Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang gặp khó khăn.
Nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối diện với những nguy cơ đáng kể — động cơ từng giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trong quá khứ đã đình trệ, trong khi hoàn cảnh kinh tế đặc biệt ngày nay đang làm hạn chế các lựa chọn của các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh.Theo các con số chính thức, Trung Quốc đã chứng kiến mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ trung bình đến cao liên tục trong 20 năm qua. Mặc dù hầu hết các chuyên gia ngày nay tin rằng những con số đó đã bị thổi phồng, nhưng mức tăng trưởng lịch sử của nền kinh tế này vẫn còn là khá lớn và dựa trên trên hai lĩnh vực chính.
Sự tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào 1) địa ốc và cơ sở hạ tầng, và 2) sản xuất. Sản xuất cũng dựa vào xuất cảng và nhu cầu của ngoại quốc đối với hàng hóa Trung Quốc. Và những dòng vốn đầu tư ngoại quốc đổ vào Hoa lục trong vòng hơn một thập niên qua đã thúc đẩy cả hai lĩnh vực này.
Yếu tố thứ ba, tiêu dùng và dịch vụ trong nước, là các lĩnh vực mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thúc đẩy. Các lĩnh vực này chiếm một tỷ trọng nhỏ hơn trong mức tăng trưởng kinh tế của quốc gia này, khi so sánh với các quốc gia khác. Bắc Kinh hiểu rằng việc xây lắp nhà cửa, xây dựng, và kể cả sản xuất cuối cùng cũng sẽ cạn kiệt hoàn toàn và động cơ trong nước của họ sẽ cần phải đủ mạnh để thúc đẩy nền kinh tế.
Ngày ấy đã đến, nhưng nền kinh tế tiêu dùng trong nước cũng bị đình trệ, khiến nền kinh tế Trung Quốc — và chế độ cầm quyền của nước này — rơi vào nguy hiểm.
Những khó khăn ngành địa ốc
Theo một số thước đo, ngành địa ốc chiếm tỷ trọng hơn ¼ nền kinh tế Trung Quốc. Ngoài tầm quan trọng của địa ốc trong vai trò là một động cơ kinh tế, lĩnh vực này còn chiếm một phần đáng kể tài sản của người dân Trung Quốc (phần tài sản còn lại là thị trường chứng khoán, và cũng đang trên đà sụt giảm). Điểm này là đặc biệt đúng đối với giai tầng trung lưu, giai tầng chiếm một phần đáng kể dân số thành thị.
Rất nhiều giấy mực đã được sử dụng để ghi nhận sự suy thoái của thị trường địa ốc Trung Quốc. Nguồn cung quá nhiều khiến nhiều căn hộ bị bỏ trống. Các nhà phát triển như Evergrande đã sụp đổ, và các nhà phát triển trước đây có nguồn tài chính ổn định như Country Garden hiện cũng đang không thực hiện được các khoản thanh toán trái phiếu. Nhìn chung, các nhà phát triển này đều được tài trợ từ nợ phải trả bằng tiền USD.
Tăng trưởng kinh tế dựa trên địa ốc đòi hỏi giá trị tài sản phải tăng lên, và các nhà phát triển đang bị vùi đến tận cổ các món nợ có lãi suất cao cần có nhiều doanh số bán nhà hơn để giải phóng vốn lưu động mà duy trì chu kỳ hoạt động.
Bắc Kinh lo ngại về tình trạng dư thừa trên thị trường địa ốc — cả về tốc độ tăng giá lẫn gánh nặng nợ cao hơn — và các cơ quan quản lý đã tiến hành các giai đoạn ép buộc thu hẹp và kích thích để quản lý thị trường.
Nhưng giá đã tụt hết mức trong thị trường địa ốc, nguyên nhân là do mức độ giao dịch thấp hơn trên cơ sở thanh khoản sụt giảm và tài sản gia đình đang giảm sút. Ngày nay, Bắc Kinh không còn mong muốn kích thích thị trường địa ốc nữa do họ phải chiến đấu với nhiều vấn đề trên các mặt trận khác.
Dữ liệu chính thức của chính quyền Trung Quốc thì lạc quan hơn, nhưng dữ liệu từ các đại lý địa ốc và các nhà cung cấp dữ liệu tư nhân khác lại cho thấy một bức tranh đầy nguy ngập.
Một báo cáo của Bloomberg trích dẫn các dữ liệu tư nhân cho thấy giá nhà hiện tại đã giảm hơn 15% ở một số khu dân cư tốt nhất ở các thành phố cấp một như Thượng Hải và Thâm Quyến. Xu hướng tương tự đang diễn ra ở các thành phố cấp hai và cấp ba.
Kết quả là các nhà phát triển đang thua lỗ, vỡ nợ, và gây tổn hại cho cả các nhà đầu tư quốc ngoại lẫn các nhà đầu tư quốc nội của Trung Quốc, những người đang nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu của các công ty này. Ngay cả các nhà phát triển thuộc sở hữu nhà nước cũng cảnh báo rằng những tổn thất trên diện rộng sắp xảy ra.
Và điều này khiến người tiêu dùng có tâm lý ngại mua căn hộ từ các chủ đầu tư có thể đã cạn tiền và có nguy cơ không hoàn thành được việc xây dựng những căn hộ mà họ đã dự định, tạo ra một vòng xoáy đi xuống thấp hơn cả về khối lượng lẫn giá địa ốc.
Cơ sở hạ tầng và nợ chính quyền địa phương
Một phương tiện liên quan để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong vài thập niên qua là phát triển cơ sở hạ tầng.
Đây là một phương thức dễ dàng để Bắc Kinh trực tiếp thúc đẩy nền kinh tế. Nhiều năm dài kích thích từ ngân hàng trung ương đã khuyến khích các làn sóng phát triển cơ sở hạ tầng — đường sá, phi trường, cầu cống, và cơ sở hạ tầng năng lượng — tại các thành phố trên khắp Trung Quốc. Phát triển cơ sở hạ tầng đã đạt nhiều mục đích cùng một lúc: cung cấp việc làm, tăng trưởng kinh tế ở cả địa phương và quốc gia, đồng thời duy trì dòng tiền lại quả chảy vào hầu bao các quan chức Đảng địa phương.
Chính quyền địa phương phải vay những khoản vay rất lớn để chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng đắt đỏ và đôi khi là lãng phí này. Nhiều dự án trong số đó vốn dĩ chưa bao giờ nhằm mục đích mang lại lợi nhuận, vì nhu cầu về dịch vụ của công trình đó ngay từ đầu đã là chưa đủ để cần khởi công.
Độ lớn của khoản nợ đó là khó có thể đong đếm, vì các chính quyền sử dụng các phương thức nợ không được ghi chép trong bảng cân đối kế toán (nợ ngoại bảng) gọi là “phương thức tài trợ của chính quyền địa phương” (LGFV). Phương thức này giúp chính quyền địa phương phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư, các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, và các nhà quản lý tài sản Trung Quốc. LGFV bắt đầu xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và nhằm mục đích né tránh những luật cấm chính quyền địa phương vay trực tiếp từ ngân hàng hoặc thị trường vốn.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính có 66 ngàn tỷ nhân dân tệ (9.1 ngàn tỷ USD) trái phiếu LGFV đang được lưu hành. Đó là khoảng một nửa GDP hàng năm của Trung Quốc.
ĐCSTQ không còn chú trọng đến cơ sở hạ tầng để phát triển nền kinh tế nữa, vì đã có nhiều dự án cơ sở hạ tầng được xây dựng hơn mức cần thiết. Bắc Kinh đang tập trung vào việc quản lý nợ quá mức do bong bóng đang trên bờ vực vỡ ra này tạo thành.
Như đã đề cập, các dự án đó hầu hết là không có lãi. Trái phiếu LGFV, phần lớn do tư nhân nắm giữ, đang có nguy cơ không trả được và sắp đến hạn.
Cho đến nay, các chính quyền địa phương đang ưu tiên thanh toán lãi đúng hạn trước thực tế về những hậu quả thảm khốc của tình trạng vỡ nợ trên diện rộng. Những trái phiếu này được hiểu rộng rãi là “do chính phủ hậu thuẫn,” vì vậy các nhà đầu tư ngầm hiểu rằng ĐCSTQ sẽ có giải pháp nếu các trái phiếu này vỡ nợ trên diện rộng.
Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cố gắng bác bỏ những kỳ vọng như vậy. Đồng thời, chính quyền trung ương lại khó có khả năng hiểu biết đầy đủ về rủi ro của các phương thức nợ ngoại bảng này ở cấp địa phương và cấp tỉnh. Trong hệ thống cấp bậc của ĐCSTQ, việc tiết lộ quá nhiều cho các ông chủ ở Bắc Kinh cũng có thể là nguy hiểm về mặt chính trị.
Trong tháng Tám, Bắc Kinh đã lặng lẽ tuyên bố sẽ cho phép chính quyền địa phương bán số công khố phiếu trị giá 1 ngàn tỷ nhân dân tệ (137.1 tỷ USD) để tái cấp vốn hoặc trả nợ LGFV và các khoản nợ ngoại bảng khác. Các ngân hàng thương mại nhà nước Trung Quốc cũng đã phát hành các khoản cho vay siêu dài hạn cho các địa phương có uy tín nhất để tái cấp vốn cho các khoản nợ này.
Một kế hoạch Ponzi khởi tác dụng — cho đến khi nó vô dụng
ĐCSTQ vẫn thường giải quyết các khoản nợ liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và địa ốc tràn lan. Ví dụ, đã có những giai đoạn thắt lưng buộc bụng đến mức gần như trên bờ vực sụp đổ, sau đó là những giai đoạn thực hiện các biện pháp kích thích để tạo thêm nợ.
Lấy nợ mới để trả nợ cũ là một truyền thống lâu dài. Đó là một “kế hoạch Ponzi,” ngoại trừ việc các nhà đầu tư mới biết họ đang ghi danh mua cái gì. Kiểu nợ mới trả nợ cũ này cũng được chính phủ Hoa Kỳ sử dụng và cũng có tác dụng miễn là các nhà đầu tư mới cảm thấy tin tưởng và tín nhiệm tổ chức thực hiện kế hoạch này.
Hãy nhớ lại năm 1999, khi thủ tướng đương thời Chu Dung Cơ (Zhu Rongji) tạo ra bốn công ty quản lý tài sản của “ngân hàng xấu” để mua lại các khoản nợ xấu từ bảng cân đối kế toán của các ngân hàng Trung Quốc do cuộc khủng hoảng tài chính Á Châu năm 1997.
Sau đó, giai đoạn đầu trong “kế hoạch Ponzi” của Trung Quốc đã khởi tác dụng và các nhà đầu tư ngoại quốc mới đã bắt đầu đầu tư vào Trung Quốc. Trên thực tế, thời ấy họ đã đổ xô sang đầu tư vào Trung Quốc.
Ngày nay, bức tranh thanh khoản đã khác nhiều — và tồi tệ hơn nhiều.
Hiện các vấn đề đã hình thành một cơn bão hoàn hảo có thể khiến cả nhà đầu tư ngoại quốc và công dân Trung Quốc phải rút lui khỏi nước này. Mỗi từng vấn đề đều sẽ được trình bày càng một cách khá đầy đủ trong bài viết này.
Ở trong nước, thì việc kiểm soát vốn đang góp phần ngăn chặn dòng tiền rời khỏi Trung Quốc. Nhưng sự kiểm soát đó vẫn không ngăn được gần 11,000 triệu phú Trung Quốc rời khỏi quốc gia này vào năm 2022. Đó là số lượng lớn nhất những cá nhân có giá trị tài sản ròng cao rời khỏi một quốc gia trong thập niên qua. Bitcoin và mã kim, mặc dù đã bị cấm ở Trung Quốc, vẫn tiếp tục góp phần phá vỡ các biện pháp kiểm soát vốn này.
Đối với đầu tư ngoại quốc, cựu Tổng thống Donald Trump khi đó có thể ghi nhận là người khởi xướng ý tưởng tách rời khỏi Trung Quốc và tái đầu tư vào Mỹ. Cựu Tổng thống Trump nhấn mạnh nhiều điểm yếu của việc nền kinh tế Hoa Kỳ gắn liền với Trung Quốc. Nhưng vì không có sự kiện thảm khốc nào xảy ra, rất ít doanh nghiệp đã chú ý đến cảnh báo đó.
Sự kiện thảm khốc đó đã diễn ra dưới hình thức đại dịch COVID-19. Nhờ các lệnh phong tỏa hà khắc liên quan đến COVID của Bắc Kinh, các doanh nghiệp phương Tây đã nhận ra các vấn đề về hậu cần và chuỗi cung ứng. Trung Quốc là công xưởng của thế giới, nhưng Trung Quốc cũng đã là điểm thất bại duy nhất của nền kinh tế thế giới.
Các doanh nghiệp bắt đầu di chuyển ngày càng nhiều năng lực sản xuất khỏi Trung Quốc sang các nước như Mexico, Ấn Độ, Đài Loan, Việt Nam, và Thái Lan. Trong nhiều năm, lao động giá rẻ của Trung Quốc, gồm cả lao động không được trả lương từ các trại cải tạo vốn sử dụng các nạn nhân như học viên Pháp Luân Công, đã tạo ra hàng xuất cảng rẻ tiền khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp phương Tây nhắm mắt làm ngơ.
Ngày nay, phản ứng dữ dội ngày càng tăng đối với hồ sơ nhân quyền tồi tệ của Trung Quốc, trong đó có sự tranh cãi trong chuỗi giá trị sản xuất như bông do Tân Cương sản xuất, đã khiến các công ty phương Tây ngần ngại đầu tư hơn.
Các vấn đề về chuỗi cung ứng không gây ra lạm phát cao và suy thoái kinh tế ở phương Tây bắt đầu từ năm 2022, nhưng đã đổ thêm dầu vào lửa. Các quốc gia phương Tây — sau hai thập niên có lãi suất gần bằng 0 cùng với sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc — đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và chống lại suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Lạm phát và trở lại lãi suất ‘bình thường’
Những yếu tố này đã đưa chúng ta đến tình huống ngày nay. Các sự kiện trong năm 2022 và 2023 bên ngoài Trung Quốc đã đẩy nền kinh tế Trung Quốc vào tình trạng hỗn loạn hơn nữa.
Suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ và châu Âu làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc, làm chậm hoạt động xuất cảng và sản xuất của Trung Quốc. Xuất cảng và sản xuất của Trung Quốc giảm cũng tác động đến các nền kinh tế phương Tây, vì hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng và địa ốc của Trung Quốc thấp hơn cũng đã làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Nhu cầu về tài nguyên của Trung Quốc giảm gây tổn hại cho nền kinh tế Úc, Trung Đông, và Nam Mỹ — những quốc gia xuất cảng hàng hóa rất lớn — do đó làm giảm thêm nữa khả năng mua hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Hậu quả này tạo ra một vòng lặp ảnh hưởng tiêu cực mà cuối cùng khiến nền kinh tế định hướng xuất cảng của Trung Quốc chịu tổn thất nhiều hơn.
Trong 18 tháng qua, Hệ thống Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) và ngân hàng trung ương của hầu hết các quốc gia phát triển khác đã phối hợp để tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong một thế kỷ.
Lãi suất quỹ liên bang ngày nay nằm ở mức 5.25 đến 5.50% — gần như là tỷ lệ chính xác được thấy trong nửa cuối năm 1999, và gần hơn nhiều với các chuẩn mực lịch sử.
Trong khi lãi suất chuẩn không phải là một sự so sánh tương thích, thì lãi suất cho vay trung hạn của Trung Quốc là khoảng 2.5%. Giả sử lợi suất trái phiếu mới và giá chứng khoán thấp hơn các mức chuẩn đó, nếu bỏ qua các cân nhắc về tín dụng và thanh khoản, thì chúng ta thấy rằng các khoản đầu tư vào nợ của Hoa Kỳ trung bình có thể trả nhiều hơn 300 điểm cơ bản so với các khoản đầu tư vào nợ Trung Quốc. Nói cách khác, chứng khoán nợ của Hoa Kỳ hiện nay hấp dẫn hơn chứng khoán nợ của Trung Quốc.
Sự chênh lệch lãi suất này có nghĩa là dòng tiền đầu tư toàn cầu ngày nay đang chảy vào Hoa Kỳ và rời khỏi Trung Quốc. Việc thiếu vốn càng hạn chế các lựa chọn sẵn có của Bắc Kinh để cứu vãn nền kinh tế. Tác động của điều này thể hiện rõ trên thị trường tiền tệ, nơi đồng nhân dân tệ đang được giao dịch ở mức thấp nhất kể từ năm 2007, ngay cả ở các thị trường trong nước nơi ĐCSTQ đặt ra tỷ giá.
Kịch bản giờ đây bị lật ngược hoàn toàn so với 15 năm qua, khi phương Tây duy trì lãi suất vay gần bằng 0. Ngược lại, Trung Quốc không bị ảnh hưởng nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính lớn năm 2007–2008 và duy trì lãi suất tương đối cao hơn, bối cảnh mà đã thu hút dòng vốn ngoại quốc chảy vào Trung Quốc vào thời điểm đó.
Các giấc mơ trong nước và khát vọng BRI tan vỡ
Cho đến nay, chúng ta nhận thấy các động lực truyền thống của động cơ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang biến mất.
ĐCSTQ biết ngày này có thể sẽ đến. Bắc Kinh đã cố gắng xây dựng nền kinh tế nội địa trong nhiều năm, đầu tư vào (và trong nhiều trường hợp là đánh cắp) công nghệ mới và bí quyết kinh doanh. Các quan chức khắp cả nước đã lặp đi lặp lại câu thần chú “tự lực và tự cường” của lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình.
Đó là mục tiêu của dự án “Trung Quốc 2025” và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) nhằm xây dựng một nhóm các hệ thống trợ giúp kinh tế khu vực.
Nhưng thực tế là không có hệ thống trợ giúp nào trong số này trở thành hiện thực.
Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề lớn về dân số học trong nước. Dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng và thiếu lương hưu trên diện rộng là một rủi ro cả về mặt kinh tế lẫn chính trị. Khoảng 300 triệu lao động di cư không đủ điều kiện để nhận hầu hết các phúc lợi đó. Ngày nay, Trung Quốc phải đối diện với tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao nhất trong lịch sử gần đây và khối tài sản do giai tầng trung lưu xây dựng đang bị xói mòn hàng ngày do thị trường địa ốc và chứng khoán sụp đổ.
Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với sự suy giảm dân số. Trung Quốc đã loan báo sự sụt giảm dân số chính thức lần đầu tiên vào năm 2022. Dân số già đi kết hợp với tỷ lệ sinh giảm — mặc dù đã nới lỏng chính sách một con — là một trở ngại liên tục đối với tăng trưởng dân số. Chuyên gia về Trung Quốc Gordon Chang, tác giả cuốn sách “The Coming Collapse of China” (Sự sụp đổ Sắp tới của Trung Quốc), tin rằng Trung Quốc có thể mất tới ⅔ dân số vào năm 2100.
Những yếu tố này có nghĩa là nhu cầu trong nước ngày càng tăng chỉ là một giấc mơ, chứ không phải hiện thực
Dự án BRI, với mục tiêu là đầu tư vào các nước lân bang và tăng cường cả quyền lực mềm lẫn lợi nhuận tài chính tích cực, đã thất bại ngoạn mục. Bị bủa vây trong tham nhũng, tình trạng không tiến hành phân tích rủi ro, và việc quản lý yếu kém của các quốc gia đang phát triển thiếu tiền mặt, các ngân hàng và công ty đầu tư Trung Quốc cung cấp các khoản vay BRI đang gặp khó khăn với tình trạng vỡ nợ.
Theo một báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức khác, gần đây Trung Quốc phải cung cấp gói cứu trợ trị giá 240 tỷ USD cho các ngân hàng đang phải gánh chịu những khoản cho vay này. Các ngân hàng này được Trung Quốc tài trợ một phần, vì vậy có thể chi phí thực sự của các khoản vay này là cao hơn rất nhiều.
Đồng thời, Trung Quốc đang tăng xây dựng một hệ thống kinh tế và chính trị ngày càng giật lùi, lấy nhà nước làm trung tâm và độc tài.
Mặc dù được giáo dục trong cùng một hệ tư tưởng, nhưng ông Tập không sở hữu bất kỳ sự nhạy cảm thực tế nào của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Đặng Tiểu Bình. Chiến dịch tư tưởng của ông Tập trong hai năm qua, dù là hữu ý hay vô ý, cũng đã làm suy yếu các doanh nghiệp tư nhân và sự đổi mới trong nước của Trung Quốc. Doanh nghiệp nhỏ là trụ cột của nền kinh tế của hầu hết các quốc gia phát triển, nhưng những nỗ lực kích thích của Bắc Kinh trong những năm gần đây lại tập trung vào các đại công ty không thực chất do nhà nước hậu thuẫn trong khi đàn áp các doanh nghiệp tư nhân.
Lĩnh vực công nghệ từng phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc đa phần đã bị cắt giảm quy mô vào thời điểm mà quốc gia này có thể đang cần đến ngành này nhất. Việc các doanh nhân nổi tiếng bị hạ bệ công khai đã gửi tín hiệu tiêu cực đến khu vực tư nhân, và giờ đây, các doanh nghiệp nhỏ đang thiếu niềm tin — hoặc tiền vốn — để đầu tư và phát triển. Cho đến nay, các biện pháp “thịnh vượng chung” của ông Tập đã có nghĩa là “không thịnh vượng” cho bất kỳ ai.
Thời điểm của tất cả những vấn đề này có mối liên hệ hoàn hảo với cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực ở Hoa Kỳ. Sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank hồi tháng 03/2023 đã cắt đứt nguồn tài trợ lớn cho các công ty khởi nghiệp Trung Quốc. Và sự phản đối về mặt chính trị và kinh tế gần đây đối với hoạt động đầu tư mạo hiểm của Hoa Kỳ vào Trung Quốc đã đột ngột khiến Trung Quốc mất đi một nguồn tài trợ lớn.
Toàn bộ những điều đó là nhằm để nói lên rằng tăng trưởng và tiêu dùng nội địa của Trung Quốc không cách nào tiến gần đến mức có thể cứu vãn quốc gia này khỏi sự hủy hoại kinh tế. Rất nhiều, rất nhiều vết nứt đang hình thành và trở nên ngày càng lan rộng. Giảm phát, xuất cảng giảm, hoạt động sản xuất chậm lại, giá địa ốc giảm, và thị trường chứng khoán sụp đổ là toàn bộ những triệu chứng gần đây.
Trong những tháng tới, chúng ta có thể mong đợi chính quyền ĐCSTQ trước tiên sẽ chuyển sang kịch bản thông thường là nới lỏng chính sách tài chính, cắt giảm yêu cầu dự trữ ngân hàng, giảm quy định về nhà ở, và tăng các mức giới hạn vay. Thậm chí Bắc Kinh có thể in tiền và bắt đầu thanh toán trực tiếp cho người tiêu dùng theo cách tương tự như những gì chính phủ Hoa Kỳ đã làm trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch.
Không biện pháp nào trong số này sẽ ngăn chặn được sự chảy máu. Nền kinh tế Trung Quốc đã trở nên quá lớn và quá tập trung để có thể cứu được bằng cách thay đổi các chính sách nhỏ. Các ngân hàng thương mại của nước này — vốn đã sa lầy trong các khoản nợ khó đòi từ địa ốc, cơ sở hạ tầng, BRI, và cho các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vay vốn — không còn vốn để cho vay. Kể cả việc tạo ra các ngân hàng xấu mới để giải quyết các vấn đề về bảng cân đối kế toán cũng cần có vốn mới. Trung Quốc năm 2023 là không giống như Trung Quốc năm 1999.
Về lâu dài, những biện pháp kích thích đó nếu không có sự tăng trưởng kinh tế thực tế hoặc dòng vốn ngoại quốc thì sẽ tạo ra tình trạng lạm phát đình trệ nghiêm trọng — khi mức độ tăng trưởng kinh tế là từ thấp xuống âm với lạm phát cao.
Đây là lý do tại sao các nhà chức trách tiếp tục giữ mục tiêu tăng trưởng GDP chính thức là 5% cho năm 2023 với những hy vọng thu hút vốn từ bên ngoài. Thủ tướng Lý Cường đã tiến hành ngoại giao mềm mỏng, tuyên bố với cộng đồng quốc tế rằng Trung Quốc đã “mở cửa kinh doanh” trở lại. Gần đây, Bắc Kinh cũng đã gặp phái đoàn khí hậu của Tổng thống Joe Biden, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen, và những người khác để thu hút các khoản đầu tư.
Mọi nỗ lực vào lúc này đều có thể là đã quá ít, quá muộn
Trong tương lai gần, thế giới nên cảnh giác về sự bất ổn tiềm ẩn và sự thất vọng lan rộng từ người dân Trung Quốc, các vấn đề địa chính trị, và bất ổn xã hội. Các vấn đề này có thể buộc ĐCSTQ phải thực hiện các biện pháp quyết liệt, kể cả đàn áp bạo lực hoặc xung đột với các nước láng giềng như Đài Loan để thôn tính vốn và các tài sản kinh doanh.
Trên thực tế, thật khó để dự đoán mức độ một cuộc khủng hoảng sẽ xảy ra. Những công dân Trung Quốc thuộc một giai đoạn nào đó sẽ luôn nhắc lại “Đại Nhảy Vọt” và “Cách mạng Văn hóa” để minh họa mức độ đau khổ mà người dân Trung Quốc đã có thể âm thầm chịu đựng dưới sự chuyên quyền của ĐCSTQ.
Nhưng đó là lịch sử đã qua. Chế độ này chưa phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị thực sự nào kể từ năm 1989. Ngày nay ĐCSTQ có bao nhiêu quyền kiểm soát, quyền lực, và ảnh hưởng đối với người dân Trung Quốc?