Chính quyền Trung Quốc hạ lãi suất USD để ổn định đồng nhân dân tệ
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây đã thực hiện hai đợt giảm lãi suất tiền gửi bằng USD nhằm ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ Trung Quốc. Các nhà phân tích đã bày tỏ ngại về việc đồng nhân dân tệ mất giá nhanh chóng, một xu hướng có thể dẫn đến dòng tiền chảy ra khỏi Trung Quốc ngày càng tăng và có khả năng làm tăng rủi ro nợ của các chính quyền địa phương.
Theo một báo cáo đăng trên Securities Times của Trung Quốc hôm 05/07, một số ngân hàng Trung Quốc gần đây đã giảm lãi suất tiền gửi có kỳ hạn bằng USD.
Bắt đầu từ ngày 01/07, Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc đã loại bỏ lãi suất hàng năm 4.3% đối với các khoản tiền gửi có kỳ hạn một năm vượt quá 50,000 USD. Lãi suất hàng năm mới cho các khoản tiền gửi có kỳ hạn vượt quá 5,000 USD hiện được đặt ở mức 2.8%.
Ngân hàng Giao thông và một số ngân hàng thương mại cũng có điều chỉnh tương tự.
Hành động này đánh dấu lần thứ hai trong vòng một tháng ĐCSTQ hạ lãi suất tiền gửi bằng USD. Vào tháng Sáu, các ngân hàng quốc doanh lớn ở Trung Quốc đã hạ lãi suất tiền gửi bằng USD xuống 100 điểm cơ bản từ mức 5.3% trước đó.
Các quan chức của ĐCSTQ đã tuyên bố rằng một mục đích của những hành động này là để ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ. Dữ liệu công khai cho thấy đồng nhân dân tệ đã liên tục mất giá so với đồng USD kể từ đầu năm nay và tốc độ mất giá đã tăng nhanh hơn kể từ tháng Năm. Hôm 16/01, tỷ giá USD/CNY đạt mức thấp nhất là 1:6.71. Đến giữa tháng Năm vượt ngưỡng 1:7, cuối tháng Sáu vượt ngưỡng 1:7.2.
Hôm 13/07, chuyên gia tài chính Phương Kỳ (Fang Qi), một nhà tư vấn đầu tư sống ở Vương quốc Anh, nói với The Epoch Times rằng sự can thiệp của ĐCSTQ vào tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ phản ánh những lo ngại về tác động kinh tế tiềm tàng của việc đồng tiền này mất giá nhanh chóng.
Dòng vốn chảy ra
Ông Phương Kỳ giải thích rằng sự mất giá nhanh chóng của đồng nhân dân tệ có thể là do hai yếu tố: lãi suất ngày càng tăng ở Hoa Kỳ và lãi suất giảm ở Trung Quốc, dẫn đến chênh lệch lãi suất ngày càng lớn. Do đó, vốn quốc tế dự kiến sẽ chảy ra khỏi Trung Quốc.
Trong ngắn hạn, nếu đồng nhân dân tệ tiếp tục mất giá nhanh chóng, các quỹ có thể đẩy nhanh việc rút khỏi thị trường chứng khoán và bất động sản Trung Quốc, dẫn đến việc thanh lý nhiều loại tài sản bằng đồng nhân dân tệ.
Dữ liệu từ Refinitiv tiết lộ rằng vào tháng Năm, các nhà đầu tư ngoại quốc đã bán lượng cổ phiếu Trung Quốc trị giá 1.71 tỷ USD thông qua Kết nối chứng khoán Thượng Hải-Hồng Kông, một kênh xuyên biên giới quan trọng giữa Hoa lục và Hồng Kông. Số tiền này cao hơn đáng kể so với 659 triệu USD được bán vào tháng Tư.
Theo Morningstar, một công ty nghiên cứu đầu tư có uy tín tại Hoa Kỳ, các quỹ của Hoa Kỳ chuyên đầu tư vào Trung Quốc, Đài Loan, và Hồng Kông đã thu được 2.5 tỷ USD vào tháng Một nhưng phải đối mặt với 1.15 tỷ USD chảy ra từ tháng Hai đến tháng Tư.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, đã có một đợt rút vốn đáng kể trong ba tháng liên tiếp từ tháng Hai đến tháng Tư, với việc các nhà đầu tư ngoại quốc giảm hơn 45 tỷ USD khỏi lượng tài sản nắm giữ.
Một báo cáo do Hội đồng Đại Tây Dương công bố hôm 05/06 cho biết các nhà quản lý quỹ ngoại quốc đã tích cực bán chứng khoán Trung Quốc trong hai năm qua do mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng. Kể từ đầu năm 2022, các nhà đầu tư tổ chức quốc tế đã bán trái phiếu Trung Quốc trị giá 148 tỷ USD.
Sản xuất và xuất cảng tiếp tục sụt giảm
Ngoài ra, ông Phương Kỳ giải thích rằng sự mất giá nhanh chóng của đồng nhân dân tệ đồng nghĩa với việc tăng chi phí nhập cảng, đặc biệt là trong sản xuất chế tạo. Giá tài nguyên, thực phẩm, và nguyên liệu thô tăng cao sẽ góp phần làm tăng lạm phát nhập cảng, dẫn đến lạm phát đình trệ và suy giảm kinh tế hơn nữa.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang xấu đi, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất và các đơn đặt hàng xuất cảng tiếp tục yếu.
Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy trong tháng Sáu, Chỉ số Quản lý Mua hàng (PMI) của lĩnh vực sản xuất, phản ánh mức độ hoạt động sản xuất, đã tăng 0.2% so với tháng trước, đạt 49%. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn ở dưới ngưỡng 50%, cho thấy sự thu hẹp trong sản xuất. Đây là tháng thứ ba liên tiếp PMI sản xuất của Trung Quốc ở dưới ngưỡng này.
Ngoài ra, chỉ số đơn hàng xuất cảng mới cho lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, phản ánh hoạt động xuất cảng, tiếp tục giảm xuống mức 46.4% trong tháng Sáu, đánh dấu tháng thứ ba liên tiếp dưới ngưỡng.
Rủi ro nợ tăng cao
Ông Phương Kỳ bày tỏ lo ngại rằng để ổn định tỷ giá hối đoái của đồng nhân dân tệ, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của đất nước, có thể cần phải giảm bớt chính sách tiền tệ lỏng lẻo, điều này có thể làm tăng nguy cơ vỡ nợ đối với các khoản nợ khác nhau.
Ông Phương Kỳ giải thích rằng trước năm 2015, ĐCSTQ đã kiểm soát tỷ giá hối đoái để thu hút vốn ngoại quốc, nâng cao lợi thế xuất cảng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, kể từ năm 2015, ĐCSTQ đã dựa vào mô hình in tiền và thúc đẩy nợ để kích thích tăng trưởng kinh tế.
Theo dữ liệu công khai, cuối tháng Năm, dư nợ của các chính quyền địa phương Trung Quốc đã đạt mức đáng kinh ngạc 37.5579 ngàn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 5.2163 ngàn tỷ USD). Ngoài ra, theo dữ liệu từ tổ chức nghiên cứu China Iceberg, quy mô trái phiếu đầu tư đô thị của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đã vượt quá 65 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 9 ngàn tỷ USD) tính đến năm 2022. Tổng số nợ từ hai loại trái phiếu này đã vượt quá 100 ngàn tỷ nhân dân tệ.
Gần đây, các ngân hàng thương mại Trung Quốc, chẳng hạn như Ngân hàng Công thương Trung Quốc và Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, đã bắt đầu gia hạn các khoản vay mới với thời hạn lên tới 25 năm cho các nền tảng tài chính của chính phủ địa phương đủ điều kiện để được miễn trả lãi. Tuy nhiên, nếu các khoản nợ này không được hoàn trả, chúng có thể trở thành nợ xấu hoặc nợ khó đòi.
Về gánh nặng nợ to lớn của các chính quyền địa phương Trung Quốc, trang tin tài chính Tài Kinh Lãnh Nhãn (Caijing Lengyan) cho rằng trong trường hợp vỡ nợ, nhiều cổ đông hoặc chủ nợ của các ngân hàng Mỹ có thể gánh chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng thuộc sở hữu quốc doanh ở Trung Quốc sụp đổ, người gửi tiền sẽ phải chịu gánh nặng, điều này có thể giải thích cho việc một lượng tiền đáng kể đã biến mất khỏi nhiều ngân hàng Trung Quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times