Không thể làm ngơ trước liên kết kinh tế ngày càng lớn mạnh giữa Trung Quốc và Trung Đông
Pháo hoa đã bay lên trong hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) mới đây ở Riyadh.
Một số thỏa thuận kinh doanh nổi bật đã được công bố giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Bắc Kinh và GCC — từ xưa cho đến dạo đây vẫn là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ — vốn có thể giúp định hình bối cảnh các khoản đầu tư quốc tế trong tương lai.
Một bên là các quốc gia Arab, một tập hợp các quốc gia giàu dầu mỏ với dân số trẻ và sẵn tiền mặt để đầu tư; còn bên kia thì chúng ta có Trung Quốc, một cường quốc sản xuất với dân số đang già đi nhưng vẫn ôm giữ một khát khao về nền kinh tế đa dạng hóa và thịnh vượng.
Thỏa thuận lớn nhất được công bố nói trên là khoản đầu tư trị giá 5.6 tỷ USD của Bộ Đầu tư Saudi Arabia vào nhà sản xuất xe điện Human Horizons của Trung Quốc, một công ty sản xuất xe hơi dưới thương hiệu HiPhi trong thị trường đại lục. Kế hoạch của Saudi là sử dụng công nghệ của Human Horizons để tăng cường các khả năng sản xuất xe điện trong nước.
Chỉ riêng thỏa thuận đó đã chiếm hơn một nửa trong số 10 tỷ USD giá trị được công bố trong các thỏa thuận về địa ốc, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, và công nghệ. Tính đến năm 2021, Trung Quốc đã đóng góp hơn 23 tỷ USD đầu tư trực tiếp ngoại quốc vào Saudi Arabia.
Xe điện (EV) là một lĩnh vực hợp tác lớn giữa các quốc gia vùng Vịnh và Trung Quốc. Tuần trước, chính phủ Abu Dhabi đã công bố khoản đầu tư 1 tỷ USD vào nhà sản xuất xe điện Trung Quốc NIO qua CYVN Holdings, một nền tảng đầu tư chuyên về phương tiện di chuyển do chính phủ Abu Dhabi hậu thuẫn.
Cụ thể, khoản đầu tư của CYVN sẽ thúc đẩy “tăng trưởng kinh doanh quốc tế” của NIO, Chủ tịch CYVN Jassem Al Zaabi cho biết trong một tuyên bố.
Đây chỉ là những diễn tiến mới nhất của hợp tác kinh tế giữa Trung Đông và Trung Quốc. Chẳng hạn, quỹ đầu tư quốc gia của Abu Dhabi, công ty đầu tư Mubadala, có văn phòng tại Bắc Kinh và từ năm 2015 đã cam kết chi 10 tỷ USD cho một quỹ để đầu tư vào các dự án ở Trung Quốc. Qatar và Kuwait cũng đầu tư nhiều khoản tiền lớn vào các công ty Trung Quốc.
Ở mức độ thấp hơn, các công ty Trung Quốc cũng công bố các khoản đầu tư vào các quốc gia vùng Vịnh trong hội nghị thượng đỉnh tháng Sáu. Tập đoàn ASK Saudi và Tổng công ty Địa chất & Khoáng sản Quốc gia (Trung Quốc) đã đạt được một thỏa thuận trị giá 500 triệu USD để khai thác đồng ở Saudi Arabia. Và trong một thương vụ khác trị giá 533 triệu USD, Tập đoàn Đầu tư Quốc tế Trung Hoàn (Hồng Kông) đã đồng ý cùng Công ty AMR ALuwlaa đầu tư vào một cơ sở sản xuất gang tại Saudi Arabia.
Các quốc gia giàu có ở Trung Đông đang xoay trục sang Trung Quốc trong thời điểm mà Trung Quốc đang rất cần tiền đầu tư từ ngoại quốc.
Trước đây chúng ta đã đề cập đến tình hình bấp bênh mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt. Để thực hiện tầm nhìn của chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình về đổi mới công nghệ và khả năng tự lực của Trung Quốc, Bắc Kinh rất cần nguồn tiền mặt từ ngoại quốc.
Và việc hợp tác với các quốc gia vùng Vịnh giàu tài nguyên sẽ mang lại cho Trung Quốc nguồn cung cấp dầu và khí đốt an toàn nếu nhu cầu về tài nguyên ngày càng tăng của Trung Quốc tiếp tục.
Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, số liệu thống kê chính thức cho thấy giá trị đầu tư ngoại quốc vào Trung Quốc đạt 73.5 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng Một đến tháng Tư năm 2023. Đó là mức giảm 3% từ năm 2022.
Các khoản đầu tư từ Hoa Kỳ đã trở nên căng thẳng về mặt chính trị hơn sau các cuộc đột kích gần đây của ĐCSTQ vào các văn phòng Trung Quốc của các công ty Hoa Kỳ như công ty tư vấn Bain & Co., vốn dẫn khởi các kiến nghị từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ ở Thượng Hải. Công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital của Mỹ gần đây đã công bố kế hoạch tách công ty con đầu tư tại Trung Quốc thành một công ty độc lập.
Tuy nhiên, nguồn tài trợ từ Trung Đông là một cứu cánh có giá trị cho các công ty Trung Quốc cả trong nước lẫn trong tham vọng phát triển ở ngoại quốc của họ. Khoản đầu tư của NIO sẽ đặc biệt thúc đẩy các hoạt động quốc tế của công ty, có khả năng đẩy nhanh kế hoạch bán xe điện tại thị trường Hoa Kỳ.
Điều đó cũng diễn ra trong thời điểm chính phủ ông Biden ngày càng trở nên thù địch ở Trung Đông, cụ thể là Saudi Arabia, trong khi hủy hoại một số tiến bộ mà cựu Tổng thống Donald Trump đã đạt được với Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi.
Ví dụ, việc Quỹ Đầu tư Công của Saudi Arabia tuyên bố sáp nhập với US PGA Tour và DP World Tour để giành quyền kiểm soát giải golf lớn nhất của Hoa Kỳ đã làm nảy sinh làn sóng chỉ trích từ các phương tiện truyền thông dòng chính của Hoa Kỳ. Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Ron Wyden (Dân Chủ-Oregon) đã công bố một cuộc điều tra của Thượng viện về vấn đề này.
Chính phủ Hoa Kỳ cũng chỉ trích quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ trong năm 2022 và đầu năm 2023 của các quốc gia OPEC.
Quyết định này khuyến khích một cách hiệu quả một số nền kinh tế mạnh nhất trong khối BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) (và là các đồng minh trước đây của Hoa Kỳ) tìm kiếm mối liên hệ mật thiết hơn với Trung Quốc và Nga, và chính là đang phục vụ lợi ích cho ĐCSTQ, vốn đang hướng đến mục tiêu thâu đoạt quyền bá chủ siêu cường toàn cầu.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times