cáo là cầu đứng thứ nhất trên thế giới về nhiều mặt, và mang lại sự thuận tiện tuyệt vời.
Ông nói, “Nhưng không ai quan tâm xem liệu có chiếc xe nào đang đi trên cầu không.”
Bản tin có sự đóng góp của Tống Đường và Lạc Á
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times