PHÂN TÍCH: Chính sách tài chính đất đai của Bắc Kinh gặp bế tắc khi doanh thu bán đất giảm mạnh
Các chuyên gia nhận thấy chính sách tài chính đất đai của Trung Quốc đã rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong gần 30 năm qua, hậu quả của việc thị trường địa ốc suy thoái kéo dài và nguồn thu địa phương giảm mạnh.
Tài chính đất đai có thể được xem như một phần của cuộc Cải tổ Hệ thống Chia sẻ Doanh thu Thuế, một hệ thống phân phối tài khóa và thuế giữa chính quyền trung ương và địa phương, do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện vào năm 1994. Tài chính đất đai đề cập đến sự phụ thuộc của chính quyền địa phương vào nguồn thu từ đất đai, chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước và các loại thuế liên quan đến đất đai để duy trì các khoản chi tài khóa của địa phương, trong đó doanh thu từ bán đất chiếm tuyệt đại đa số bộ phận. Tuy vậy, hiện nay nguồn này đang dần thu hẹp.
Chính sách tài chính đất đai của ĐCSTQ cho phép chính quyền địa phương bán đất như một trong những nguồn thu chính của họ, do đó đẩy giá đất và nhà ở lên cao và khiến cho thị trường địa ốc vốn đã suy thoái trở nên ngày càng tệ hại hơn.
Dữ liệu do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố hồi tháng Năm cho thấy từ tháng Một đến tháng Tư năm nay, các chính quyền địa phương đã kiếm được 1,176.1 tỷ nhân dân tệ (170.4 tỷ USD) doanh thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước, giảm 21.7% so với năm ngoái (2022).
Trong khi đó vào năm 2022, doanh thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc sở hữu nhà nước lên tới 6,685.4 tỷ nhân dân tệ (968.9 tỷ USD), giảm mạnh 23.3% so với năm 2021.
Ông Trương Khải (Zhang Kai), người đứng đầu Bộ phận Đất đai của Viện Chỉ số Trung Quốc (China Index Academy), một công ty nghiên cứu địa ốc Trung Quốc, nói với hãng truyền thông tài chính Yicai của Trung Quốc hôm 10/01 rằng mặc dù các giao dịch thị trường nhà ở mới vẫn ở quy mô cao nhất liên quan đến thị trường đất đai, nhưng thị trường này đang có xu hướng thu hẹp đáng kể, và các công ty địa ốc đang chẳng mấy hào hứng với việc mua đất.
Ông cho biết điều này là do lo ngại về tình trạng số dự án nhà ở tương lai chưa hoàn thành ngày càng tăng, giá nhà ở không khả quan, và thu nhập của người dân bị giảm.
Từ tháng Một đến tháng Tư năm nay, đầu tư phát triển địa ốc của Trung Quốc đã giảm 6.2% so với cùng thời kỳ năm ngoái; diện tích xây dựng nhà ở mới đã giảm 21.2%; diện tích địa ốc thương mại đã bán giảm 0.4%, trong khi quy mô địa ốc thương mại đã niêm yết nhưng chưa bán được tăng 15.7% tính đến cuối tháng Tư.
Công ty Chứng khoán Chiết Thương (Zheshang Securities) ước tính trong một báo cáo hôm 19/05 rằng, doanh thu từ việc bán đất của các chính quyền địa phương sẽ vẫn tương đối thấp trong nửa cuối năm nay.
Yếu tố dân số
Hôm 17/04, trong một bài báo đăng trên Jfinfo.com, một nền tảng dịch vụ tư vấn tài chính và đầu tư, nhà kinh tế Trung Quốc Nhậm Trạch Bình (Ren Zeping) đã nhận xét rằng với việc Trung Quốc chuyển sang mức tăng trưởng dân số âm, kỷ nguyên bùng nổ địa ốc của nước này đã kết thúc, và mô hình tài chính đất đai không còn bền vững nữa.
Bài báo cho biết dân số Trung Quốc hiện đang bị “già hóa và giảm tỷ lệ sinh”, với lực lượng lao động trong độ tuổi 15-64 đã đạt đến đỉnh điểm. “Trung Quốc chính thức bước vào giai đoạn tăng trưởng dân số âm vào năm 2022, với tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là -0.6 trên 1,000 người, khiến nhu cầu nhà ở tại Trung Quốc suy giảm.”
Ông Nhậm cho hay, các chính quyền địa phương của Trung Quốc đã phụ thuộc rất nhiều vào tài chính đất đai trong một thời gian dài, với nguồn thu thuế trực tiếp từ địa ốc và nhượng quyền đất đai đóng góp hơn ⅓ doanh thu tài khóa và giá đất chiếm khoảng 60% giá nhà ở. Ông viết. “Tuy nhiên, với việc dân số Trung Quốc đạt đỉnh điểm, lĩnh vực địa ốc đang ở bước ngoặt đi xuống, và tính bền vững lâu dài của tài chính đất đai là thấp.”
Bài báo trích dẫn dữ liệu cho thấy từ năm 2015 đến năm 2021, doanh thu chuyển nhượng đất đai và thuế đặc biệt đối với địa ốc của Trung Quốc cộng lại chiếm 26% đến 36.7% doanh thu tài khóa địa phương, nhưng tỷ lệ này đã giảm trở lại vào năm 2022 do thị trường đất đai sụt giảm và các khoản thanh toán chuyển nhượng cao cho các địa phương.
Các tỉnh phụ thuộc nhiều vào tài chính đất đai
Miền đông Trung Quốc có nền kinh tế phát triển, dân số liên tục đổ vào, và nhu cầu thị trường đất đai mạnh mẽ, tỷ trọng doanh thu chuyển nhượng đất đai trong tổng nguồn lực tài chính của địa phương (tức là sự phụ thuộc vào tài chính đất đai) là tương đối cao; còn miền tây và vùng đông bắc phụ thuộc nhiều hơn vào các khoản khoản thanh toán chuyển khoản của chính quyền trung ương.
Theo một báo cáo do hai nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Diễn đàn Kinh tế Trưởng Trung Quốc công bố hồi tháng 09/2022, sự phụ thuộc của các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương của Hoa lục vào tài chính đất đai dao động từ 25% đến 64% vào năm 2021. Trong số đó, các khu vực gần phía đông, chẳng hạn như Giang Tô, Chiết Giang, và Hồ Nam, đều dựa vào tài chính đất đai ở mức độ lớn hơn 60%.
Tiếp theo là các tỉnh (thành phố) Hồ Bắc, Phúc Kiến, Sơn Đông, An Huy, Tứ Xuyên, Quý Châu, và Trùng Khánh, nơi tỷ lệ phụ thuộc vào tài chính đất đai là hơn 55%. Đối với các tỉnh Vân Nam, Cam Túc, Tân Cương, và Ninh Hạ, tỷ lệ này là từ 30 đến 39%. Tây Tạng và Nội Mông có mức độ phụ thuộc thấp nhất, lần lượt chỉ với 29% và 25%.
Ngoài ra, các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh (41%) và Thượng Hải (41%) có mức độ phụ thuộc tương đối thấp vào tài chính đất đai do giao dịch thị trường địa ốc ở các thành phố này đang dần chuyển sang cổ phiếu.
Đâu là nguồn thay thế nguồn thu từ đất đai?
Vì tài chính đất đai không còn khả thi nữa, câu hỏi làm thế nào để bù đắp khoảng cách tài chính do giảm chuyển nhượng đất gây ra đã là một nhiệm vụ cấp bách đối với các chính quyền địa phương.
Một số chuyên gia tài chính Trung Quốc đã gợi ý rằng Trung Quốc nên giảm sự phụ thuộc vào tài chính đất đai và chuyển đổi sang tài chính cổ phần và tăng sự tham gia thị trường của vốn cổ phần thuộc sở hữu nhà nước; những người khác tin rằng tài chính đất đai của Trung Quốc nên được chuyển dịch sang tài chính thuế.
Về phương diện này, ông Phương Kỳ (Fang Qi), một chuyên gia tài chính kỳ cựu sống ở Vương quốc Anh, nói với The Epoch Times hôm 10/06 rằng việc chuyển đổi sang mô hình tài chính cổ phần là không khả thi.
Ông Phương nói, “lý do là Trung Quốc có hai bể chứa vốn: thị trường nhà ở và thị trường chứng khoán, vốn dĩ đã hấp thụ nhiều thanh khoản. Giờ đây nếu [ĐCSTQ] chỉ dựa vào thị trường chứng khoán, thì một là khối lượng thị trường không đủ lớn, và người dân không có niềm tin vào cổ phiếu; [đối với hầu hết người dân Trung Quốc] thì nhà ở vẫn là một tài sản hữu hình chân thật, trong khi cổ phiếu chỉ là một loạt con số.”
“Trong những tháng gần đây, ĐCSTQ đã khuyến khích người dân đầu tư vào thị trường chứng khoán, nhưng hiệu quả rất kém.”
Đối với tài chính thu được từ thuế địa ốc, ông Phương tin là địa ốc trong tay các quan chức tham nhũng gần như đã bị bán hoặc thanh lý hết theo quy trình pháp lý, khi xét đến thực tế rằng mạng lưới nhà nước của ĐCSTQ có thể giám sát các tài sản của tất cả mọi người ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo ông Phương, việc khai triển vẫn tồn tại nhiều vấn đề, “Ví dụ như tiền cho thuê đất trước đây có nên hoàn trả lại không? Quyền sở hữu đối với nhà ở tồn kho của Trung Quốc, đặc biệt là một số nhà ở của quân đội và chính quyền, là rất phức tạp và khó giải quyết.”
Ông Phương nói rằng tình hình chính sách tài chính đất đai ngày càng xấu đi càng làm nổi bật sự chia rẽ đang diễn ra giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương của ĐCSTQ.
“Nếu chính quyền trung ương [của ĐCSTQ] không cứu trợ, thì các chính quyền địa phương chỉ có thể tìm cách tự kiếm tiền: chẳng hạn như bán các ngành công nghiệp, áp đặt các hình phạt khắt khe hơn như tịch thu tài sản,” ông Phương nói. Ông cho biết thêm, rằng nếu không còn cách nào khác, thì các chính quyền địa phương “thậm chí còn có thể bán cả biên chế công chức (tức là mua quan bán chức)” như họ vẫn làm bấy lâu nay.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times