Các chuyên gia: Các biện pháp cải tổ thị trường vốn của ĐCSTQ sẽ không ngăn được cuộc khủng hoảng kinh tế sắp xảy ra
Hôm 18/08, Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã đề xướng một số biện pháp nhằm vực dậy thị trường chứng khoán Trung Quốc, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc và tác động toàn cầu của xu hướng này.
Các biện pháp cải tổ được CSRC giới thiệu gồm có giảm phí giao dịch chứng khoán, đồng thời giảm tỷ lệ hoa hồng của các công ty chứng khoán; mở rộng hơn nữa phạm vi mục tiêu cho vay ký quỹ và cho vay chứng khoán; cải thiện hệ thống giảm cổ phần; tối ưu hóa công tác giám sát giao dịch và tăng tính thuận tiện, thông suốt cho giao dịch; cũng như nghiên cứu kéo dài thời gian giao dịch hợp lý trên thị trường cổ phiếu hạng A và thị trường trái phiếu chuyển đổi.
Ủy ban cũng đã hứa sẽ tạo thuận lợi cho việc mua lại cổ phần và khuyến khích đầu tư dài hạn để hỗ trợ thị trường chứng khoán.
Ngay sau khi các biện pháp này được ban hành, trang web tài chính lớn của Trung Quốc — trang Tài Tân (Caixin.com) — đã đưa tin rằng Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải, Sở Giao dịch Chứng khoán Thâm Quyến, và Sở Giao dịch Chứng khoán Bắc Kinh đã thông báo rằng họ sẽ tiếp tục giảm phí giao dịch chứng khoán kể từ ngày 28/08.
Nền kinh tế Trung Quốc vẫn trì trệ và thị trường bất động sản tiếp tục lao dốc, các đại gia bất động sản nối tiếp nhau vỡ nợ. Tập đoàn Evergrande đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ hôm 17/08, gây chấn động thị trường. Thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn còn yếu, đồng nhân dân tệ mất giá mạnh và đại công ty tín thác tài chính Trung Dung (Zhongrong Trust) cũng đang đối mặt với tình trạng vỡ nợ.
Các tài sản Trung Quốc, gồm cổ phiếu hạng A, cổ phiếu Hồng Kông, cổ phiếu khái niệm Trung Quốc, và tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ vẫn tiếp tục giảm, đồng thời dòng vốn ngoại quốc cũng liên tục chảy ra. Niềm tin của các nhà đầu tư toàn cầu vào tài sản Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất và các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang tự hỏi liệu chính quyền cộng sản Trung Quốc sẽ giải cứu những công ty Trung Quốc vỡ nợ này hay không.
CSRC đã trả lời 10 câu hỏi tại cuộc họp báo xung quanh các biện pháp cải tổ mới vào hôm 18/08, nhưng không đưa ra bất kỳ giải pháp nào cho các vấn đề mà thị trường quan tâm nhất.
Liên quan đến vấn đề thuế chuyển nhượng, CSRC chỉ gợi ý rằng sau khi được cơ quan cấp trên chấp thuận, cơ quan quản lý này mới có thể cắt giảm phí chuyển nhượng đối với tất cả các giao dịch chứng khoán. “Trong lịch sử, biện pháp này đã đóng một vai trò tích cực trong việc giảm chi phí giao dịch và phục hồi thị trường,” CSRC nói với các phóng viên.
Thị trường cũng kêu gọi sử dụng hệ thống T+0 (nhà đầu tư nhận được tài sản giao dịch trong cùng ngày giao dịch). Trung Quốc hiện đang áp dụng hệ thống giao dịch T+1 (nhà đầu tư nhận được tài sản giao dịch 1 ngày sau giao dịch).
CSRC cho biết việc khai triển hệ thống giao dịch T+0 trong giai đoạn này có thể làm tăng nguy cơ đầu cơ và thao túng thị trường. Do đó, thời điểm áp dụng hệ thống giao dịch T+0 chưa chín muồi.
Các biện pháp sẽ không hiệu quả
“Những biện pháp này sẽ có rất ít tác dụng, vì đây chỉ là các biện pháp bề mặt vì các biện pháp này không giải quyết được vấn đề căn bản là sự suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc,” Cold Eye on Finance, một chuyên gia tài chính trực tuyến, nói với The Epoch Times hôm 18/08.
“Mặc dù việc giảm chi phí giải quyết và một số biện pháp ưu đãi đã được sử dụng để thu hút các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, nhưng các biện pháp đó thực chất là để dẫn dụ mọi người đến tiếp quản mớ hỗn độn này.”
Ông nói thêm, “Bởi vì toàn bộ tài sản ở Trung Quốc đều đang suy thoái — cho dù đó là thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, hay các doanh nghiệp Trung Quốc đang chìm nghỉm — thì làm sao mà thị trường chứng khoán nước này có thể tốt được chứ?”
The Financial Times dẫn lời các nhà phân tích nói về các biện pháp rằng “kêu gọi mua lại cổ phiếu nhiều hơn sẽ giúp thúc đẩy tâm lý trong ngắn hạn, kể cả khi làm như vậy thì không có khả năng giải quyết được hoàn toàn tình trạng bất ổn đang đeo bám thị trường Trung Quốc.”
Hàng thập niên suy thoái phía trước
Cold Eye on Finance cho biết, “Vấn đề căn bản ở Trung Quốc bây giờ không phải là mọi người nên đầu tư vào thị trường chứng khoán như thế nào để vực dậy thị trường này, mà là cuộc khủng hoảng kinh tế ở Trung Quốc đang nghiêm trọng đến mức nào.”
Ông lấy ví dụ về sự phá sản của Tập đoàn Hằng Đại (Evergrande) và Bích Quế Viên (Country Garden). “Đối với thị trường bất động sản Trung Quốc, bong bóng thị trường bất động sản kéo dài 30 năm đang đổ vỡ, và với tốc độ ngày càng nhanh. Hầu hết các công ty bất động sản ở Trung Quốc đang đối mặt với nguy cơ phá sản.”
Theo thống kê được truyền thông Hoa lục công bố, trong nửa đầu năm nay, các công ty bất động sản Trung Quốc đã mất hơn 460 tỷ nhân dân tệ (63.2 tỷ USD) giá trị thị trường. Trong số 100 công ty bất động sản có giá trị vốn hóa thị trường hàng đầu của Trung Quốc, 70 công ty đã chứng kiến giá trị thị trường của họ sụt giảm. Sunac China, công ty có giá trị thị trường giảm nhiều nhất, đã giảm 68.28%.
Tình trạng các đại gia bất động sản vỡ nợ đã lan sang lĩnh vực tài chính. Tính đến ngày 31/07 năm nay, 106 sản phẩm tín thác đã vỡ nợ, với tổng giá trị khoảng 44 tỷ nhân dân tệ (6.04 tỷ USD), trong đó tài sản liên quan đến đầu tư bất động sản chiếm 74%. Năm ngoái cũng có các sản phẩm tài chính trị giá hàng tỷ dollar bị vỡ nợ.
“Giờ đây khi cộng đồng quốc tế đã nhận ra nguy cơ suy thoái kinh tế của Trung Quốc, thì ai cũng lo ngại về sự đổ vỡ của bong bóng thị trường bất động sản Trung Quốc,” Cold Eye on Finance cho biết.
“Khủng hoảng thị trường bất động sản, khủng hoảng ngân hàng, và vấn đề nợ địa phương của Trung Quốc, khi tất cả những rủi ro này kết hợp với nhau, thì các vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc không thể được giải quyết trong thời gian ngắn. Cuộc suy thoái này có thể kéo dài một hoặc hai thập niên, hoặc thậm chí là ba mươi năm.”
Ông tin rằng “ĐCSTQ khó có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng kinh tế này. Trong quá khứ, thế giới bên ngoài đã đến giải cứu vào những thời điểm khủng hoảng quan trọng. Ví dụ, khi nền kinh tế từng sắp sụp đổ, ĐCSTQ đã tiến hành cải tổ và mở cửa để thu hút đầu tư và công nghệ từ ngoại quốc để tồn tại. Hồi năm 1998, nhiều người đã bị sa thải và nền kinh tế dường như đang sụp đổ với cuộc khủng hoảng ngân hàng. Tuy nhiên, Trung Quốc được phép gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, chính tổ chức này đã cứu họ.”
“Nhưng giờ đây, có thể nói rằng không có lực lượng nào có thể cứu vãn nền kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, kết quả cuối cùng có thể là một vụ sụp đổ lớn, và cuộc khủng hoảng kinh tế của Trung Quốc có thể chính thức nổ ra. Lần này, ĐCSTQ sẽ không thể qua khỏi.”
Bản tin có sự đóng góp của Trình Tĩnh và Lạc Á
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times