Nền kinh tế Trung Quốc lâm vào tình thế rất nguy hiểm
Hồi đầu năm (2023), nhiều kinh tế gia đã dự đoán rằng cuộc “tái mở cửa lớn” hậu COVID của Trung Quốc sẽ thúc đẩy chi tiêu trong nước và lĩnh vực tiêu dùng.
Sau nhiều năm định kỳ phong tỏa, có một kỳ vọng rằng người tiêu dùng sẽ lao ra khỏi những cánh cổng để bù đắp cho tình trạng chậm lại trong các lĩnh vực tăng trưởng truyền thống như sản xuất và địa ốc.
Nhưng sau một quý tăng trưởng kinh tế ngắn ngủi đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc đã mất đà.
Theo dữ liệu chính thức từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, dữ liệu kinh tế gần đây nhất từ tháng Năm đã cho thấy tất cả các chỉ số đều xấu đi, từ tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ đến doanh số bán lẻ, giá địa ốc, và đầu tư vốn.
Và nếu số liệu thống kê chính thức là quá tệ, thì có lý do để tin rằng bức tranh kinh tế thực tế có thể còn tồi tệ hơn.
Chi tiêu tiêu dùng yếu là đặc biệt đáng lo ngại vì các đòn bẩy truyền thống để thúc đẩy tăng trưởng đều đã bị đình trệ và có số lượng đòn bẩy mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể kéo được đã ít hơn. Doanh số bán lẻ, mà Ngân hàng ING gọi là “cỗ máy tăng trưởng duy nhất của Trung Quốc,” đang gặp khó khăn.
Ông Robert Carnell, người đứng đầu nghiên cứu ở khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của ING cho biết trong một ghi chú cho khách hàng: “Và mặc dù tốc độ tăng trưởng 12.7% hàng năm trông có vẻ ấn tượng, nhưng con số này tương đương với sự sụt giảm doanh số hàng tháng sau khi điều chỉnh theo mùa và cho thấy đà tăng trưởng do việc tái mở cửa trở lại đang giảm.”
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình cảnh này, bao gồm sự bi quan của người tiêu dùng, tình trạng thất nghiệp, và sự tháo chạy tài sản.
Tỷ lệ thất nghiệp của giới trẻ trong độ tuổi 16-24 đang ở mức cao nhất được ghi nhận, chiếm trên 20% tính đến tháng 04/2023. Tình trạng này đã gây ra các vấn đề về ổn định xã hội cho nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Người tiêu dùng cao niên có nhiều tiền mặt hơn, nhưng lại trở nên bi quan hơn về tương lai của quốc gia và đang kéo lại hầu bao của họ.
Ngoài ra, Trung Quốc đang mất rất nhiều của cải do di cư. Theo dữ liệu từ nhà tư vấn Henley & Partners, khoảng 13,500 triệu phú USD dự kiến sẽ rời Trung Quốc trong năm nay, sau khi 10,800 cá nhân như vậy (và gia đình của họ) đã di cư khỏi Trung Quốc vào năm 2022. Đó là những tổn thất tài sản lớn nhất trong số bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Các quan chức hàng đầu của ĐCSTQ đã lo ngại về tình hình kinh tế quốc gia nhiều đến mức họ đang tìm lời khuyên từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về cách thúc đẩy tăng trưởng. Theo Bloomberg News, trích dẫn những người quen thuộc với vấn đề này, ít nhất có sáu phiên tham vấn đã được tổ chức trong những tuần gần đây với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Một trong số các chủ đề được thảo luận là làm thế nào để kích thích nền kinh tế, làm cách nào để thúc đẩy chi tiêu của khu vực tư nhân, và làm thế nào để hồi sinh thị trường địa ốc. Và một trong số những lời khuyên được đề nghị là giới thiệu nhiều yếu tố của nền kinh tế dựa trên thị trường hơn là nền kinh tế kế hoạch hóa — một dấu hiệu đặc trưng của chủ nghĩa cộng sản.
Theo báo cáo của Bloomberg, “Các quan chức thừa nhận nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một giai đoạn hệ trọng và đang chịu một áp lực mạnh mẽ để tìm ra các giải pháp mà họ chưa từng thấy trước đây.”
Mặc dù các phiên họp tìm kiếm giải pháp này không nhất thiết xa lạ với khán giả phương Tây, nhưng chúng không phổ biến đối với ĐCSTQ và nhấn mạnh tình hình thảm khốc mà nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phải đối mặt.
Các biện pháp kích thích kinh tế thông thường từ sách lược của ĐCSTQ đều được đưa ra bàn thảo. Các biện pháp này bao gồm giảm lãi suất, cắt giảm đối với ngưỡng yêu cầu dự trữ bắt buộc của ngân hàng, và nới lỏng các hạn chế đối với phát triển địa ốc.
Hôm 13/06, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạ lãi suất ngắn hạn (cơ sở cho vay thường trực ‘standing lending facility’, hoặc SLF) xuống 10 điểm cơ bản, tương đương 0.1% để thúc đẩy hoạt động cho vay. Và hôm 15/06, tổ chức này cũng cắt giảm cơ sở cho vay trung hạn (‘medium-term lending facility’, MLF) một năm xuống 10 điểm cơ bản từ mức 2.75 xuống mức 2.65%.
Nhưng những phương pháp kích thích truyền thống đó ngày nay có ít tác dụng hơn do đã được sử dụng rộng rãi trong hai thập niên qua.
Ví dụ, ĐCSTQ đã khuyến khích ngân hàng cho vay nhiều đến mức việc nới lỏng hơn nữa các quy định sẽ đặt ngành ngân hàng của Trung Quốc vào nguy hiểm. Thị trường địa ốc, chiếm hơn 70% tài sản gia đình và 25% GDP của Trung Quốc, đã được phân bổ quá mức như một yếu tố đóng góp cho nền kinh tế. Những người có tiền để mua nhà thì đều đã mua nhiều nhà, mà hầu hết trong số đó đang bị bỏ trống. Kích thích hơn nữa có thể khuyến khích những biến động mạnh trong thời kỳ khó khăn và gây ra tác hại không đáng có cho tài sản gia đình cũng như tiếp tục cản trở chi tiêu của người tiêu dùng.
Sau nhiều năm khuyến khích chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, các chính quyền địa phương và khu vực đã hết tiền mặt và phải đối diện với tình trạng vỡ nợ. Đơn giản là có rất ít nhu cầu về thêm đường cao tốc, cầu, và đường hầm ở một quốc gia đã xây dựng những cơ sở hạ tầng này quá mức để thúc đẩy tăng trưởng.
Tất cả những điều này làm cho mục tiêu tăng trưởng GDP 5% cả năm của ĐCSTQ trở thành một mục tiêu không thể đạt được.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times