Nỗi sợ lây lan mở rộng khi cuộc khủng hoảng tiền mặt trong lĩnh vực địa ốc của Trung Quốc gia tăng
Lần đầu tiên, nhà phát triển địa ốc tư nhân lớn nhất Trung Quốc Country Garden đang tìm cách trì hoãn thanh toán trái phiếu tư nhân trong nước, dấu hiệu mới nhất cho thấy một cuộc khủng hoảng khan hiếm tiền mặt trong lĩnh vực địa ốc của nước này.
Thêm vào những lo lắng về rủi ro lây lan, một công ty tín thác lớn của Trung Quốc có truyền thống liên quan nhiều tới bất động sản, Công ty Cổ phần Tín thác Trung Dung (Zhongrong International Trust Co.), đã không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ đối với một số sản phẩm đầu tư.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng sự gia tăng vỡ nợ của các công ty tín thác, còn được biết đến như là các ngân hàng ngầm, có mối liên hệ chặt chẽ với lĩnh vực địa ốc trong nước, sẽ gây thêm áp lực lên nền kinh tế Trung Quốc.
Lo lắng về rủi ro lây lan đang lan rộng khắp các thị trường toàn cầu.
Từng được xem là một nhà phát triển lành mạnh hơn về mặt tài chính, những khó khăn của Country Garden cũng có thể gây ra tâm lý lo sợ trong những người mua nhà và các công ty tài chính.
Lĩnh vực địa ốc Trung Quốc đã phải chứng kiến doanh số sụt giảm, thanh khoản eo hẹp, và hàng loạt nhà phát triển vỡ nợ kể từ cuối năm 2021, trong đó Tập đoàn Hằng Đại (China Evergrande Group) là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ này.
Nhu cầu ở ngoại quốc yếu, tiêu dùng trong nước ảm đạm, và các vấn đề dai dẳng trong lĩnh vực địa ốc là những yếu tố chính khiến Trung Quốc phải chật vật có được sự phục hồi vững chắc hậu COVID.
Trong một hành động giáng một đòn mới vào tâm lý các nhà đầu tư, cuối tuần qua (12-13/08), hai công ty niêm yết của Trung Quốc cho biết họ chưa nhận được khoản thanh toán cho các sản phẩm đầu tư đáo hạn từ Trung Dung.
Các công ty tín thác, hay ngân hàng ngầm, vốn không phải hoạt động theo nhiều quy tắc quản trị ngân hàng và thường làm trung gian cho số tiền thu được từ các sản phẩm tài sản do ngân hàng bán cho các nhà phát triển và các lĩnh vực khác không thể khai thác trực tiếp nguồn vốn của ngân hàng.
Những lo ngại về sự liên quan quá mức với các nhà phát triển địa ốc của các ngân hàng ngầm Trung Quốc — một ngành công nghiệp trị giá 3 ngàn tỷ USD, bằng khoảng cỡ của nền kinh tế Anh quốc — đã tăng lên từ năm ngoái khi lĩnh vực này loạng choạng từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác.
Trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Hai (14/08), JPMorgan cho biết, việc gia tăng vỡ nợ trong lĩnh vực tín thác sẽ trực tiếp kéo giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ 0.3 đến 0.4 điểm phần trăm, đồng thời ngân hàng này dự đoán sẽ có một “vòng luẩn quẩn” của những thách thức tài chính địa ốc.
Nomura cho biết trong một ghi chú riêng, “Ngoài những rủi ro tài chính rõ ràng và sự lan truyền rủi ro, làn sóng vỡ nợ mới nhất từ các công ty quản lý tài sản đối với các sản phẩm liên quan đến tín thác có khả năng gây ra một số tác động đáng kể đến nền kinh tế rộng lớn hơn thông qua các hiệu ứng tài sản.”
‘Thời điểm then chốt’
Trong các hồ sơ khác nhau đệ trình vào cuối tuần qua, Country Garden đã cho biết họ sẽ tạm dừng giao dịch 11 trái phiếu trong nước từ hôm thứ Hai (14/08), một hành động mà các nhà giao dịch cho biết thường báo hiệu kế hoạch tìm kiếm các khoản gia hạn trả nợ.
Theo tính toán của Reuters, chỉ riêng trong tháng Chín, Country Garden có thể cần phải hoàn trả hơn 9 tỷ nhân dân tệ (1.25 tỷ USD) trái phiếu trong nước.
Việc đình chỉ trái phiếu trong nước xảy ra sau một bản tin của hãng truyền thông Trung Quốc Tài Kinh (Yicai) hôm thứ Sáu (11/08) rằng công ty đang hướng tới tái cấu trúc nợ, sau khi không thanh toán được hai phiếu trái phiếu phát hành bằng USD đáo hạn vào ngày 06/08 với tổng trị giá 22.5 triệu USD.
Những khó khăn của Country Garden đang làm tăng thêm mối lo ngại về lây lan trên thị trường địa ốc vốn đã đang chao đảo với nhu cầu yếu của người mua.
Ông Dickie Wong, giám đốc điều hành của Kingston Securities, cho biết: “Các vấn đề trong lĩnh vực này đã âm ỉ từ lâu, khiến hiệu ứng tài sản giữa các nhà đầu tư bị xóa sạch và không ai muốn mua địa ốc lúc này.”
Ông Wong cho biết tác động của lĩnh vực này đối với nền kinh tế đã chạm đến “thời điểm then chốt” và các cơ quan quản lý nên thực hiện nhiều chính sách hơn, bao gồm cả việc cắt giảm thêm lãi suất và tỷ lệ dự trữ.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm trong quý 2 khi nhu cầu trong và ngoài nước suy yếu, khiến các nhà phân tích hạ dự báo tăng trưởng của họ trong năm.
Clare Jim và Shuyan Wang của Reuters thực hiện
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times